Điều gì xảy ra khi một chú chim đâm vào máy bay?

09/10/2017 14:21 PM | Khoa học

"Đụng độ" giữa một chú chim với máy bay không phải là hiếm. Trong năm 2016 chỉ tính riêng ở Anh đã có 1835 vụ, tức là 8/10.000 chuyến bay.

Những chiếc máy bay bị chim đâm vào cần phải được kiểm tra cẩn thận vì những tổn thất tiềm tàng mà nó có thể gây ra nếu không bị phát hiện.

Chỉ có khoảng 5% các vụ chim đâm gây ra thiệt hại cho máy bay. Tuy nhiên để đề phòng, mọi máy bay bị chim đâm đều quay về sân bay gần nhất, hành khác phải xuống ngay lập tức và lên một chuyến bay khác thay thế với một phi hành đoàn mới. Và đây là những phí tổn rất đáng kể với các hãng hàng không.

Đặc điểm của các vụ chim đâm vào máy bay

Chim bay thường không cao lắm. Một nghiên cứu cho biết 75% các vụ đụng độ giữa chim và máy bay xảy ra dưới 150m, khi máy bay ở giai đoạn cất cánh, hoặc chuẩn bị hạ cánh.

Và hậu quả hoàn toàn phụ thuộc vào bộ phận bị ảnh hưởng khi xảy ra đụng độ. Máy bay được thiết kế để chịu lực rất lớn, vì thế mặc dù tỏ ra cẩn thận nhưng gần như các hành khách không có gì phải lo lắng. Chẳng hạn tiêu chuẩn quy định một động cơ máy bay có thể chịu lực tác động của một chú chim nặng hơn 3,5 kg mà không bị sứt mẻ gì nguy hiểm.

Trên thực tế, hầu hết các động cơ đều nguyên vẹn khi bị chim đâm vào, hoặc chỉ bị tổn hại chút ít ở cánh quạt.

Chim đâm vào cả 2 động cơ là cực kỳ hiếm, nhưng nếu một động cơ bị hỏng thì cũng không sao. Mọi máy bay đều được thiết kế để hoạt động bình thường với một động cơ. Trên thực tế, hầu hết chúng đều có thể bay qua nửa đại dương với một động cơ duy nhất.

Động cơ không phải là nơi chịu nguy cơ duy nhất. Cửa sổ buồng lái cũng có thể bị chim đâm vào. Tuy nhiên, những tấm kính này được làm từ 3 lớp sợi tổng hợp và kính, và được thiết kế để chịu được mưa đá khi có bão – vì thế một chú chim không phải là nguy cơ quá lớn.

Ngoài ra các phi công còn được đào tạo để bật máy sưởi cửa sổ trước khi cất cánh, nhằm làm cho cửa sổ mềm hơn và ít bị tổn hại hơn khi có đụng độ.

Phòng ngừa và phát hiện

Để đảm bảo rằng các vụ đụng độ giữa chim và máy bay không xảy ra, các sân bay đã áp dụng nhiều biện pháp ngăn không cho các chú chim đến gần máy bay.

Âm thanh của các loại chim ăn thịt, súng bắn dọa (tạo tiếng nổ lớn và lóe sáng), chim cắt và các loại drone đều đã được sử dụng. Tuy nhiên chúng chỉ có tác dụng ngắn hạn vì các chú chim dần quen với các biện pháp gây nhiễu này.

Người ta cũng đề xuất lắp lưới cho các động cơ, nhưng làm việc này không dễ. Vấn đề chính là để ngăn một chú chim ở tốc độ 800 km/h, tấm lưới phải cực kỳ vững chắc và dày, nhưng như vậy lại làm cản trở luồng khí đi vào động cơ. Vì thế hạn chế này còn đáng kể hơn những lợi ích mà nó mang lại.

Khi các loại drone đang trở thành vấn nạn đáng lo hơn, ngành hàng không đang cần có các hệ thống cho phi công biết mức độ nghiêm trọng từ các va chạm, để họ có thể tiếp tục bay nếu không có tổn hại gì đáng kể.

Để làm được hệ thống này có thể sẽ tốn nhiều thời gian nhưng rốt cuộc các phi công sẽ biết họ có thể bay được không sau va chạm và giảm hẳn số lượng chuyến bay bị gián đoạn. Khi đó nếu họ phải hạ cánh, bộ phận bảo dưỡng sẽ biết cần kiểm tra cái gì, và các bộ phận thay thế sẽ được chuẩn bị sẵn trước khi máy bay đáp xuống sân bay.

Nhưng cho đến lúc đó, các biện pháp ngăn chặn cùng với thiết kế phù hợp và các phi công được đào tạo cẩn thận là những biện pháp tối ưu nhất để tránh hậu quả do các chú chim gây ra.

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM