Hành trình đi đến mục tiêu doanh thu 10.000 tỷ và đam mê M&A của Ban lãnh đạo KIDO Group

02/09/2020 10:00 AM | Kinh doanh

Để tiệm cận với CLB doanh thu 10.000 tỷ đồng ít ỏi ở Việt Nam trong ngành thực phẩm, KIDO Group đã mất 27 năm cùng rất nhiều quyết định M&A gây nhiều sự chú ý ở thị trường miền Nam. Ví dụ như mua thương hiệu kem Wall’s từ Unilever, bán mảng kinh doanh cốt lõi bánh kẹo cho Mondelez, thâu tóm 2 trong những công ty dầu ăn lớn nhất Việt Nam...

Sau rất nhiều năm vật lộn tìm những động lực tăng trưởng mới; KIDO Group đang dần đi vào ổn định khi đã chọn được 4 mảng để 'thi thố' tài năng: dầu ăn, kem, bánh và nước giải khát. Doanh nghiệp cũng đang gần đạt tới cột mốc mà họ hướng đến bấy lâu: đạt doanh thu 10.000 tỷ đồng. Hiện tại ở Việt Nam, trong ngành thực phẩm, CLB doanh thu hơn 10.000 tỷ đồng mới chỉ có Vinamilk và Masan.

"Muốn kêu gọi đầu tư dễ thì doanh thu của doanh nghiệp phải lớn, đó là lý do khiến chúng tôi muốn nhanh chóng sáp nhập các công ty con như KIDO Foods, dầu Tường An và Vocarimex vào công ty mẹ KIDO", ông Trần Lệ Nguyên – Tổng Giám đốc của KIDO Group chia sẻ.

Trong năm 2019, doanh thu thuần của KIDO đạt 7.210 tỷ đồng; còn doanh thu thuần 6 tháng đầu năm 2020 đạt 3.669 tỷ đồng. Ngoài ra, Ban lãnh đạo của KIDO cũng đang có nhiều chiến lược kinh doanh khác nhau nhằm nhanh chóng đưa doanh thu của doanh nghiệp cán mốc 10.000 tỷ đồng.

Có thể kể đến như quyết định quay trở lại mảng bánh kẹo bằng thương hiệu Kingdom, lấn sân mảng nước giải khát bằng cách hợp tác với Vinamilk thành lập công ty tên Vibev, có thể mở rộng thêm mảng dầu ăn bằng liên doanh với một doanh nghiệp nước ngoài…. Trong ĐHCĐ năm nay, KIDO đặt mục tiêu kinh doanh đến năm 2021 sau khi sáp nhập: doanh thu hợp nhất 13.523 tỷ đồng

Ngoài ra, có thể nói, hành trình tiệm cận cột mốc "doanh thu 10.000 tỷ đồng" của KIDO trong 27 qua luôn gây chú ý. Thêm nữa, không phải tất cả các chiến lược phát triển của KIDO đều thành công – ví dụ như mảng mì gói; tuy nhiên, nếu xét kỹ thì tỷ lệ thành công của KIDO vẫn rất lớn.

Đặc biệt, hiếm có doanh nghiệp Việt nào tích cực với chuyện M&A – sáp nhập, mua bán và liên doanh giống như KIDO. Xuyên suốt 27 năm phát triển, M&A luôn là giải pháp đầu tiên mà KIDO nghĩ đến khi muốn ‘tấn công’ sang một mảng mới trong ngành thực phẩm.

Hành trình đi đến mục tiêu doanh thu 10.000 tỷ và đam mê M&A của Ban lãnh đạo KIDO Group - Ảnh 1.

Ông Trần Lệ Nguyên – Tổng Giám đốc của KIDO Group

Mua nhà máy Kem từ Unilever năm 2003 và mảng kem đang mang lại lợi nhuận đáng kể cho KIDO


Năm 2003, KIDO Group – lúc đó còn có tên là Kinh Đô, đã khiến cả thị trường bất ngờ khi thông báo họ đã mua lại kem Wall’s từ "đại gia" Unilever. Theo đồn đoán, số tiền mà KIDO phải bỏ ra lúc đó cho thương vụ này khoảng 20 triệu USD.

Đến năm 2016, tại sự kiện CEO Forum, ông Trần Lệ Nguyên tiết lộ, doanh số của kem chiếm 75% doanh thu của Tập đoàn. Ngoài ra, ông cũng cho biết, có một đối tác sẵn sàng trả 200 triệu USD cho thương hiệu kem của KIDO, nhưng họ không bán. Có thể nói, sau khi bán mảng bánh kẹo cho Mondelez và tìm đường đi lên với mảng dầu ăn, mỳ gói thì mảng kem chính là công thần của KIDO.

Hiện tại, với sự lớn mạnh không ngừng của mảng dầu, mảng kem của KIDO không còn chiếm quá nhiều trong cơ cấu doanh thu Tập đoàn, nhưng lợi nhuận của nó vẫn rất tốt. Ngành lạnh của KIDO đạt doanh thu thuần 1.383 tỷ đồng trong năm 2019, lợi nhuận trước thuế đạt 185 tỷ đồng, vượt 489% so với năm 2018.

Doanh thu 7 tháng đầu năm 2019 của KIDO Foods đạt 832 tỷ đồng, giảm nhẹ 11% so với cùng kỳ năm trước, nhưng mức lợi nhuận trước thuế tăng ấn tượng 21% - đạt được khoảng 188 tỷ đồng, tương ứng với 94% mục tiêu lợi nhuận trước thuế cả năm.

Theo ông Trần Lệ Nguyên, sở dĩ ngành kem của KIDO tương đối thành công là nhờ những nguyên do sau: kem là ngành cạnh tranh khá khốc liệt và phân khúc trung cấp chưa doanh nghiệp Việt Nam nào làm. Triết lý kinh doanh của KIDO là luôn muốn sáng tạo ra những sản phẩm mới nhằm phục vụ người tiêu dùng tốt hơn.

Kem là một ngành có lợi nhuận khá cao trong lĩnh vực thực phẩm, tuy nhiên nó lại khó làm và rủi ro cao, bởi ngoài phải có thị trường lớn để giảm giá thành sản phẩm còn cần đầu tư logistic lớn. Bên cạnh nhà máy sản xuất kem, doanh nghiệp còn phải có xe chở hàng chuyên dụng, tủ lạnh trữ hàng… Do đó, tại Việt Nam rất ít công ty chịu nhảy vào ngành kem, phân khúc trung cấp - cao cấp càng không có ai ngoài KIDO với sản phẩm kem Merino và Celano.

Hành trình đi đến mục tiêu doanh thu 10.000 tỷ và đam mê M&A của Ban lãnh đạo KIDO Group - Ảnh 2.

Sản phẩm mới của thương hiệu Celano - kem trân châu đường đen đang bán chạy thứ 3 thị trường.

Trước khi muốn ra một sản phẩm mới, KIDO thường đi khảo sát xem mức giá nào ở phân khúc trung cấp mà khách hàng sẵn sàng móc tiền túi ra để mua. Sau khi xác định mức giá, KIDO sẽ nghiên cứu xem với mức giá đó thì nguyên liệu và mẫu mã như thế nào là tối ưu nhất, vừa khiến khách hàng hài lòng vừa mang lại lợi nhuận tốt cho doanh nghiệp.

"Hiện tại, ngành kem của chúng tôi đang tăng trưởng rất tốt, chiếm 41,4% thị phần tại Việt Nam. Trong vài năm gần đây, chúng tôi luôn linh hoạt và bám sát xu hướng tiêu dùng khi ra các sản phẩm mới, nhờ đó chúng bán rất chạy", ông Trần Lệ Nguyên cho hay.

Nhận thấy người tiêu dùng Việt Nam rất thích topping cũng như sản phẩm màu sắc đẹp – nhất là trẻ em, nên khoảng 1 năm gần đây, hầu hết sản phẩm kem của KIDO - nếu không có nhiều topping thì sẽ rất rực rỡ bắt mắt, ví dụ như kem dưa hấu, kem trà sữa trân châu với rất nhiều hạt trân châu. Sau khi ra mắt chưa được bao lâu, kem trà sữa trân châu của KIDO đã đứng top 3 sản phẩm kem bán chạy nhất.

Sắp tới, KIDO còn cho ra mắt 2 loại kem đặc biệt là kem sầu riêng với tạo hình hoàn toàn giống múi sầu riêng – với 50% nguyên liệu là thịt sầu riêng và kem Phô mai trân châu dâu và Phô mai trân châu hoàng kim.

Trong tương lai gần, KIDO đang có kế hoạch sẽ xuất khẩu kem ra nước ngoài. Hiện tại họ đã hoàn thành việc tìm đối tác để mở rộng thị trường này.

Bán mảng bánh kẹo cho Mondelez năm 2015 và đang quay trở lại lần nữa trong năm 2020


Đến năm 2015, khi mảng kem đi vào ổn định, KIDO lần nữa gây sốc khi quyết định bán mảng bánh kẹo mang thương hiệu Kinh Đô cho Mondelez. Có 2 nguyên do khiến mọi người ngỡ ngàng: đầu tiên, đây là mảng kinh doanh cốt lõi của họ, thứ hai bánh kẹo cũng chính là thứ tạo nên thương hiệu Kinh Đô. Sau khi bán hết 100% cổ phần cho đối tác ngoại, KIDO thu về gần 10.000 tỷ đồng và chính thức đổi tên thành KIDO Group.

Người bình thường tiếc nuối, nhưng với nhiều nhà tư vấn trong ngành, thì đây là một thương vụ thành công nổi bật trên thị trường. Lúc đó, thị trường bánh kẹo sắp bước vào giai đoạn bão hòa không còn tăng trưởng nóng – từ tăng trưởng 2 con số xuống thành 1 con số và KIDO cho rằng nó không còn nhiều không gian để phát triển hay bứt phá mạnh mẽ như trước.

Hơn nữa, nhờ số vốn có được từ việc bán bánh kẹo Kinh Đô đã giúp họ có lượng tiền lớn để tiến hành các thương vụ mua bán sáp nhập, như mua lại 65% cổ phần tại Công ty dầu Tường An và đầu tư 51% cổ phần tại Vocarimex.

Hành trình đi đến mục tiêu doanh thu 10.000 tỷ và đam mê M&A của Ban lãnh đạo KIDO Group - Ảnh 3.

KIDO lần nữa quay trở lại mảng bánh kẹo với thương hiệu Kingdom.

Đặc biệt hơn, sau 5 năm chia tay mảng bánh kẹo, giờ đây KIDO vẫn có thể đường đường chính chính quay trở lại sân chơi cũ và còn đặt mục tiêu đứng thứ 2 về thị phần. Sự tự tin của họ đến từ kinh nghiệm lâu năm trong ngành, hệ thống phân phối với 450.000 điểm bán ngành hàng khô và 120.000 điểm bán ngành hàng lạnh, hệ thống R&D, marketing, sales vững mạnh…

Tuy nhiên, tâm thế và chiến lược của KIDO Group trong lần thứ hai tham chiến ở thị trường bánh kẹo hoàn toàn khác lần 1. Như đã nói, trước đây, mảng bánh kẹo là tất cả với KIDO thì nay nó chỉ là 1 trong 4 ngành hàng chính – bên cạnh đồ lạnh, dầu ăn, nước giải khát, nên theo ông Trần Lệ Nguyên, tập đoàn này sẽ tấn công thị trường từng bước, chắc chắn.

Hiện tại, thị trường bánh kẹo còn chật chội hơn cách đây vài năm kèm với tỷ suất lợi nhuận trung bình vẫn không quá hai con số. Với quy mô 51.000 tỷ đồng, tương đương 2,2 tỷ USD, thị trường bánh kẹo được dự báo với tăng trưởng mỗi năm từ 8-10% giai đoạn 2015-2020, theo Business Monitor International.

Giải pháp của KIDO Group là chỉ tập trung vào khoảng 20 mặt hàng có thị trường lớn, phân khúc ít cạnh tranh, theo xu hướng và có tỷ suất lợi nhuận cao hơn trung bình thị trường. Đó là nguyên do họ chọn sản phẩm bánh trung thu để chào sân thị trường bánh kẹo và tiếp theo sẽ là bánh tươi; như những ‘quân tiên phong’ của thương hiệu mới Kingdom.

Mua lại dầu Tường An - Vocarimex nhưng chưa có nhiều thành công với mảng mới này


Trong liên tiếp 2 năm 2016 và 2017, KIDO đã bỏ ra vài nghìn tỷ đồng để thâu tóm 2 doanh nghiệp lớn trong ngành dầu Việt Nam là Tường An và Vocarimex. Tiền thân cả Tường An lẫn Vocarimex đều là công ty nhà nước.

Trước lúc vào tay KIDO giữa năm 2016, doanh thu và lợi nhuận của dầu Tường An đang có dấu hiệu đi ngang hoặc đi xuống. Doanh thu năm 2014 của Tường An đạt 4.123 tỷ đồng tương ứng lợi nhuận sau thuế 63 tỷ đồng; năm 2015 doanh thu 3.593 tỷ đồng tương ứng lợi nhuận 70 tỷ đồng.

Sau khi KIDO nhảy vào, kết quả kinh doanh của dầu Tường An có những bước thay đổi nhất định, đặc biệt ở khía cạnh lợi nhuận. Cụ thể, doanh thu năm 2016 của Tường An đạt 3.978 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 67 tỷ đồng; năm 2017 doanh thu thuần 4.338 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế tăng gần gấp đôi - 133 tỷ đồng; doanh thu 2018 đạt 4.409 tỷ đồng kèm lợi nhuận sau thuế 109 tỷ đồng và năm 2019 đạt 4.142 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 136 tỷ đồng.

Nếu so với Vocarimex, Tường An vẫn còn rất tốt. Do sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ, cộng với chi phí giá nguyên liệu cao cùng những biến động khó lường của thị trường, cộng việc KIDO đang cơ cấu lại sản phẩm; hoạt động kinh doanh của Vocarimex vẫn chưa thực sự hiệu quả. Tức sau khi về tay KIDO năm 2017, cả doanh số và lợi nhuận gộp của Vocarimex ngày càng đi thụt lùi.

Năm 2015, doanh thu thuần của Vocarimex đạt 5.035 tỷ đồng kèm lợi nhuận gộp 517 tỷ đồng; năm 2016, doanh thu thuần 5.567 tỷ đồng tương đương lợi nhuận gộp 492,4 tỷ đồng; 2017 doanh thu thuần 4.388 tỷ đồng và lợi nhuận gộp 157,2 tỷ đồng; 2018 doanh thu thuần 4.357 tỷ đồng, lợi nhuận gộp 74,5 tỷ đồng; năm 2019, doanh thu thuần 2.547 tỷ đồng, lợi nhuận gộp 45 tỷ đồng.

Hành trình đi đến mục tiêu doanh thu 10.000 tỷ và đam mê M&A của Ban lãnh đạo KIDO Group - Ảnh 4.

Lợi nhuận của Tường An đã được cải thiện rất nhiều sau khi về tay KIDO.

Tuy nhiên, trong năm 2020, ngành dầu của KIDO đang cho thấy những dấu hiệu khởi sắc. Doanh thu thuần 6 tháng đầu năm 2020 của dầu Tường An đạt 2.189 tỷ, vượt 28,12% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận trước thuế đạt 84,8 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái. Mục tiêu kinh doanh năm 2020 của dầu Tường An: doanh thu thuần hướng tới 4.558 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 193 tỷ đồng.

Định hướng trong thời gian tới, dầu Tường An sẽ tiếp tục tập trung đẩy mạnh các kênh bán hàng; gia tăng việc bán các sản phẩm ngành thực phẩm đóng gói, sản phẩm thiết yếu và mở rộng thêm một số ngành khác. Bên cạnh đó, dầu Tường An sẽ được tiếp tục thực hiện quy hoạch và tái cấu trúc danh mục sản phẩm, cải tiến sản phẩm, đa dạng hóa phân khúc nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Thương hiệu này còn muốn đầu tư để gia tăng độ phủ thị trường, nhằm đạt mục tiêu đưa Tường An trở thành công ty thực phẩm số 1 Việt Nam.

Phần mình, Vocarimex cũng có những tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu thuần 6 tháng đầu năm 2020 của Vocarimex đạt 1.373 tỷ, tăng 3,96% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận gộp đạt 33 tỷ, tăng 114,41% và lợi nhuận trước thuế đạt 111 tỷ, tăng 11,86% so với cùng kỳ năm trước.

Hiện KIDO đang đứng thứ 2 trong thị phần dầu ăn, nhưng với quy mô thị trường lên đến 30.000 tỷ đồng/năm, doanh nghiệp này còn rất nhiều không gian để phát triển.

Liên doanh Vibev với "đàn anh" Vinamilk


Tháng 6 vừa qua, KIDO thông báo, họ cùng Vinamilk đã ký thỏa thuận ghi nhớ liên quan đến việc thành lập liên doanh trong lĩnh vực nước giải khát – kem.

Trong đó, tỷ lệ vốn góp của Vinamilk là 51%, tỷ lệ vốn góp của KIDO là 49%. Lĩnh vực liên doanh của hai bên là sản xuất kinh doanh nước giải khát (bao gồm các loại nước có lợi cho sức khỏe, trà, trà sữa, v.v., không bao gồm các loại nước có ga), sản xuất và kinh doanh các loại kem và thực phẩm đông lạnh.

Nguyên nhân quan trọng khiến cả hai quyết định hợp tác cùng nhau là bởi ngành nước giải khát rất tiềm năng, còn tỷ trọng mảng nước giải khát không có gas ngày càng lớn. Năm 2014, tỷ trọng nước giải khát không gas chiếm 37% thị phần – tầm 29.694 tỷ đồng, đến năng 2019 nó tăng lên 41% - tầm 50.782 tỷ đồng.

Theo đó, chắc chắn Vibev sẽ được thụ hưởng thế mạnh của cả 2 thương hiệu quốc gia này: đó là hơn hơn 1.000.000 điểm bán nước trong đó có 600.000 điểm bán tạp hóa có các loại sữa, 450.000 điểm bán ngành hàng khô, 120.000 điểm bán ngành hàng lạnh; nguồn tài chính lớn, hệ thống logistis mạnh, thị trường thế giới… từ Vinamilk – KIDO

Hiện tại, dự án Vibev này vẫn trong giai đoạn triển khai và chưa ra sản phẩm chính thức.

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM