Đây là công cụ giúp xóa đói giảm nghèo từng được Nobel hòa bình nhưng ít người biết đến

17/07/2017 10:17 AM | Kinh tế vĩ mô

Nghiên cứu được đăng trên tạp chí chuyên ngành B.E Journal of Economics cho thấy chỉ cần tăng 10% tổng danh mục cho vay cho mỗi khách hàng có thể cắt giảm 1,26% số lượng người ở tình trạng nghèo cùng cực.

Một sự gia tăng nhỏ trong tín dụng vi mô cho các nước đang phát triển có thể đưa hơn 10,5 triệu người ra khỏi tình trạng nghèo cùng cực. Theo một nghiên cứu trên tạp chí chuyên đề B.E Journal of Economics, tài chính vi mô không chỉ giảm số lượng hộ gia đình sống trong cảnh nghèo đói mà cũng cải thiện tình trạng nghèo khổ của họ.

Hiện nay, 836 triệu người – khoảng 12% dân số thế giới – đang ở trong tình trạng nghèo cùng cực, sống dưới 1,25 USD/ngày. Nghiên cứu trên B.E Journal of Economics đã sử dụng dữ liệu từ 106 quốc gia đang phát triển trong giai đoạn từ năm 1998 đến năm 2013 để kiểm tra tính hiệu quả của mô hình tín dụng vi mô như một công cụ giảm nghèo. Kết quả cho thấy chỉ cần tăng 10% tổng danh mục cho vay cho mỗi khách hàng có thể cắt giảm 1,26% số lượng người ở tình trạng nghèo cùng cực.

Trong khi thế giới đã có một số tiến bộ trong suốt 15 năm qua trong việc đạt được Các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của LHQ, trong đó đặt mục tiêu xóa đói giảm nghèo lên hàng đầu trong chiến dịch toàn cầu này. Tuy nhiên, tình trạng nghèo cùng cực vẫn là một thách thức mang tính cấp bách. Nó tiếp tục là ưu tiên trong Những mục tiêu phát triển bền vững giai đoạn 2015 – 2030.

Theo MDG Monitor, đến năm 2015, tỷ lệ dân số thế giới sống trong tình trạng nghèo cùng cực đã giảm xuống 14% từ mức 50% vào năm 1990. Tuy nhiên, ở khu vực Sub-Sahara châu Phi, thì hơn 40% dân số tiếp tục sống dưới 1,25 USD/ngày. Và tình trạng nghèo cùng cực đã tăng lên ở Tây Á.

Nghèo đói có thể đã rút lui, tuy nhiên rõ ràng nó vẫn có tác động mạnh mẽ lên cuộc sống của nhiều người.

Tài chính vi mô và sứ mệnh giảm nghèo

Đây là công cụ giúp xóa đói giảm nghèo từng được Nobel hòa bình nhưng ít người biết đến - Ảnh 1.

Ứng dụng các khoản vay nhỏ (từ 10 USD cho đến 500 USD) cho người nghèo, cùng với các dịch vụ tài chính khác như tài khoản tiết kiệm và đào tạo tài chính là sản phẩm trí tuệ của nhà kinh tế học Mohammad Yunus.

Vào những năm 1970, ông bắt đầu cung cấp tín dụng cho những người phụ nữ nghèo ở làng Jobra, Bangladesh để họ có thể khởi động các dự án đem lại thu nhập giúp đỡ bản thân và gia đình của họ. Vào năm 2006, những thử nghiệm này đã giúp Yunus và ngân hàng tập trung vào tín dụng vi mô Grameen của ông đoạt giải Nobel Hòa bình.

Kể từ đó, nhiều dạng chương trình tín dụng vi mô đã được giới thiệu đến nhiều quốc gia từ Ấn Độ cho đến Mỹ. Theo một báo cáo năm 2015 của tổ chức vận động chính sách Microcredit Summit Campaign, đến năm 2013, khoảng 3098 tổ chức tài chính vi mô đã phục vụ trên 211 triệu khách hàng trên toàn thế giới với chỉ dưới ½ trong số đó sống trong cảnh nghèo cùng cực.

Đây là công cụ giúp xóa đói giảm nghèo từng được Nobel hòa bình nhưng ít người biết đến - Ảnh 2.

Trong năm 2017, thị trường cho đầu tư tài chính vi mô cho các doanh nghiệp cực nhỏ, nhỏ và vừa cũng như cũng cấp các dịch vụ tài chính cho những doanh nghiệp này dự kiến sẽ tăng trung bình từ 10 – 15 %. Thậm chí, mức tăng trưởng này dự kiến sẽ còn mạnh mẽ hơn ở Ấn Độ và khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Tiếp cận đến tín dụng cho phép người nghèo trở thành những người kinh doanh, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống. Nhiều ngân hàng cho vay ngoài cung cấp những khoản vay nhỏ và dịch vụ tài chính còn cung cấp hỗ trợ từ những người cùng hoàn cảnh, cơ hội mở rộng mạng lưới và thậm chí là chăm sóc sức khỏe để cải thiện tỷ lệ thành công của những khách hàng của họ trong công việc làm ăn buôn bán nhỏ của họ.

Nhiều nhà kinh tế học cho rằng tài chính vi mô có tiềm năng giảm nghèo mạnh mẽ.

Chính sách cần phải thay đổi như thế nào?

Tài chính vi mô không phải là thần dược chữa bách bệnh. Rất nhiều nghiên cứu cho thấy các yếu tố văn hóa và địa phương của từng quốc gia là những yếu tố quyết định cách thức tài chính vi mô tương tác với đói nghèo, và đôi khi có những câu chuyện về sự thất bại trong việc trả những khoản nợ nhỏ đã khiến các hộ gia đình rơi vào tình trạng khó khăn hơn.

Tuy nhiên, nhìn chung, nhiều tín dụng vi mô sẽ có lợi hơn cho các nước nghèo. Các chính phủ và các cơ quan quốc tế về phát triển có thể tiếp tục thúc đẩy tài chính vi mô như một công cụ để giảm nghèo, đồng thời chú ý đến những hạn chế của bất kỳ chiến lược đơn lẻ nào trong việc giải quyết một vấn đề toàn cầu.

K Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM