Du lịch và hàng không có cùng cất cánh?

25/04/2017 15:50 PM | Xã hội

Sự kiện Jordan Vogt-Roberts, đạo diễn bom tấn phim Kong: Skull Island được chọn làm Đại sứ Du lịch Việt Nam từ nay đến năm 2020 là một sự kiện chưa từng có tại Việt Nam. Lần đầu tiên một người nước ngoài được chọn làm đại sứ du lịch và đó lại là một đạo diễn.

Đây không phải là lần đầu tiên hình ảnh Việt Nam xuất hiện trong các bộ phim của nước ngoài, nhưng quả thực Jordan đã mang hình ảnh kì vĩ của Hạ Long, nét thơ mộng của Tràng An chạm đến tim của hàng triệu khán giả trên toàn thế giới. Hàng loạt các tour du lịch ăn theo bộ phim thiết kế từ Hạ Long đến Quảng Bình, thúc đẩy khách du lịch đến với Việt Nam để trải nghiệm “đảo đầu lâu”.


Vịnh Hạ Long, một trong những điểm du lịch thu hút khách nước ngoài khi đến Việt Nam

Vịnh Hạ Long, một trong những điểm du lịch thu hút khách nước ngoài khi đến Việt Nam

Smith, du khách người Anh đáp chuyến bay của Bristish Airway đến Hà Nội. Anh dành 3 ngày trên Sapa, sau đó ghé 1 ngày thăm Tràng An và đáp chuyến bay từ Hà Nội đi TP.HCM để khám phá các tỉnh miền Nam Việt Nam. Có rất nhiều chuyến bay cho Smith lựa chọn, với chi phí khá rẻ, và đượng nhiên là thuận tiện hơn đi tầu, xe.

Không chỉ Smith là khách du lịch nước ngoài, hiện tại thói quen du lịch của người dân Việt Nam cũng thay đổi khi hạ tầng đã có sự phát triển đáng kể. Trước đây, một gia đình một năm chỉ đi du lịch một lần theo chế độ của cơ quan vào dịp hè, còn hiện bây giờ, các gia đình đi du lịch quanh năm.

Việt Nam đã chứng kiến sự thay đổi chóng mặt của hạ tầng hàng không trong 5 năm trở lại đây, khi đất nước này đã nhận được sự quan tâm và quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ trong việc đầu tư mở rộng các nhà ga tại hầu hết các địa phương, nhất là các điểm đến du lịch của cả nước. Xã hội hóa trong hạ tầng hàng không với sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân đã thúc đẩy đầu tư không chỉ vào lĩnh vực hàng không như đầu tư hạ tầng mà còn thu hút vốn đầu tư vào dịch vụ kỹ thuật, đầu tư kho bãi, dịch vụ mặt đất.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc hãng hàng không Vietjet, trả lời “sự đông đúc trong giao thông là một tín hiệu tích cực của tăng trưởng kinh tế. Tất cả các thành phố phát triển trên thế giới như Bangkok, London, New York... thì sân bay đều đông đúc, còn trong thành phố thì kẹt xe” khi được cổ đông hỏi về mối lo ngại của ngành hàng không trước sự quá tải của hạ tầng.

Bà Thảo cho rằng Việt Nam đang có tiềm năng phát triển hạ tầng hàng không rất mạnh mẽ, không thua kém bất cứ nước phát triển nào trong khu vực. Hiện tại Việt Nam có 22 sân bay thương mại, trong quy hoạch tăng lên 26 sân bay đến năm 2020 trên cả nước. Trong khu vực, các sân bay như Hongkong, Survanabumi (Bangkok) hoạt động vượt quá công suất thiết kế hơn 30%.

Nhưng thực tế ở Việt Nam hiện nay chỉ có sân bay Tân Sơn Nhất và Cam Ranh thực sự quá tải, còn lại một số sân bay thậm chí hoạt động với công suất rất thấp. Hãng hàng không Vietjet của bà Thảo hiện cũng đang ngỏ ý muốn đầu tư nâng cấp các cảng hàng không nhằm góp phần thúc đẩy kinh tế nước nhà.


Bà Thảo cho rằng Việt Nam có tiềm năng phát triển hàng không mạnh mẽ

Bà Thảo cho rằng Việt Nam có tiềm năng phát triển hàng không mạnh mẽ

Bà Thảo cho rằng Việt Nam đang là một trung tâm du lịch không chỉ của khu vực mà của cả thế giới. Nhưng nếu du lịch thiếu sự đồng hành và tăng trưởng phát triển của ngành hàng không thì rất khó. Nhiều chuyên gia cho rằng sự cạnh tranh lành mạnh của các hãng hàng không tại Việt Nam là cơ hội để người tiêu dùng được hưởng lợi. Ngoài ra, sự phát triển của các hãng hàng không còn thúc đẩy không chỉ ngành hàng không mà ngành du lịch cùng phát triển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vùng, góp phần hội nhập kinh tế quốc tế.

Đà Nẵng giờ đã trở thành trung tâm hội nghị của quốc tế. Hàng loạt các sự kiện lớn được tổ chức ở Đà Nẵng và sự kiện lớn nhất trong năm nay là APEC 2017, dự kiến sẽ có sự tham gia của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Sự chuyển mình của Đà Nẵng không chỉ đến từ bãi biển đẹp nhất Việt Nam, nét thơ mộng của Hội An mà còn là sự xuất hiện của hàng loạt các resort cao cấp. Các chuyến bay đến Đà Nẵng với tần suất dày đặc, góp phần đưa thành phố này trở thành thành phố có sức cạnh tranh lớn nhất cả nước.

Không chỉ là Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt, Bình Định, Phú Quốc, các điểm đến du lịch đã đón hàng triệu lượt khách khi hạ tầng hàng không được cải thiện. Đặc biệt là gần đây, các khu nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp đang được đầu tư ồ ạt ở các điểm đến với chiến lược đầu tư bài bản của các tập đoàn lớn và các thương hiệu quốc tế, nhiều nơi đã có tới hàng chục ngàn phòng khách sạn.

Tham gia thị trường hàng không từ năm 2011, Vietjet đã tạo ra một bước ngoặt lịch sử trong ngành hàng không Việt Nam khi cung cấp các mức giá với chi phí rất hợp lý, tiết kiệm. Vietjet đã mở rộng thị phần với tốc độ rất nhanh. Và hãng này tiếp tục mở rộng đường bay cũng như mở rộng thị phần. Phát biểu trước toàn thể cổ đông, lãnh đạo VietJet khẳng định hãng tăng trưởng bằng chất lượng dịch vụ tương xứng với số tiền hành khách trả chứ không có chủ trương cạnh tranh bằng giá. Mọi hoạt động thương mại đều hướng đến khách hàng và người tiêu dùng sẽ là người hưởng lợi nhiều nhất, từ đó hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng du lịch, giao thương.

Dung, một nhân viên văn phòng chuyên săn vé giá rẻ trên mạng. Mức lương 8 triệu đồng/tháng không phải quá thấp nhưng cũng không phải quá nhiều. Để có thể thực hiện ước mơ du lịch cùng bạn bè, Dung thường săn vé giá rẻ trước 2-3 tháng để tìm được vé tốt nhất. Nếu trước đây giá vé máy bay đi Campuchia khứ hồi lên đến 5-7 triệu đồng/vé thì hiện tại, Dung có thể tìm được giá vé chỉ 2,5 triệu đồng. Những người trẻ như Dung, sẵn sàng trải nghiệm những vùng đất mới là nhóm khách hàng mà Vietjet hướng đến. Hãng hàng không này phát triển mạng lưới của mình dựa trên nhóm khách hàng tuổi đời còn trẻ, những người dân lần đầu đi máy bay và mở rộng các đường bay quốc tế.

Ông Lưu Đức Khách, Giám đốc điều hành của Vietjet đã chia sẻ, tỷ lệ lấp đầy máy bay của Vietjet tại các đường bay quốc tế như Malaysia, Singapore, Hàn Quốc đều ở mức cao cho dù đây là các đường bay có sự tham gia của nhiều hãng lớn trên thế giới.

Thực tế, số lượt chuyến bay của các hãng hàng không Việt Nam trong năm qua vượt 20,4% so với năm 2015. Dự kiến tổng lượng hành khách vận chuyển của ngành hàng không Việt Nam vẫn sẽ duy trì ở mức trên 20%/năm và đạt khoảng 102 triệu lượt vào năm 2020, tăng gấp đôi sản lượng của năm 2016 cho thấy cơ hội mở rộng thị trường là rất lớn.

Giấc mơ bay của người dân đã và đang thành hiện thực. Nhưng giấc mơ đó không chỉ dành riêng cho người dân Việt Nam, mà còn là cầu nối chắp cánh cho cơ hội khám phá những chân trời mới của hàng triệu du khách. Giờ đây các sân bay địa phương như Phù Cát, Chu Lai, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Thanh Hóa, Vinh, Đà lạt… đang trở nên tấp nập.

Bên cạnh dòng khách quốc tế đến Việt Nam, du khách Việt dễ dàng hơn được ngắm hoa anh đào ở Nhật Bản, cưỡi voi ở Thái Lan, mua sắm ở Singapore hay ngắm lá vàng rơi ở Hàn Quốc.. Những vùng trời mới mở ra đón dòng khách du lịch, đầu tư, hội nhập văn minh toàn cầu. Hàng không sẽ là bệ phóng cho du lịch cùng cất cánh.

Lan Anh

Cùng chuyên mục
XEM