"Cô Trúc" Mai Thu Huyền: "Giờ tôi là CEO rồi nhưng vẫn có người bảo, sao hồi đấy nổi tiếng thế mà dại dột bỏ ngang"

08/03/2021 10:11 AM | Sống

"Tôi tham gia nghệ thuật từ năm 15 tuổi và sớm gặt hái thành công, được mọi người biết tới. Nhưng ngay từ đầu, tôi đã không có suy nghĩ thi vào trường Sân khấu Điện ảnh" – Founder, CEO Tincom Media chia sẻ.

 Cô Trúc Mai Thu Huyền: Giờ tôi là CEO rồi nhưng vẫn có người bảo, sao hồi đấy nổi tiếng thế mà dại dột bỏ ngang  - Ảnh 1.

- Xuất thân trong gia đình nghệ thuật, sớm có vai diễn "để đời", vì sao chị quyết định rẽ hướng sang làm việc nơi công sở rồi tách ra khởi nghiệp?

- Đến giờ vẫn có người tiếc nuối bảo tôi "Sao hồi đấy dại dột thế? Đang nổi tiếng thì bỏ hết cơ hội". Đúng là gia đình tôi có rất nhiều người làm nghệ thuật. Song cho tới thời điểm này, tất cả người thân không còn ai làm nghệ thuật nữa, bởi mọi người cũng phải mưu sinh.

Ngày xưa, làm nghệ thuật vất vả lắm và cực kỳ khó khăn về kinh tế. Bố tôi đi làm phim gần như không bao giờ mang tiền về, chỉ có mang đi. Gia đình tôi ai cũng cực kỳ yêu nghệ thuật nhưng mọi người luôn phải làm kinh tế để nuôi nó. Vậy nên bố mẹ định hướng cho tôi một công việc khác, hướng tới sự ổn định. Còn nghệ thuật chỉ là tay trái, là đam mê.

Tôi tham gia nghệ thuật từ năm 15 tuổi và sớm gặt hái thành công, được mọi người biết tới. Nhưng ngay từ đầu, tôi đã không có suy nghĩ thi vào trường Sân khấu Điện ảnh. Tôi đỗ 3 trường đại học khối D và chọn Học viện Ngoại giao để theo học. Sau khi tốt nghiệp, tôi đóng bộ phim "Những ngọn nến trong đêm" và được khán giả nhớ mặt đặt tên.

Bước ngoặt đến khi tôi được mời tới phỏng vấn cho vị trí nhân viên quan hệ công chúng của tập đoàn FPT. Đó là môi trường đáng mơ ước, nhất là với sinh viên mới ra trường. Tôi học hỏi được rất nhiều thứ nên quyết định gắn bó, không ngờ hành trình ấy kéo dài tới 10 năm.

- Rồi từ đâu chị quyết định thành lập Tincom Media?

- Thời điểm đó, tôi đang là tổng giám đốc công ty thành viên của tập đoàn, nơi hoạt động trong 3 lĩnh vực: sản xuất phim, sản xuất các chương trình truyền hình và tổ chức sự kiện. Sau chuỗi ngày làm việc ở những lĩnh vực ngoài nghệ thuật, vị trí mới này cho tôi cảm giác như tìm lại được đam mê của chính mình. Chỉ tiếc rằng, định hướng của tập đoàn thay đổi, nên sau 2 năm, tôi phải đứng giữa 2 lựa chọn, một là quay trở về công việc quản lý trước đây, hai là khởi nghiệp.

Thực ra, chưa bao giờ tôi nghĩ mình sẽ mở công ty riêng. Nhưng có tới 3 yếu tố khiến tôi mạnh dạn làm. 1 là bản thân rất đam mê, 2 là đối tác, khách hàng ủng hộ và 3 là nhân viên rất cần mình. Trong mấy năm khủng hoảng kinh tế, tôi cứ phải theo chính sách của tập đoàn, bắt buộc sa thải dần nhân viên. Đấy là việc làm khó khăn nhất với tôi trong giai đoạn đó. Việc mình tuyển nhân sự tốt đã khó, nhưng việc sa thải nhân viên đang làm tốt còn khó hơn. Sau này nghĩ lại, tôi thấy đó là duyên tự nhiên, "dòng đời xô đẩy" buộc mình phải trở thành doanh nhân.

 Cô Trúc Mai Thu Huyền: Giờ tôi là CEO rồi nhưng vẫn có người bảo, sao hồi đấy nổi tiếng thế mà dại dột bỏ ngang  - Ảnh 2.

- Khó khăn lớn nhất lúc bấy giờ của chị là gì?

- Đương nhiên là vốn rồi. Nhưng may mắn là ngay từ thời điểm chưa thành lập công ty, tôi đã có hợp đồng. Cùng với kinh nghiệm và đội ngũ sẵn có, chúng tôi nhanh chóng hòa nhập. Lần này, tôi được toàn quyền quyết định mọi việc. Tất cả những dự án chúng tôi làm đều xuất phát từ đam mê, sự yêu thích và tâm huyết. Vì thế, mọi việc nhờ đó trơn tru hơn nhiều.

Thành thật mà nói, để có được ngày hôm nay, tôi phải cảm ơn quãng thời gian tuổi trẻ đã được các đạo diễn, nghệ sĩ cho cơ hội cọ sát. Tôi được tham gia rất nhiều thứ, không chỉ mỗi phim ảnh, mà cả chương trình, sự kiện, thời trang. Sau quá trình hoạt động nghệ thuật, tôi hiểu được quy trình để sản xuất phim ảnh, gameshow để sau này mình có kinh nghiệm sản xuất.

6 năm làm quản lý ở tập đoàn FPT cũng giúp tôi rất nhiều. Tôi đã được học khoá đào tạo về quản trị chiến lược, quản trị nhân sự,  tài chính doanh nghiệp… Sau này, còn được học bổng thạc sĩ quản trị kinh doanh MBA của Học viên FSB (thuộc Tập đoàn FPT). Những gì được học từ lý thuyết kết hợp với việc thực hành công việc quản lý chính là thứ tôi tích lũy được để sử dụng khi thành lập công ty riêng sau này.

 Cô Trúc Mai Thu Huyền: Giờ tôi là CEO rồi nhưng vẫn có người bảo, sao hồi đấy nổi tiếng thế mà dại dột bỏ ngang  - Ảnh 3.

- Ông xã doanh nhân giúp chị như thế nào trong bước ngoặt sự nghiệp này?

- Ông xã tôi làm trong lĩnh vực hoàn toàn khác, không liên quan đến nghệ thuật. Nhưng sự cổ vũ, động viên và ủng hộ của anh mới là điều quan trọng nhất. Bởi vì khi người vợ khởi nghiệp, mở công ty riêng, chắc chắn khối lượng công việc sẽ rất lớn. Thời gian dành cho gia đình ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng ít. Bản thân chồng tôi cũng là chủ doanh nghiệp phải điều hành rất nhiều công ty, cho nên anh chia sẻ và hiểu những điều đó.

Trước đây, khi chưa làm chủ và chịu trách nhiệm với rất nhiều thứ, đôi khi tôi cũng không thông cảm được hết với chồng. Chồng tôi quá bận. Còn tôi cứ không hiểu tại sao lại bận đến như thế? Mình hay thắc mắc rồi trách móc. Cho đến lúc cũng bận ngang ngửa, thậm chí có thời điểm còn hơn, mình lại thương chồng mình và thông cảm cho nhau hơn.

Tôi nghĩ, thành công và những gì tôi có được ngày hôm nay có rất nhiều công sức của chồng. Nếu một người đàn ông không ủng hộ, nghĩ rằng vợ phải ở nhà tề gia nội trợ, thì tôi sẽ không được như ngày hôm nay. Thực sự tôi cảm thấy biết ơn chồng mình vì chưa bao giờ cản trở vợ bất kỳ điều gì.

 Cô Trúc Mai Thu Huyền: Giờ tôi là CEO rồi nhưng vẫn có người bảo, sao hồi đấy nổi tiếng thế mà dại dột bỏ ngang  - Ảnh 4.

- Từ người đi làm thuê rồi đứng ra làm chủ doanh nghiệp, chị giữ cho mình quan điểm kinh doanh và quản lý thế nào?

- Tôi nghĩ mình làm gì cũng phải có cái tâm. Người ta thường nói "Thương trường là chiến trường", và đúng là như vậy bởi có quá nhiều sự cạnh tranh. Nhưng mình không thể hại ai, đạp đổ bất kỳ ai để ngoi lên và tồn tại. Tôi có lẽ không phải là một con người như vậy.

Đôi khi trong kinh doanh, mình để tình cảm lấn át lý trí. Nhưng người ta thường nói người có tâm trời không phụ. Mình cứ làm bằng cái tâm đi đã để mình cảm thấy thanh thản, không phải sợ bất kì ai. Tiền thì quan trọng đấy nhưng tôi nghĩ tiền không phải là tất cả.

Đương nhiên, kinh doanh thì phải hiệu quả, bởi mình phải nuôi cả một bộ máy. Mình cũng phải có lợi nhuận, có doanh thu để nuôi được cái bộ máy đó, nhưng mình không làm bằng mọi giá.

- Trong kinh doanh mà chị vẫn giữ được những nét tính cách hài hòa như những vai diễn trước đây sao?

- Ngày xưa, tôi được nhiều đạo diễn chọn vào các vai khổ sở, bi thương, bị bắt nạt. Tôi cảm thấy rất là bức xúc (cười). Tôi luôn tự hỏi, vì tại sao các đạo diễn cứ toàn chọn cho mình những vai cam chịu đến như vậy. Mình thích những vai diễn bùng nổ hơn.

Có lẽ do ngoại hình của tôi nữ tính hoặc mọi người bị ảnh hưởng bởi hình ảnh của nhân vật Trúc trong phim "Những ngọn nến trong đêm", nên luôn nghĩ ngoài đời tôi rất dịu dàng. Trên thực tế thì mạnh mẽ, quyết liệt mới là những tố chất của tôi. Một khi đã quyết định, kể cả mọi người có gàn đến mấy tôi cũng sẽ làm. Đôi khi, tôi cũng hơi bướng bỉnh, cá tính và tự thử thách bản thân. Mình không thích làm việc nhẹ nhàng nên số mới vất vả.

- Nhìn chị thì mọi người không nghĩ như vậy đâu…

- Thật ra, làm nghệ thuật vốn dĩ đã là một nghề rất khó khăn, vất vả rồi. Bản thân tôi lại là người cầu toàn nên thường hay ôm đồm, đảm đương nhiều vai trò khác nhau. Có những dự án phim tôi vừa làm đạo diễn, vừa sản xuất vừa làm diễn viên, hay có những chương trình truyền hình tôi phải tự làm host và tổ chức sản xuất luôn. Đôi khi, nó cũng thực sự quá tải và áp lực, nhưng tôi lại cảm thấy hạnh phúc khi được làm những công việc mà mình đam mê.

 Cô Trúc Mai Thu Huyền: Giờ tôi là CEO rồi nhưng vẫn có người bảo, sao hồi đấy nổi tiếng thế mà dại dột bỏ ngang  - Ảnh 5.

Ngay cả nhân viên của tôi cũng áp lực bởi sếp sẽ luôn giao cho họ những việc khó hơn khả năng để phát huy hết những điều còn chưa được khám phá của bản thân. Thật ra, ai cũng có mong muốn cầu tiến. Sếp ra đề dễ quá, nhân viên sẽ tự nhàm chán, không còn động lực sáng tạo. Về phương diện quản lý, tôi tâm niệm nguyên tắc đầu tiên là công bằng. Điều này quan trọng lắm. Nhân viên sẽ vô cùng ức chế nếu mình bênh người này hơn, ghét người kia hơn.

Nguyên tắc thứ hai là phải thúc đẩy và khuyến khích khả năng sáng tạo của họ. Mỗi người sẽ có một điểm mạnh riêng, vấn đề là mình có biết nhìn người hay không để trao cho người ta việc họ có thể làm tốt. Nhân viên của tôi có nhiều người đã đi nơi khác, nhưng sau một thời gian lại xin về. Bởi lẽ, họ không tìm được môi trường nào như đã từng làm ở Tincom. Tôi nghĩ đấy là cách mình dùng người, đối nhân xử thế, làm sao cho nhân viên tâm phục khẩu phục thì sẽ giữ chân được người tài.

 Cô Trúc Mai Thu Huyền: Giờ tôi là CEO rồi nhưng vẫn có người bảo, sao hồi đấy nổi tiếng thế mà dại dột bỏ ngang  - Ảnh 6.

- Gần đây, chị được nhắc nhiều tới vai trò mới là đạo diễn cho phim điện ảnh "Kiều". Cảm giác vừa làm sản xuất vừa làm đạo diễn lần này thế nào?

- Ban đầu, tôi cũng định mời một người đồng đạo diễn nhưng với dự án mà tôi đã ấp ủ từ lâu này, tôi sợ mình không mời đúng người và họ không làm đúng những gì tôi mong muốn. Trong lúc còn đang băn khoăn thì NSƯT Phi Tiến Sơn, người từng hợp tác với tôi nhiều năm kể từ năm 1997 và cũng chính là tác giả kịch bản của bộ phim lần này đã động viên để tôi tự tin trong vai trò mới. Bác Sơn bảo: "Cháu đang học đạo diễn, đã làm sản xuất phim bao năm nay rồi, bây giờ cháu phải tự tin chứ. Chỉ có làm đạo diễn thì cháu mới có thể làm tác phẩm theo ý muốn của mình mà thôi".

Với một nghệ sĩ gạo cội, người ta cũng sẽ e ngại với một đề tài khó như "Kiều", bởi đây là một tác phẩm văn học quá nổi tiếng nên chắc chắn sẽ có rất nhiều khán giả quan tâm. Tôi đã tự hứa với lòng mình là phải nỗ lực hết sức để thực hiện bộ phim này tốt nhất trong khả năng của mình và nếu không thành công thì có lẽ đây sẽ là bộ phim cuối cùng của tôi trong vai trò đạo diễn. Biết là khó nhưng mình phải thử thì mình mới biết được.

 Cô Trúc Mai Thu Huyền: Giờ tôi là CEO rồi nhưng vẫn có người bảo, sao hồi đấy nổi tiếng thế mà dại dột bỏ ngang  - Ảnh 7.

- Kiều được chị và ê-kíp "thai nghén" như thế nào?

- Tôi đam mê truyện Kiều từ nhỏ khi còn đi học. Tôi đã tự hỏi tại sao một tác phẩm hay như thế này mà mãi không được lên phim. Hồi trẻ, tôi đã từng ước mơ, giá có nhà sản xuất nào làm phim Kiều rồi mình được đi casting, để mình được làm Thúy Kiều, Thúy Vân. Mình rất mơ ước được xem một bộ phim nào như thế hoặc được tham gia vào trong một dự án như thế. Đó là thời trẻ.

Cách đây 10 năm, lúc đó là 1000 năm Thăng Long, phim cổ trang rộ lên, tôi đã có kể hoạch làm phim Kiều từ thời điểm đó. Tôi đã đặt hàng viết kịch bản 40 tập, đã đi chọn bối cảnh cả nước, đã gặp một số diễn viên để nhắm mời họ vào các vai diễn. Tuy nhiên rất tiếc vì nhiều lí do nên tôi không thể thực hiện được bộ phim vào thời điểm đó. Trong suốt thời gian tôi làm ở Tincom Media, tôi vẫn ấp ủ ước mơ một ngày nào đó mình sẽ làm được phim Kiều.

Khi biết 2020 là năm kỉ niệm 200 năm ngày mất của đại thi hào Nguyễn Du, tôi đã nghĩ tại sao bây giờ mình không làm? 10 năm trước mình đã bỏ lỡ, nếu bây giờ mình không quyết tâm thì sẽ khó có cơ hội thực hiện được bộ phim này. Vì vậy, tôi đã quyết định đưa nàng Kiều lên phim nhưng với phiên bản điện ảnh. Phim Kiều dự kiến sẽ được khởi chiếu tại tất cả các rạp trên toàn quốc từ 16.4 tới đây.

- Với nhiều tâm huyết như vậy, chị kỳ vọng thế nào vào dự án lần này?

- Khi đã làm bằng cả tâm huyết, ai cũng sẽ đặt kỳ vọng rất nhiều. Tôi mong muốn đứa con mình tạo ra sẽ được mọi người đón nhận và yêu mến. Thực ra, một bộ phim là thành quả của cả tập thể, một cá nhân như tôi cũng chẳng thể tạo thành một bộ phim hay nếu không có ê-kíp, cộng sự giỏi. Đây là kết quả của một tập thể hàng trăm con người ròng rã suốt mấy tháng trời. 2 tháng chỉ là thời gian quay, chúng tôi còn phải làm hậu kỳ hơn 8 tháng, công tác tiền kỳ chuẩn bị mất nửa năm. Tổng cộng mất hơn 1 năm cho một dự án phim.

Tôi rất kỳ vọng vào sự thành công, bởi nó xứng đáng với công sức của bao nhiêu người bỏ ra. Đấy là điều tôi mong muốn lớn nhất. Bên cạnh đó, đây là bộ phim được lấy cảm hứng từ một tác phẩm văn học nổi tiếng nên tôi rất mong sẽ được khán giả ủng hộ. Bản thân tôi rất thích xem những bộ phim chuyển thể hoặc lấy cảm hứng từ các tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam nên mong chờ có nhiều bộ phim như thế. Hy vọng rằng, tháng 4 này, khán giả Việt sẽ tới ủng hộ phim Kiều và sẽ hài lòng khi ra khỏi rạp.

Cảm ơn những chia sẻ của chị.

 Cô Trúc Mai Thu Huyền: Giờ tôi là CEO rồi nhưng vẫn có người bảo, sao hồi đấy nổi tiếng thế mà dại dột bỏ ngang  - Ảnh 8.

Hồng Đăng, thiết kế: Ngọc Hà

Cùng chuyên mục
XEM