Cuộc đời của những sinh viên trốn chạy khỏi Triều Tiên

19/11/2018 10:58 AM | Xã hội

Thống kê mới nhất cho thấy có khoảng 30.000 người bỏ trốn khỏi Triều Tiên hiện đang sống ở Hàn Quốc và có đến 2.800 người trong số đó đang ở độ tuổi giáo dục.

Giới truyền thông đã từng nhận định Triều Tiên có thể thay thế Việt Nam để trở thành thị trường hấp dẫn của các nhà đầu tư Hàn Quốc, đồng thời vươn lên thành công xưởng giá rẻ cho các nhà sản xuất. Tuy nhiên với những câu chuyện của các học sinh trốn chạy khỏi Triều Tiên, rõ ràng nền kinh tế này khó lòng duy trì được sức cạnh tranh với những nền kinh tế khác do thiếu nhân lực có trình độ một cách trầm trọng.

Chuyện cô Kang

Kang là một sinh viên sáng giá của trường đại học Haankkum, nằm cách thủ đô Seoul-Hàn Quốc 1 giờ lái xe về phía Bắc. Mặc dù chỉ học 2 năm ở Haankkum nhưng cô sinh viên 21 tuổi này đã có rất nhiều trải nghiệm, những chuyến đi đến New Zealand, Mỹ, Ấn Độ, Nepal hay những dự án, rồi những bạn bè mới quen. Tất cả đều là những trải nghiệm vô cùng đáng giá với cô Kang bởi cô vốn là một sinh viên vượt biên trốn chạy khỏi Triều Tiên.

Cuộc đời của những sinh viên trốn chạy khỏi Triều Tiên - Ảnh 1.

Học sinh trường Kang Pan Sok-Triều Tiên

Cha của Kang bị hành hình do chống đối chính phủ và bản thân cô đã phải trốn chạy đến Trung Quốc bằng việc băng qua con sông lạnh giá Đồ Môn để rồi đến Hàn Quốc mưu sinh. Việc sống dưới cái mác con gái của kẻ phản bội khiến Kang không thể tiếp tục ở lại Triều Tiên.

Trên thực tế, chuyện của Kang khá phổ biến tại trường Haankkum, ngôi trường được chính phủ Hàn Quốc xây dựng nhằm đào tạo những người vẫn đang trong độ tuổi giáo dục trốn chạy khỏi Triều Tiên. Thống kê mới nhất cho thấy có khoảng 30.000 người bỏ trốn khỏi Triều Tiên hiện đang sống ở Hàn Quốc và có đến 2.800 người trong số đó đang ở độ tuổi giáo dục.

Khoảng 90% số học sinh, sinh viên trốn chạy vào học trong các trường công và chỉ 10% còn lại mới theo học các trường đặc biệt như Haankkun, ngôi trường được xây dựng không chỉ để chào đón những người đào tẩu khỏi Triều Tiên mà các mắc các chứng bệnh gặp khó khăn để tái hòa nhập cộng động tại Hàn Quốc.

"Tôi mới chỉ 15 tuổi khi bỏ trốn khỏi Triều Tiên. Tôi đã phải bỏ dở trung học khi ở Triều Tiên và cũng chẳng thể nhận được một nền giáo dục tử tế ở Trung Quốc. Phần lớn những gì chúng tôi học tại Triều Tiên là về cuộc đời của các nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành và Kim Jong Il (Người ông và cha của nhà lãnh đạo Triều Tiên hiện nay Kim Jong Un). Chúng tôi không hề được học tý tiếng Anh nào", Kang kể lại.

Sự cách biệt về giáo dục này là yếu điểm chết người cho những người trốn chạy khỏi Triều Tiên muốn tìm kiếm công việc mưu sinh bởi họ hầu như đã qua tuổi giáo dục như ở các nước phát triển khác. Đây cũng là lý do nhiều người trốn chạy khỏi Triều Tiên chọn Haankkum bởi ngôi trường này không giới hạn độ tuổi nhập học cũng như yêu cầu bài thi đầu vào.

Cuộc đời của những sinh viên trốn chạy khỏi Triều Tiên - Ảnh 2.

Tượng nhà cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành và Kim Jong Il

Một trường hợp còn tồi tệ hơn là cô Byun, tìm đến trường Haankkum sau khi bị các ngôi trường khác từ chối. Người phụ nữ 27 tuổi này thậm chí không thể giao tiếp hoàn chỉnh bằng tiếng Hàn khi đặt chân đến thủ đô Seoul và việc có 2 người con nhỏ khiến cô bị các trường từ chối.

Ông nội của Byun là một quân nhân Hàn Quốc bị Triều Tiên bắt giữ trong cuộc nội chiến. Cô Buyn chỉ mới 7 tuổi khi ông bị hành quyết và gia đình cô đã trốn chạy sang Trung Quốc. Trớ trêu thay họ bị cảnh sát bắt và gửi trở lại Triều Tiên, nơi họ phải sống trong các trại tập trung.

"Tôi sẽ sống ngẩng cao đầu trên mảnh đất của cha ông và tôi muốn con gái mình cũng như vậy", người mẹ 47 tuổi của cô Buyn, hiện đang là một y tá tại Seoul nói.

Học cách để sống sót

Hiệu trưởng Kim Doo Yeon của trường Haankkum cho biết rất nhiều người bỏ trốn khỏi Triều Tiên cảm thấy khó khăn khi cố hòa nhập vào xã hội Hàn Quốc. Đây không chỉ là vấn đề mưu sinh mà còn liên quan đến văn hóa, ngôn ngữ, ý thức hệ và thậm chí là thói quen sống.

"Họ tìm đến trường chúng tôi khi nhận ra rằng mình cần một hệ thống giáo dục đàng hoàng để có thể mưu sinh. Đặc biệt là với lũ trẻ, chúng bị phân tâm khi phải sống với môi trường cũ cùng bố mẹ rồi lại phải thích nghi với một môi trường hoàn toàn khác tại trường học để có thể đáp ứng được tiêu chuẩn sống của xã hội Hàn Quốc", Hiệu trưởng Kim nói.

Không riêng gì Haankkum, Hàn Quốc có khá nhiều ngôi trường hay trung tâm đào tạo dành cho những người bỏ trốn khỏi Triều Tiên. Chính quyền Seoul cũng chi khá nhiều tiền cho các trung tâm đào tạo này nhằm giúp đỡ những người bỏ trốn. Trong khi trường Haankkum nhận được khoảng 100 triệu Won (87.600 USD) tiền tài trợ từ chính phủ hàng năm thì những trung tâm như Viện Yeomyung nhận được khoảng 2 tỷ Won (1,75 triệu USD).

Theo Hiệu trưởng Kim, phụ huynh của những học sinh nhỏ từ những gia đình bỏ trốn không đủ kiến thức cũng như trình độ giáo dục con cái họ đáp ứng các tiêu chuẩn sống của Hàn Quốc. Như một hệ quả tất yếu, các ngôi trường đạo tạo như Haankkum trở thành một gia đình cho các em khi giáo viên và nhân viên biết rõ hoàn cảnh của từng trường hợp học sinh.

Cuộc đời của những sinh viên trốn chạy khỏi Triều Tiên - Ảnh 3.

Một lớp học tại Haankkum

Tư bản là gì?

Hàn Quốc là một quốc gia nổi tiếng với nền giáo dục chất lượng cao. Đánh giá về ngành giáo dục của Hàn Quốc luôn ở mức cao theo xếp hạng của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Tuy nhiên hệ thống này cũng gặp không ít khó khăn để đào tạo lại những người bỏ trốn khỏi Triều Tiên.

Do khác biệt về ý thức hệ, văn hóa, giáo dục và thậm chí là ngôn ngữ (tiếng Hàn và tiếng Triều Tiên có một số khác biệt về từ vựng cũng như cách dùng) nên các giáo viên gặp nhiều khó khăn để giúp các em nhỏ tái hòa nhập cộng đồng cũng như tiếp thu các kiến thức cơ bản.

Điển hình trong số đó là quan điểm về tư bản, kinh tế học cũng như những kiến thức cơ bản về thương mại, vốn bị hạn chế cũng như chí trích rất nhiều ở Triều Tiên.

Quay trở lại câu chuyện của Kang, mục đích ban đầu của cô là đến trường để lấy được một tấm bằng để có thể kiếm việc mưu sinh. Tuy nhiên khi được tiếp xúc với những kiến thức mới, cô Kang muốn một sự nghiệp lớn hơn.

Chuyên gia nghiên cứu Kim Ji Soo của Tổ chức phát triển giáo dục Hàn Quốc (KEDI) nhận định những người bỏ trốn khỏi Triều Tiên nên nhập học ở các trường công để có thể hòa nhập được với xã hội Hàn nhanh nhất. Tuy nhiên sự khác biệt về tuổi tác, văn hóa, ý thức khiến họ không có nhiều lựa chọn và bị từ chối.

"Khi tôi nói chuyện với những người bạn Hàn cùng lứa tuổi, họ bàn luận về nhiều thứ mà tôi chẳng biết nó là cái gì", cô Kang than thở.

Cuộc đời của những sinh viên trốn chạy khỏi Triều Tiên - Ảnh 4.

Một lớp học tại Haankkum

AB

Cùng chuyên mục
XEM