Giấc mơ vượt Trung Quốc của Ấn Độ: Con đường chông gai và còn khá xa vời

05/06/2017 19:11 PM | Kinh tế vĩ mô

Có lẽ, giấc mơ vượt Trung Quốc của Ấn Độ vẫn còn khá xa vời.

Trong những năm gần đây, khi Trung Quốc khiến nhiều chuyên gia lo ngại về tình trạng tăng trưởng giảm tốc thì Ấn Độ lại nổi lên như một nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh, thu hút được lượng lớn nhà đầu tư nước ngoài. Thậm chí, chính phủ Ấn Độ cũng tự hào tuyên bố rằng đất nước mình là điểm sáng cho nền kinh tế toàn cầu.

Quốc gia có 1,3 tỷ người này có một hệ thống kinh tế nhiều lỗ hổng với tỷ lệ lạm phát cao, cơ sở hạ tầng yếu kém, dân số quá đông so với nguồn cung lương thực và phần lớn mọi người có thu nhập khoảng 3 USD/ngày. Tuy nhiên, Thủ tướng Narendra Modi lên cầm quyền vào năm 2014 đã cam kết thay đổi nền kinh tế nước này.

Những chính sách của nhà lãnh đạo mới đã giúp số người có thu nhập dưới chuẩn nghèo giảm hơn một nửa xuống còn 22%. Đặc biệt, số liệu tổng cục thống kê Ấn Độ tăng trưởng nước này đạt 7,6% năm 2016, cao hơn mức 7,2% năm 2014 và vượt qua mức tăng trưởng 6,9% của Trung Quốc.

Dẫu vậy, ánh hào quang của Ấn Độ có vẻ chưa được hoàn hảo như ý muốn khi những số liệu báo cáo gần đây cho thấy tăng trưởng kinh tế của nước này không thực sự hiệu quả.

Trong khi tăng trưởng giai đoạn từ năm 2016 đến đầu năm 2017 ở mức 7,1%, cao hơn so với Trung Quốc thì tăng trưởng GDP quý IV/2016 của nước này lại chỉ đạt 6,1%. Nguyên nhân chính của sự chênh lệch này là do cách tính tỷ lệ lạm phát trong GDP và những số liệu mới nhất cho thấy trên thực tế tăng trưởng của Ấn Độ đang chậm lại khá nhiều.

Giấc mơ vượt Trung Quốc của Ấn Độ: Con đường chông gai và còn khá xa vời - Ảnh 1.

Tăng trưởng của Ấn Độ đang gặp vấn đề

Theo nhiều chuyên gia, yếu tố gây ảnh hưởng lớn nhất đến đà tăng trưởng chậm lại của Ấn Độ chính là quyết định rút 86% lượng tiền mặt lưu thông trong xã hội của Thủ tướng Narendra Modi. Người tiền nhiệm của ông Modi là Cựu thủ tướng Manmohan Singh nhận định quyết định vội vàng này có thể khiến tăng trưởng của Ấn Độ giảm 2 điểm phần trăm.

Dẫu vậy, một số chuyên gia khác lại cho rằng nền kinh tế Ấn Độ gặp phải những thử thách lớn hơn rất nhiều so với việc thu hồi tiền mặt. Tổng giá trị gia tăng (GVA) của Ấn Độ đang giảm đều từ năm ngoái, từ mức 8,7% xuống 5,6%.

Thách thức đầu tiên với Ấn Độ là không có nhiều tập đoàn đầu tư vào nước này. Đúng là chính phủ Ấn Độ cũng như nhiều tập đoàn lớn đã có các tuyên bố xây dựng, hợp tác, M&A… nhưng con số giải ngân thực tế lại quá thấp. Tính theo % GDP, đầu tư tại Ấn Độ đã xuống dưới 30% và trên đà giảm trong khoảng 2016- đầu năm 2017.

Trong năm 2016, số liệu chính thức cho thấy đầu tư tư nhân đã giảm 1,9% trong quý I và 3,1% trong quý II.

Nguyên nhân chính khiến các công ty chậm trễ giải ngân là chính phủ nước này chưa đủ mạnh tay để giải quyết tình trạng nợ xấu khổng lồ cũng như thông qua các bộ luật giải quyết cho phá sản, khiến hệ thống tài chính gặp nguy hiểm lớn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài. Thêm vào đó, Ngân hàng trung ương Ấn Độ (RBI) được trao quá nhiều quyền lực để can thiệp vào thị trường và điều này khiến các doanh nghiệp nước ngoài lo lắng.

Một nghiên cứu mới đây cho thấy tỷ lệ nợ khó đòi của các ngân hàng quốc doanh Ấn Độ đã tăng 56% năm 2016 và 135% trong vòng 2 năm qua. Những khoản nợ này hiện chiếm 11% tổng số các khoản tín dụng của những ngân hàng nhà nước.

Hầu hết những khoản đầu tư vào Ấn Độ hiện nay nhằm vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng và buộc phải giao dịch thông qua ngân hàng. Dẫu vậy, những ngân hàng quốc doanh lớn của nước này lại đang ngập trong nợ nần và tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng nước này đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập niên qua.

Thậm chí nếu các ngân hàng thương mại cho vay nhiều hơn, các công ty cũng chưa chắc dám vay bởi lãi suất hiện nay tại Ấn Độ quá cao. Việc nâng lãi suất đối phó lạm phát của RBI là dễ hiểu nhưng điều này lại gián tiếp làm khó các công ty khi họ muốn vay vốn.

Giấc mơ vượt Trung Quốc của Ấn Độ: Con đường chông gai và còn khá xa vời - Ảnh 2.

Ngân hàng trung ương Ấn Độ đang đánh giá thái quá nguy cơ lạm phát

Hơn nữa, việc bộ máy hành chính công cồng kềnh đang khiến Ấn Độ mất điểm nặng trước nhà đầu tư. Dù thị trường tiêu dùng lớn và tầng lớp trung lưu ngày một nhiều, thu hút được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp nhưng môi trường đầu tư, kinh doanh ở Ấn Độ vẫn chưa thực sự mở cửa, chính phủ vẫn can thiệp quá nhiều vào thị trường.

Mặc dù Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ đã tuyên bố rằng nước này phải đối phó với nhiều khó khăn như hạn hán, qua đó khiến tăng trưởng GDP chậm lại nhưng các chuyên gia cho rằng nhận định như vậy chưa chính xác. Kể từ sau năm 2014, nền kinh tế Ấn Độ đã gặp được nhiều cơ hội như hoạt động kinh doanh tăng trưởng, giá hàng hóa đi lên và tăng trưởng GDP mạnh hơn.

Thậm chí trong mùa hạn nóng trước đó, tăng trưởng của nước này cũng khá ấn tượng. Nói cách khác, đà tăng trưởng mạnh 2 năm qua của Ấn Độ đang giảm tốc không phải vì hạn hán mà chính những yếu tố cơ bản trong nền kinh tế đang kéo các chỉ số đi xuống.

Trong 3 năm qua, Ấn Độ chỉ tập trung vào định hướng kinh tế mà quên mất câu chuyện cải tổ cả hệ thống, tái cấu trúc những bộ phận không hiệu quả nhỏ nhất trong bộ máy. Việc quá chú trọng vào marketing một “điều thần kỳ Ấn Độ” mà không có những chính sách mạnh tay đang khiến giới đầu tư nước ngoài lo ngại và ngừng rót tiền vào thị trường này.

Hàng loạt nhưng chương trình cải tổ của Ấn Độ như cổ phần hóa ngân hàng quốc doanh, đơn giản hóa các quy định sở hữu bất động sản và luật lao động, minh bạch hóa hệ thống tư pháp… đã bị trì hoãn tại Ấn Độ do liên quan đến quá nhiều lợi ích. Bởi vậy, không có gì khó hiểu khi Ấn Độ vẫn chưa thể vượt qua Trung Quốc để trở thành nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

BT

Cùng chuyên mục
XEM