Doanh thu tỷ USD/năm, 500.000 đơn hàng/ngày nhưng ngành này vẫn gặp phải bài toán niềm tin, đây là giải pháp vừa được Bộ công thương đưa ra

24/05/2018 08:42 AM | Kinh tế vĩ mô

Giải pháp SMS Order không chỉ dành mức giá 'startup' cho các doanh nghiệp Thương mại điện tử, nó còn cung cấp một hệ thống xác thực đơn hàng hoàn toàn qua điện thoại (SMS-OTP) và sau đó một hệ thống BigData đánh giá tín nhiệm của người mua và người bán - chìa khóa để giải bài toán niềm tin trong ngành Thương mại điện tử

Vài năm trở lại đây, Thương mại điện tử trở thành một thương trường khốc liệt với cuộc cạnh tranh của những tên tuổi như Lazada, Tiki, Shopee...Thực ra, đây không phải là điều bất ngờ nếu nhìn vào những số liệu tăng trưởng phi mã của thị trường này chỉ trong thời gian 2-3 năm vừa qua.

Cụ thể, tại buổi công bố Chương trình phát triển hạ tầng SMS & dịch vụ Viễn thông dành cho Thương mại điện tử được tổ chức sáng ngày 23/5 tại trụ sở Bộ Công Thương, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số Đặng Hoàng Hải trong bài phát biểu của mình đã chỉ ra nhiều số liệu ấn tượng của ngành Thương mại điện tử. Đây đồng thời cũng là những con số được trình bày trong Báo cáo thường niên của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số.

Cụ thể, vào năm 2017, doanh thu bán lẻ của ngành Thương mại điện tử Việt Nam đã vào khoảng 6,2 tỷ USD. So với năm 2016, mức doanh thu này có tốc độ tăng trưởng là 24%. Chia ra theo giá trị mỗi đơn hàng, số liệu trên tương ứng với xấp xỉ gần 500,000 đơn hàng Thương mại điện tử được tạo ra trong một ngày ở Việt Nam. Con số này dự kiến sẽ tăng lên mạnh mẽ khi doanh thu thương mại điện tử vượt mốc 10 tỷ USD vào năm 2020.


Doanh thu tỷ USD/năm, 500.000 đơn hàng/ngày nhưng ngành này vẫn gặp phải bài toán niềm tin, đây là giải pháp vừa được Bộ công thương đưa ra - Ảnh 1.

Đối với cơ quan thực hiện thủ tục hành chính như Bộ Công Thương, một số lượng lớn hồ sơ liên quan đến Thương mại điện tử phải giải quyết trong năm qua cũng chứng minh sức nóng của ngành này. Năm 2017, Bộ  đã tiếp nhận và xử lý gần 9.670 hồ sơ thông báo website Thương mại điện tử và 625 hồ sơ đăng ký website cung cấp dịch vụ Thương mại điện tử. Thông qua Cổng thông tin Quản lý hoạt động Thương mại điện tử, Bộ cũng tiếp nhận và xử lý 1.800 lượt phản ánh của người dân đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động này.

Thương mại điện tử phát triển rút cục cũng sẽ kéo theo nhu cầu các hạ tầng đi cùng với ngành này cần được xây dựng thật bài bản. Ông Lê Đức Anh, Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số của cục chỉ ra rằng các hạ tầng này bao gồm hạ tầng thanh toán, hạ tầng giao nhận và hạ tầng xác thực thông tin. 

Nhấn mạnh vào hạ tầng xác thực thông tin, ông Phạm Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Viettel Telecom, đặt vấn đề rằng mua bán online ngày càng phổ biến, tuy nhiên nhiều người dân Việt Nam vẫn chưa quen dùng ứng dụng trên điện thoại với những thông báo, hay thậm chí nhiều vùng còn không có Internet để truy cập vào ứng dụng. 

Từ đó, người mua hàng và người bán hàng sẽ không thể giao tiếp một cách liên tục với nhau. Điều này làm cho bài toán về niềm tin - 'cốt tử' trong sự phát triển của Thương mại điện tử tại Việt Nam - trở nên khó giải. Về lâu dài, cần có một giải pháp ra đời giúp thông suốt thông tin giữa người mua và người bán: người mua có thể liên tục kiểm tra được tình trạng đơn hàng của mình theo một cách dễ dàng nhất.

Lời giải của bài toán này được Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đưa ra là sử dụng nền tảng SMS, với sự hỗ trợ của các nhà mạng lớn của Việt Nam. Giải pháp mà cục đề xuất là SMS Order - một tính năng gửi tin nhắn được dành cho tất cả các sàn, website thương mại điện tử.

Giải pháp SMS order bao gồm 3 gói tin tương ứng với nhu cầu của từng công ty Thương mại điện tử trải dài trong toàn bộ quá trình xử lý đơn hàng đảm bảo việc xác thực, tăng uy tín và tỷ lệ thành công cho các đơn hàng Thương mại điện tử. 

Doanh thu tỷ USD/năm, 500.000 đơn hàng/ngày nhưng ngành này vẫn gặp phải bài toán niềm tin, đây là giải pháp vừa được Bộ công thương đưa ra - Ảnh 2.

Ông Lê Đức Anh trình bày Giải pháp SMS Order

Về chi phí, doanh nghiệp sẽ có thể tiết kiệm đến 60% giá thành so với việc gửi tin nhắn SMS truyền thống với các gói tin được nhà mạng đưa ra lần lượt như sau: Gói 3 tin nhắn 800đ, gói 5 tin nhắn 1150đ, Gói 7 tin nhắn là 1600đ. (Theo mức công bố của Viettel, hai nhà mạng Vinaphone và Mobifone sẽ phối hợp với Bộ Công Thương để đưa ra chính sách trong Quý II/2018). 

Đây là các mức giá 'startup' mà ông Phạm Trung Kiên, thay mặt Viettel, cũng cam kết với Cục trưởng Đặng Hoàng Hải rằng giữ vững để ủng hộ các doanh nghiệp trong ngành Thương mại điện tử đầy tiềm năng.

Chia sẻ trong phần thảo luận với các phóng viên, Cục trưởng Hải chia sẻ rằng Giải pháp SMS Order mới chỉ là môt phần trong lời giải của Cục cho bài toán Thương mại điện tử. SMS Order cũng sẽ đồng thời là giải pháp SMS-OTP - hệ thống xác thực đơn hàng hoàn toàn qua điện thoại. 

Điều đó có nghĩa là, toàn bộ chu trình sau order sẽ có thể được chuyển đổi sang nền tảng SMS. Người mua sẽ xác thực mua hàng, kiểm tra tình trạng đơn hàng và xác thực nhận hàng hoàn toàn thông qua những tin nhắn điện thoại. Đối với những người không sử dụng smartphone, hoặc sử dụng nhưng vẫn ít có thói quen mua bán qua website/ứng dụng điện thoại thì đây là điều vô cùng hợp lý.

Cuối cùng, khi các dữ liệu đã đủ, Cục có thể biến giải pháp SMS Order thành một hệ thống dữ liệu lớn. Công nghệ BigData sẽ được ứng dụng để xây dựng nền tảng đánh giá tín nhiệm thị trường, với việc thống kê và đánh giá dựa trên các dữ liệu được tìm thấy ngay trong các tin nhắn. Điều này hứa hẹn sẽ giải quyết triệt để được bài toán về niềm tin của Thương mại điện tử Việt Nam.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (TMĐT & KTS) là đơn vị trực thuộc thuộc Bộ Công Thương, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật trong lĩnh vực thương mại điện tử và hoạt động kinh tế số; tổ chức, quản lý hoạt động sự nghiệp dịch vụ công thuộc lĩnh vực, phạm vi quản lý của Cục theo quy định của pháp luật và phân cấp, uỷ quyền của Bộ trưởng.

Chương trình phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2014-2020 được phê duyệt theo Quyết định số 689/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 15 tháng 4 năm 2014. Chương trình nhằm mục tiêu xây dựng các hạ tầng cơ bản và triển khai các giải pháp, hoạt động hỗ trợ phát triển lĩnh vực TMĐT ở Việt Nam, đưa TMĐT trở thành hoạt động phổ biến, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước. Trung tâm Tin học và Công nghệ số trực thuộc Cục TMĐT & KTS có chức năng triển khai một số các nội dung trong khuôn khổ chương trình trong đó có việc Phát triển hạ tầng SMS và dịch vụ viễn thông hỗ trợ thương mại điện tử

Các nhà mạng và doanh nghiệp viễn thông bao gồm Viettel Telecom, Vinaphone, Mobifone, Công ty Cổ phần Truyền Thông VMG các đối tác triển khai chương trình EcomSMS đặt mục tiêu triển khai ngay trong năm 2018 đến tất cả các tỉnh thành và doanh nghiệp có nhu cầu trên toàn quốc với cam kết đảm bảo về chất lượng hạ tầng và dịch vụ thông suốt.

PV

Cùng chuyên mục
XEM