Đừng nghĩ cứ chăm chỉ là thành công, bạn sẽ cả đời chẳng giàu sang nổi nếu thiếu 4 yếu tố này!

17/08/2018 16:22 PM | Sống

Ngay từ khi còn nhỏ, hầu hết mỗi chúng ta đều được học rằng phải làm việc chăm chỉ. Con ong phải chăm chỉ mới kiếm được mật. Con người phải chăm chỉ mới kiếm được thành công. Tuy nhiên, theo thời gian, ta dần dần trưởng thành và nhận ra, “làm việc chăm chỉ” chưa bao giờ là đủ để đạt được ước mơ làm giàu.

Trở thành triệu phú tự lập ở tuổi 35, nhà sáng lập và giám đốc điều hành (CEO) của VaynerMedia - Gary Vaynerchuk luôn là tấm gương, là người truyền cảm hứng cho giới trẻ. Vaynerchuk cho rằng, làm việc chăm chỉ là con đường dẫn lối đến thành công. Ông từng nói với mọi người về việc không có người nào trở nên giàu có, thành công mà không làm việc một cách nghiêm túc và chăm chỉ. Tất nhiên, điều này là đúng. Tuy nhiên, theo nhà sáng lập - giám đốc điều hành Edelman Financial Services - một trong những công ty tư vấn tài chính hàng đầu thế giới Ric Edelman thì việc chăm chỉ đó "chỉ là một phần câu chuyện". "Nếu tất cả những gì bạn làm cả đời là chăm chỉ làm việc, bạn sẽ không bao giờ trở nên giàu có được. Bởi làm việc chăm chỉ chưa đủ để bạn kiếm tiền và tiết kiệm".

Rõ ràng, bên cạnh sự cố gắng và chăm chỉ, còn rất nhiều yếu tố khác quyết định đến thành công của bạn.

1. Khả năng đối mặt và chấp nhận rủi ro

Trong cuộc sống hay trong công việc, dù cho con người có chuẩn bị và lên kế hoạch một cách cẩn thận, kĩ càng đến mấy vẫn luôn có những sự cố bất ngờ, những rủi ro bất chợt xảy đến. Đó là điều không thể tránh khỏi. Đằng sau thành công của những doanh nhân thành đạt nhất là những rủi ro lớn luôn sẵn sàng xuất hiện và phá hủy sự nghiệp của họ bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, theo tỷ phú Mark Zuckerberg - giám đốc điều hành và nhà sáng lập Facebook thì "Rủi ro lớn nhất là chẳng đối mặt với rủi ro nào. Trong một thế giới đang thay đổi rất nhanh, chiến lược mà chắc chắn sẽ thất bại chính là tránh xa các rủi ro".

Cơ hội càng lớn, thách thức càng cao, rủi ro càng nhiều, đặc biệt là trong kinh doanh. Tuy nhiên, nếu vì thế mà không dám nắm bắt cơ hội, không dám đối mặt với thách thức, thì bạn cũng sẽ không thể tiếp cận với thành công.

Đừng nghĩ cứ chăm chỉ là thành công, bạn sẽ cả đời chẳng giàu sang nổi nếu thiếu 4 yếu tố này!  - Ảnh 1.

2. Tinh thần lạc quan

Từ bỏ một công việc có mức lương ổn định, vay vốn, lập một công ty và khởi nghiệp là một hành động khá điên rồ đối với nhiều người. Bao nhiêu thách thức, rủi ro có thể xảy đến, có thể thất bại bất cứ lúc nào, thậm chí phải đối mặt với nguy cơ gánh vác một khoản nợ khổng lồ khó chi trả. Vì vậy, một trái tim kiên cường và tinh thần lạc quan là vô cùng cần thiết, đặc biệt là với người làm kinh doanh.

Huyền thoại Lee Iacocca, Chủ tịch hãng Chrysler là người đã vực dậy và đưa tập đoàn này trở lại những thành công vang dội. Đúng là ông đã nhận được sự trợ giúp với khoản cho vay của chính phủ giúp công ty duy trì hoạt động. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian khó khăn nhất, Iacocca đã thể hiện tinh thần lạc quan mạnh mẽ, tin rằng công ty sẽ vượt qua được thách thức này. Chính sự lạc quan này của ông đã truyền cảm hứng cho nhiều nhân viên tài năng dưới quyền, thôi thúc họ tiếp tục cố gắng làm việc. Và cuối cùng, họ đã thật sự thành công.

3. Khả năng giao tiếp

Dù trong cuộc sống hay công việc, việc tiếp xúc và duy trì các mối quan hệ ràng buộc lẫn nhau là điều không thể thiếu. Đó cũng là lý do việc rèn luyện khả năng giao tiếp là cần thiết với tất cả mọi người.

Thật khó để bắt gặp ở một doanh nhân thành công sự vụng về trong giao tiếp. Họ phải thuyết phục nhà đầu tư, đàm phán với đối tác, gặp gỡ khách hàng và quản lý nhân viên. Tất cả những điều đó đều đòi hỏi ở họ một kỹ năng giao tiếp khéo léo hơn bất cứ ai. Giao tiếp giỏi không chỉ đơn giản và giới hạn ở khả năng ăn nói, cách sử dụng ngôn từ chuẩn mực và chính xác mà còn ở ngôn ngữ cơ thể, sự lắng nghe, tôn trọng đối phương và kiểm soát được cảm xúc của bản thân.

4. Tinh thần học hỏi

Không có bất kì người thành công nào trên thế giới có thể gây dựng được một sự nghiệp đáng ngưỡng mộ mà không có tinh thần ham học hỏi. Họ chưa bao giờ ngừng lại việc học của mình. Học hỏi từ những người đi trước, học hỏi từ đồng nghiệp, học hỏi từ đối thủ, và thậm chí học hỏi từ những thất bại của bản thân.

Vấp ngã và thất bại không đáng sợ, đáng sợ là bản thân bạn không dám nhìn lại và rút ra được bài học từ nó.

Một thìa dũng cảm, một chút khéo léo, một ít lạc quan, lại thêm chút kiên trì học hỏi, chỉ cần chăm chỉ nấu chúng bằng ngọn lửa cần mẫn nữa thôi, nồi súp thành công của bạn sẽ sớm được hoàn thành một cách thật ngon miệng!

Theo Nguyễn Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM