Bảo vệ bản quyền nội dung trên YouTube như thế nào?

08/03/2016 08:30 AM | Công nghệ

Vụ lùm xùm bản quyền giữa anh chàng mê flycam Bùi Minh Tuấn tại Quảng Trị và VTV đang thu hút sự chú ý của công chúng những ngày qua. Một mấu chốt quan trọng của câu chuyện này chính là vấn đề bản quyền nội dung trên YouTube.

Anh Bùi Minh Tuấn đã khẳng định nhiều videoclip của VTV có sử dụng hình ảnh trong videoclip của anh mà không xin phép, không được sự đồng ý, và anh Tuấn đã gửi khiếu nại đến YouTube. Câu chuyện hiện vẫn chưa ngã ngũ, và bản quyền nội dung trên YouTube là mấu chốt của câu chuyện này.

Thực tế, một trong những vấn đề lớn nhất mà những website chia sẻ video như YouTube phải đối mặt là xử lý những vụ kiện vi phạm bản quyền. Chính vì thế, ICTnews có bài viết làm rõ hơn về vấn đề bản quyền nội dung trên YouTube.

Mặc dù người dùng YouTube chỉ được hướng dẫn tải lên những nội dung thuộc sở hữu của họ, do họ tạo ra và họ có quyền sử dụng, song hàng ngàn nội dung vi phạm bản quyền vẫn được tải lên mỗi ngày. Theo quy định, YouTube không chịu trách nhiệm khi người dùng của họ vi phạm bản quyền, nhưng YouTube vẫn gỡ những nội dung mà người nắm bản quyền thông báo là đã bị tải lên bất hợp pháp.

Tuy vậy, do có rất nhiều vụ kiện vi phạm bản quyền gửi lên YouTube, vì thế website video số 1 thế giới đã phải cậy nhờ đến công nghệ nhằm phát hiện ra cách xử lý các vấn đề bản quyền, những thông báo vi phạm và yêu cầu gỡ bỏ nội dung.

Theo đó, YouTube đã tạo ra hệ thống dò nội dung riêng của hãng mang tên Content ID.

Content ID là gì?

Content ID là hệ thống cho phép những người nắm giữ bản quyền nội dung phát hiện ra nội dung của họ đang bị sử dụng trái phép một phần hoặc hoàn toàn. YouTube bắt đầu xây dựng Content ID vào năm 2007 sau khi hãng quyết định công nghệ nhận diện video và audio có thể giúp hãng trong các vụ kiện khác nhau. Vấn đề là những hệ thống này vẫn chưa đủ đối với YouTube.

Cách sử dụng Content ID

Dù vậy, Content ID vẫn rất hữu ích đối với YouTube và các vụ kiện bản quyền trên YouTube. Người nắm bản quyền có thể sử dụng Content ID để dễ dàng phát hiện và kiểm soát nội dung của họ trên YouTube.

Content ID cho phép người nắm bản quyền nội dung lựa chọn các nội dung của họ hiển thị trên YouTube như thế nào.

Những người nắm bản quyền sẽ gửi cho YouTube bản copy audio hoặc video mà họ muốn tìm trên YouTube. YouTube gọi các bản copy này là những file tham khảo, và lưu chúng trong một cơ sở dữ liệu. Cơ sở dữ liệu này bao gồm hàng triệu file, từ những bài hát đến những bộ phim.

Mỗi lần người dùng tải một video lên YouTube, YouTube sẽ nhanh chóng so sánh nó với từng file tham khảo trong toàn bộ cơ sở dữ liệu, để xem liệu có sự trùng lặp nào không.

Content ID có thể phát hiện ra những đoạn lặp audio, video, lặp một phần, hoặc lặp toàn bộ. Nếu phát hiện có sự trùng lặp, YouTube sẽ thực hiện những gì mà người nắm giữ bản quyền yêu cầu.

Video sau giải thích về cách sử dụng Content ID:

Người nắm giữ bản quyền nội dung có thể có các tùy chọn sau đối với video vi phạm bản quyền:

Tắt tiếng – tắt âm thanh khớp với nhạc của họ.

Chặn – Nghĩa là nếu phát hiện có vi phạm bản quyền, video vi phạm sẽ không thể xem được trên YouTube nữa.

Theo dõi – video vi phạm có thể vẫn hiển thị trên YouTube, nhưng người nắm bản quyền có thể theo dõi nó được xem bao nhiêu lần và từ đâu.

Kiếm tiền – người nắm giữ bản quyền có thể chọn đưa quảng cáo vào video vi phạm và họ sẽ nhận được tiền từ những quảng cáo đó.

YouTube cũng thông báo những lựa chọn trên tùy thuộc vào chính sách của YouTube ở từng quốc gia.

Ai có thể sử dụng Content ID?

YouTube chỉ cấp Content ID cho chủ sở hữu bản quyền đáp ứng được các tiêu chí cụ thể. Để được phê duyệt, họ phải là người/tổ chức sở hữu độc quyền nội dung đó, cung cấp bằng chứng chứng tỏ họ sở hữu nội dung bản quyền đó. Những chủ sở hữu nội dung nhiều lần đưa ra khiếu nại không đúng có thể bị vô hiệu hóa quyền truy cập Content ID và chấm dứt quan hệ đối tác với YouTube.

Nếu bạn là chủ sở hữu nội dung và bạn cho rằng nội dung của mình đáp ứng được tiêu chí, bạn có thể đăng ký Content ID tại đây.

Hệ thống Content ID có chính xác?

Theo một nghiên cứu năm 2009 về công nghệ Content ID của YouTube, công cụ này thực sự rất mạnh mẽ. Mặc dù Content ID không phải chính xác 100%, song nó đã được cải thiện rất nhiều trong nhiều năm qua, và nó hoàn toàn làm tốt nhiệm vụ xác định nội dung từ các file tham khảo khác nhau.

Hơn nữa, với công nghệ nhận diện video, YouTube có thể xác định và cấp quyền Content ID cho nhiều nội dung rất nhanh chóng. Từ tháng 12/2010, YouTube đã tuyên bố có hơn 100 triệu video được tuyên bố áp quyền Content ID.

YouTube và những người nắm giữ bản quyền đang kiếm được rất nhiều tiền từ Content ID. Theo New Yorker, hơn 1/3 doanh thu của YouTube đến từ Content ID. Điều này cho thấy Content ID là công cụ tốt nhất cho những người nắm bản quyền nội dung, cho người dùng và nhà cung cấp dịch vụ, vì nó cho phép nội dung lưu hành online, trong khi người nắm bản quyền vẫn tạo ra doanh thu.

Những người dùng liên tục bị phát hiện vi phạm các chính sách nội dung của YouTube sẽ bị cấm khỏi trang web, và video của họ sẽ bị vô hiệu/xóa.

Theo Bảo Bình

Cùng chuyên mục
XEM