Giá viên nén gỗ lao dốc sau cơn sốt: Nhiều DN Việt sản xuất dưới giá vốn, ngừng hoạt động, ông chủ Gỗ An Cường đã đúng?

14/07/2023 16:45 PM | Kinh doanh

Giá viên nén gỗ xuất khẩu thấp nhất (FOB Việt Nam) giảm xuống chỉ còn 78 USD/tấn (tháng 4/2023). Đây là mức giá được xác định nằm dưới mức giá sản xuất.

Giá viên nén gỗ lao dốc sau cơn sốt: Nhiều DN Việt sản xuất dưới giá vốn, ngừng hoạt động, ông chủ Gỗ An Cường đã đúng? - Ảnh 1.

Báo cáo “Sản xuất và xuất khẩu viên nén từ Việt Nam: Thực trạng và xu hướng thị trường đầu ra sản phẩm” do Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định và Tổ chức Forest Trends vừa công bố ghi nhận giá viên nén gỗ đang giảm mạnh sau đợt tăng sốt đầu năm.

Hồi tháng 3/2022, khi Chính phủ Nga ban hành lệnh cấm xuất khẩu một số sản phẩm gỗ, trong đó có viên nén và gỗ tròn để trả đũa các lệnh trừng phạt của các nước châu Âu thì nguồn cung viên nén xuất khẩu 2,4 triệu tấn/năm từ thị trường Nga bị mất hoàn toàn. Điều này buộc các nước đang nhập khẩu viên nén từ Nga (chủ yếu là EU) phải tìm kiếm nguồn cung thay thế.

Điều này khiến cho giá của viên nén gỗ - một loại nhiên liệu tái tạo được dùng phổ biến trên thế giới, làm từ chất thải của gỗ Thông, gỗ cao su (mùn cưa và dăm gỗ…) - tăng sốc.

Giá viên nén gỗ xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc và Nhật Bản vào những tháng đầu năm 2022 dao động khoảng 140 USD/tấn (FOB Việt Nam). Mức giá sau đó tăng rất mạnh, đạt 180 - 190 USD/tấn vào những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023.

Dù vậy, đến nay mức giá này đã quay đầu giảm sâu, đặc biệt tại thị trường Hàn Quốc. Theo một số doanh nghiệp xuất khẩu, giá xuất khẩu vào thị trường Hàn Quốc trong tháng 6/2023 chỉ đạt khoảng 110 USD/tấn trong khi mức giá xuất khẩu đi Nhật đạt 145 - 165 USD/tấn.

Giá xuất khẩu thấp nhất (FOB Việt Nam) giảm xuống chỉ còn 78 USD/tấn (tháng 4/2023). Đây là mức giá được xác định nằm dưới mức giá sản xuất. Điều này làm cho một số doanh nghiệp viên nén gỗ Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ không có tiềm lực về tài chính phải ngừng sản xuất.

Giá viên nén gỗ lao dốc sau cơn sốt: Nhiều DN Việt sản xuất dưới giá vốn, ngừng hoạt động, ông chủ Gỗ An Cường đã đúng? - Ảnh 2.

Nguyên nhân được biết, nếu trước đây Việt Nam là nguồn cung viên nén chính cho Hàn Quốc (cung 80% trong tổng nhu cầu sử dụng của thị trường này), thì nay Hàn Quốc đang đa dạng hóa nguồn cung, bao gồm cả nguồn nhập khẩu từ Nga. Chiều ngược lại, Nga từng chủ yếu xuất vào EU thì sau xung đột Nga – Ukraine đã và đang đẩy mạnh xuất sang các thị trường khác. Đồng nghĩa, hàng xuất của Việt Nam đối mặt với sự cạnh tranh lớn.

Giá viên nén gỗ lao dốc sau cơn sốt: Nhiều DN Việt sản xuất dưới giá vốn, ngừng hoạt động, ông chủ Gỗ An Cường đã đúng? - Ảnh 3.

Điều này đúng với dự báo của một lãnh đạo doanh nghiệp Gỗ An Cường (ACG) trong “cơn sốt” năm 2022. Khi được hỏi Công ty có kế hoạch đón đầu cơ hội từ sản phẩm viên gỗ nén không, đại diện ACG nhấn mạnh: “Viên gỗ nén chỉ là giải pháp tình thế, không phải xu hướng tương lai quá mạnh mẽ, không phải như Tesla sản xuất xe điện”.

Do đó, ACG khẳng định chưa nghĩ đến hay có định hướng phát triển sản phẩm này, vì các sản phẩm của ACG hiện vẫn đang tập trung ở thị trường nội địa. Các sản phẩm chỉ đáp ứng một thời điểm, và cũng “lạ”, chưa biết đi về đâu nên không phải chiến lược hay.

Được biết, ACG có tiền thân là Công ty TNHH Thương mại An Cường, được thành lập từ năm 1994. Công ty chủ yếu mua nguyên liệu từ nguồn cung cấp trong nước qua các nhà cung cấp. Hoạt động kinh doanh chủ yếu gồm sản xuất và kinh doanh vật liệu giải pháp và nội thất làm bằng gỗ công nghiệp và các dịch vụ hỗ trợ đi kèm.

Hiện doanh thu của Công ty chủ yếu đến từ thị trường nội địa. Dù vậy, từ 2018 ACG cũng đã bắt đầu đẩy mạnh thị trường xuất khẩu để giảm bớt phụ thuộc vào thị trường bất động sản trong nước. Thị trường phân phối của ACG có thể kể đến như Campuchia, Malaysia, Nhật Bản, Canada, Mỹ, Úc…. Công ty đặt mục tiêu đến 2025, tỷ trọng xuất khẩu đạt 15-18% tổng doanh thu.

Về kinh doanh, năm 2022 ACG đạt 4.475 tỷ đồng doanh thu, tăng 36% so với năm 2021. Khấu trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế Công ty đạt gần 616 tỷ đồng, tăng 36%.

ACG cho biết cơ cấu doanh thu năm 2022 có sự dịch chuyển theo hướng tích cực với sự gia tăng tỷ trọng đáng kể ở phân khúc khách hàng là nhà phân phối là đơn vị thi công thiết kế, chiếm 72% tổng doanh thu, tăng 3% so với năm 2021.

Năm 2023 ACG dự kiến vẫn sẽ còn nhiều khó khăn do tâm lý thận trọng chi tiêu của người dân ảnh hưởng đến sức mua của khách hàng. Ngoài ra thị trường bất động sản vẫn chưa có tín hiệu khả quan, cảnh báo khó khăn kéo dài, nên Công ty cũng sẽ đối mặt với nhiều thách thức.

Dựa vào những dự báo, ACG đặt mục tiêu đạt 5.000 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 11,7% so với năm 2022. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế cũng dự kiến tăng trưởng 8,5% lên 668 tỷ đồng.

Theo Tri Túc

Cùng chuyên mục
XEM