Chuyên gia nổi tiếng: Đằng sau mỗi một đứa trẻ học giỏi, tự tin, hạnh phúc là một bậc cha mẹ DỊU DÀNG

02/01/2022 14:06 PM | Sống

Việc nuôi dạy con cái một cách bình tĩnh hơn, đồng cảm nhiều hơn với con cũng có tác động tích cực về mặt thần kinh, về mặt phát triển hạch hạnh nhân, tức phần não chịu trách nhiệm điều chỉnh cảm xúc của trẻ.

Theo một tác giả chuyên về lĩnh vực chăm sóc trẻ nổi tiếng, có mối quan hệ với con cái dựa trên sự đồng cảm và tôn trọng lẫn nhau, còn được gọi là "nuôi dạy con cái dịu dàng", có thể khiến chúng tự tin hơn.

Sarah Ockwell-Smith, người đã viết cuốn "The Gentle Parenting Book", nói với CNBC qua điện thoại rằng những bậc cha mẹ "dịu dàng" hiểu rõ về khả năng của con mình, vì vậy những kỳ vọng xung quanh hành vi của chúng là "phù hợp với lứa tuổi".

Nói cách khác, cô ấy nói rằng các bậc cha mẹ "dịu dàng" không mong đợi con mình hành động như một người lớn mà thông cảm cho hành vi của chúng. Ví dụ, nếu chúng có hành vi sai trái, các bậc cha mẹ "dịu dàng" sẽ tìm cách dạy con họ cách tốt hơn để thể hiện cảm xúc của chúng thay vì trừng phạt hay quát mắng chúng.

Ockwell-Smith giải thích rằng nếu trẻ em lớn lên trong một ngôi nhà ít tiếng la hét và những lần trừng phạt, điều đó có "tác động lớn đến lòng tự trọng của chúng".

Cô cũng nói rằng việc nuôi dạy con cái một cách bình tĩnh hơn, đồng cảm nhiều hơn với con cũng có tác động tích cực về mặt thần kinh, về mặt phát triển hạch hạnh nhân, tức phần não chịu trách nhiệm điều chỉnh cảm xúc của trẻ. Ockwell-Smith nói rằng nghiên cứu đã chỉ ra rằng nếu trẻ em lớn lên trong một môi trường khiến chúng cảm thấy mình được "hỗ trợ, ủng hộ và nuôi dưỡng" nhiều hơn thì phần não đó sẽ phát triển lớn hơn.

Một nghiên cứu được thực hiện bởi một nhà nghiên cứu tại Đại học Montreal, được công bố vào hồi tháng 3, đã chỉ ra rằng "các phương pháp nuôi dạy con cái khắc nghiệt" thực sự có thể làm trì trệ sự phát triển của não bộ của trẻ. Một nghiên cứu năm 2012 trên trẻ em mẫu giáo của các học giả từ Đại học Washington đã chỉ ra "tác động tích cực của việc nuôi dạy con cái kiểu hỗ trợ đối với sự phát triển lành mạnh của hồi hải mã (vùng não quan trọng để ghi nhớ, học tập và điều chỉnh căng thẳng)".

Chuyên gia nổi tiếng: Đằng sau mỗi một đứa trẻ học giỏi, tự tin, hạnh phúc là một bậc cha mẹ DỊU DÀNG - Ảnh 1.

"Kiến trúc sư" của cuộc đời con trẻ

Ockwell-Smith nói rằng nghiên cứu đã chỉ ra rằng cách trẻ em được nuôi dạy, đặc biệt là trong 5 năm đầu đời của chúng, là chìa khóa cho sự phát triển lòng tự trọng cũng như các mối quan hệ trong tương lai của chúng với những người xung quanh.

Một bài báo năm 2016 từ Trung tâm về Trẻ đang phát triển (Center on the Developing Child) của Đại học Harvard (Harvard University) đã trích dẫn một nghiên cứu, theo đó, nghiên cứu tìm ra hơn một triệu khớp thần kinh mới hoặc kết nối giữa các tế bào thần kinh trong não được hình thành mỗi giây trong vài năm đầu đời của trẻ. Càng về sau, những kết nối này sẽ giảm đi, chỉ giữ những liên kết được "củng cố" bởi những gì chúng trải nghiệm và học hỏi, đó là một quá trình được gọi là "cắt lược". Do đó, các tác giả của bài báo cho rằng những trải nghiệm tích cực trong những năm đầu tiên chính là chìa khóa để tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của trẻ.

Ockwell-Smith nói rằng cha mẹ đóng vai trò là "kiến trúc sư" của cuộc đời đứa trẻ, vì vậy "không có gì quan trọng hơn" cách chúng lớn lên trong những năm đầu đời của mình.

Cô giải thích rằng có ba phong cách nuôi dạy con chính: Độc đoán, có quyền lực (còn được gọi là "nuôi dạy con dịu dàng") và dễ dãi.

Trái ngược lại với "cách nuôi dạy con dịu dàng", cách tiếp cận độc đoán có thể được coi là cách nuôi dạy "kiểu cũ". Cô nói rằng các bậc cha mẹ dạy con theo phương pháp này thường đòi hỏi sự tôn trọng từ con họ và hình phạt cho những hành vi sai trái cũng thường xuyên được sử dụng.

Và theo lời giải thích trên trang web của Ockwell-Smith thì ở một bờ khác, những bậc cha mẹ "dễ dãi" được xếp vào nhóm những người có kỳ vọng thấp ở con mình, thiếu kỷ luật và hướng dẫn cho con.

Chuyên gia nổi tiếng: Đằng sau mỗi một đứa trẻ học giỏi, tự tin, hạnh phúc là một bậc cha mẹ DỊU DÀNG - Ảnh 2.

Cha mẹ cũng cần tách bạch vấn đề mình gặp phải với việc nuôi dạy con cái

Ockwell-Smith cho biết điều quan trọng nhất là cha mẹ phải giải quyết mọi vấn đề của riêng họ trước, trước khi tìm cách làm theo lời khuyên về "cách nuôi dạy con dịu dàng".

Cô nói rằng: "Chúng ta phải bắt đầu từ chính bản thân mình. Chúng ta phải suy nghĩ về những yếu tố gây căng thẳng cho mình. Tại sao tôi lại cư xử như vậy? Tại sao tôi lại hành xử như vậy mỗi lần con tôi nói hoặc làm điều gì đó? Và làm thế nào tôi có thể trở thành một hình mẫu tốt cho con mình?"

Cô giải thích rằng điều này rất quan trọng vì cha mẹ có thể làm hoặc nói những điều đúng đắn nhưng nếu họ không bình tĩnh và nóng tính, một đứa trẻ sẽ vẫn tiếp thu điều đó. Việc "giận cá chém thớt" hay dồn toàn bộ những căng thẳng trong cuộc sống và công việc của người lớn lên con cái là điều hoàn toàn không nên.

Vì vậy, các bậc phụ huynh hãy giải quyết và tách bạch mọi vấn đề của riêng mình trước khi nói chuyện hay dạy dỗ con trẻ.

Chẳng hạn, hãy tìm cách giải quyết để đảm bảo rằng "gánh nặng tinh thần" trong việc nuôi dạy con cái được chia sẻ bình đẳng hơn với bạn đời.

Phụ huynh cũng cần phải bày tỏ khi họ "hết pin" và cần thời gian nghỉ ngơi.

Làm theo lời khuyên này không phải để các bậc cha mẹ "hướng tới mục tiêu trở nên hoàn hảo" mà là để nhận ra rằng việc làm sai lầm của cha mẹ đôi khi cũng là điều có thể chấp nhận được, vì điều này cũng giúp dạy trẻ phải làm gì khi mắc sai lầm.

Như Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM