Ông Obama nhận CÓ, tất cả đại gia công nghệ chối KHÔNG

10/06/2013 17:17 PM | Công nghệ


Những gã khổng lồ công nghệ Mỹ tiếp tục phủ nhận việc liên quan đến chương trình theo dõi khổng lồ của chính phủ nước này có tên Prism, cho dù chính Tổng thống Barack Obama khẳng định sự tồn tại của chương trình này hôm qua (7/6/2013). 

Trước đó, ngày 5/6, dư luận Mỹ chấn động khi tờ Guardian của Anh phanh phui Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) đã bí mật nghe lén điện thoại của hàng chục triệu người Mỹ sử dụng dịch vụ của Hãng viễn thông Verizon. 

Ngày 6/6/2013, báo Washington Post lôi ra ánh sáng vụ NSA và Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) truy cập trực tiếp vào hệ thống máy chủ của hàng loạt tập đoàn công nghệ lớn để lấy thông tin của người sử dụng Internet.

Chương trình 'gián điệp' của NSA có mật danh là Prism đã bắt đầu từ năm 2007, dưới thời cựu tổng thống George Bush nhưng lại bùng nổ trong vài năm qua dưới quyền của Tổng thống Obama. 

Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia Mỹ James Clapper đã thừa nhận sự tồn tại của Prism. Tờ New York Times dẫn lời ông Clapper cho biết, chương trình này tuân thủ luật tình báo nước ngoài của Mỹ và đã được quốc hội thông qua. 

“Chúng tôi không dùng Prism để cố tình nhắm vào bất kỳ công dân Mỹ nào hoặc bất kỳ ai ở trong nước Mỹ. Thông tin thu thập được từ chương trình này là những tin tức tình báo quan trọng nhất, có giá trị nhất và được sử dụng để bảo vệ đất nước trước nguy cơ tấn công khủng bố”.

Trong tài liệu rò rỉ liệt kê danh sách các tập đoàn khổng lồ “đi đêm” với NSA và FBI là 9 đại gia công nghệ lớn của Mỹ, gồm AOL, Apple, Facebook, Google, Microsoft, PalTalk Yahoo, kèm theo ngày mỗi công ty gia nhập vào Prism.

Tất cả các công ty có liên quan đều phủ nhận với tờ Guardian việc biết về chương trình của chính phủ. 

Nhà đồng sáng lập Larry Page và Giám đốc pháp lý David Drummond của Google đã viết trong một bài viết blog có tiêu đề 'What the...? (Chuyện gì vậy...?) rằng: "Mức độ bí mật" xung quanh các thủ tục theo dõi của chính phủ Mỹ đã phá hoại "Quyền tự do mà tất cả chúng ta hằng tôn thờ".

"Đầu tiên, chúng tôi không tham gia vào bất cứ chương trình nào cho phép cung cấp cho chính phủ Mỹ - hay bất kỳ chính phủ nào khác, truy cập trực tiếp vào các máy chủ của chúng tôi. Thực tế, chính phủ Mỹ không có quyền truy cập trực tiếp hay đi đêm bằng 'cửa sau' để lấy thông tin lưu trữ trong các trung tâm dữ liệu của chúng tôi. Chúng tôi chưa từng nghe thấy một chương trình nào mang tên Prism cho đến ngày hôm qua", họ đã viết.

"Thứ hai, chúng tôi cung cấp dữ liệu người dùng cho các chính phủ theo quy định của pháp luật. Đội ngũ luật sư của chúng tôi sẽ xem xét lần lượt tất cả các yêu cầu, và thường xuyên trả lại khi các yêu cầu đó quá rộng hay không theo đúng quy trình".

Khi tờ báo Anh Guardian tiết lộ rằng chính phủ Mỹ lấy dữ liệu từ hãng viễn thông Verizon, Giám đốc điều hành của Google cho biết họ 'rất ngạc nhiên'. "Bất kỳ ý kiến nào cho rằng Google đã tiết lộ thông tin về hoạt động của người dùng internet trên quy mô lớn như vậy đều sai hoàn toàn", họ viết.

Ông chủ Facebook Mark Zuckerberg mô tả về các thông cáo báo chí từ Prism là 'thái quá'. Anh nhấn mạnh rằng Facebook không nằm trong bất cứ chương trình cho phép chính phủ Mỹ truy cập trực tiếp đến máy chủ của mình. "Chúng tôi thậm chí chưa từng nghe nói về Prism trước đó cho tới hôm qua", anh nói.

Zuckerberg cũng kêu gọi sự minh bạch hơn trong vấn đề này.

Theo AFP, người phát ngôn của Apple cũng tuyên bố “chưa bao giờ nghe đến chương trình PRISM”.

Tuyên bố nói trên được đưa ra khi các công ty công nghệ khác đã nhắc đi nhắc lại về vai trò của họ rằng họ chưa bao giờ nghe đến chương trình Prism cho đến khi tờ Guardian liên hệ và cho biết về việc rò rỉ tài liệu của Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA), về chương trình Prism đang hoạt động nhờ 'sự hỗ trợ của các nhà cung cấp thông tin liên lạc ở Mỹ'.

Trong một slide tài liệu đã trình bày 2 cách thu thập dữ liệu: Upstream và Prism. 

Upstream liên quan đến việc thu thập thông tin liên lạc qua "cáp quang và cơ sở hạ tầng cho phép dẫn truyền dữ liệu". 

Prism bao gồm dữ liệu tập hợp trực tiếp từ máy chủ của các nhà cung cấp dịch vụ của Mỹ gồm: Microsoft, Yahoo, Google, Facebook, PalTalk, AOL, Skype, YouTube, Apple".

Tổng thống Mỹ Obama đã xác nhận sự tồn tại của chương trình này vào hôm qua và cho biết Quốc hội đã được "thông báo đầy đủ" tình hình và chương trình đã được tiến hành hợp pháp cùng "toàn bộ các biện pháp bảo mật liên quan".

Tuy nhiên, bất chấp sự thừa nhận của ông Obama, các lãnh đạo cấp cao ở các công ty cho biết họ vẫn còn bối rối và ngạc nhiên về thông tin nói trên. 

Một đại diện cho biết công ty của họ thường phải tuân thủ lệnh cung cấp thông tin nhưng chưa bao giờ cho phép "thu thập trực tiếp" từ hệ thống máy chủ của họ.

Một số khác nhận định rằng việc dùng từ ngữ trong văn bản tài liệu này chưa chính xác hoặc tác giả đã thổi phồng thái quá về chương trình này.

Các chuyên gia bảo mật và người ngoài cuộc ít bị thuyết phục hơn. Chuyên gia an ninh Bruce Schneier cho hay "Tôi cho là các công ty công nghệ chỉ đang án binh bất động. Đó là lời giải thích rõ ràng nhất".

"Có thể có một bộ phận nội bộ trong các công ty đó giấu giếm việc này từ phía các giám đốc điều hành? Có thể lắm chứ. Tôi không biết, chúng ta không biết. Đây chính là vấn đề. Có rất nhiều bí mật đáng ngờ mà chúng ta không biết đầy đủ để hiểu được chuyện gì đang diễn ra".

Ông Bruce nói rằng ông không ngạc nhiên trước thông tin này. "Chẳng có gì bất ngờ cả. Chúng ta đều biết những điều đang xảy ra và bây giờ cuối cùng họ cũng đã thừa nhận nó".

"NSA sẽ không làm điều này trong bí mật, họ muốn các công ty công nghệ đứng về phía họ", ông Jameel Jaffer, giám đốc Liên hiệp tự do dân chủ Mỹ (ACLU) nói.

Ông cho biết, rõ ràng các công ty công nghệ nói chung đã vui vẻ hơn khi hợp tác với các nhà chức trách Mỹ và ông thấy bối rối trước khoảng cách trong câu chuyện giữa hai bên.

Ali Reza Manouchehri, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập của MetroStar Systems, một nhà tư vấn công nghệ từng làm việc thân quen với các cơ quan chính phủ cho biết: "Có những tình huống họ phải tiếp xúc với các cơ quan an ninh. Họ đang làm việc để phục vụ lợi ích an ninh quốc gia."

"Tôi không thể bình luận về những gì đang diễn ra trong nội bộ công ty. Thật khó khăn cho tôi để tin rằng Google không biết gì. Hoặc chuyện đó không có hoặc nó diễn ra lén lút. Tôi thấy khó tin khi ở trình độ và quy mô của họ, việc đó lại diễn ra lén lút." Ông Ali nói rằng nếu các công ty thực sự không biết thì "chúng ta đang gặp phải một số vấn đề nghiêm trọng".

Thông tin này đã làm dấy lên mối quan ngại trên toàn nước Mỹ. Gần 20.000 người đã ký vào một bản kiến nghị đến Ủy ban Vận động Thay đổi Tiến bộ (Progressive Change Campaign Committee).

Dư luận, truyền thông và nhiều nghị sĩ Mỹ đã lên tiếng phản đối chương trình Prism và nhấn mạnh việc xâm phạm đến quyền riêng tư là “không thể bào chữa được, không thể chấp nhận được”. Phó giám đốc Liên hiệp Tự do Dân sự Mỹ (ACLU) Jameel Jaffer chỉ trích Quốc hội Mỹ là đã trao quá nhiều quyền lực cho chính phủ, khiến quyền riêng tư của người dân bị xâm phạm nghiêm trọng.

Thùy Phương

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM