Chuyên gia quốc tế: Việt Nam cần phụ nữ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo hơn bao giờ hết!

05/09/2023 10:40 AM | Sống

Dù ngành năng lượng tái tạo của Việt Nam đã phát triển vượt bậc trong những năm gần đây với sản lượng điện mặt trời tăng 11%, phụ nữ Việt vẫn chỉ chiếm 6% trong Đội ngũ kỹ thuật về năng lượng tái tạo và 18% trong số thành viên hội đồng quản trị doanh nghiệp.

Sunita Dubey là Đại diện Quốc gia của GEAPP (tổ chức lần đầu tiên ra mắt tại Hội nghị COP26, nhằm thúc đẩy đầu tư vào chuyển đổi năng lượng xanh và các giải pháp năng lượng tái tạo ở các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi trên toàn thế giới) tại Việt Nam. Bà có hơn 25 năm kinh nghiệm dày dặn trong lĩnh vực năng lượng tại khu vực Nam Á, Đông Nam Á và châu Phi. Bà có kinh nghiệm phân tích quốc tế và thực hiện nhiều dự án trong mảng năng lượng tái tạo, hiệu suất năng lượng, ngành điện lưới và ngoài lưới, chiến lược giảm khí thải carbon, tiếp cận năng lượng và biến đổi khí hậu.

Trước khi đến GEAPP, bà đã làm việc tại Ngân hàng Thế giới (ESMAP, khu vực châu Phi và châu Á) và đồng lãnh đạo quá trình chuẩn bị và thực hiện dự án trong lĩnh vực năng lượng sạch và tiếp cận năng lượng cùng với xem xét biến đổi khí hậu và lợi ích kết hợp tại Ghana, Nigeria, Kenya, Quần đảo Solomon và Việt Nam. Bà đã tham gia sáng kiến Multi-Tier Framework, giúp tái định nghĩa cách đo lường tiếp cận năng lượng và dẫn dắt thực hiện dự án tại Ấn Độ và Kenya. Bà đã có vai trò quan trọng trong việc phối hợp và tập hợp các nhà phát triển dưới sự đồng hành của Africa Minigrid Developers Association. Bà đã xuất bản một loạt các chính sách, báo cáo kỹ thuật, bài viết và blog cho Ngân hàng Thế giới và các tổ chức khác. Bà có hai bằng thạc sĩ về khoa học môi trường và chính sách năng lượng và từng là học viên Chevening.

Dưới đây là góc nhìn của bà trước vấn đề Việt Nam cần phụ nữ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

***

Sự biến đổi khí hậu là mối quan tâm cấp bách đối với Việt Nam hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nơi cung cấp phần lớn sản lượng gạo và các loại cây trồng chủ lực khác của cả nước, có nguy cơ bị ngập lụt. Cụ thể, nếu mực nước biển tiếp tục dâng cao, 40% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long có thể bị ngập trong thế kỷ này. Ngoài ra, Báo cáo Quốc gia về Khí hậu và Phát triển của Ngân hàng thế giới ước tính rằng Việt Nam sẽ phải mất  14,5% GDP hàng năm vào năm 2050, đây là một trở ngại lớn ảnh hưởng đến sinh kế của hàng triệu người. Thực trạng này, cùng với các vấn đề khác, bao gồm cả đợt nắng nóng kỷ lục gần đây, là mối đe dọa nghiêm trọng đối với nhiều người Việt Nam.

Một báo cáo của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) nhấn mạnh rằng phụ nữ ở Việt Nam thiệt thòi đáng kể so với nam giới về giáo dục, y tế, việc làm, tiếp cận các nguồn lực và tham gia vào quá trình ra quyết định. Những khác biệt này khiến phụ nữ đặc biệt dễ bị tổn thương trước các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, chủ yếu là do họ có nhiều khả năng làm việc trong các lĩnh vực dễ bị ảnh hưởng bởi khí hậu và có ít tài sản tài chính hơn để đối phó với những khó khăn kinh tế.

Chuyên gia quốc tế: Việt Nam cần phụ nữ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo hơn bao giờ hết!  - Ảnh 1.

Trên toàn cầu, các công ty có bộ máy lãnh đạo đa dạng về giới vận hành hiệu suất hơn ở 8 trong số 9 chỉ số hành động về biến đổi khí hậu, và gấp đôi trong chỉ số khả năng phát triển các chiến lược khử cacbon cao gấp đôi. Các công ty gia tăng sự đa dạng về giới có khả năng giảm cường độ tiêu thụ năng lượng hơn 60% và giảm phát thải khí nhà kính hơn 39%. Một nghiên cứu gần đây do Ngân hàng Trung ương châu Âu thực hiện trên khoảng 2000 công ty ở 24 nền kinh tế công nghiệp hóa đã cho thấy rằng trong một công ty, cứ tăng 1% số lượng nhân viên nữ sẽ giúp họ giảm 0,5% lượng khí thải carbon.

Dù vậy, phụ nữ và các nhóm yếu thế khác không có được sự hiện diện tương xứng trong vai trò lãnh đạo và quá trình ra quyết định cho các vấn đề liên quan đến khí hậu. Trong Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2022 (COP27), đại diện từ các quốc gia bao gồm 110 nam giới và chỉ có 7 phụ nữ. Các công ty khởi nghiệp do phụ nữ lãnh đạo chỉ nhận được 2,3% vốn đầu tư mạo hiểm vào năm 2020. Trong danh sách các nhà khoa học khí hậu có ảnh hưởng nhất của Reuter, 878 người là nam giới và chỉ 122 người là phụ nữ. Khoảng cách này cho thấy tổn thất lớn đối với lĩnh vực năng lượng tái tạo, vì phụ nữ là những người tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ trong việc hành động, giảm thiểu và thích ứng với khí hậu.

Dù ngành năng lượng tái tạo của Việt Nam đã phát triển vượt bậc trong những năm gần đây với sản lượng điện mặt trời tăng 11%, phụ nữ Việt vẫn chỉ chiếm 6% trong Đội ngũ kỹ thuật về năng lượng tái tạo và 18% trong số thành viên hội đồng quản trị doanh nghiệp. Sự chênh lệch này đáng lưu tâm khi trên thực tế, số lượng sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành STEM tại Việt Nam có tới 40% là nữ, cao hơn mức trung bình trên thế giới.

Dù ngành năng lượng tái tạo của Việt Nam đã phát triển vượt bậc trong những năm gần đây với sản lượng điện mặt trời tăng 11%, phụ nữ Việt vẫn chỉ chiếm 6% trong Đội ngũ kỹ thuật về năng lượng tái tạo và 18% trong số thành viên hội đồng quản trị doanh nghiệp. Sự chênh lệch này đáng lưu tâm khi trên thực tế, số lượng sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành STEM tại Việt Nam có tới 40% là nữ, cao hơn mức trung bình trên toàn cầu.   

Hiệu quả về khí hậu này không có gì đáng ngạc nhiên. Nhiều bằng chứng đã chỉ ra rằng các công ty có nữ lãnh đạo chiếm đa số, hoặc ngang bằng với số lãnh đạo nam giới, có xu hướng hoạt động tốt hơn những công ty lãnh đạo chủ yếu bởi nam giới. Một nghiên cứu vào năm 2020 của McKinsey cho thấy rằng sự hiện diện mạnh mẽ hơn của phụ nữ trong các công ty có mối tương quan tích cực với khả năng hoạt động vượt trội hơn. Các công ty có hơn 30% giám đốc điều hành là phụ nữ đã chứng minh khả năng hoạt động tốt hơn những công ty có tỷ lệ từ 10 đến 30%, và ngược lại, những công ty này có nhiều khả năng hoạt động tốt hơn những công ty có ít hoặc không có giám đốc điều hành là phụ nữ.

Chuyên gia quốc tế: Việt Nam cần phụ nữ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo hơn bao giờ hết!  - Ảnh 2.

Vậy ta có thể làm gì để thu hút nhiều phụ nữ hơn tham gia vào lĩnh vực biến đổi khí hậu?

Có thể bắt đầu bằng cách đầu tư vào phụ nữ trong tương lai, giúp họ cải thiện kỹ năng và cơ hội việc làm thông qua cả giáo dục và tài trợ. Trại hè Khoa học đầy cảm hứng của Giáo sư Nguyễn thị Kim Thanh ở London là một ví dụ điển hình: bà đã tập hợp 46 học sinh cấp hai và cấp ba, hầu hết là "các em gái dân tộc thiểu số hoặc có hoàn cảnh khó khăn" để tìm hiểu về khoa học và cùng nhau thực hiện các thí nghiệm. Các tổ chức phi chính phủ đang hoạt động tại Việt Nam có thể tài trợ hoạt động tương tự nhằm giáo dục người trẻ về những thách thức môi trường mà thế hệ của họ phải đối mặt, bắt đầu từ những thói quen sống "xanh" như giảm thiểu rác thải và nhấn mạnh thực tế rằng bất kỳ ai cũng có thể là một phần của giải pháp. Kế đến, họ có thể liên kết tới các chương trình giáo dục và học bổng cho bậc học cao hơn như Học bổng Women in STEM của RMIT Việt Nam. 

Các mô hình hiện tại chia sẻ phương pháp để thu hút phụ nữ tham gia vào nền kinh tế xanh, như được nhấn mạnh trong báo cáo CARE. Ví dụ, dự án Saamuhika Shakti ở Ấn Độ đã đào tạo công nhân dọn rác về kỹ năng sống, hiểu biết về kỹ thuật số và tài chính cũng như phát triển kỹ năng kinh doanh. Tại Sri Lanka, Quỹ Doanh nghiệp Xanh (ENTERPRISE) đã hỗ trợ phụ nữ và thanh niên thành lập và tham gia vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bồi dưỡng kỹ năng khởi nghiệp xã hội và thúc đẩy phát triển bền vững bằng cách kết hợp các sáng kiến và thực hành thân thiện với môi trường trong doanh nghiệp của họ.

Để khuyến khích thanh niên khởi nghiệp tham gia lĩnh vực này, Việt Nam có thể tổ chức các cuộc thi dành cho sinh viên đại học xoay quanh việc thiết kế các giải pháp đối phó với những thách thức về khí hậu. Một ví dụ điển hình là cuộc thi Hackathon tại Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) năm 2022 ở Indonesia, với chủ đề "Chống rác thải nhựa trên biển". Cuộc thi đã thu hút người trẻ từ các quốc gia tham gia EAS để cùng cạnh tranh nhằm tạo ra "các ứng dụng kỹ thuật số sáng tạo" giúp giám sát rác thải đại dương và khuyến khích các doanh nghiệp hạn chế sử dụng nhựa dùng một lần.

Để tất cả các sáng kiến này hợp lực, GEAPP, IFC và USAID đang thảo luận với các nữ lãnh đạo từ các công ty lớn hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo hoặc doanh nghiệp liên quan đến khí hậu về cách phụ nữ có thể tham gia và đóng góp vào việc xây dựng môi trường tương lai bền vững cho tất cả người dân Việt Nam. Sự hợp tác này cũng nhằm mục đích thu hút các bên liên quan từ khu vực công và tư nhân dựa trên mối liên kết giữa giới tính - khí hậu và lợi ích đã được minh chứng của các hành động vì khí hậu có liên quan về giới; đồng thời đầu tư và hỗ trợ thế hệ nữ lãnh đạo tiếp theo cho các vấn đề khí hậu.

Vượt trên những nỗ lực xây dựng liên minh giữa các doanh nghiệp có cùng chí hướng, tập trung vào tính bền vững hay tạo ra các mạng lưới và chương trình cố vấn giữa những người phụ nữ Việt Nam làm trong lĩnh vực năng lực tái tạo, cách duy nhất để chúng ta có thể tạo ra thay đổi đủ lớn tác động đến biến đổi khí hậu là cùng nhau hành động. Việt Nam đã có một khởi đầu tuyệt vời, giờ là lúc khai thác sức mạnh của phụ nữ để củng cố mạnh mẽ lĩnh vực năng lượng tái tạo cho quốc gia.

Sunita Dubey - Chuyên gia GEAPP

Cùng chuyên mục
XEM