Cú đặt cược 32 tỷ USD được Masayoshi Son coi là 'định mệnh cuộc đời': 7 năm trôi qua vẫn chưa thể hái trái ngọt, nín thở chờ số phận được định đoạt vào tháng này

04/09/2023 10:33 AM | Kinh doanh

Cú đặt cược "định mệnh cuộc đời" của Masayoshi Son từ 7 năm trước sẽ được định đoạt vào tháng này.

Cú đặt cược 32 tỷ USD được Masayoshi Son coi là 'định mệnh cuộc đời': 7 năm trôi qua vẫn chưa thể hái trái ngọt, nín thở chờ số phận được định đoạt vào tháng này - Ảnh 1.

Khi Tập đoàn SoftBank của Masayoshi Son đạt được thỏa thuận mua công ty chip Arm vào năm 2016, ông đã rất phấn khích và nói rằng thương vụ mua lại trị giá 32 tỷ USD này là “định mệnh của đời tôi” sau nhiều thập kỷ đầu tư vào lĩnh vực công nghệ.

“Tôi tràn đầy tự tin rằng khoản đầu tư này sẽ tăng gấp 5 lần sau 5 năm”, tỷ phú nổi tiếng với chiến lược “liều ăn nhiều” nói với các nhà phân tích vào thời điểm đó.

Nhưng mọi chuyện không diễn ra suôn sẻ như vậy.

Arm vẫn là nhà thiết kế hàng đầu về linh kiện cho chip dùng trong điện thoại thông minh, máy tính và ô tô, nhưng thương vụ lớn nhất từ trước đến nay của SoftBank đã không đạt được mục tiêu cao cả của họ.

Doanh thu của Arm tăng 65% kể từ năm 2016, nhỉnh hơn một chút so với lĩnh vực chip rộng hơn nhưng vẫn kém xa các công ty dẫn đầu ngành. Sự gia tăng lớn trong chi tiêu nghiên cứu vẫn chưa mang lại lợi nhuận cao hơn như Son dự đoán. Và cú đặt cược vào Internet of Things – hình dung ra một tương lai nơi tủ lạnh, chuông cửa và các thiết bị khác được kết nối trở nên phổ biến – đã thất bại.

Phán quyết của thị trường đối với Arm và những năm công ty này nằm dưới sự giám sát của SoftBank sẽ được đưa rá vào tháng này, khi nhà thiết kế chip này niêm yết trên sàn Nasdaq. Đây có thể sẽ là đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) lớn nhất trong năm. Tập đoàn công nghệ Nhật Bản dự kiến sẽ bán khoảng 10% cổ phần.

Cú đặt cược 32 tỷ USD được Masayoshi Son coi là 'định mệnh cuộc đời': 7 năm trôi qua vẫn chưa thể hái trái ngọt, nín thở chờ số phận được định đoạt vào tháng này - Ảnh 2.

Theo những người quen thuộc với vấn đề này, Arm đang nhắm đến mức định giá mục tiêu từ 50 tỷ USD đến 55 tỷ USD. Một số nhà phân tích đánh giá, giá trị của Arm ở mức từ 45 tỷ đến 50 tỷ USD, trong khi SoftBank gần đây định giá Arm ở mức 64 tỷ USD khi mua lại cổ phần do Quỹ Tầm nhìn SoftBank của chính họ nắm giữ.

IPO với mức giá mà Vision Fund mua cổ phần đồng nghĩa với việc con số đó sẽ tăng gấp đôi mức định giá ban đầu của SoftBank - và điều đó sẽ khiến các nhà đầu tư phải đặc biệt lạc quan về Arm so với các cổ phiếu trong lĩnh vực chip khác, do mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận tương đối khiêm tốn của họ trong những năm gần đây.

Tiền đầu tư vào chỉ số lĩnh vực công nghệ hoặc mảng chip rộng hơn đã hoạt động tốt hơn. Dữ liệu FactSet cho thấy, kể từ khi cuộc tiếp quản kết thúc vào tháng 9/2016, 100 USD đầu tư vào Nasdaq Composite đã biến thành khoảng 267 USD bao gồm cả cổ tức được tái đầu tư. Khoản đầu tư vào Chỉ số Chất bán dẫn Philadelphia thậm chí còn có kết quả tốt hơn.

Các nhà phân tích cho rằng một phần của vấn đề là Arm đã chiếm ưu thế trong lĩnh vực kinh doanh điện thoại thông minh chính của mình đến mức họ không còn nhiều dư địa để phát triển. Họ ghi nhận SoftBank đã đầu tư nhiều hơn vào nghiên cứu và phát triển và số tiền bỏ ra có thể mất nhiều năm để thu hồi vốn.

Kirk Boodry, nhà phân tích tại Astris Advisory, người ước tính giá trị của Arm vào khoảng từ 47 tỷ đến 50 tỷ USD cho biết Arm “đã có thể tăng tốc đầu tư vào R&D theo cách mà họ không bao giờ có được với tư cách là một công ty đại chúng”. Ông nói, công ty “có vẻ ở vị trí tốt để phát triển”.

Hiện tại, có hai vấn đề sẽ rất quan trọng đối với các nhà đầu tư tiềm năng vào Arm: Trung Quốc và trí tuệ nhân tạo (AI). Gần 1/4 doanh thu của Arm năm ngoái đến từ Trung Quốc và Arm cảnh báo rằng điều này khiến công ty “đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi rủi ro kinh tế và chính trị”. Tăng trưởng ở Trung Quốc đang chậm lại, căng thẳng địa chính trị đang âm ỉ và Arm phụ thuộc vào doanh số bán hàng từ chi nhánh Arm China – vốn gặp phải cuộc tranh giành quyền kiểm soát doanh nghiệp trước đó.

Trong khi đó, sự phấn khích về AI đã tạo ra mức tăng giá cổ phiếu khổng lồ cho Nvidia và các công ty khác trong năm nay.

Sự bùng nổ AI được coi là có khả năng thúc đẩy nhu cầu về chip dùng trong máy chủ, thay vì trong điện thoại thông minh và máy tính gia đình – lĩnh vực Arm hiện nắm lớn nhất. Tuy nhiên, Arm tự cho mình là người có khả năng hưởng lợi, cho biết sự tăng trưởng trong các hệ thống hỗ trợ AI, chẳng hạn như ô tô tự lái, có thể đồng nghĩa với việc nhu cầu về chip sử dụng thiết kế của Arm sẽ tăng lên.

Bản cáo bạch IPO cho biết: “Arm sẽ là trung tâm của quá trình chuyển đổi này”.

Trong khi đó, Son cho biết SoftBank đặt mục tiêu tạo ra “hạnh phúc cho mọi người”. Bản thân ông cũng từng trải qua nhiều thăng trầm.

Son từng kiếm bộn tiền nhờ bong bóng dot-com nhưng lại gần như mất sạch mọi thứ khi bong bóng nổ tung. Sau đó, ông đã xây dựng lại, được hỗ trợ bởi hai vụ đánh cược thành công phi thường: Sớm nắm giữ cổ phần của Alibaba của Trung Quốc và mua bộ phận không dây của Vodafone tại Nhật Bản vào năm 2006.

Ông mua Arm vào năm 2016, một năm trước khi thành lập đơn vị Vision Fund, đơn vị sau đó gây xôn xao dư luận vì đã rót hàng chục tỷ USD vào các công ty khởi nghiệp. Điều đó dẫn đến một loạt khoản lỗ khổng lồ, bao gồm cả khoản đặt cược hơn 12 tỷ USD vào nhà cung cấp không gian văn phòng WeWork. Hiện số tiền đầu tư kể trên đã gần như bằng 0.

Arm khác xa so với những vụ đặt cược ở giai đoạn đầu của Quỹ Tầm nhìn. Không giống như những công ty khởi nghiệp đó, Arm có lợi nhuận đáng kể - hơn 500 triệu USD lợi nhuận mỗi năm - và là một doanh nghiệp chiếm ưu thế, với hơn 90% thị phần trong thiết kế bộ xử lý chip di động.

Son khiến Arm bất ngờ khi bay tới gặp chủ tịch công ty trong kỳ nghỉ ở Thổ Nhĩ Kỳ để đàm phán một thỏa thuận. Ông đề nghị trả mức giá cao hơn tới 43% cho số cổ phiếu này.

Sau khi hoàn tất thương vụ, Son ra lệnh tăng mạnh tuyển dụng và công ty có trụ sở tại Anh này đã đổ nguồn lực vào hoạt động R&D. Điều đó đã đẩy lợi nhuận đi xuống, nhưng Son cho biết động thái này sẽ tạo ra thu nhập lớn hơn nhiều trong vòng 5 đến 7 năm tới.

Cú đánh cược cơ bản của Son là số lượng chip trên thế giới sẽ tăng lên đáng kể – và Arm sẽ nắm bắt được một phần sự tăng trưởng bùng nổ đó.

Internet of Things là một trọng tâm đặc biệt. Son suy ngẫm và nói với các nhà đầu tư rằng đến năm 2035, sẽ có 1 nghìn tỷ USD chi tiêu cho IoT hàng năm và một nghìn tỷ mặt hàng được liên kết với web.

Arm đã chi mạnh tay để xây dựng một doanh nghiệp dựa trên đám mây, nơi các công ty có thể cung cấp dữ liệu thiết bị lên nền tảng do SoftBank điều hành.

Nhưng thật không may, hai công ty con hoạt động trong lĩnh vực này lỗ hơn 275 triệu USD trong năm tài chính 2021 và 2022 của Arm. Arm dần dần rời khỏi khu vực và các đơn vị được chuyển giao cho SoftBank theo điều mà Arm cho biết là bước chuyển hướng để tái tập trung vào hoạt động kinh doanh chính của mình.

Trong khi tủ lạnh và máy móc kết nối internet thực sự đã trở nên phổ biến hơn, thì vẫn còn một chặng đường dài để chúng trở thành một lĩnh vực nghìn tỷ USD. Hồ sơ của Arm ước tính thị trường chip IoT sẽ đạt 50,5 tỷ USD vào năm 2025 với 49 tỷ thiết bị vào năm 2026.

Arm đạt được nhiều thành công hơn khi lấn sân sang các lĩnh vực như chip cho máy chủ và phụ tùng ô tô. Tuy nhiên, thị phần của họ trong điện toán đám mây chỉ khoảng 10%, bằng một nửa mục tiêu 20% mà họ từng đặt ra cho năm 2021. Về ô tô, họ tự hào có 40% thị phần - nhưng sự xuất hiện của ô tô tự lái sử dụng nhiều chip tỏ ra chậm hơn so với hy vọng trước đây.

Doanh thu trong 12 tháng kết thúc vào tháng 6 của Arm là 2,7 tỷ USD. Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận giảm đáng kể, lợi nhuận của Arm chiếm 20% doanh thu trong năm tài chính gần nhất, giảm từ mức 34% của năm trước thương vụ với SoftBank. Các nhà phân tích tại Bernstein cho biết tỷ suất lợi nhuận có thể sẽ tăng lên khi Arm trở thành công ty đại chúng và kiểm soát chi phí chặt chẽ hơn.

Nguồn: WSJ

Phương Linh

Cùng chuyên mục
XEM