Đại sứ xách ba lô về nông thôn Nhật và màn "bài binh" khéo léo giúp xoài Việt mở cửa thị trường khó tính

15/06/2023 09:18 AM | Kinh doanh

Đàm phán với Nhật không dễ dàng vì đây là một thị trường khó tính. Mất 13 năm đàm phán, Việt Nam mới có thể đưa thanh long vào Nhật Bản và mãi 7 năm sau, mới đến lượt quả xoài.

Ngày 7/11/2015, những quả xoài tươi Cát Chu đầu tiên của Việt Nam được bày bán tại siêu thị Aeon ở tỉnh Chiba, Nhật Bản. Sự kiện này được xem như một thành công lớn bởi trong suốt một thời gian dài, chỉ có thanh long ruột trắng được xuất khẩu sang thị trường này.

Nhưng công cuộc mở cửa "boongke", mở đường cho quả xoài Việt sang thị trường Nhật đã bắt đầu từ trước đó, từ những chuyến đi xách balo đến nhiều làng nông nghiệp Nhật của vị Đại sứ cùng rất nhiều chuyến thăm không có trong lịch trình.

Đại sứ xách ba lô về nông thôn Nhật và màn "bài binh" khéo léo giúp xoài Việt mở cửa thị trường khó tính - Ảnh 1.

Khi ông Đoàn Xuân Hưng nhậm chức Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, kỳ vọng hợp tác giữa hai nước chủ yếu vẫn tập trung vào lĩnh vực công nghiệp.

Hai bên đã trao đổi nhiều nội dung, khoảng 5-6 lĩnh vực, mong phía Nhật hợp tác giúp đỡ Việt Nam trong đó có chế biến nông sản, máy móc công nghiệp nhưng trực tiếp nói về câu chuyện thúc đẩy hợp tác nông nghiệp thì chưa ai đề cập.

"Trong đầu tôi nảy ra ý tưởng đó là làm thế nào hợp tác được với họ về nông nghiệp. Hợp tác nông nghiệp là con đường ta phải làm, và làm bằng được", ông Hưng nói.

"Sở dĩ tôi coi trọng hợp tác nông nghiệp với Nhật Bản là bởi, một đất nước, nhất là như Việt Nam, muốn phát triển được thì cần coi trọng đúng mức phát triển nông nghiệp và nông thôn, nhất là khi trên 70% dân số Việt Nam vẫn sống ở nông thôn. Với suy nghĩ đó, bên cạnh thực hiện các chỉ thị của cấp trên thúc đẩy hợp tác với Nhật phục vụ công nghiệp hóa Việt Nam, tôi cùng các anh em đã hết sức thuyết phục và thúc đẩy hợp tác nông nghiệp hai nước", Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản nhiệm kỳ 2011 - 2015 chia sẻ.

Đại sứ xách ba lô về nông thôn Nhật và màn "bài binh" khéo léo giúp xoài Việt mở cửa thị trường khó tính - Ảnh 2.

Việt Nam có đất đai màu mỡ, trong khi Nhật Bản chủ yếu là đồi núi, đất trồng trọt không nhiều. Việt Nam có lợi thế khí hậu nhiệt đới, quanh năm khí hậu thích hợp với nông nghiệp. Trong khi đó, đến mùa đông, họ phải làm nhà kính để canh tác. Bù lại, Nhật có nhiều công nghệ cao phục vụ cho nông nghiệp.

Sản phẩm của họ, như quả xoài, rất đẹp, đắt gấp mấy lần xoài Việt Nam, tính ra phải khoảng 30 – 40 USD/kg. Quả xoài của Việt Nam lại rất thơm ngon. Nếu như 2 bên kết hợp với nhau thì lợi ích tăng lên rất nhiều, vị Đại sứ chia sẻ.

Nhưng để hợp tác được với Nhật Bản, ông Hưng hiểu, trước hết, mình phải giải tỏa mối lo của họ.

Nhật Bản là nước trợ cấp rất nhiều cho nông nghiệp. Quốc gia này có chính sách trợ cấp nông nghiệp và không muốn mở cửa thị trường cho nước khác. Điều này thể hiện ngay cả trong quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP (nay trở thành Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP), điểm gút của Nhật chính là họ rất ngại mở cửa nông nghiệp.

Nhật Bản gần như là một "boong ke", chính quyền đảng Dân chủ gần như không muốn tham gia TPP, trong khi Việt Nam là một trong những nước tham gia đàm phán khá sớm, ông Hưng nhớ lại. Trong một lần xuống địa phương tiếp xúc với hội nông dân Nhật Bản, ông Hưng nhận thấy có nhiều khẩu hiệu phản đối TPP bởi họ cho rằng TPP ép họ mở cửa thị trường.

Trong vòng 3 năm, ông Hưng đi gặp tất cả các đời Bộ trưởng Nông nghiệp của Nhật Bản.

"Muốn đẩy hợp tác thì phải giải tỏa những lo ngại của họ. Cứ ông nào Bộ trưởng lên tôi lại xin gặp. Tôi cũng đi xuống các địa phương, giải thích cho họ hiểu", ông Hưng nhớ lại.

"Gặp họ, tôi giải thích rằng hai bên đều có lợi thế. Họ có thể sang kinh doanh ở Việt Nam, các mặt hàng của Nhật cũng có thể vào Việt Nam. Dần dần, người ta thấy thành ý của mình", ông Hưng nói thêm.

Đại sứ xách ba lô về nông thôn Nhật và màn "bài binh" khéo léo giúp xoài Việt mở cửa thị trường khó tính - Ảnh 3.

Năm 2010, đoàn Ủy ban hợp tác Mekong thuộc Phòng Thương mại công nghiệp Nhật Bản (JCCI) muốn đi thăm Việt Nam. Họ có lên gặp Đại sứ Việt Nam và trao đổi trước khi đi. Được biết, theo lịch trình, đoàn sẽ đi Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trong khoảng 4 - 5 ngày, ông Hưng gợi ý: "Hợp tác Mekong thì phải đi vào đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam".

Đoàn ngần ngại vì chương trình đã được lên lịch hết rồi. Ông Hưng điện về Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ và cuối cùng sắp xếp được một chuyến thăm của đoàn đến làm việc với Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, thăm Cần Thơ, Hậu Giang và Đồng Tháp.

Sự kiện này cũng tạo ra một ngoại lệ với ông Hưng: từ trước đến nay, vốn Đại sứ chỉ về nước khi có chuyến thăm cấp cao nhưng nhờ đề xuất này, ông Hưng được về nước và tham gia chủ trì hội thảo.

Kết quả là mở ra một kết nối lớn hơn nữa khi Ủy ban hợp tác Mekong hứa sẽ đưa một đoàn doanh nghiệp Nhật vào đồng bằng sông Cửu Long. Chỉ 2-3 tháng sau, một đoàn doanh nghiệp lớn chưa từng có của Nhật tính đến thời điểm đó, đến Việt Nam và thăm hai tỉnh đồng bằng sông Cửu Long là Hậu Giang và Đồng Tháp.

Đặc biệt, tại Đồng Tháp, Chủ tịch UBND tỉnh khi đó là ông Lê Minh Hoan (nay là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đã "bài binh bố trận" rất khéo, ông Hưng kể lại.

Ngoài các cuộc tiếp và trao đổi, tỉnh Đồng Tháp còn tổ chức một sự kiện tương tự như hội chợ nông sản địa phương để phía doanh nghiệp Nhật trực tiếp nhìn thấy các sản phẩm của tỉnh, trong đó có quả xoài Cát Chu.

Trong chuyến thăm này, đoàn doanh nghiệp Nhật nếm thử xoài Cát Chu và từ đó mới mở ra câu chuyện hợp tác đảm bảo chất lượng quả xoài Cát Chu để xuất khẩu sang nước bạn.

Kết quả là sau 5 năm đàm phán, cuối năm 2015, lô xoài Cát Chu đầu tiên được xuất khẩu vào Nhật Bản.

Đại sứ xách ba lô về nông thôn Nhật và màn "bài binh" khéo léo giúp xoài Việt mở cửa thị trường khó tính - Ảnh 4.

Thời điểm chiều 7/11/2015, những quả xoài tươi Cát Chu đầu tiên của Việt Nam được bày bán tại siêu thị Aeon ở tỉnh Chiba, Nhật Bản được xem như một thành công lớn bởi Nhật Bản được đánh giá là một trong những thị trường "khó tính" và trong suốt một thời gian dài, chỉ có thanh long ruột trắng được xuất khẩu sang thị trường này.

Trong đợt xuất khẩu đầu tiên, đã có tổng cộng có 3 tấn rưỡi xoài tươi được nhập vào thị trường Nhật Bản. Xoài tươi Việt Nam được bán tại 209 điểm bán hàng của Aeon trên toàn Nhật Bản với hai mức giá sau thuế là 429 yen/quả (khoảng 77.000VND) và 645 yen/quả (khoảng 116.000 VND). Vào thời điểm đó, giá xoài của Việt Nam khoảng 8-10 USD/kg, cao hơn giá xoài Thái Lan xuất khẩu sang Nhật Bản 2-3 USD/kg.

Theo ông Nguyễn Trung Dũng, đại diện thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản vào thời điểm đó, kế hoạch xuất khẩu xoài tươi sang Nhật tiếp tục được đẩy mạnh khi đến cuối năm 2015, thêm khoảng 80 tấn xoài tươi được xuất khẩu sang thị trường này qua cả đường hàng không và đường biển.

Đàm phán với Nhật không dễ dàng vì đây là một thị trường khó tính, ông Hưng nhớ lại. Riêng quả thanh long trước đó phải 13 năm đàm phán, họ mới đồng ý cho ta vào. Đó là vào năm 2009, từ đó cho mãi đến năm 2015, tức là 7 năm sau, ta mới tiếp tục có quả xoài vào được Nhật Bản.

"Với Nhật Bản phải từng bước. Nhưng một khi đàm phán được với Nhật rồi thì rất dễ đi các thị trường khác. Đó là tầm nhìn của tôi lúc đó", Đại sứ Đoàn Xuân Hưng cho hay.

Đại sứ xách ba lô về nông thôn Nhật và màn "bài binh" khéo léo giúp xoài Việt mở cửa thị trường khó tính - Ảnh 5.

Tháng 3/2014, Chủ tịch nước khi đó là ông Trương Tấn Sang có chuyến thăm cấp nhà nước tới Nhật Bản theo lời mời của Nhật hoàng. Trong chuyến thăm, Chủ tịch nước hội đàm với Thủ tướng Shinzo Abe, làm việc với lãnh đạo Quốc hội Nhật và có bài phát biểu trước Quốc hội. Sau đó là thăm tỉnh Ibaraki và vùng Kansai.

Trước đó khoảng 3 - 4 tháng thì có chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hai nước đã ký rất nhiều thỏa thuận hợp tác.

Vậy thì chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch nước phải có điểm nhấn gì mới, làm thế nào để hai chuyến thăm bổ sung cho nhau, để nâng cấp hợp tác của hai bên lên. Lúc đó có câu chuyện nâng cấp quan hệ giữa hai nước. Việt Nam và Nhật thời điểm đó đã là đối tác chiến lược rồi, phải chăng nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện, ông Hưng kể lại.

Sau khi thảo luận câu chuyện này với cố vấn hàng đầu về đối ngoại của Thủ tướng Nhật lúc đó là ông Abe, ông Hưng nhận được thông tin rằng phía Nhật Bản cũng thể hiện sự đồng tình về việc sẽ nâng cấp quan hệ giữa hai nước trong chuyến thăm cấp nhà nước.

Nhưng nên gọi tên của mối quan hệ này như thế nào là điều cần phải suy nghĩ thêm. Tính đến thời điểm đó, Việt Nam đã có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Nga, Trung Quốc…

Xét về quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, hai nước có sự tin cậy lớn về chính trị, quan hệ giữa các lãnh đạo rất tốt, chưa có lãnh đạo quốc gia thuộc G7 nào thăm Việt Nam nhiều như Nhật Bản, Nhật cũng là quốc gia cung cấp viện trợ lớn nhất cho Việt Nam. Và để thể hiện được tính thực chất trong quan hệ Việt - Nhật, 2 bên quyết định sẽ gọi tên là Đối tác chiến lược sâu rộng, ông Hưng nói.

Bản thân nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng rất say sưa với việc thúc đẩy hợp tác nông nghiệp và cũng từ đó đánh dấu một chuyến đi chưa từng có của Chủ tịch nước.

"Thông thường, các chuyến thăm Nhật sẽ đến Tokyo và Osaka. Tôi mới nảy ra ý tưởng đưa Chủ tịch nước đi thăm một tỉnh khác để hợp tác nông nghiệp với mình. Và tôi đề xuất đi thăm tỉnh Ibaraki, cách Tokyo 130km, ngay trước khi diễn ra lễ đón ở Hoàng cung làm và hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản", ông Hưng nói.

Đầu tiên Bộ Ngoại giao phía bạn ngần ngại bởi tỉnh đó cách Tokyo khá xa, khoảng 130km. Họ cũng thắc mắc tại sao lại đi thăm tỉnh đó.

"Tôi bằng mọi cách thuyết phục: đây là tỉnh nông nghiệp. Cá nhân tôi cũng có mối quen biết với ông [Masaru] Hashimoto, Thống đốc tỉnh và ông cũng là một người rất ủng hộ chuyện hợp tác nông nghiệp", ông Hưng cho hay.

Cuối cùng phía bạn đồng ý.

Trong chuyến thăm ban đầu không có trong lịch trình đó, phía bạn đón tiếp ta rất trọng thị, đưa đi xem những trung tâm nông nghiệp lớn, và ký một thỏa thuận hợp tác khung giữa tỉnh với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.

Sau chuyến thăm đó, ông Hashimoto tiếp tục đưa một đoàn hơn 100 doanh nghiệp sang Việt Nam làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam vào tháng 10 năm đó, tiếp tục tăng cường sự hợp tác nông nghiệp song phương.

Đại sứ xách ba lô về nông thôn Nhật và màn "bài binh" khéo léo giúp xoài Việt mở cửa thị trường khó tính - Ảnh 6.

Theo số liệu từ Hải quan Nhật Bản, xoài được nhập khẩu vào nước này có xuất xứ từ Mexico, Peru, Pakistan, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc) và Việt Nam với sản lượng năm 2022 là hơn 7.611 tấn. Trong đó, xoài từ Việt Nam xuất khẩu sang Nhật là 843 tấn với giá xuất sang Nhật Bản là 370 yen/kg. Từ năm 2020 đến 2022, sản lượng xuất khẩu sang Nhật Bản tăng 300% từ 215 tấn năm 2020 lên 640 tấn năm 2022.

Đặc biệt, tiềm năng của quả xoài tươi Việt Nam ở thị trường Nhật Bản vẫn rất lớn. Trả lời báo Thanh Niên ngày 30/4, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, ông Tạ Đức Minh, cho biết người tiêu dùng Nhật Bản thích loại trái cây tươi không quá nặng mùi, mùi không quá thơm. Ở Việt Nam đang có loại xoài E2R2 - xoài giống Úc rất phù hợp với thị hiếu và thói quen tiêu dùng của người tiêu dùng Nhật.

Theo Lan Hương

Cùng chuyên mục
XEM