Điều gì khiến cho quá khứ luôn níu kéo chúng ta? Xin nhớ rằng, bạn không thể bắt đầu chương tiếp theo của cuộc đời nếu cứ tiếp tục đọc lại chương đầu tiên!

14/09/2019 15:05 PM | Sống

Dường như ai trong chúng ta đều có những khoảng thời gian chẳng thể ngừng nhắc về "quá khứ". Vậy điều gì đã khiến cho quá khứ luôn níu kéo tâm hồn mỗi người?

Tôi có một người bạn luôn kể về những câu chuyện thời thơ ấu. Một anh chàng bạn thân luôn thích hàn huyên, tâm sự về những điều tồi tệ đã xảy ra từ rất lâu rồi. Một cô bạn người quen lại thích kể về những kinh nghiệm và bài học mà cô đã rút ra được sau những sự cố của cuộc đời. Một chú hàng xóm luôn tán dóc về những câu chuyện thời chinh chiến. Và tôi cũng không ngoại lệ – một người thích bàn luận về những câu chuyện đã đi vào dĩ vãng. Dù bằng cách này hay cách khác thì con người có vẻ không thể ngừng nhắc đến "quá khứ". Vậy điều gì đã khiến cho quá khứ luôn níu kéo tâm hồn mỗi chúng ta?

Điều gì khiến cho quá khứ luôn níu kéo chúng ta? Xin nhớ rằng, bạn không thể bắt đầu chương tiếp theo của cuộc đời nếu cứ tiếp tục đọc lại chương đầu tiên!  - Ảnh 1.

Sự nghiền ngẫm

Bạn ngồi trong căn phòng của mình, không làm gì, suy nghĩ về trải nghiệm trong quá khứ cứ quẩn quanh trong tâm trí. Nó có thể là một cuộc xung đột với bạn thân, những kỷ niệm không vui khi bạn còn nhỏ hoặc chuyện chia tay người yêu cũ cách đây vài tháng.

Bạn cứ lặp đi lặp lại những suy nghĩ nhắc nhớ mình về những chuyện đã xảy ra. Bạn nói chuyện với bạn bè của bạn về chúng, thậm chí còn muốn viết về chúng trong lúc rảnh rỗi và không thể ngừng làm những hành động để tự mình nhớ lại những chuyện đã qua. Đó chính là biểu hiện được khoa học gọi là "sự nghiền ngẫm" (rumination).

Sự nghiền ngẫm là cảm giác giữa lo âu và trầm cảm. Nghiền ngẫm quá khứ đơn giản chỉ là việc suy nghĩ nhiều về một vấn đề đã xảy ra một cách không có hồi kết.

Bằng nhiều cách khác nhau, chức năng của não bộ liên quan đến "sự nghiền ngẫm" nhiều hơn cả trí nhớ. Con người thường nhớ về những việc có liên quan đến nhau. Sự nghiền ngẫm này sẽ trở nên tồi tệ hơn khi não bộ phải làm việc quá nhiều.

Giống như việc những con bò nhai lại thức ăn nhiều lần, "sự nghiền ngẫm" là quá trình tương tự diễn ra trong suy nghĩ.

Vấn đề của những người mắc chứng tư duy nghiền ngẫm là họ mắc kẹt trong lối tư duy về quá khứ. Họ thực sự tin rằng họ đang làm đúng và cuối cùng họ chẳng theo đuổi bất kỳ mục tiêu nào cả. Tất cả những gì họ làm là tự nhét mình vào những dòng suy nghĩ về quá khứ, lặp đi lặp lại.

Điều gì khiến cho quá khứ luôn níu kéo chúng ta? Xin nhớ rằng, bạn không thể bắt đầu chương tiếp theo của cuộc đời nếu cứ tiếp tục đọc lại chương đầu tiên!  - Ảnh 2.

Ai cũng có thể mắc phải

Ai cũng có những mối bận tâm về quá khứ nhưng có một sự thật tâm lý là bạn càng không có cái gì, bạn càng nhắc nhiều đến nó. Nếu bạn tự tin với những gì mình có, bạn sẽ chẳng bao giờ phải nhắc đến nó mọi lúc mọi nơi. Nếu bạn thực sự cảm thấy hạnh phúc, bạn không cần phải khoe mẽ quá nhiều trên mạng xã hội. Điều đó có nghĩa là bạn càng nhắc nhiều đến một câu chuyện buồn nào đó đã xảy ra thì càng chứng tỏ bạn chưa thể vượt qua được.

Có một khoảng thời gian dài, tôi bị ám ảnh với chính bản thân mình về việc tôi bị người bạn thân nhất của mình lừa dối. Tôi không ngừng kể về nó mọi lúc mọi nơi, với những người bạn khác, với tất cả những ai tôi có thể nói chuyện và chia sẻ được. Và rồi tôi bị phát hiện là đang mắc bệnh trầm cảm.

Sự nghiền ngẫm và trầm cảm

Theo một số nghiên cứu gần đây, người ta cho rằng có sự tương quan chặt chẽ giữa trầm cảm và chứng tư duy nghiền ngẫm. Làm thế nào để một người có thể hạnh phúc khi họ cứ mãi nhớ về quá khứ đau buồn? Chứng nghiền ngẫm như một hành động cọ xát vào vết thương nhiều lần, thay vì để nó lành lại. Nếu tình trạng này kéo dài, rất có thể nó sẽ khiến cho bệnh trầm cảm ngày càng nặng hơn.

Chống lại sự nghiền ngẫm

Bất kỳ ai trong chúng ta đều có thể bị rơi vào trạng thái tư duy nghiền ngẫm. Nhưng nếu nhận ra nó sớm và tìm cách giải quyết thì mọi chuyện sẽ trở nên tốt đẹp hơn. Tôi đã có một khoảng thời gian dài chống chọi với chính bản thân mình về việc phải buông bỏ quá khứ.

Các bạn có biết vì sao người ta không thể dễ dàng vứt bỏ đi những chuyện buồn không? Vì ta luôn cần một thứ gì đó để bám lấy, để víu lấy cho một tâm hồn đã bị tổn thương. Điều tôi học được sau mỗi lần đau khổ chính là chấp nhận quá khứ và thực sự tiến lên. Tôi đã để mọi chuyện đến tự nhiên theo cách nó diễn ra. Đầu tiên, tôi suy nghĩ lại về nhu cầu của chính mình và thay đổi nó. Tôi trở về vạch xuất phát của vấn đề và tự mình nhìn nhận lại chuyện đó có thực sự xứng đáng để mình dành thời gian suy nghĩ không. Và tôi đã thông suốt.

Thế giới thì luôn như thế, sẽ luôn có người giỏi hơn bạn, kiếm nhiều tiền hơn hoặc xinh đẹp hơn, hát hay hơn, được nhiều người yêu quý hơn. Sẽ đến lúc bạn phải chấp nhận rằng luôn có những người hơn bạn ở rất nhiều điều. Bạn thì không thể thay đổi nó.

Điều gì khiến cho quá khứ luôn níu kéo chúng ta? Xin nhớ rằng, bạn không thể bắt đầu chương tiếp theo của cuộc đời nếu cứ tiếp tục đọc lại chương đầu tiên!  - Ảnh 3.

Có những điều tồi tệ xảy ra, có những cuộc chia tay không báo trước, có những hiểu lầm, có những lừa dối. Nó có vẻ không công bằng vì bạn luôn phải chịu đựng những câu chuyện tiêu cực. Nhưng ai nói rằng cuộc sống là công bằng? Nếu cứ "nhai lại" mãi về một chuyện đã cũ, bạn không chỉ làm tổn thương chính mình mà còn làm ảnh hưởng đến những người thân yêu xung quanh bạn. Quá khứ đã xảy ra, chúng ta không thể thay đổi nó. Tất cả những gì chúng ta có thể làm bây giờ là thay đổi là tương lai – và tương lai mới thực sự là của bạn.

Vì vậy, hãy ngừng suy nghĩ và đổ lỗi cho người khác về sự khốn khổ của bạn, và bắt đầu sống cuộc sống của riêng mình – bạn xứng đáng với điều đó.

Chẳng có ai có đủ khả năng để giúp bạn vượt qua sự nghiền ngẫm về nỗi đau đã qua cũng như không ai có thể giúp bạn cắt bỏ sợ dây níu giữ quá khứ với thực tại và đến cả tương lai ngoài chính bạn.

Hãy nhớ rằng bạn không thể bắt đầu chương tiếp theo của cuộc đời nếu cứ tiếp tục đọc lại chương đầu tiên.

(Tổng hợp)


Như Quỳnh

Cùng chuyên mục
XEM