4 thói quen xấu của bố mẹ đang làm hỏng con cái, điều số 3 hầu như ai cũng mắc phải, còn chưa muộn để thay đổi

13/12/2021 20:47 PM | Sống

Trong quá trình nuôi dạy con cái, có những thói quen xấu của bố mẹ tưởng là rất nhỏ nhưng lại là thứ mà trẻ dễ bắt chước học theo nhất.

Ai cũng biết rằng, giáo dục gia đình là cái nôi đầu tiên nuôi dưỡng một đứa trẻ. Có thể nói, tính cách và tam quan của con cái ngay những ngày đầu tiên đều bắt nguồn từ những điều chúng mắt thấy tai nghe mỗi ngày từ bố mẹ và những người thường xuyên tiếp xúc trong nhà.

Trong quá trình nuôi dạy con cái, có những thói quen xấu của bố mẹ tưởng là rất nhỏ nhưng lại là thứ mà trẻ dễ bắt chước học theo nhất. Hậu quả không chỉ khiến cho con cái ngày càng trở nên khó bảo, ngỗ ngược, không có quy tắc mà còn gây ảnh hưởng về lâu dài đến tương lai sau này của con.

4 thói quen xấu của bố mẹ đang làm hỏng con cái, điều số 3 hầu như ai cũng mắc phải, còn chưa muộn để thay đổi  - Ảnh 1.

Dưới đây chính là 4 thói quen mà bố mẹ rất thường mắc phải có thể gây tác động tiêu cực đến con cái. Hãy tỉnh táo nhìn nhận lại bản thân và thay đổi trước khi quá muộn nhé!

1. Bỏ qua các quy tắc

Đứng sau một đứa trẻ ngang ngược, cư xử kém chính là những bậc cha mẹ không biết giữ quy tắc.

Trước đây, cảnh sát Quảng Tây (Trung Quốc) từng xử lý một vụ vi phạm luật lệ giao thông khá nguy hiểm. Một cậu bé chỉ mới 4 tuổi đã được bố cho ngồi cùng vào ghế tài xế để lái xe. Cậu bé tay cầm vô lăng vừa điều khiển vừa hát véo von. Hàng ghế phía sau là cậu em trai nhỏ mới 2 tuổi cùng với mẹ. Cả gia đình hào hứng vui vẻ, người mẹ còn quay cả video ghi lại toàn bộ quá trình một cách rất tự hào.

Khi phát hiện ra vi phạm, cảnh sát giao thông lập tức ra hiệu cho xe dừng lại. Lúc này người bố vẫn rất vô tư cười đùa. Dường như hai vị phụ huynh không hề nhận ra rằng họ đã đặt tính mạng của cả gia đình vào vòng nguy hiểm ra sao, thậm chí còn có thể gây tai nạn chết người liên lụy cho nhiều người khác.

4 thói quen xấu của bố mẹ đang làm hỏng con cái, điều số 3 hầu như ai cũng mắc phải, còn chưa muộn để thay đổi  - Ảnh 2.

Chúng ta phải biết rằng bố mẹ là tấm gương của con cái. Những lời nói và việc làm của họ sẽ được con cái nhìn thấy. Nếu bố mẹ biết tuân theo các quy tắc, trẻ em sẽ tự nhiên học cách tuân thủ và không tùy ý phá vỡ các quy tắc.

Con cái rồi cũng sẽ lớn lên và bố mẹ chúng ta không thể ở bên con cả đời. Thay vì cứ phải chạy theo con lo lắng nơm nớp, tốt hơn hết hãy dạy con biết tuân thủ các quy tắc, tôn trọng giới luật ngay từ khi còn nhỏ. Chỉ có như vậy mới đảm bảo được rằng con cái lớn lên có kỷ luật, phép tắc và biết phân biệt đâu là việc nên hoặc không nên làm.

2. Thích so sánh

Tiêu chuẩn khủng khiếp nhất trong cuộc đời của một đứa trẻ chính là "con nhà người ta" - một nhân vật thậm chí chẳng có tên có tuổi nhưng luôn có thành tích cao vượt trội cùng với những phẩm chất mà chẳng đứa trẻ nào khác có thể với tới được.

4 thói quen xấu của bố mẹ đang làm hỏng con cái, điều số 3 hầu như ai cũng mắc phải, còn chưa muộn để thay đổi  - Ảnh 3.

Nhiều bậc phụ huynh luôn có suy nghĩ như vậy, họ thích so sánh con mình với con người khác, luôn mắng mỏ hay trách móc con cái vì không đạt được những thứ như bố mẹ mong đợi. Họ cho rằng đây chính là cách tốt nhất để động viên con, giúp con có động lực phấn đấu hơn để đạt được thành tích tốt.

Thế nhưng những đứa trẻ luôn bị bố mẹ xem nhẹ không bằng "con nhà người ta" lại phải gánh những tổn thương tâm lý nặng nề. Chúng có thể dần dà tự xem nhẹ chính mình, mất niềm tin vào khả năng của bản thân, chẳng còn muốn cố gắng hơn nữa vì những tiêu chuẩn và kỳ vọng quá xa vời.

Biết khen ngợi trẻ đúng lúc, công nhận nỗ lực và sự tiến bộ của con cũng như dạy con biết cách yêu thương và chấp nhận chính mình mới là cách giáo dục con tốt nhất.

3. Chơi với con mà mắt không thể rời mắt khỏi điện thoại

Cuộc sống hiện đại khiến con người dễ dàng kết nối với nhau nhiều hơn nhờ những thiết bị điện tử nhưng cũng đẩy khoảng cách tình cảm của mọi người ngày càng xa hơn nếu như chúng ta trở nên quá phụ thuộc vào chúng.

Có thể nhiều phụ huynh sẽ thấy cảnh tượng này rất quen thuộc: Bố mẹ chăm chú xem điện thoại để giải quyết công việc hoặc giống như một thói quen khó bỏ. Con cái lèo nhèo bên cạnh liên tục rằng: "Mẹ ơi chơi với con đi", "Bố ơi, bố làm xong chưa?".

Bố mẹ cảm thấy rằng cứ ở bên cạnh con là đủ nhưng thực tế con cái cần nhiều hơn thế. Sự đồng hành thật sự của phụ huynh không phải là ở thời gian ở cạnh con bao nhiêu lâu mà là chất lượng của khoảng thời gian đó như thế nào.

4 thói quen xấu của bố mẹ đang làm hỏng con cái, điều số 3 hầu như ai cũng mắc phải, còn chưa muộn để thay đổi  - Ảnh 4.

Con cái muốn sự hồi đáp nhưng bố mẹ chỉ mải mê xem điện thoại nên chỉ ậm ừ cho xong chuyện. Con cái háo hức chờ đợi phản ứng của bố mẹ nhưng cái chúng nhận được chỉ là sự thờ ơ đến lạnh lùng: "Đợi một chút, mẹ đang bận", "Được rồi, lát nữa bố xem".

Đã bao nhiêu lần sự lạnh nhạt của bố mẹ khiến cho con cái cảm thấy tủi thân, giận dỗi, thậm chí nổi cơn tam bành?

Tuổi thơ của trẻ con qua nhanh lắm, nếu như trong thâm tâm của con cảm thấy rằng "điện thoại còn quan trọng hơn cả con", chắc chắn đứa trẻ sẽ lớn lên với một khiếm khuyết trầm trọng trong tâm hồn. Trẻ cũng dần trở nên xa cách, không muốn giao tiếp hay tâm sự với bố mẹ nữa. Những tổn tương tâm lý này một khi đã hình thành trong lòng trẻ, mãi mãi bố mẹ sẽ không thể bù đắp được.

4. Không giữ được bình tĩnh

Nhiều bậc cha mẹ sẽ nói thế này: "Tôi nghĩ mình là một người mẹ tồi. Khi thấy con mắc lỗi, tôi không thể kiềm chế được tính khí của mình. Cuối cùng con không muốn thân thiết với tôi nữa, cũng chẳng muốn hôn tôi nữa. Mỗi lần mất bình tĩnh với con, tôi đều cảm thấy hối hận lắm, nhưng chỉ là tôi không thể kiềm chế được mà thôi!".

Điều đáng sợ nhất là một số đứa trẻ sao chép cách thể hiện cảm xúc này và khi lớn lên, chúng trở nên cáu kỉnh y như vậy. Con cái sẽ học cách đối mặt với áp lực cuộc sống và những người xung quanh theo cách mà bố mẹ đã luôn đối xử với chúng.

4 thói quen xấu của bố mẹ đang làm hỏng con cái, điều số 3 hầu như ai cũng mắc phải, còn chưa muộn để thay đổi  - Ảnh 5.

Bố mẹ có thể nghĩ đến hậu quả trước khi mất bình tĩnh với con cái hay không? Đứa trẻ lúc đó có thể ngoan ngoãn nhưng trong lòng con chỉ sinh ra nỗi sợ hãi và nổi loạn. Lần kế tiếp, có thể con sẽ mắc những sai lầm lớn hơn để "trả đũa" bố mẹ.

Khi một đứa trẻ còn nhỏ, gia đình là môi trường đầu tiên trẻ tiếp xúc và bố mẹ là những người mà con sẽ tiếp xúc nhiều nhất. Bố mẹ hay chửi bới ở nhà, con cái sẽ thích nói những lời thiếu tôn trọng. Bố mẹ lười dọn dẹp nhà cửa, luôn để đồ đạc bừa bộn thì con cũng sẽ có thói quen sinh hoạt kém, không biết sắp xếp ngăn nắp.

Vì vậy, bố mẹ phải nghiêm khắc với bản thân, làm gương tốt cho con cái. Muốn giáo dục con trở thành một người tốt, trước tiên bố mẹ phải học cách tự sửa những thói quen xấu của mình.

(Nguồn: 163)

Theo Song Kỳ

Cùng chuyên mục
XEM