Cuộc 'đại di cư' của các doanh nghiệp khỏi Trung Quốc
Trong bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung kéo dài, ngày càng nhiều công ty đã và đang lên kế hoạch chuyển nhà máy sang Đông Nam Á và các quốc gia khác. Chính phủ Trung Quốc buộc phải đưa ra các ưu đãi để níu giữ các công ty trong và ngoài nước ở lại.
Làn sóng tháo chạy khỏi Trung Quốc
Trong suốt hơn 1 năm chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn ra, hơn 50 công ty nước ngoài, bao gồm cả Apple và Nintendo, đều đã tuyên bố hoặc đang xem xét chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc, nghiên cứu của Nikkei Asian Review cho biết.
Không chỉ Mỹ, các công ty Nhật Bản hay Đài Loan cũng có động thái tương tự. Thậm chí, các nhà sản xuất của chính Trung Quốc cũng tham gia vào làn sóng tháo chạy này.
“Chúng tôi cần biện pháp lâu dài để tránh rủi ro từ chính sách thuế quan cũng như đủ điều kiện để được mua bán với chính phủ Mỹ”, ông Kiyofumi Kakudo, CEO của hãng sản xuất máy tính cá nhân Dynabook, cho biết.
Ngày càng có nhiều công ty nước ngoài dịch chuyển sản xuất ra ngoài Trung Quốc. Thống kê: Nikkei Asian Review.
Dynabook, công ty con của Sharp, đang xem xét kế hoạch chuyển dây chuyển sản xuất máy tính xách tay dành cho thị trường Mỹ sang một nhà máy mới được xây dựng tại Việt Nam. Dòng sản phẩm này hiện chiếm 10% tổng sản lượng máy tính cá nhân của Dynabook.
Phần lớn dòng notebook của Dynabook được sản xuất tại Trung Quốc, chủ yếu là ở một nhà máy tại Hàng Châu. “Mỹ tạm thời chưa triển khai đợt thuế mới với hàng hóa Trung Quốc, nhưng chúng tôi cũng không thể nói trước được chuyện gì sẽ xảy ra hay khi nào điều đó sẽ xảy ra”, ông Kakudo nói.
Apple mới đây cũng kêu gọi các nhà cung cấp lớn xem xét chuyển 15 – 30% công suất sản xuất iPhone ra khỏi Trung Quốc. Nikkei Asian Review ngày 17/7 đưa tin rằng Apple sẽ sản xuất thử nghiệm tai nghe không dây AirPods tại Việt Nam. Những cuộc thử nghiệm như thế này thường là tiền đề để sản xuất hàng loạt sau này.
Các hãng sản xuất máy tính cá nhân khác của Mỹ, như HP và Dell, cũng đang suy nghĩ về việc chuyển 30% công suất tại Trung Quốc sang Đông Nam Á và các nước khác. Nintendo của Nhật Bản cũng sẽ chuyển một phần dây chuyền sản xuất thiết bị Switch từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Kyocera của Nhật Bản xem xét chuyển dây chuyển sản xuất máy in sang Việt Nam. Hãng sản xuất thiết bị điện tử của Trung Quốc, TCL, cũng sẽ xây dựng 1 nhà máy sản xuất TV tại đây. Hay như Komatsu đã chuyển một phần công suất sản xuất linh kiện cho các thiết bị xây dựng phục vụ cho thị trường Nhật Bản và Mỹ.
Những đợt áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc của Mỹ. Ảnh: Nikkei Asian Review.
Kể từ tháng 7/2018, chính phủ Mỹ đã 3 lần áp thuế lên 250 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Mặc dù Tổng thống Trump cam kết ngừng áp thuế với Trung Quốc trong thời gian tới, các doanh nghiệp vẫn cần chuẩn bị cho tình huống xấu nhất có thể xảy ra.
Điểm đích của làn sóng dịch chuyển hiện nay chủ yếu hướng về Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam vốn đã là “nhà” của nhiều doanh nghiệp sản xuất thiết bị điện, điện tử như Samsung Electronics của Hàn Quốc. Việt Nam cũng có lợi thế về logistics nhờ có đường biên giới chung với Trung Quốc.
Ngoài các lựa chọn trên, doanh nghiệp cũng dịch chuyển dây chuyền sản xuất loại hàng hóa phục vụ cho các nền kinh tế phát triển về nước để tận dụng mạng lưới thương mại hiện có.
Trước khi cuộc chiến thương mại bùng nổ, nhiều thương hiệu nổi tiếng của Mỹ cũng không thể chịu được sự khắc nghiệt của thị trường Trung Quốc và buộc phải rời bỏ dù đã đạt được một số thành tựu nhất định. Trong danh sách đó phải kể đến Google, Amazon, Uber,...
Chính phủ Trung Quốc tung chiêu níu kéo doanh nghiệp
Làn sóng dịch chuyển sản xuất này có thể sẽ bóp nghẹt thị trường việc làm cũng như sức tiêu thụ của Trung Quốc. Để giảm thiểu rủi ro từ làn sóng này, Bắc Kinh đang nỗ lực “trải thảm đỏ” chào đón các doanh nghiệp nước ngoài.
Tesla là một trong những đích ngắm của chính phủ Trung Quốc trong chiến dịch kéo doanh nghiệp nước ngoài ở lại. Công ty này đang chuyển dây chuyền sản xuất tới một nhà máy mới ở ngoại ô thành phố Thượng Hải được khởi công nửa năm trước. Tesla cũng bắt đầu tuyển dụng nhân viên để có thể bắt đầu sản xuất sớm nhất vào tháng 8.
Hãng sản xuất ôtô điện này của Mỹ được cho là nhận ưu đãi từ chính quyền địa phương trong vấn đề đất đai, thậm chí được cho vay vốn với giá rẻ.
Cuối tháng 6, chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ nới lỏng quy định hạn chế đầu tư nước ngoài vào 7 lĩnh vực, trong đó có dầu khí. Các quan chức cũng cho biết sẽ lên kế hoạch mở cửa lĩnh vực tài chính.
Nói cách khác, để giữ các công ty nước ngoài ở lại, Trung Quốc đưa ra những ưu đãi đặc biệt để lấn át những bất lợi đến từ chính sách thuế quan của Mỹ.
Trên thực tế, Trung Quốc bắt đầu mở cửa với các doanh nghiệp nước ngoài từ năm 2018, khi căng thẳng thương mại với Mỹ leo thang. Kết quả, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc tăng 3,5% trong năm 2018 lên 70,7 tỷ USD trong nửa đầu năm nay, theo số liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc.
Để níu kéo các doanh nghiệp trong và ngoài nước, chính phủ Trung Quốc chủ trương tăng cường mở cửa và cung cấp nhiều ưu đãi. Ảnh: Reuters.
Vậy những ưu đãi này có đủ để xóa bỏ lo ngại liên quan tới tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung?
Tại nhà máy chính của UE Furniture, nhân viên bắt đầu rời khỏi nhà máy vào khoảng 16h30 hàng ngày.
“Chúng tôi không còn làm thêm giờ nữa do tác động từ đòn thuế của Mỹ”, một nhân viên cho biết. Công ty này quyết định xây dựng nhà máy tại Việt Nam để tránh thuế của Tổng thống Donald Trump. Mặc dù công ty chưa cắt giảm nhân sự tại Trung Quốc nhưng nhiều lao động đã bị giảm thu nhập vì thời gian làm việc ngắn lại.
Cuộc chiến thương mại với Mỹ cũng bắt đầu ảnh hưởng tới dòng chảy hàng hóa và vốn đầu tư của Trung Quốc. Trong 5 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi xuất khẩu từ Ấn Độ, Việt Nam và Đài Loan (Trung Quốc) lại tăng 2 con số. Tình trạng xuất khẩu hàng hóa có xuất xứ giả mạo để tránh thuế từ Mỹ cũng tăng lên.
Bên cạnh việc tìm địa điểm thay thế để sản xuất hàng hóa phục vụ thị trường Mỹ, nhiều doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động sản xuất tại Trung Quốc để đáp ứng nhu cầu của thị trường này. Nói cách khác, nhiều nhà sản xuất sẽ buộc phải thiết lập chuỗi cung ứng kép: 1 cho Trung Quốc và 1 cho các thị trường khác. Điều này khiến chi phí doanh nghiệp tăng lên, đồng thời kéo giảm lợi nhuận.
Không chỉ phải chịu chi phí cao, các công ty có thể phải đối mặt với tình trạng dư thừa công suất.
Quanta Computer, một nhà sản xuất máy tính cá nhân theo hợp đồng của Đài Loan (Trung Quốc), dự kiến chuyển một phần dây chuyền sản xuất về quê hương. Tuy nhiên, việc đàm phán với các công ty khách hàng, như Apple, về chi phí di dời có thể gặp khó khăn. Theo CEO của công ty, ông Barry Lam, Quanta không thể trụ vững nếu lợi nhuận tiếp tục giảm trong bối cảnh biên lợi nhuận của công ty đang ở mức thấp.
Một hãng sản xuất máy móc của Nhật Bản cũng đã chuyển nhà máy chuyên sản xuất hàng phục vụ thị trường Mỹ về một quốc gia Đông Nam Á. Vì địa điểm mới không có chuỗi cung ứng rộng khắp như ở Trung Quốc nên công ty hoặc phải vận chuyển linh kiện từ Trung Quốc sang hoặc phải xây dựng một mạng lưới mua hàng mới. “Trong cả 2 trường hợp, chi phí đều sẽ tăng”, một vị giám đốc của công ty này cho biết.