Hà Nội tắc đường kinh hoàng sáng 10/9: Chuyên gia chỉ ra nhưng lỗ hổng nghiêm trọng

11/09/2019 14:01 PM | Kinh doanh

Hàng loạt tuyến đường tại Hà Nội sáng sớm ngày 10/9 đã xảy ra tình trạng ùn tắc nghiêm trọng, đặc biệt tại khu vực Cầu Tó (Thanh Trì – Hà Nội) nhiều người đã phải "chôn chân" suốt 2 giờ mới di chuyển khỏi khu vực. Theo đánh giá của chuyên gia, Hà Nội đang quy hoạch phát triển dân cư thiếu cân đối với hạ tầng giao thông.

Như Báo Gia đình & Xã hội đã thông tin đến bạn đọc về tình trạng rất nhiều tuyến đường tại Hà Nội sáng ngày 10/9 đã xảy ra tình trạng ùn tắc nghiêm trọng. Một số tuyến đường xảy ra ùn tắc đơn cử như: Đường Cầu Bươu, khu vực Cầu Tó – Phan Trọng Tuệ, đường Kim Giang, Nguyễn Trãi – Khuất Duy Tiến, cầu Thanh Trì, đường Tố Hữu…

Cũng theo ghi nhận của PV tại đường Cầu Bươu, tình trạng ùn tắc kéo dài đến hơn 10h sáng, lực lượng CSGT phải "căng mình" điều tiết.

Hà Nội tắc đường kinh hoàng sáng 10/9: Chuyên gia chỉ ra nhưng lỗ hổng nghiêm trọng - Ảnh 1.

Cầu Tó tắc kinh hoàng sáng ngày 10/9 được một cư dân sinh sống tại KĐT Đại Thanh ghi lại.

Tại Hà Nội sáng nay cũng xảy ra mưa, lượng mưa không to nhưng cũng đã khiến giao thông trở nên hỗn loạn ở nhiều địa điểm. Trước vấn đề này, chuyên gia cho rằng lỗ hổng gây ra tình trạng trên là do quy hoạch dân cư chưa đồng bộ với hạ tầng giao thông.

Hà Nội tắc đường kinh hoàng sáng 10/9: Chuyên gia chỉ ra nhưng lỗ hổng nghiêm trọng - Ảnh 2.

Nhiều phương tiện phải mất đến 2 giờ mới di chuyển qua điểm tắc này. Ảnh được người dân ghi lại.

Trao đổi về điều này, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm (nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam) cho biết, Hà Nội đã có 7 lần quy hoạch từ năm 2004 đến nay. Trong tất cả những lần quy hoạch đều đặt ra đảm bảo hài hòa việc phân bố dân cư, phân bố không gian và quy hoạch giao thông.

Gần đây nhất là quy hoạch được duyệt năm 2011, đến năm 2016 Thủ tướng Chính phủ có xác định quy hoạch giao thông, trong đó có xác định rõ quy hoạch nào được ưu tiên và mạng lưới giao thông sẽ phải điều chỉnh như thế nào. Đây là thách thức rất lớn cho thành phố Hà Nội bởi lịch sử để lại cho Hà Nội mạng lưới đường giao thông thấp hơn rất nhiều đối với định mức những đô thị khác.

Hà Nội tắc đường kinh hoàng sáng 10/9: Chuyên gia chỉ ra nhưng lỗ hổng nghiêm trọng - Ảnh 3.

Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm việc phát triển các khu đô thị tại Hà Nội chưa phát triển hạ tầng giao thông song hành. Ảnh: Lê Bảo.

"Ví dụ, bình thường một đô thị phải có 20 – 25% diện tích đất tự nhiên dành cho giao thông, nhưng Hà Nội mới đạt dưới 10%. Nên việc phát triển giao thông là nhu cầu rất lớn, đòi hỏi nguồn lực rất lớn. Chỉ tính riêng những tuyến đường trong nội đô tính đến năm 2030 phải cần đến trên 70.000 tỷ mới giải quyết nhu cầu cơ bản để hạn chế việc ách tắc giao thông. Trong khi đó, vừa thực hiện mạng lưới giao thông cho hoàn chỉnh nhưng vừa phải phát triển, phân bố dân cư. Tuy nhiên, quy hoạch trong nội đô hiện nay gia tăng vượt quá mức trong kế hoạch dự định", TS.TKS Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh.

TS. Đào Ngọc Nghiêm cũng đặt ra vấn đề, hiện nay xuất hiện tình trạng ùn tắc vùng ven, các khu đô thị mới thì tình trạng chung đó là hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng giao thông không phát triển song hành được cùng sự phát triển bên trong khu đô thị.

Hà Nội tắc đường kinh hoàng sáng 10/9: Chuyên gia chỉ ra nhưng lỗ hổng nghiêm trọng - Ảnh 4.

Tuyến đường Cầu Bươu phải "gánh" hàng chục tòa chung cư, nhiều khu đô thị xung quanh. Ảnh: Lê Bảo.

"Ví dụ như đường Lê Văn Lương có rất nhiều chung cư, công trình cao tầng, trong khi tuyến đường không cải tạo chỉnh trang. Vì vậy, hiện tượng ùn tắc giao thông là hiện tượng rõ nét nhất của Hà Nội. Đây là hệ quả của lịch sử để lại, đặc biệt thiếu sự cân đối giữa phát triển giao thông và phát triển các khu đô thị. Hay nói cách khác kế hoạch đầu tư về hạ tầng kết cấu giao thông với phát triển các khu chung cư, nhất là nhà chung cư cao tầng.

Đây là vấn đề tồn tại quản lý thực hiện theo quy hoạch, thiếu sự đồng bộ giữa kế hoạch hàng năm giữa quy hoạch dẫn đến hiện tượng tắc đường. Đây là vấn đề nay mới thấy nhưng khi bàn đến hiện thực này rất nhiều cơ quan quản lý đặt ra rồi", TS. Đào Ngọc Nghiêm nói.

Theo Lê Bảo

Cùng chuyên mục
XEM