Căng thẳng hội nghị toàn cầu nhằm kiểm soát Internet

04/12/2012 16:29 PM | Công nghệ

Nhiều nước muốn tăng cường hệ thống kiểm duyệt nội dung và kiểm soát chặt chẽ các địa chỉ ảo trên mạng.

Luật lệ sẽ quyết định tốc độ, tính bảo mật, khả năng tiếp cận, tính linh hoạt và đồng nhất của Internet. Vì vậy, nó quan trọng với không chỉ những người đam mê máy tính mà với tất cả công dân của thế giới hiện đại. Ngày 3/12 tới, quan chức từ hơn 150 quốc gia, cùng các nhà cải cách, giới công nghệ và các bên liên quan sẽ nhóm họp tại Dubai để bàn cách triển khai hệ thống mạng và tranh luận xem ai nên là người nên kiểm soát nó.

Kể từ khi Internet ra đời, cả học giả, kỹ sư, công ty và tổ chức phi lợi nhuận đều tham gia vận hành. Điều này làm hài lòng giới phát minh nhưng lại là một cơn ác mộng cho cơ quan quản lý. Họ muốn internet phải vận hành như hệ thống điện thoại, với những tiêu chuẩn chặt chẽ và chi phí được tính toán rõ ràng. Hội nghị ở Dubai mở ra cơ hội thiết lập những điều luật mới, trên cơ sở đánh giá một hiệp ước trước đó: Quy chế Viễn thông Quốc tế.

Mỹ, Liên minh châu Âu và các quốc gia phương Tây khác đang cố gắng để giữ nguyên tình trạng “lộn xộn” hiện nay. Chống lại họ là Nga, Trung Quốc và các quốc gia châu Phi và Ả Rập, bên cho rằng Internet đang làm suy yếu luật pháp nước mình và làm giàu thêm cho các công ty Mỹ. 

Chủ trì hội nghị là Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), một tổ chức thuộc Liên Hợp Quốc vốn hoạt động không mấy hiệu quả. ITU thành lập năm 1865 để quản lý ngành điện tín, và hiện đang quản lý đường bay của vệ tinh và tần số vô tuyến điện. Ảnh hưởng của tổ chức này đã kém đi nhiều do ngành viễn thông ngày càng tự do.

Một số người cho rằng tổ chức này đã lỗi thời. Chắc chắn phong cách làm việc không rõ ràng và quan liêu của ITU làm thất vọng những người lâu nay đã quen văn hóa mở của Internet. Larry Downes, một nhà bình luận của tạp chí Forbes, cười nhạo các thông cáo báo chí của ITU đọc như "viết từ cách nay hai thế kỷ". Tổ chức này mới chỉ ấn hành một vài dự thảo cho Hội nghị tại Dubai và vẫn chưa quyết định công chúng có được tham dự mọi cuộc thảo luận hay không.

Mặc dù Hamadoun Touré, chủ tịch của ITU, bác bỏ ý kiến cho rằng người ta đang muốn “tiếp quản” internet, một số chính phủ, bao gồm cả Nga, muốn tổ chức này đóng một vai trò lớn hơn. Đặc biệt, họ muốn ITU kiểm soát hệ thống địa chỉ internet, thay cho ICANN, một tổ chức từ thiện đăng ký ở California và chịu giám sát từ xa bởi Bộ Thương mại Mỹ. Người ta chỉ trích rằng điều này mang lại cho các nhà chức trách Mỹ những quyền hạn phi lý, ví dụ như việc loại bỏ các trang web không mong muốn trên Internet. Ông Touré cho biết các vấn đề đó nằm ngoài phạm vi thảo luận của Hội nghị tại Dubai, nhưng nếu các đại biểu nêu vấn đề này lên thì có lẽ ông không ngăn được.

Mỹ muốn bảo vệ internet khỏi hiệp ước này, nhưng các nhà ngoại giao nước này lo ngại đang hình thành một liên minh rộng khắp để chống lại họ. Họ hy vọng sẽ phủ quyết được hầu hết trong số trên 450 đề xuất sửa đổi. 

Nhiều đề xuất không gây ảnh hưởng gì nhiều, thậm chí còn có giá trị: ví dụ, kêu gọi hợp tác quốc tế chống gian lận, lạm dụng trẻ em, hay thư rác. Nhưng Terry Kramer, người đứng đầu phái đoàn hùng mạnh gồm 122 đại biểu Mỹ, lại cho rằng một số khuyến nghị ẩn chứa những nỗ lực nhằm tạo điều kiện hợp pháp hóa việc kiểm duyệt ngôn luận chính trị. Mỹ công khai chỉ trích bất kỳ cách diễn đạt nào, dù là nói quanh co, có khả năng tăng cường sự kiểm soát của chính phủ về nội dung.

Một hàng rào các quy tắc chặt chẽ hơn đang được dự trù áp dụng cho các doanh nghiệp trực tuyến. Chi phí cao cho các cuộc gọi điện thoại quốc tế một thời từng khiến tiền mặt chảy từ các nước giàu sang các nhà khai thác mạng thuộc sở hữu nhà nước ở các nước đang phát triển. Nay người ta gọi qua Internet, làm ảnh hưởng tới lợi nhuận của các nhà mạng và dự trữ ngoại hối của chính phủ. 

Một liên minh các nước nghèo và các nhà khai thác mạng muốn các doanh nghiệp phụ thuộc vào mạng băng thông rộng, chẳng hạn như Google, Facebook và Microsoft, phải trả phí cho hoạt động xây dựng và bảo trì của họ.

Không tham gia vào mạng

Một đề xuất được đưa ra là các trang web phổ biến nhất, chẳng hạn như YouTube hoặc Facebook, nên thanh toán cho các dữ liệu mà họ gửi đi, giống như khi gọi điện thoại. Tại thời điểm này, một công ty công nghệ Mỹ truyền dữ liệu tới cho khách hàng ở Dhaka hay ở Detroit thì giá cũng như nhau. 

Nhưng ông Karen Mulberry thuộc Hiệp hội Internet, đại diện cho các kỹ sư mạng cho rằng nếu chi phí phục vụ người dùng thay đổi theo vị trí, các công ty công nghệ có thể ngại phục vụ khách hàng ở vùng sâu vùng xa.

Trong khi đó, một nhóm các công ty viễn thông lớn của châu Âu, Hiệp hội các nhà khai thác mạng viễn thông châu Âu (ETNO), hiện đang yêu cầu các chính phủ cấm thi hành luật  "trung lập hệ thống mạng " (network neutrality), vốn đã có hiệu lực tại các nước như Hà Lan và Chilê. 

Quy định này yêu cầu các nhà khai thác mạng đối xử công đẳng với mọi lưu lượng truy cập internet, và ngăn ngừa họ khỏi việc tính phí cao hơn cho "mạng tốc độ cao" và các dịch vụ cao cấp khác. Luigi Gambardella, Chủ tịch ETNO, khẳng định rằng các nhà khai thác không thể tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng băng thông rộng nếu nó không tạo ra thêm doanh thu.

Những người ủng hộ luật “trung lập hệ thống mạng” lo rằng đây là một nỗ lực để xây dựng các trạm thu phí trên Internet. Họ nói rằng luật này là cần thiết để đảm bảo rằng Internet cung cấp một sân chơi bình đẳng cho các công ty khởi nghiệp (start-up), và không đơn giản chỉ nên vận hành theo hướng tối đa hóa lợi nhuận cho các nhà khai thác mạng hiện thời. 

Geoff Huston, một nhà khoa học mạng, nghĩ rằng những doanh nghiệp độc quyền điện thoại trước kia đang phóng đại tầm quan trọng của họ đối với web. Ông ví von "Họ là những con khủng long đang chiến đấu để giành giật những vũng nước cuối cùng trong đầm lầy".

Những lo ngại về một phong trào chống phương Tây tại Dubai, về việc bàn giao quá nhiều quyền kiểm soát Internet cho chính phủ, đang bị thổi phồng quá mức. Mặc dù trên lý thuyết ITU hoạt động bằng cách biểu quyết theo đa số, nhưng trên thực tế các thỏa thuận luôn đạt được sự đồng thuận. 

Hơn nữa, ITU không có sức mạnh để áp đặt các quy định lên những chính phủ từ chối thương lượng. Mối hiểm họa lớn hơn do đó rơi vào bế tắc. Điều đó có thể khuyến khích một nhóm các quốc gia thiết lập chế độ Internet của riêng họ, làm cho thông tin liên lạc với phần còn lại của thế giới thậm chí trở nên tốn kém và phức tạp hơn.

Minh Tuấn

tuannm

Cùng chuyên mục
XEM