Có 9 loại khí chất, bạn thuộc loại nào? Hãy hiểu để biết khoan dung cho chính mình và cả người khác (P2)

11/10/2018 20:11 PM | Kinh doanh

Chủ nghĩa hoàn mĩ dễ khiến bạn tức giận, bất mãn, thất vọng, buồn chán. Hãy khoan dung một chút với bản thân và người khác, như vậy thường đem đến hiệu quả tốt hơn.

5

Thứ năm, loại trí tuệ, tư tưởng. Họ theo đuổi học thức, cho rằng người có tri thức phong phú mới được người khác khẳng định. Họ lạnh lùng đối diện với thế giới, không lệ thuộc vào tình cảm, ưa phân tích nghiên cứu, nhưng lại gặp khó khăn khi hành động thực tiễn, không theo đuổi sự hưởng thụ vật chất, mà tôn vinh những thú vui mang tính giá trị tinh thần, không thích biểu lộ cảm xúc trong lòng; mong muốn thông qua tri thức để hiểu hoàn cảnh, đội diện với tất cả sự vật xung quanh; họ hi vọng tìm thấy đầu mối và nguyên lí của sự việc để làm chuẩn tắc hành động; nắm vững tri thức, họ mới có dũng khí hành động, và mới có cảm giác an toàn.

Không nên cảm thấy mình thuộc loại trí tuệ là điều hoàn mĩ, người thuộc kiểu này cần có đủ không gian và sự riêng tư cao độ, nếu không sẽ cảm thấy lo lắng bất an, có nhiều lúc hơi quá xa cách với người khác. Kiểu người này bàng quan với mọi việc xung quanh, thường tạo cho người khác cảm giác mình lạnh lùng và khó tiếp xúc. Hơn nữa kiên trì theo đuổi tri thức đương nhiên là quan trọng, nhưng kinh nghiệm thực tiễn cũng vô cùng quý giá, cho nên nếu bạn thuộc kiểu người này thì cần tìm được sự cân bằng giữa lí luận và thực tiễn.

Nếu như bên cạnh bạn có người thuộc loại trí tuệ, vậy thì bạn nên tán thưởng sự thông minh và cơ trí của họ, đối với những hi sinh nhỏ, tinh tế của họ cũng cần quan tâm nhiều hơn, như vậy có thể khiến họ cảm thấy được cổ vũ. Đối với thái độ xa cách và khách quan của họ, nên hiểu rằng đó là do tính cách khiến họ như vậy, chứ không phải họ từ chối bạn. 

Nếu như bạn là bạn của kiểu người này, nên chú ý nhất thiết không được xâm phạm đến không gian riêng tư của họ, bạn có thể cổ vũ họ chia sẻ những cảm nhận của bản thân với bạn nhiều hơn, càng cần cổ vũ họ quan tâm và tham gia vào những sự việc xung quanh nhiều hơn nữa, có điều phải kiên nhẫn từ từ tác động đến họ bằng thái độ ôn hòa, chứ không nên vội vàng và góp ý một cách gay gắt.

6

Thứ sáu, loại trung thành, họ cho rằng chỉ có trung thành mới là phương thức tốt nhất để chung sống với người khác. Làm việc cẩn thận, không dễ dàng tin tưởng người khác, hay nghi ngờ, thích cuộc tập thể, toàn tâm toàn lực vì người khác, không thích nhận được sự quan tâm của người khác, không dễ dàng thay đổi bản thân, không thích thay đổi môi trường; sùng bái quyền lực, dựa vào mệnh lệnh để làm việc; nhưng mặc khác lại cực dễ chống lại quy định, tính cách của họ chính là thể thống nhất của những mâu thuẫn; ý thức đội ngũ mạnh; cần cảm giác thân mật và được yêu thích, được tiếp nhận, mới cảm thấy an toàn.

Bạn sợ hãi quyền uy kì thực là do bạn thiếu cảm giác an toàn, cho nên bạn thường bi quan trong đối nhân xử thế, hơn nữa không lạc quan tiếp nhận những thử thách mới. Cần biết rằng quá lo lắng sẽ cản trở tương lai của bạn, bạn cần dũng cảm đối diện chứ không phải là trốn chạy. Bạn nên tạm biệt sự ngờ vực, làm một người có chủ kiến, không nên luôn luôn đi sau người khác.

Khi giao thiệp với kiểu người này, thái độ nhất định phải thành thật, phải tán thưởng lòng trung thành, trí tuệ và năng lực của họ, nhưng không nên quá phóng đại hoặc nói vòng vo. Khi cùng làm việc với họ, cần nhất là quyền lợi và trách nhiệm rõ ràng, không được có bất kì sự nghi nghờ nào. Nếu như giữa các bạn nảy sinh tranh chấp, nhất định phải làm họ hiểu rằng bạn đang toàn tâm toàn ý tìm biện pháp giải quyết vấn đề. Nếu như họ đang nổi giận, không được gây xung đột trực diện với họ, chờ cơn bão qua đi rồi mới giải quyết, hiệu quả có thể sẽ tốt hơn. Nếu như họ là bạn của bạn, bạn nên cổ vũ họ nhiều hơn, động viên họ nói ra sự khủng hoảng lo sợ của họ, khích lệ họ dùng tư duy chính diện để suy nghĩ vấn đề.

Có 9 loại khí chất, bạn thuộc loại nào? Hãy hiểu để biết khoan dung cho chính mình và cả người khác (P2) - Ảnh 1.

7

Thứ bảy, loại hoạt bát. Là người cởi mở thích tìm sự vui vẻ, cho rằng nếu như không đem đến niềm vui cho người khác thì mình cũng không hạnh phúc. Họ sống vô tư, tìm kiếm cảm giác mới, chạy theo trào lưu, phê phán việc chịu đựng áp lực, sợ những tình cảm tiêu cực; mong muốn có cuộc sống vui vẻ, không ngừng sáng tạo, tìm niềm vui cho mình đồng thời cũng tìm niềm vui cho người khác, luôn hướng về một cuộc sống dễ chịu, tốt đẹp; họ thích sống trong thế giới vui vẻ và rộn ràng, cho nên luôn tích cực tìm kiếm niềm vui, thể nghiệm niềm vui.

Nếu như bạn thuộc kiểu người này, bạn thường khá vui vẻ và cũng luôn mang đến niềm vui cho những người bên cạnh, nhưng bạn ghét sự bó buộc và cảm giác bị khống chế, như vậy, không cẩn thận sẽ làm tổn thương đến một nửa của mình, cho nên cần lưu ý đừng quá đà. Hơn nữa bởi vì quá sợ sự bí bức, làm việc thiếu nhẫn nại, khi không thể nhẫn nại nữa thì thường dễ bị kích động, điều bạn cần là sự ổn định, điềm tĩnh, trách nhiệm, và suy nghĩ giống như một người trưởng thành.

Nếu giao thiệp với kiểu người này, cần tán thương sự lạc quan, tính ngẫu hứng và nhiệt tình với những sự vật mới của họ. Lắng nghe câu chuyện của họ nhiều hơn, cổ vũ họ tham gia những cuộc đối thoại ý nghĩa, nhập tâm vào sự mạo hiểm và niềm vui của họ, không được trói buộc họ trong những thời gian hạn chế và trong công việc thường nhật. Khi phê bình họ, thái độ cần ôn hòa, phê bình ngắn gọn, đi vào điểm mấu chốt để không làm người nghe sốt ruột. Nếu họ là bạn của bạn, nhất định phải tránh ỷ lại vào họ, đồng thời bản thân cũng nên hứng thú hơn một chút. Nếu như họ trốn tránh đối diện với khó khăn, bạn nên cảnh tỉnh họ nhìn thẳng vào vấn đề, thử giải quyết vấn đề.

8

Thứ tám, loại lãnh đạo, họ tìm kiếm quyền lực, cho rằng chỉ khi có quyền lực thì cuộc sống mới có nhiều giá trị. Họ dựa vào thực lực, không phụ thuộc người khác, đề cao chính nghĩa, thích làm việc lớn; luôn hành động một cách chính trực, khi gặp phải vấn đề lập tức bắt tay giải quyết; thích độc lập tự chủ, tất cả dựa vào bản thân, dựa vào năng lực của bản thân để làm việc, hi vọng dẫn dắt mọi người đến sự công bằng, chính nghĩa.

Nếu như bạn thực sự là người dựa ý chí để quản lí cuộc sống, vậy thì cần biết rằng, việc thích ra lệnh cho người khác, làm cho người khác cảm thấy áp lực và không vui, đồng thời cũng đem đến cản trở cho bạn, cho nên đừng can thiệp quá sâu vào công việc của người khác. Kiểu người này thường mạnh mẽ và hành động theo suy nghĩ của mình, dễ để tâm vào chuyện vụn vặt. Bạn cần chú ý không nên vì tâm lí phản nghịch mà làm chính mình bị tổn thương.

Khi giao thiệp với kiểu người này, cần ngưỡng mộ sức mạnh, sự tự lực cánh sinh và tinh thần chính nghĩa của họ. Bởi vì họ luôn thành thật và thẳng thắn, nên bạn hãy thẳng thắn cho họ biết suy nghĩ của bạn, cũng đừng ngăn cản họ nói với bạn ý nghĩ của họ. Bạn phải tôn trọng họ, nhưng cũng nên có lập trường của mình, không nên cho phép họ điều khiển bạn hoặc dễ dàng phủ nhận quan điểm của bạn. 

Nếu như bạn bị tổn thương, nên để họ biết, bởi vì rất nhiều khi họ không hề ý thức được điều đó. Bạn nên thử chấp nhận phong cách thích chỉ đạo, nóng nảy của họ, nhất thiết không được cho rằng đó là họ đang công kích bạn. Nhưng khi họ thực sự tức giận, bạn không nên có phản ứng giống như họ, nếu không chỉ đổ thêm dầu vào lửa, sẽ khiến sự việc càng thêm nghiêm trọng.

Có 9 loại khí chất, bạn thuộc loại nào? Hãy hiểu để biết khoan dung cho chính mình và cả người khác (P2) - Ảnh 2.

9

Cuối cùng là loại ôn hòa, họ kiếm tìm sự hài hòa, cho rằng chỉ có hòa khí mới là chân lí của cuộc sống. Họ luôn cần nhiều thời gian để quyết định, khó lòng từ chối người khác, ít khi tức giận; cử chỉ lời nói vô cùng ôn hòa, không muốn xung đột với người khác, không tự khen, rất khiêm tốn; họ mong muốn hài hòa với người khác, trốn tránh tất cả những bất đồng và căng thẳng, khao khát mọi sự đều được duy trì ở trạng thái tốt đẹp; bỏ qua những việc có thể làm bản thân không vui, đồng thời làm hết sức để giữ cho tâm trạng được bình ổn, cân bằng.

Nếu như bạn thuộc kiểu người này, vậy thì bạn là một sứ giả hòa bình, ôn hòa và vô hại trong quan hệ giao tiếp, bạn sẽ rất được hoan nghênh. Nhưng khi làm việc, kiểu người này không có quá nhiều ưu điểm, bạn thường làm việc chậm chạp, không nắm bắt được trọng tâm, không có chủ kiến, sẽ làm những người hợp tác với bạn cảm thấy sốt ruột. Bạn nên học cách không ỷ lại người khác, chủ động thúc giục bản thân để khiến mình càng trở nên giỏi giang, giàu kinh nghiệm.

Giao thiệp với kiểu người này, bạn nên khen ngợi sự nhân từ, ôn hòa và nhẫn nại của họ, thể hiện sự yêu thích với những việc họ có thể làm được, không phóng đại những việc mà họ không làm được, tán thưởng, một cái ôm hoặc dùng những phương pháp khác để thể hiện sự quan tâm và tình cảm với họ. Nếu như bạn không rõ họ rốt cuộc cần gì hoặc cái gì quan trọng nhất với họ, bạn có thể hỏi họ, điều này với họ vô cùng quan trọng. Nếu như họ cần nhiều thời gian mới có thể đưa ra quyết định, vậy thì bạn nên kiên nhẫn một chút. Nếu như cần phê bình họ, bạn nên tinh tế, bởi vì họ rất dễ cho rằng người khác đang chỉ trích mình. Tóm lại, đối với họ cần nhẫn nại và tinh tế.

Có thể thấy rằng, David Daniels đã chia nhân cách con người thành chín kiểu khác nhau một cách rõ ràng, súc tích, mỗi kiểu đều có những đặc trưng riêng. Giữa chín loại nhân cách này không có sự phân biệt cao thấp, tốt xấu, chỉ có sự khác biệt ở phương thức xử thế mà thôi. Lí luận này là tấm bản đồ khắc họa cụ thể những đặc trưng nhân cách của con người, nắm vững nó là nắm được chiếc chìa khóa vạn năng để hiểu rõ chính mình, nhận thức và hiểu rõ người khác, là công cụ hữu hiệu để giao tiếp, giao lưu có hiệu qủa.

Bởi vì rõ ràng là quan niệm giá trị nằm sâu trong nội tâm của mỗi người không chịu ảnh hưởng của những tác động bên ngoài, cho nên có thể khiến chúng ta thực sự hiểu rõ người khác và hiểu rõ chính mình, thực sự nắm rõ cá tính của bản thân, từ đó hoàn toàn thừa nhận và tiếp nhận sở đoản của bản thân, đánh thức những sở trường của chính mình; khiến chúng ta có thể hiểu được những loại nhân cách khác với bản thân, từ đó nắm vững kĩ năng giao tiếp và hòa hợp với người khác, tạo lập quan hệ hợp tác chân thành, hòa hảo.

* Trích sách "Bạn có phải cá hồi chum không?"- Tác giả An Nhã Ninh 

Mai Phương

Cùng chuyên mục
XEM