Chủ tịch Sendo: Lingo đóng cửa là thông tin tốt cho thị trường TMĐT Việt Nam

18/08/2016 18:11 PM | Kinh doanh

Ông Nguyễn Đắc Việt Dũng, Chủ tịch sàn thương mại điện tử Sendo.vn cho rằng sự sụp đổ của một số sàn thương mại điện tử như Lingo, Beyeu, Deca... trong thời gian qua không những không là thông tin xấu mà còn là tín hiệu tốt cho thị trường TMĐT Việt Nam.

Sáng nay 18/8, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, Cục Thương mại Điện tử và Công nghệ Thông tin tổ chức họp báo công bố ngày mua sắm trực tuyến 2016.

Với tham vọng đặt ra cho năm 2016, tổng doanh thu trong ngày Online Friday (2/12) dự kiến sẽ chiếm 15% tổng doanh thu toàn bộ thị trường Thương mại điện tử vào quý IV, tương đương với hơn 1.000 tỷ đồng trên tổng số hơn 200.000 sản phẩm đăng ký bán.

Phát biểu tại buổi họp báo, bà Lại Việt Anh - Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử & Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) cho biết điểm mới của ngày mua sắm trực tuyến năm nay là Ban tổ chức sẽ không duyệt từng sản phẩm mà yêu cầu doanh nghiệp ký cam kết cung cấp sản phẩm khuyến mãi đúng.

Dù điều kiện tham gia “mở” nhưng Ban tổ chức khẳng định sẽ tăng cường hậu kiểm, gắn nhãn có dấu hiệu vi phạm lên các sản phẩm/doanh nghiệp bị nhiều người tiêu dùng cảnh báo và sẽ xử lý nghiêm khắc với các doanh nghiệp này. Nhằm giảm khuyến mại ảo, doanh nghiệp buộc phải công khai giá gốc/giá niêm yết sản phẩm trước ngày mua sắm diễn ra và không được phép điều chỉnh giá này.

"Bất kỳ doanh nghiệp nào vi phạm sẽ bị tước quyền tham gia ngay lập tức, có thể là vĩnh viễn, thực hiện bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng và phạt hành chính 300 triệu đồng" - bà Việt Anh nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, thì cho rằng việc đưa ra con số doanh thu 1.000 tỷ đồng trong ngày Online Friday 2016 là khá khiêm tốn. Ông Hưng kỳ vọng tổng doanh thu bán hàng phải lên tới 1.200 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, sự ra đi của hàng loạt trang TMĐT như Beyeu, Deca, gần đây nhất là Lingo đã khiến nhiều người hoài nghi về sự tăng trưởng của ngành thương mại điện tử?

Trả lời câu hỏi này của báo giới, ông Nguyễn Thành Hưng, cho hay, thương mại điện tử có nhiều hình thức khác nhau và sàn thương mại chỉ là một hình thức, không phải là tấm gương phản ánh toàn ngành TMĐT.

Chính vì thế, sự sụp đổ của các trang thương mại trên không phản ánh thực trạng đi xuống của cả ngành. Trên thị trường này, trang nào tốt thì phát triển, ngược lại cho dù có đầu tư bao nhiêu tiền của đi nữa thì vẫn đóng cửa.

Ngược lại, khách quan mà nói ngành thương mại điện tử Việt Nam đang tăng trưởng ở mức độ khiến nhiều ngành khác phải ao ước, mong muốn, 40%/năm. Và tốc độ này còn cao nữa cho tới năm 2020. Và đây không chỉ là xu thế của Việt Nam mà trên toàn thế giới.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đắc Việt Dũng, Chủ tịch sàn thương mại điện tử Sendo.vn cho rằng sự sụp đổ của một số sàn thương mại điện tử như Lingo, Beyeu, Deca... trong thời gian qua là tín hiệu tốt cho thị trường TMĐT Việt Nam.

"Vì nếu thị trường không có cạnh tranh thì công ty nào cũng tà tà phát triển hoặc phát triển chậm. Mà tốt hơn công ty nào sống thì phát triển nhanh, công ty nào không phát triển nhanh thì nên đóng cửa", ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, bản thân sàn thương mại điện tử Sendo 6 tháng đầu năm 2016 tăng trưởng tốt với ba chữ số, quy mô thị trường và doanh nghiệp được mở rộng hơn rất nhiều.

Cũng bởi vậy, lạc quan hơn, ông Nguyễn Đắc Việt Dũng kỳ vọng Online Friday 2016 sẽ mang về doanh thu khoảng 2.000 tỷ đồng.

"Ngày Online Friday 2016 năm nay có sự tham gia của các doanh nghiệp offline, bên cạnh đó là các doanh nghiệp online có thị phần lớn trên thị trường, luôn có mức tăng trưởng từ 2 - 3 con số, tôi tin tưởng doanh thu có thể lên tới 2.000 tỷ chứ không phải 1.000 tỷ" - ông Dũng cho hay.

Theo kế hoạch phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016-2020, vào năm 2020, doanh số giao dịch thương mại điện tử giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng (B2C) sẽ tăng 20% một năm, đạt 10 tỷ USD, chiếm 5% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Riêng doanh số giao dịch thương mại điện tử doanh nghiệp - doanh nghiệp (B2B) tương đương 30% kim ngạch xuất khẩu.

Theo dự báo của các tổ chức, trong vòng 5 năm tới, mỗi người Việt sẽ dành khoảng 350 USD chi cho mua sắm qua mạng mỗi năm, gấp hơn 2 lần so với số liệu 2015.

Dư Hoài

Cùng chuyên mục
XEM