Đắt như đất phố cổ Hà Nội: Có người làm cả đời không mua nổi 1 m2
Với mỗi m2 lên đến 500 triệu đồng, 1 tỷ đồng, giá đất phố cổ Hà Nội được so sánh với giá đất ở các thành phố như Paris, Tokyo. Dù vậy, giao dịch nhà đất tại khu vực này hầu như không đáng kể.
Ngôi nhà 2 tầng, có tổng diện tích 200 m2 đổ sập ở phố Hàng Bông ngày 2//7 vừa qua được cho là từng rao bán 30 tỷ đồng. Mức giá này khiến không ít người chú ý.
Tuy nhiên trên thực tế, những ngôi nhà hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng ở phố cổ Hà Nội không hiếm. Mức giá nhà đất ở khu vực này được phản ánh đắt ngang đất ở Paris hay Tokyo.
Ngôi nhà đổ sập ở Hàng Bông từng được rao bán với giá 30 tỷ đồng. Ảnh: Lâm Tùng.
Giá 500 triệu đến 1 tỷ đồng/m2
Một bảo vệ trung tuổi trên phố Hàng Đào nói: “Vài năm trước, ở phía đối diện, có ngôi nhà chỉ rộng 130 m2 bán được 60 tỷ đồng. Với giá này, tôi đi làm cả đời cũng không mua nổi 1 m2 đất phố cổ”.
Từ năm 2011, báo cáo của Colliers International đã cho biết giá đất tại các quận trung tâm Hà Nội lên đến27.200 USD/m2 (570 triệu đồng), đắt ngang với giá ở nhiều thành phố như Paris, Tokyo. Sau 8 năm, giá đất giao dịch thực tế càng có xu hướng dâng cao.
Ghi nhận thực tế cho thấy đất ở thuộc các tuyến phố “vàng” như Lý Thái Tổ, Hàng Ngang, Hàng Đào, Lý Thường Kiệt, Hàng Đường, Hàng Bông… luôn được chào bán với giá từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng/m2, thậm chí có thời điểm có thể lên đến 1,1-1,2 tỷ đồng/m2.
Ví dụ, một ngôi nhà ở tuyến phố Trần Hưng Đạo, diện tích 46,2 m2 cho thuê 140 triệu đồng/tháng đang được rao bán 51 tỷ đồng, mặt phố Lý Thường Liệt, một căn nhà 50 m2 cũng được rao giá 50 tỷ đồng, hay một ngôi nhà ở Hàng Bài, diện tích 540 m2 được “hét” giá 540 tỷ đồng…
Trên phố Hà Trung, 650-800 triệu đồng/m2 đất là mức giá đang được một số chủ nhà đang được rao bán. Chẳng hạn một ngôi nhà 30 m2 đang được rao bán 20,5 tỷ đồng, tương đương 680 triệu đồng. Một ngôi nhà khác có diện tích 72 m2 cũng được rao với giá 800 triệu đồng/m2.
Nhà mặt phố trung tâm quận Hoàn Kiếm hiện được định giá cao nhất trên toàn TP. Ảnh: Lâm Tùng.
Những mảnh đất mặt phố, xây dựng khách sạn, nhà hàng ở khu vực này cũng thường được quảng cáo, rao giá cao, thậm chí hàng trăm tỷ đồng.
Mới đây, báo cáo thị trường của website batdongsan.com.vn cho thấy tại khu vực trung tâm TP Hà Nội, cụ thể là Hoàn Kiếm, giá nhà đất đang biến động mạnh so với giai đoạn 2002. Cụ thể, mức tăng giá trung bình đạt 27 lần, từ 11 triệu đồng/m2 lên đến 297 triệu đồng/m2.
Giá cao nhưng giao dịch ít
Nếu so sánh với bảng giá đất ở thuộc địa bànHà Nội giai đoạn 2015-2019 do UBND TP Hà Nội quy định, giá đất giao dịch thực tế ở khu vực phố cổ có khi cao gấp 10 lần.
Theo quy định, quận Hoàn Kiếm có hơn 50 tuyến phố có giá đất vượt mức 100 triệu đồng. 3 tuyến đạt “quán quân” đạt mức 162 triệu đồng/m2 gồm có Hàng Đào, Hàng Ngang, Lê Thái Tổ.
Các tuyến như Lý Thường Kiệt, Lương Văn Can, Hai Bà Trưng, Nhà Thờ, giá đất niêm yết chỉ đạt 112 triệu đồng/m2, song trên thực tế, những ngôi nhà được rao bán ở khu vực này thường đạt từ 700-1,1 tỷ đồng/m2, chênh lệnh từ 6-10 lần.
Giá đất được chào bán, giao dịch cao gấp 6-10 lần so với thực tế. Ảnh: Lâm Tùng.
Một môi giới chuyên phân khúc nhà phố cổ cho biết giá đất quanh hồ Hoàn Kiếm luôn được định giá và rao bán cao với nhiều lý do, trong đó lý do quan trọng là tâm lý sở hữu nhà đất nội đô, trung tâm của cả nước.
“Khách mua đất mặt phố khu vực này chủ yếu không vì nhu cầu ở thực, mà chủ yếu để cho thuê lại và tính đến giá trị sở hữu lâu dài”, môi giới này nói.
Hiện giá thuê mặt bằng ở phố cổ để kinh doanh cũng ở mức cao. Khảo sát thực tế và các trang web về bất động sản cho thuê, giá cho thuê mặt bằng kinh doanh ở các khu phố trung tâm quận Hoàn Kiếm giao động từ 40-50 đến 200 trăm triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, môi giới cho biết: “Do giá đất khu vực phố cổ rất cao nên giao dịch không sôi động. Lượng nhà mặt phố rao bán không nhiều, lượng giao dịch thành công cũng nhỏ giọt, thậm chí có những căn rao bán 2-3 năm nhưng không thể giao dịch".