Chỉ số này cho thấy mức độ phát triển thương mại điện tử của các địa phương ra sao
Điểm trung bình của chỉ số giao dịch B2B trong cả nước là 24,2 điểm, trong đó điểm trung bình của nhóm 5 tỉnh thành cao nhất là 52,2 điểm và điểm trung bình của nhóm 5 tỉnh thành thấp nhất là 16,8 điểm.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2015, Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội là 2 khu vực có tỷ lệ dân số/ 1 doanh nghiệp tốt nhất, lần lượt là 60 dân và 79 dân. Qua đó cho thấy mật độ doanh nghiệp tại hai khu vực này là khá cao. Nhóm cả tỉnh thành có tỷ lệ số dân/ 1 doanh nghiệp cao trên 1000 là Sơn La (1139 dân/ 1 doanh nghiệp) và Bạc Liêu (1038 dân/ 1 doanh nghiệp).
Những thành phố có tỷ lệ doanh nghiệp cao cũng là những thành phố có điểm cao trong chỉ số về giao dịch B2B do Vecom công bố. Trong giai đoạn 2012-2014, chỉ số về giao dịch trực tuyến giữa các doanh nghiệp chú trọng tới hiệu quả kinh doanh thong qua thực tiễn nhận đơn đặt hàng (bán hàng) và đặt hàng (mua hàng) trực tuyến, so sánh giá trị bán hàng hoặc mua hàng trực tuyến trên doanh thu và chi phí của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó các chỉ số thành phần này cũng coi trọng mức độ ứng dụng công nghệ thông tin trong nội bộ doanh nghiệp, bao gồm việc triển khai các phần mềm liên quan tới tài chính, kế toán, quản lý nhân sự và các phần mềm phức tạp hơn như lập kế hoạch nguồn lực (ERP), quản trị quan hệ khách hàng (CRM), quản lý hệ thống cung ứng (SCM). Từ năm 2015 trở đi, chỉ số thành phần giao dịch B2B bổ sung tiêu chí liên quan tới số lượng doanh nghiệp và dân số của từng địa phương. Tỷ lệ trung bình số dân có một doanh nghiệp sẽ hỗ trợ phản ảnh mức độ hoạt động kinh tế và thương mại của địa phương một cách chính xác hơn.
Theo đó, điểm số thành phần giao dịch B2B năm 2016 gồm các tiêu chí: 1) sử dụng các phần mềm trong doanh nghiệp; 2) sử dụng chữ ký điện tử; 3) sử dụng hợp đồng điện tử; 4) nhận đơn đặt hàng qua các công cụ trực tuyến; 5) đặt hàng qua các công cụ trực tuyến; 6) tỷ lệ đầu tư, xây dựng và vận hành website/ứng dụng di động của doanh nghiệp và 7) tỷ lệ trung bình số dân trên mỗi doanh nghiệp.
Điểm trung bình của chỉ số giao dịch B2B trong cả nước là 24,2 điểm, trong đó điểm trung bình của nhóm 5 tỉnh thành cao nhất là 52,2 điểm và điểm trung bình của nhóm 5 tỉnh thành thấp nhất là 16,8 điểm.
Điểm số của Tp.HCM cách khá xa so với các tỉnh thành khác trong cả nước cho thấy mức độ phát triển vượt trội về thương mại điện tử B2B.
Chỉ số giao dịch B2B.
Mới đây báo cáo của Kantar Worldpanel cũng xếp Việt Nam là nước đứng thứ 3 về thị trường thương mại điện tử tăng trưởng nhanh nhất thế giới sau Thái Lan, Malaysia. Nguyên nhân cho sự tăng trưởng này là sự phát triển của Internet và sự gia tăng người sở hữu điện thoại thông minh cùng với đó là sự đầu tư mạnh của các nhà bán lẻ.
Tiềm năng của thương mại điện tử cũng khiến Chính phủ và các địa phương có những chiến lược tập trung phát triển. Cụ thể là Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 11 tháng 5 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2014 - 2020, Quyết định số 07/2015/QĐ-TTg ngày 02 tháng 03 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý và thực hiện Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia. Hay với Tp. Hà Nội, Hải Phòng,… đều có kế hoạch cụ thể cho từng năm về phát triển thương mại điện tử trên địa bàn.