Đa dạng "đối thủ" của ô tô điện VinFast trên sân nhà: Từ doanh nghiệp chưa tiếng tăm, vốn điều lệ 100 tỷ đến tập đoàn đa ngành sở hữu hệ sinh thái lớn, tổng tài sản 80.000 tỷ đồng

23/11/2023 10:39 AM | Kinh doanh

Ngày càng có nhiều doanh nghiệp tham gia vào cuộc đua ô tô điện tiềm năng tại Việt Nam. Dẫn đầu hiện nay vẫn là VinFast, với dải sản phẩm đa dạng: 7 mẫu xe phủ từ phân khúc Xe mini đến SUV cỡ lớn hạng E. Tuy nhiên, với chiến lược "bắt tay" cùng những "người khổng lồ" - các hãng xe đã phát triển trên thế giới, những đối thủ của Vinfast đang ở đâu trên thị trường?

Đối thủ ở phân khúc mini EV

Hiện nay, đi nhanh nhất trong phân khúc này là TMT Motors với việc đưa sản phẩm thương mại 4 phiên bản ô tô Wulling HongGuang MiniEV ra thị trường vào cuối tháng 9 năm nay và khai trương tới 21 đại lý bán hàng, hậu mãi trên toàn quốc.

TMT Motors có hai lợi thế. Một là dòng sản phẩm Wulling HongGuang MiniEV họ quyết định chọn để vào thị trường đã chứng minh được khả năng tiêu thụ trên toàn cầu. Cụ thể, Wuling HongGuang MiniEV là mẫu xe điện cỡ nhỏ bán chạy nhất thế giới các năm 2020, 2021, 2022 theo thống kê của JATO Dynamics – công ty chuyên nghiên cứu, phân tích ngành công nghiệp ô tô toàn cầu

Đa dạng "đối thủ" của ô tô điện Vinfast trên sân nhà: Từ doanh nghiệp chưa có tiếng tăm, vốn điều lệ 100 tỷ đến tập đoàn đa ngành sở hữu hệ sinh thái lớn, vốn 9.600 tỷ đồng - Ảnh 1.

Wuling HongGuang MiniEV

Bên cạnh đó, đối tác SAIC GM WULING AUTOMOBILE CO., LTD mà TMT Motors chọn hợp tác là một trong những nhà sản xuất ô tô điện lớn ở Trung Quốc. Không phải Mỹ, Trung Quốc mới là thị trường ô tô điện lớn nhất thế giới tới thời điểm hiện tại. Quốc gia này chiếm hơn một nửa doanh số bán xe điện toàn cầu.

Thứ hai, bản thân TMT Motors đã có bề dày kinh nghiệm hoạt động với việc cung ứng ra thị trường các dòng xe tải Cửu Long, Tata, Howo, DFSK, TMT từ 900kg đến 40 tấn với hệ thống đại lý ủy quyền trên toàn quốc. 

Tuy nhiên, tiềm lực về tài chính không phải điểm mạnh nhất của TMT Motors, vốn điều lệ thời điểm gần nhất theo BCTC của doanh nghiệp là 372,8 tỷ đồng, tổng tài sản hợp nhất đến 30/9/2023 là 2.295 tỷ đồng, biên lợi nhuận ròng trên tổng tài sản khá mỏng.

Về năng lực sản xuất xe điện, phía TMT Motors cho biết nhà máy ô tô điện của họ tại huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên có công suất sản xuất, lắp ráp giai đoạn 1 là 30.000 xe/năm và giai đoạn 2 là 60.000 xe/năm, khi TMT Motors giới thiệu thêm các mẫu ô tô điện mới ở các phân khúc khác nhau, phù hợp với hợp tác chiến lược của liên doanh GM (Mỹ).

Như vậy, ô tô điện mini mới là bước khởi đầu cho việc đặt chân vào thị trường xe điện Việt Nam của hãng này.

Đa dạng "đối thủ" của ô tô điện Vinfast trên sân nhà: Từ doanh nghiệp chưa có tiếng tăm, vốn điều lệ 100 tỷ đến tập đoàn đa ngành sở hữu hệ sinh thái lớn, vốn 9.600 tỷ đồng - Ảnh 2.

Hình ảnh: tmt-vietnam.com

Ngoài TMT Motors, còn có một doanh nghiệp khác chọn phân khúc ô tô điện mini để gia nhập thị trường Việt Nam, cũng bằng cách tương tự, liên kết với doanh nghiệp sản xuất ô tô ở nước ngoài.

Cụ thể, ngày 28/6, Công ty cổ phần Thái Bình Hưng Thịnh (Thái Hưng) và Roding Mobility đã ký thỏa thuận hợp tác nghiên cứu, sản xuất các dòng xe điện và ô tô điện cỡ nhỏ ở Việt Nam.

Roding Mobility được thành lập năm 2008, là công ty cơ khí chế tạo có trụ sở tại Đức, chuyên cung cấp các dịch vụ tư vấn kỹ thuật và thiết kế sản phẩm mới trong lĩnh vực phương tiện giao thông, từ hàng không vũ trụ, xe đua F1 đến nền tảng khung gầm cho các dòng ô tô điện và các mẫu xe của tương lai.

Roding Mobility sẽ tư vấn kỹ thuật, giám sát triển khai toàn bộ quá trình nghiên cứu và phát triển sản phẩm từ khâu thiết kế, thử nghiệm đến sản xuất hoàn chỉnh và chuyển giao công nghệ cho Thái Hưng.

Thái Hưng sẽ nhận chuyển giao công nghệ từ Roding Mobility, sản xuất thương mại các mẫu xe điện và ô tô điện cỡ nhỏ, phân phối cho thị trường Việt Nam và tiến tới xuất khẩu ra nước ngoài.

Theo kế hoạch, nhà máy Thái Hưng sẽ hoạt động vào quý 4-2023 và ra mắt sản phẩm đầu tiên vào năm 2024.

Bước đầu, hai bên sẽ phát triển ô tô điện mini (city car - xe điện nội đô chỉ đi trong đô thị) theo tiêu chuẩn L7e của châu Âu. Sản lượng dự kiến trong ba năm đầu là 6.000 xe. Sau đó, công ty sẽ sản xuất và giới thiệu thêm 2 mẫu xe điện phân khúc A.

Đa dạng "đối thủ" của ô tô điện Vinfast trên sân nhà: Từ doanh nghiệp chưa có tiếng tăm, vốn điều lệ 100 tỷ đến tập đoàn đa ngành sở hữu hệ sinh thái lớn, vốn 9.600 tỷ đồng - Ảnh 3.

Lễ ký kết bản ghi nhớ giữa Thái Hưng và Roding Mobility - Ảnh: THÁI HƯNG

Khác với TMT Motors, Thái Hưng chưa có kinh nghiệm về ô tô, tiền thân của doanh nghiệp này là công ty gia công cơ khí xuất khẩu, được thành lập từ năm 2006. Quy mô vốn điều lệ của DN cũng khá nhỏ, hiện tại là 100 tỷ đồng. 

Năm 2020, Thái Hưng tái cơ cấu ngành nghề và trở thành một công ty khởi nghiệp mới trong lĩnh vực ô tô điện thông qua dự án đầu tư xây dựng nhà máy cơ điện Thái Hưng (tỉnh Thái Bình). Dự án đã được UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt lần đầu ngày 8-1-2020 và điều chỉnh ngày 30-12-2022. Mục tiêu là gia công, lắp ráp và sản xuất xe điện 2 bánh, 3 bánh và ô tô điện.

Tổng công suất toàn dự án là 15.000 xe/năm, trong đó, riêng ô tô điện và xe điện 4 bánh có quy mô công suất thiết kế là 5.000 xe/năm, đây là mức công suất không lớn khi so sánh với các đối thủ khác trên thị trường.

Về kinh nghiệm, Thái Hưng mới chỉ có kinh nghiệm lắp ráp xe golf điện. Cuối năm 2021, công ty cũng mang chiếc Wuling Hongguang Mini EV đầu tiên về Việt Nam nhằm mục đích nghiên cứu sản phẩm. Tuy nhiên sau đó quyền sản xuất và phân phối thuộc về TMT Motor.

Đối thủ "đáng gờm" ở phân khúc hạng trung và sang

Ngày 02/11/2023 tại Thái Bình, Tập đoàn Geleximco và Công ty TNHH Ô tô Omoda & Jaecoo (trực thuộc Tập đoàn Chery, Trung Quốc) đã chính thức ký kết hợp đồng nguyên tắc để hợp tác xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô tại Khu công nghiệp Hưng Phú - Khu kinh tế tỉnh Thái Bình.

Ông lớn lắp ráp xe máy Honda sẽ sản xuất ô tô điện? - Ảnh 1.

Lễ ký kết hợp đồng nguyên tắc giữa Tập đoàn Geleximco và Công ty TNHH Ô tô Omoda & Jaecoo

Mục tiêu của dự án là đầu tư sản xuất, lắp ráp ô tô phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, bao gồm ô tô sử dụng nhiên liệu xăng, xăng - điện hỗn hợp (PHEV) và ô tô thuần điện.

Dự án sản xuất ô tô điện của Geleximco và Omoda & Jaecoo được giới thiệu trải từ xe phân khúc hạng trung đến hạng sang, có tổng vốn đầu tư khoảng 800 triệu USD (chưa bao gồm đầu tư khu công nghiệp phụ trợ), dự kiến được chia thành 3 giai đoạn:

- Giai đoạn 1 từ năm 2023-2030, đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô với quy mô 50.000 xe/năm và các công trình phụ trợ thiết yếu phục vụ sản xuất như: Đường thử xe, bãi để xe, nhà điều hành, nhà ở cho cán bộ, nhân viên, hệ thống cảnh quan cây xanh, hệ thống cấp thoát nước, xử lý nước thải, cấp điệp, phòng cháy, chữa cháy…

- Giai đoạn 2 của dự án từ năm 2031-2033. Sau khi hoạt động sản xuất kinh doanh đi vào ổn định, tiến hành đầu tư thêm dây chuyền sản xuất 50.000 xe/năm để nâng công suất nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô lên 100.000 xe/năm. Đầu tư khu công nghiệp phụ trợ quy mô 50 ha thu hút các đối tác sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô để đáp ứng tỷ lệ nội địa hóa 40%, phục vụ cho xuất khẩu.

- Giai đoạn 3 (2034-2035), Tập đoàn sẽ đầu tư thêm dây chuyền sản xuất 100.000 xe/năm để nâng công suất toàn nhà máy lên 200.000 xe/năm và đầu tư mở rộng khu công nghiệp phụ trợ thêm 50 ha để gia tăng tỷ lệ nội địa hóa lên trên 60%.

Đa dạng "đối thủ" của ô tô điện Vinfast trên sân nhà: Từ doanh nghiệp chưa có tiếng tăm, vốn điều lệ 100 tỷ đến tập đoàn đa ngành sở hữu hệ sinh thái lớn, vốn 9.600 tỷ đồng - Ảnh 5.

Geleximco là tập đoàn hoạt động đa ngành, nổi bật ở các lĩnh vực: BĐS, tài chính và công nghiệp

Nói về Geleximco, tiền thân của tập đoàn là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội, doanh nghiệp tư nhân đầu tiên của Việt Nam được phép kinh doanh xuất nhập khẩu trực tiếp, trải qua 30 năm phát triển ngày nay đã trở thành một tập đoàn đa ngành với các lĩnh vực: công nghiệp, bất động sản, tài chính - ngân hàng, nông nghiệp công nghệ cao, thương mại dịch vụ.

Geleximco gắn với tên tuổi của doanh nhân Vũ Văn Tiền. Từ rất sớm, Geleximco trở thành hình mẫu đầu tiên của việc liên doanh với nước ngoài khi ông Vũ Văn Tiền tiên phong liên doanh lên đến 30% cổ phần với Honda để thành lập Công ty TNHH Sản xuất Phụ tùng Ô tô Xe máy Honda Việt Nam (VAP) – chủ đầu tư dự án nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô xe máy có tổng vốn đầu tư 90 triệu USD tại Khu công nghiệp Như Quỳnh (Hưng Yên). 

Liên doanh này chuyên sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy cung cấp cho các hãng Yamaha, Suzuki, Kawasaki và Honda Việt Nam. Riêng với thương hiệu Honda, liên doanh còn lắp ráp xe máy Honda với công suất 400.000 xe/năm.

Ông lớn lắp ráp xe máy Honda sẽ sản xuất ô tô điện? - Ảnh 2.

Công ty TNHH Sản xuất Phụ tùng Ô tô Xe máy Việt Nam là chủ đầu tư Nhà máy Sản xuất Phụ tùng Ô tô Xe máy Việt Nam (VAP) với tổng vốn đầu tư trị giá 90 triệu USD

Các dự án đầu tư lớn của Geleximco trong lĩnh vực công nghiệp như Nhà máy Giấy và Bột giấy An Hòa (450 triệu USD) tại Tuyên Quang, Nhà máy Xi măng Thăng Long (350 triệu USD) và Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long tại Quảng Ninh (900 triệu USD). Trong đó, Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long 600MW là nhà máy nhiệt điện tư nhân lớn nhất hiện nay.

Có kinh nghiệm sản xuất công nghiệp, từng lắp ráp xe máy và hệ sinh thái rộng đa lĩnh vực, Geleximco hứa hẹn là một đối thủ "đáng gờm" trong cuộc đua xe ô tô điện phân khúc trung và sang tại Việt Nam. Đến 2018, theo giới thiệu trên website, GELEXIMCO đã trở thành một tập đoàn kinh tế tư nhân lớn mạnh với vốn chủ sở hữu 14.500 tỷ đồng. 

Sau 30 năm hình thành và phát triển, Tập đoàn Geleximco từ một công ty xuất nhập khẩu nhỏ với số vốn 3 tỷ đồng và hơn 10 nhân sự, nay đã trở thành một trong những Tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành hàng đầu Việt Nam có quy mô hơn 10.000 nhân sự và tổng tài sản trên 80.000 tỷ đồng.



Trọng Nghĩa

Cùng chuyên mục
XEM