img
Denis Đặng: Là “giám đốc sáng tạo hay đạo cụ sân khấu cũng được, chỉ cần được sống với đam mê - Ảnh 1.

Buổi gặp gỡ của tôi và Denis Đặng trong 1 chiều đầu năm không có những màn hỏi - đáp như thông thường. Chúng tôi đơn giản là ngồi lại, lắng nghe những câu chuyện không đầu không cuối, những mảnh ghép tưởng chừng như rời rạc nhưng đều góp phần làm nên một creative director nổi tiếng có 1-0-2 trong showbiz Việt.

Cái “điên", cái “dị" của Denis thì ai cũng đã nhìn thấy trong các sản phẩm và cả những màn trình diễn khiến nhiều người trầm trồ nhưng cũng gây tranh cãi không ít. Còn một Denis “đời” nhất với những câu chuyện thật nhất thì sao?

Đầu năm, hãy cùng nghe những lời tâm sự chân thành và thật thà nhất của Denis về hành trình của mình nhé!

Denis Đặng: Là “giám đốc sáng tạo hay đạo cụ sân khấu cũng được, chỉ cần được sống với đam mê - Ảnh 3.

Điều tôi nhớ nhất và ám ảnh nhất trong suốt 12 năm đi học là những ngày họp phụ huynh. Không ai đi họp cho tôi cả. Thậm chí khi lên cấp 3, tôi còn tự đi họp phụ huynh cho chính mình. Nhà tôi đã từng rất giàu, giàu nức tiếng nơi tôi sống. Rồi biến cố ập đến, bố mẹ tôi ly dị, gia đình tan đàn xẻ nghé. Tôi về ở với bà ngoại và bắt đầu những tháng ngày lầm lũi đến trường với mặc cảm về sự thiếu thốn, thua kém. Tôi biết mình luôn được để ý nhờ học giỏi cùng ngoại hình ưa nhìn. Nhiều người muốn làm bạn với tôi nhưng tất cả những gì tôi làm là thu mình lại, lặng lẽ tạo nên một bức tường thật dày để bản thân được an toàn, yên ổn trong đó.

Thứ xoa dịu tôi duy nhất lúc đó là âm nhạc. Những bài hát phát trên ZoneFM, phát ra từ chiếc máy nghe nhạc rẻ tiền tôi gom góp mãi mới mua được. Tôi cũng thích vẽ nữa. Nhưng như bao đứa trẻ khác, tôi nghĩ việc của mình là nên tập trung học toán, học lý, học hoá để thi vào trường chuyên lớp chọn rồi thi đại học chứ không phải ngồi đó mà nghe nhạc và vẽ vời linh tinh.

Cú sốc đầu đời của tôi chính là việc thi trượt trường chuyên của tỉnh. Áp lực là một đứa thua kém, thất bại trong mắt bố mẹ, anh chị khiến tôi táo tợn đến mức nói dối rằng mình vẫn đậu trường chuyên rồi tự nộp hồ sơ vào một trường dân lập cạnh đó để học. Sau cùng thì mọi chuyện cũng vỡ lở. Những lời chì chiết, khích bác của chị cả khiến tôi càng trở nên lặng lẽ và cô đơn. Tôi thi đậu cả trường Y lẫn ĐH Ngoại Thương với 2 con điểm 10 môn Toán không phải vì tôi thích đâu, tôi chỉ muốn chứng tỏ với mọi người rằng tôi đủ sức để thi vào trường “xịn" nhất thôi!

Denis Đặng: Là “giám đốc sáng tạo hay đạo cụ sân khấu cũng được, chỉ cần được sống với đam mê - Ảnh 4.
Denis Đặng: Là “giám đốc sáng tạo hay đạo cụ sân khấu cũng được, chỉ cần được sống với đam mê - Ảnh 5.

“Lông bông" có lẽ là từ đúng để miêu tả về tôi trong thời đại học. Tôi vẫn đi học, làm thêm, kiếm học bổng. Trên bề mặt, mọi thứ chẳng có gì để âu lo hay than vãn. Nhưng tận sâu bên trong, tôi chưa bao giờ thấy vui, thấy hạnh phúc, thấy khát khao với thứ mình đang làm. Tôi từ chối học bổng du học thạc sỹ rồi ở lại Hà Nội nhưng cũng không có một kế hoạch cụ thể hay định hướng gì cho tương lai.

Tôi gặp Nguyễn Trần Trung Quân trong giai đoạn đó, tính ra cũng cách đây 6-7 năm rồi. Anh lắng nghe những tâm sự, tự thấy tôi có thiên hướng nghệ thuật nên rủ rê tôi đến các họp báo, đến những buổi ra mắt MV để tôi được gần hơn với thế giới đó. Một đứa ngoại đạo như tôi bỗng thấy cuốn hút và đầy say mê khi nghe người ta nói về cách làm ra một sản phẩm, về thế giới trong tưởng tượng được tạo nên bằng hình ảnh và âm thanh.

Rồi tôi đến công ty của Trung Quân và Khắc Hưng để phụ việc. Tất nhiên không phải làm creative director, cũng chẳng làm gì liên quan đến nghệ thuật đâu. Với vốn liếng kinh nghiệm học được từ trường Ngoại thương, tôi chỉ làm những công việc liên quan đến giấy tờ, hợp đồng công việc với đối tác. Đây cũng chính là lúc tôi có cơ hội quan sát và học hỏi quá trình cho ra đời một sản phẩm sáng tạo. Nó không lung linh, hào nhoáng như người ta vẫn nghĩ nhưng lại khiến tôi say mê đến lạ thường.

Lần đầu tiên khi nghe ca khúc Ghen, tôi đã có trong đầu rất nhiều hình ảnh. Tôi ngồi xuống, say mê vẽ ra những tưởng tượng trong đầu mình. Để tăng tính thuyết phục, tôi còn làm cả 1 bản presentations với các slide được trình chiếu sao cho trông giống như 1 bản nháp MV nhất có thể rồi gửi đến các nhãn hàng để xin tài trợ. Sau đó, tôi mới trao đổi với mọi người trong ekip là hãy để cho tôi phụ trách MV này. Làm miễn phí.

2 sản phẩm tiếp theo là MV “Trong trí nhớ của anh" của Quân và “Như cái lò" của Huyền Sambi, tôi cũng không lấy 1 đồng tiền công nào. Tôi nghĩ đơn giản mình đang được làm công việc mình thích và họ đã cho tôi cơ hội thử sức nên mọi thứ đều rất công bằng thôi.

Denis Đặng: Là “giám đốc sáng tạo hay đạo cụ sân khấu cũng được, chỉ cần được sống với đam mê - Ảnh 6.
Denis Đặng: Là “giám đốc sáng tạo hay đạo cụ sân khấu cũng được, chỉ cần được sống với đam mê - Ảnh 7.

MV nào tôi cũng tranh thủ - gọi là “lạm dụng chức quyền" cũng được - nhận lấy một vai cameo. Có người bảo tôi hám fame, nói thế nào nhỉ, thôi thì nói thế cũng được! Đúng hơn là tôi thích cảm giác được hoá thân vào nhân vật mình đã tưởng tượng ra và khiến nó trở nên đúng với những gì tôi nghĩ nhất có thể thôi!

Thật ra, vai hậu kiếp của Bạch Liên là chàng trai bad-boy tóc trắng trong Màu Nước Mắt không phải được “đo ni đóng giày" cho tôi. Ekip không tìm được một diễn viên thích hợp nên tôi là lựa chọn để “chữa cháy". Hoặc là ngay từ đầu, tôi đã - dù không cố tình nhưng đã tạo ra nhân vật này để giành riêng cho mình.

Denis Đặng: Là “giám đốc sáng tạo hay đạo cụ sân khấu cũng được, chỉ cần được sống với đam mê - Ảnh 8.

Khi Bạch Liên bước lên sân khấu, nhiều người cũng cho rằng tôi hám fame nên “cố quá" rồi đánh giá là lố lăng, kệch cỡm, ẻo lả. Bạn hỏi tôi muốn được biết đến với vai trò gì trên sân khấu thì tôi không ngại nói rằng gọi tôi là “đạo cụ sân khấu" cũng được. Tôi đã tạo ra nhân vật và muốn nó sống lâu nhất có thể, được biết đến rộng rãi nhất có thể. Tôi không muốn người ta quên mất nó chỉ sau 1 (vài) MV. Vậy nên, tôi gạt bỏ hết tự tin, đi học nhảy, nỗ lực để đứng trên sân khấu. Dù chỉ là một “đạo cụ” cũng được. Chỉ cần có thể khiến cho tiết mục trở nên hấp dẫn hơn, khiến khán giả nhớ hơn về nhân vật là được. Denis không phải là Bạch Liên nhưng tôi rất yêu nhân vật của mình nên muốn hoá thân vào nó thật nhất có thể. Tôi còn tham vọng hơn là biến những nhân vật của mình trở thành một biểu tượng có giá trị văn hoá và có sức sống mạnh mẽ theo thời gian.

Trong buổi trò chuyện kéo dài hơn 2 tiếng đồng hồ của chúng tôi, cái tên Nguyễn Trần Trung Quân đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần như một lẽ tất nhiên. Có lẽ không cần nói quá nhiều về cặp bài trùng đã quá đỗi ăn ý, thân thiết này. Tuy nhiên, không ít người vẫn tò mò về mối quan hệ thực giữa họ, liệu đó có phải là tình yêu?

Tôi và anh Quân không quen nhau như nhiều người vẫn đồn đoán đâu. Ai làm chung team thì biết thậm chí, tôi và anh còn “cắn" nhau nhiều trong những khi bất đồng quan điểm. Bạn lỡ trường hợp “lửa gần rơm" hả? Gần 6-7 năm nay mà có bén thì cũng bén rồi chứ đâu phải chờ đến bây giờ!

Cuối cùng, anh chàng không chia sẻ nhiều về dự định cho năm 2020 mà nhắn nhủ “mọi người hãy sẵn sàng chờ đón thêm thật nhiều những điều mới mẻ nhé!”. Khi sự “điên" và “dị" cộng hưởng tốt với một cái đầu lạnh luôn biết mình muốn gì thì chắc chắn, chúng ta hoàn toàn có quyền hi vọng vào những sản phẩm chất lượng cộp mác Denis Đặng trong năm mới.

Trí Thức Trẻ