Xe khách lại tăng giá vé, làm khó người dân

10/04/2013 21:01 PM |

Thay vì tìm cách nâng chất lượng dịch vụ, nhiều doanh nghiệp (DN) đã rục rịch gửi thông báo tăng giá vé.

Dù chưa chính thức đến kỳ nghỉ lễ, song để phục vụ người dân, Công ty Quản lý bến xe Hà Nội đã chủ động tăng chuyến để không xảy ra cảnh ùn ứ. Thế nhưng, thay vì tìm cách nâng chất lượng dịch vụ, nhiều doanh nghiệp (DN) đã rục rịch gửi thông báo tăng giá vé. Điều này khiến không ít người dân lo ngại, bởi lẽ, nếu có một vài DN tăng, thì tức là mấy ngày nghỉ tới đây, việc đi lại của người dân không tránh được cảnh “bắt chẹt”.

Một số DN xe khách đã tăng giá vé từ 7 - 27%

Trao đổi nhanh với phóng viên, ông Nguyễn Hoàng Trung, Giám đốc Công ty Quản lý bến xe Hà Nội cho biết, tính đến ngày 9/4, đã có 5 DN vận tải gửi thông báo xin tăng giá cước xe khách, gồm Công ty TNHH Hưng Thành, Công ty cổ phần Vận tải ôtô Ninh Bình, Công ty Bảo Yến, Hợp tác xã vận tải ôtô Ninh Bình, Xí nghiệp Xe khách Nam Hà Nội. Mức giá tăng từ 7% - 27%, chủ yếu trên các tuyến đi Tây Bắc  và một số tuyến ngắn như Ninh Bình, Nam Định.

Cụ thể: Hà Nội - Sơn La sẽ tăng từ 180.000đ - 220.000đ; Hà Nội - Hà Giang tăng từ 180.000 - 220.000đ (giường nằm); Hà Nội - Lai Châu tăng từ 300.000đ - 320.000đ; Hà Nội - Tuyên Quang tăng từ 80.000 đ-100.000đ; Hà Nội - Kim Sơn (Ninh Bình)tăng từ 75.000đ -90.000đ; Hà Nội - Na Hang tăng từ 110.000đ đến 140.000đ… Giám đốc Công ty Quản lý bến xe Hà Nội cũng cho hay, từ nay đến dịp nghỉ lễ, không thể biết được còn có DN nào đề xuất tăng vé nữa không, vì việc này nằm ngoài khả năng của công ty.

Trước đó, để đảm bảo nguồn phương tiện phục vụ hành khách trong dịp lễ, Công ty Quản lý bến xe Hà Nội  cũng đã lên kế hoạch tăng cường xe. Cụ thể, Công ty Quản lý bến xe Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị vận tải đảm bảo đưa đủ phương tiện vào hoạt động, bổ sung xe, tăng cường xe đường dài cho các tuyến ngắn từ  chiều 18/4 và sáng 19/4, dự kiến tăng cường khoảng 280 lượt xe/ngày. Trong đó, tại Bến xe phía Nam là 100 lượt xe/ngày; tại Bến xe Mỹ Đình là 140 chuyến/ngày và  tại Bến xe Gia Lâm là 40 chuyến/ngày.

Chiều 26/4 và ngày 27/4 (tập trung chủ yếu vào buổi sáng) sẽ tăng cường khoảng 350 lượt xe/ngày. Trong đó, tại Bến xe phía Nam là 120 lượt xe/ngày, tại Mỹ Đình là 180 lượt xe/ngày và  tại Bến xe Gia Lâm là 50 lượt xe/ngày. Trong ngày 30/4 và 1/5/2013, lượng khách từ các tỉnh trở về Hà Nội về sẽ tăng cao, vì vậy nhu cầu tăng cường xe buýt để phục vụ chuyển tải hành khách từ các phương tiện liên tỉnh về Hà Nội. Tổng lượng xe dự kiến cần tăng cường là 400 lượt xe buýt, trong đó tại Bến xe phía Nam là 150 lượt, Bến xe Gia Lâm 100 lượt xe, Bến xe Mỹ đình 150 lượt xe.

Điều chỉnh một số tuyến xe khách tại bến Mỹ Đình

Thời gian qua, tại khu vực Bến xe khách Mỹ Đình, thường xuyên xuất hiện tình trạng mất trật tự an toàn giao thông và ùn tắc giao thông. Hiện tượng xe dù, bến cóc hoạt động ngày càng gia tăng gây bức xúc trong nhân dân. Lực lượng Công an, Thanh tra giao thông và chính quyền địa phương đã tăng cường ngăn chặn, kiểm tra, xử lý hàng trăm xe khách vi phạm, trong đó hàng chục trường hợp bị đình chỉ hoạt động.

Để chấm dứt hiện tượng mất trật tự an toàn giao thông và ùn tắc giao thông tại khu vực Bến xe Mỹ Đình, Sở GTVT Hà Nội đã xây dựng phương án trình thành phố về việc điều chuyển một số tuyến vận tải hành khách liên tỉnh ra khỏi bến Mỹ Đình về một số bến khác trên địa bàn.

Cụ thể, đối với tuyến đi các tỉnh phía Tây Bắc như Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu sẽ bố trí ở Bến xe Yên Nghĩa. Các tuyến đi tỉnh Nam Định, Thái Bình được bố trí chia đều cho hai bến xe Yên Nghĩa và Gia Lâm. Tổng số 525 phương tiện sẽ được điều chuyển; số chuyến xe điều chuyển 433 chuyến/ngày thuộc 59 đơn vị vận tải. Như vậy, tới đây sau khi điều chuyển, Bến xe Mỹ Đình chỉ còn 800 lượt xe/ngày; Bến xe Yên Nghĩa tăng lên 626 lượt xe/ngày; Bến xe Gia Lâm 667 lượt xe/ngày.

Việc bố trí điều chỉnh các tuyến như trên vẫn đảm bảo hợp lý, vì từ Bến xe Yên Nghĩa đi phía Tây Bắc theo quốc lộ 6, còn tuyến Thái Bình, Nam Định đi theo đường 70 hoặc đường Lê Trọng Tấn - Lê Văn Lương kéo dài - đường trên cao vành đai 3 để vào Bến xe Yên Nghĩa; và đi theo quốc lộ 1 - cầu Thanh Trì, hoặc quốc lộ 39, quốc lộ 5 vào Bến xe Gia Lâm. Việc điều chỉnh này có một số ưu điểm: Sẽ giảm tải bến xe Mỹ Đình, đặc biệt giờ cao điểm; việc bố trí biểu đồ tại Bến xe Yên Nghĩa đối với các tuyến này sẽ thuận tiện, không bị xáo trộn.

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, hiện Sở đang lên phương án chuẩn bị, có thể đến tháng 5 mới triển khai. Để ngay lập tức điều chuyển vài trăm lượt xe về bến mới là điều không đơn giản, vì nó sẽ ảnh hưởng đến sự đi lại của người dân, cũng như hoạt động của doanh nghiệp. Ông Nguyễn Hoàng Linh cho biết thêm: Thời gian đầu để người dân quen với việc di chuyển mới, có thể sẽ phải bố trí xe buýt miễn phí chở người dân từ bến Mỹ Đình tới các bến được điều chuyển.

Được biết, Bến xe Mỹ Đình đưa vào khai thác năm 2004 trên cơ sở di dời Bến xe Kim Mã, với tổng diện tích gần 20.000m2, có 217 doanh nghiệp đang hoạt động vận tải, 152 tuyến cố định. Số lượng xe xuất bến 920 - 950 lượt xe/ngày; cao điểm trung bình 1.233 lượt xe/ngày.


Theo Thanh Huyền

khanhnt

Cùng chuyên mục
XEM