Gần 70 dự án trọng điểm mời gọi đầu tư vào Đồng bằng sông Cửu Long

02/07/2016 09:59 AM | Kinh tế vĩ mô

Ông Sơn Minh Thắng - Phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ đánh giá hiện nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ĐBSCL còn thấp. Đến nay mới thu hút được 1.205 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 18 tỷ USD, chủ yếu tập trung ở địa bàn tỉnh Long An và TP Cần Thơ.

Theo ông Sơn Minh Thắng, ĐBSCL có 13 tỉnh, TP với diện tích gần 40.000 km2, dân số khoảng 18 triệu người. Đây là vùng sản xuất nông nghiệp, thủy sản hàng hóa lớn, hàng năm đóng góp khoảng 90% sản lượng gạo, 70% sản lượng trái cây, 60% sản lượng thủy sản xuất khẩu... Trong những năm qua, hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch của vùng có nhiều bước tiến đáng kể, nhưng nhìn chung vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.

Do đó tại “Hội nghị Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - TPHCM” tổ chức tại TPHCM ngày 1/7, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã giới thiệu 69 dự án trọng điểm mời gọi nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Hầu hết địa phương tập trung nhiều vào các dự án hạ tầng giao thông, cảng; chú trọng nhất mời gọi đầu tư phát triển các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao không chỉ trong lĩnh vực trồng trọt mà cả trong lĩnh vực thủy sản; mong nhận nhiều đầu tư vào chế biến nông - thủy sản, phát triển các khu thương mại - dịch vụ tiêu chuẩn quốc tế, xây dựng khách sạn cao cấp, khu du lịch - giải trí.

Các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang còn tập trung mời gọi đầu tư vào các dự án phát triển kinh tế biển.

TP Cần Thơ có các dự án: Khu nông nghiệp công nghệ cao 1; Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Cần Thơ; Khu nông nghiệp công nghệ cao 3; Khu công nghệ thông tin tập trung; Khu du lịch Cồn Sơn.

Tỉnh An Giang và Long An tiếp tục mời gọi đầu tư vào các khu thương mại – dịch vụ, khu kinh tế cửa khẩu.

Quan tâm đến việc tiêu thụ nông sản, tỉnh Hậu Giang mời gọi đầu tư vào chợ nông sản chất lượng cao quy mô đến 100ha và tỉnh Vĩnh Long mời gọi đầu tư vào Trung tâm giao dịch hàng nông sản Bình Minh trên diện tích 1,1ha.

Riêng tỉnh Cà Mau còn có các dự án đầu tư cảng biển tổng hợp Hòn Khoai; Nhà máy sửa chữa và đóng mới tàu, thuyền; Nhà máy sản xuất hóa chất, chế phẩm sinh học; Nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi gia súc và nuôi trồng thủy sản.

Tỉnh Đồng Tháp kêu gọi đầu tư nhà máy chế biến trái cây và nước ép trái cây; Tỉnh Bến Tre kêu gọi đầu tư và kinh doanh hạ tầng trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Tỉnh Kiên Giang có các dự án đầu tư nuôi tôm công nghiệp; Nhà máy chế biến rơm (làm bột giấy); Nhà máy xay xát, lau bóng gạo; Nuôi tôm công nghiệp; Nuôi trồng thủy sản trên biển.

Tỉnh Sóc Trăng có các dự án: Nhà máy chế biến sữa bò; Khu công nghiệp Trần Đề; Khu du lịch sinh thái Hồ Bể; Cảng Đại Ngãi.

Tỉnh Bạc Liêu kêu gọi đầu tư dự án khu dịch vụ hậu cần nghề cá; sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nhà máy chế biến nông sản (hoa màu) gắn với đầu tư liên kết sản xuất theo cánh đồng lớn…

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong khẳng định, chính quyền TPHCM cam kết sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư, kinh doanh. Đồng thời, tiếp tục cùng với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, các Bộ, ngành Trung ương nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.

Duy Khánh

Cùng chuyên mục
XEM