Đẳng cấp "startup của tỷ phú": Xanh SM vượt Gojek về độ phủ sóng, được yêu thích ngang Be, đội ngũ tài xế trở thành "át chủ bài"

09/04/2024 14:47 PM | Kinh doanh

Các khảo sát mới công bố cho thấy Xanh SM thực sự đang tạo dựng được chỗ đứng vững chắc trong lòng người tiêu dùng, trở thành "ngôi sao đang lên" trên thị trường gọi xe. Sự chuyên nghiệp của tài xế và phương tiện sạch sẽ là điểm nổi bật trước các thương hiệu khác.

Đẳng cấp "startup của tỷ phú": Xanh SM vượt Gojek về tỷ lệ sử dụng, được yêu thích ngang Be, đội ngũ tài xế trở thành "át chủ bài" - Ảnh 1.

Decision Lab - đối tác độc quyền của YouGov tại Việt Nam mới đây công bố báo cáo "Người tiêu dùng số - The Connected Consumer" quý 4/2023, cung cấp những cập nhật về thói quen, xu hướng của người tiêu dùng trên các nền tảng số qua mỗi quý.

Đối với mức độ phủ sóng qua ứng dụng của người tiêu dùng Việt, Grab vẫn bỏ xa các đối thủ khác với tỷ lệ thâm nhập vào quý 4/2023 lên tới 68%, trong khi nền tảng đứng thứ 2 là Be chỉ chiếm được 23%. Xét về mức độ được yêu thích, mặc dù bị giảm 2% so với quý trước, Grab vẫn "thống lĩnh" thị trường với tỷ lệ 53%.

Cái tên mới xuất hiện trong báo cáo quý 4/2023 của Decision Lab là Xanh SM – nền tảng gọi xe thuần điện được tỷ phú Phạm Nhật Vượng thành lập từ tháng 3/2023 và chính thức lăn bánh sau đó 1 tháng.

Theo đánh giá của Decision Lab, Xanh SM là "ngôi sao mới nổi" trên thị trường, với minh chứng là tỷ lệ thâm nhập đạt 21%, vượt qua cả GoJek – startup "siêu kỳ lân" đến từ Indonesia đã gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 2018.

Đẳng cấp "startup của tỷ phú": Xanh SM vượt Gojek về tỷ lệ sử dụng, được yêu thích ngang Be, đội ngũ tài xế trở thành "át chủ bài" - Ảnh 2.

Tỷ lệ thâm nhập thị trường của các ứng dụng gọi xe phổ biến tại Việt Nam. Ảnh: Decision Lab.

Ngoài Grab, hai ứng dụng có tỷ lệ thâm nhập thị trường cao hơn Xanh SM là Be và Mai Linh Taxi, với tỷ lệ lần lượt là 23% và 22% - tức là cách không quá xa so với đội xe màu xanh ngọc.

Về mức độ yêu thích, được xác định dựa trên tiêu chí ứng dụng gọi xe được người dùng sử dụng thường xuyên nhất, Xanh SM chiếm tỷ lệ 8%, ngang bằng với Mai Linh Taxi và Be, dù cho startup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng mới tròn 1 năm tuổi đời.

Đẳng cấp "startup của tỷ phú": Xanh SM vượt Gojek về tỷ lệ sử dụng, được yêu thích ngang Be, đội ngũ tài xế trở thành "át chủ bài" - Ảnh 3.

Mức độ yêu thích các app gọi xe tại Việt Nam. Ảnh: Decision Lab.

Bên cạnh đó, Decision Lab còn chỉ ra rằng mặc dù đều là ứng dụng thuần Việt, nhưng sức hấp dẫn của Be chỉ mạnh ở Gen Z (những người sinh từ năm 1997-2012), trong khi Xanh SM được ưa chuộng ở mọi thế hệ, kể cả Gen X (những người sinh từ năm 1965 – 1980).

Một khảo sát khác gần đây đến từ công ty nghiên cứu thị trường Q&Me cũng cho thấy sức hút của Xanh SM. Grab vẫn là ứng dụng có điểm top-of-mind cao nhất và được sử dụng nhiều nhất trong khảo sát này. Đứng thứ hai chính là Xanh SM, dù mới gia nhập "cuộc chiến gọi xe" chưa đầy một năm.

"Điều này cho thấy sức cạnh tranh ngày càng tăng của Xanh SM, mặc dù chỉ mới ra mắt. Ngoài ra, tuy xếp ở vị trí thứ 2 nhưng Xanh SM là thương hiệu được khách hàng đánh giá cao nhất về độ hài lòng. Điều này một lần nữa khẳng định vị thế và tiềm năng của Xanh SM trong việc cạnh tranh top 1 với Grab trong tương lai", Q&Me nhận định.

Đẳng cấp "startup của tỷ phú": Xanh SM vượt Gojek về tỷ lệ sử dụng, được yêu thích ngang Be, đội ngũ tài xế trở thành "át chủ bài" - Ảnh 4.

Kết quả khảo sát mức độ phổ biến của các ứng dụng gọi xe tại Việt Nam của Q&Me.

Khi được yêu cầu so sánh chi tiết các tiêu chí, những người trả lời khảo sát cho biết Xanh SM trở nên nổi bật bởi "sự chuyên nghiệp của tài xế" và "sự sạch sẽ của xe" so với các thương hiệu khác, kể cả với Grab.

Tuy còn thấp hơn Grab ở một vài tiêu chí khác, như "dễ dàng đặt xe", "tính sẵn có", "mức độ đa dạng phương tiện" hay "hỗ trợ khách hàng"…, nhưng Xanh SM đã thành công trong việc thu hút nhóm khách hàng quan tâm về trải nghiệm và sự thoải mái khi sử dụng ứng dụng đặt xe.

Sau thành công của dịch vụ taxi điện, GSM tiến sang mảng gọi xe máy điện, đồng thời duy trì dịch vụ cho thuê ô tô – xe máy điện. Ngoài ra, GSM còn phát triển nền tảng kinh doanh chia sẻ Xanh SM Platform, nhằm kết nối các chủ xe VinFast có nhu cầu cung cấp dịch vụ vận tải với khách hàng. Từ ngày 20/03/2024, các chủ xe điện VinFast trên toàn quốc có thể đăng ký trở thành đối tác kinh doanh dịch vụ vận tải của Xanh SM, bao gồm cả các địa phương Xanh SM chưa trực tiếp hiện diện.

Từ khi GSM đi vào vận hành hồi tháng 4/2023, ông Nguyễn Văn Thanh – CEO toàn cầu của GSM đã chia sẻ tầm nhìn quốc tế của doanh nghiệp. Chỉ 7 tháng sau, GSM chính thức khai trương dịch vụ taxi thuần điện đầu tiên tại Lào. Theo ông Thanh, ngành taxi tại Việt Nam và Đông Nam Á có nhiều điểm tương đồng, có tiềm năng và dư địa cho taxi điện phát triển.


Minh Anh

Cùng chuyên mục
XEM