Châu Âu rối tung khi OPEC cắt dầu: Trạm xăng đóng cửa, ô tô xếp hàng dài, tài xế phải hạn chế phanh gấp cho đỡ ‘hao’ xăng

12/10/2022 09:51 AM | Kinh doanh

Châu Âu hỗn loạn, Mỹ thì lúng túng, còn châu Á vẫn có vẻ vẫn tự tin trước quyết định cắt giảm sản lượng xăng dầu của OPEC .

Giá xăng dầu tăng cao khiến các nước Liên minh châu Âu (EU) mắc kẹt trong khủng hoảng và đảo lộn cuộc sống nhiều nơi. Tài xế xếp hàng mấy cây số để đổ xăng, phải hạn chế ‘phanh gấp và tăng tốc’ cho đỡ hao xăng, hàng chục nghìn trạm xăng dầu đóng cửa. Tình trạng này đến từ ba nguyên nhân chủ yếu sau đây.

Nguyên nhân 1: OPEC+ cắt giảm sản lượng xăng dầu

Tuần trước, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa OPEC+ (bao gồm các thành viên OPEC cùng các nước liên minh như Nga) họp ở Vienna (Áo) và ra quyết định cắt giảm sản lượng dầu xuống còn 2 triệu trùng/ngày để đẩy giá lên cao. Đây là đợt cắt giảm mạnh tay nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng nổ.

Điều này đã gây ra tác động tức thì. Ở Anh, giá xăng dầu leo dốc cao nhất kể từ 10 năm qua. Giá 1 lít xăng đã lên tới 1,63 Bảng Anh, tương đương khoảng 45.000 đồng Việt Nam, còn dầu diesel là 1,80 Bảng Anh, gần 50.000 đồng Việt Nam.

Châu Âu rối tung khi OPEC cắt dầu: Trạm xăng đóng cửa, ô tô xếp hàng dài, tài xế phải hạn chế phanh gấp cho đỡ ‘hao’ xăng - Ảnh 1.

Giá xăng và dầu ở Anh tăng kỷ lục trong mười năm gần đây


Từ khi nghe phong thanh về quyết định của OPEC+, các tài xế ở Anh đã vội vã kéo đi đổ xăng đầy bình. Để đối phó với giá xăng cao kỷ lục, Hiệp hội Ô tô Anh thậm chí còn khuyến cáo tài xế lái xe bằng các kỹ thuật ‘ít hao xăng’ hơn, như làm chủ tốc độ ổn định, cách xa xe đằng trước để hạn chế phải phanh gấp rồi tăng tốc lại.

Nguyên nhân 2: Công ty xăng dầu ‘đếm tiền mỏi tay’, người dân bất mãn

Trước động thái của OPEC+, chính phủ Pháp mới đây đã trình bày kế hoạch cắt giảm tiêu thụ năng lượng trên toàn quốc. Ngay lập tức, nó cũng gây ra hoảng loạn khiến người dân xếp hàng vài cây số trước các trạm xăng. Điều này khiến cho tình hình tệ hơn gấp bội vì từ trước đó khoảng mười ngày, công nhân các nhà máy lọc và dự trữ dầu như Esso France, Total Engergies đã đình công đòi tăng lương.

Sản xuất vốn đình trệ nay nguồn cung lại càng ít. Tính đến nay, khoảng một phần ba các trạm xăng trên khắp nước Pháp phải đóng cửa mặc cho dân chúng giận dữ.

Châu Âu rối tung khi OPEC cắt dầu: Trạm xăng đóng cửa, ô tô xếp hàng dài, tài xế phải hạn chế phanh gấp cho đỡ ‘hao’ xăng - Ảnh 2.

Ô tô xếp hàng chờ mua xăng tại Pháp


Nguyên nhân sâu xa cho cuộc khủng hoảng này là bất mãn xã hội trên diện rộng. Người dân Pháp vốn đang phải vật lộn để có việc làm và loay hoay khi giá cả hàng thiết yếu tăng vọt do lạm phát. Ấy vậy mà các công ty xăng dầu bỗng chốc ‘phất lên’ trông thấy nhờ giá năng lượng bị đẩy lên do bất ổn giữa Nga và Ukraina. Giám đốc điều hành của Total Energies là Patrick Pouyanné thậm chí còn được tăng lương tới 52%. Trong khi đó, các công đoàn đang đòi tăng lương thêm 10% mà vẫn chưa được đáp ứng.

Nguyên nhân 3: Giảm nhập khẩu từ Nga

Liên minh châu Âu đã quyết định cắt giảm nhập khẩu dầu từ Nga như một biện pháp trừng phạt kể từ ngày 5 tháng 12 năm nay. Trước động thái đó, Nga cũng ngày càng giảm dần xuất khẩu sang châu Âu và vẫn còn định giảm thêm nếu Mỹ và các quốc gia khác tiếp tục kêu gọi áp giá trần.

Việc EU tự hạn chế nhập khẩu kết hợp với sự siết chặt nguồn cung của Nga đã khiến giá năng lượng khu vực này tăng đột biến. Lạm phát trên khắp khu vực châu Âu đã vượt mức kiểm soát trên mọi phương diện của đời sống mà khủng khiếp nhất là năng lượng với mức 40%.

Châu Âu rối tung khi OPEC cắt dầu: Trạm xăng đóng cửa, ô tô xếp hàng dài, tài xế phải hạn chế phanh gấp cho đỡ ‘hao’ xăng - Ảnh 3.

Lạm phát năng lượng ở châu Âu tăng đột biến

Người dân châu Âu đã cảm nhận vô cùng rõ ràng tác động khốc liệt của mức lạm phát cao nhất trong mười năm trở lại. Ở Anh, lạm phát năng lượng đã vượt mốc 70% còn ở Tây Ban Nha là 60%.

Châu Âu rối tung khi OPEC cắt dầu: Trạm xăng đóng cửa, ô tô xếp hàng dài, tài xế phải hạn chế phanh gấp cho đỡ ‘hao’ xăng - Ảnh 4.

Lạm phát năng lượng một vài nước châu Âu

Mức lạm phát cũng này là điều dễ hiểu vì châu Âu có mức độ phụ thuộc rất cao vào dầu mỏ của Nga. Ví dụ, nguồn cung dầu từ Nga chiếm 38% nhu cầu nội địa của Đức. Ở một số quốc gia EU, tỷ trọng nhập khẩu dầu của Nga trên tổng lượng tiêu thụ nội địa còn vượt quá 100% vì họ có thể nhập khẩu nhiên liệu nhiều hơn mức tiêu thụ để dự trữ, tái xuất hoặc chuyển thành các sản phẩm dầu mỏ khác và xuất khẩu.

Bất chấp sự phụ thuộc cao như vậy, kể từ sau cuộc xung đột ở Ukraina, các nước vẫn quyết định cắt giảm. Ví dụ: năm 2021, tỉ trọng nhập khẩu dầu từ Nga ở Phần Lan là 60-75%, đến tháng 6 năm 2022, con số này giảm xuống còn 10-30%.

Châu Á trước mùa đông đầy hy vọng

Trong khi châu Âu đang loay hoay thì ở châu Á lại có những tín hiệu đáng hy vọng. Nhập khẩu dầu thô của châu Á trong tháng 9 đã phục hồi. Ở Trung Quốc, số lượng nhập khẩu trong tháng 9 là 10,19 triệu thùng/ngày, tăng hơn nửa triệu thùng so với tháng 8.

Nguyên nhân là nhiều nhà máy đã hoạt động trở lại sau thời gian bảo trì. Đồng thời, các nhà máy và nhà kho cũng đang tích trữ cho mùa đông sắp tới. Việc Nga giảm xuất khẩu sang thị trường châu Âu cũng mở ra khả năng chuyển hướng thị trường về châu Á.

Có nhiều khả năng Trung Quốc sẽ tăng cường xuất khẩu sản phẩm xăng dầu tinh chế nhằm tạo động lực kinh tế cho nước mình. Từ đó, nhập khẩu dầu thô quốc gia này cũng sẽ tăng lên. Điều này có thể cho phép Bắc Kinh gửi thông điệp đến OPEC+ rằng Trung Quốc không hài lòng với thông báo cắt giảm sản lượng xuống còn 2 triệu thùng/ngày của tổ chức này.

Mỹ đang thiếu lựa chọn để đáp lại OPEC+

Hoa Kỳ đã hứa sẽ có các phản ứng trước quyết định của OPEC+. Tuy nhiên ổng thống Joe Biden hiện đang có rất ít lựa chọn để mang lại hiệu quả cao.

Thứ nhất, Mỹ đang thúc giục các nhà sản xuất xăng dầu trong nước tăng sản lượng và giảm xuất khẩu. Các công ty này tỏ ra ngần ngại vì đang chịu áp lực phải trả lợi nhuận cho cổ đông thay vì giữ lại để tái đầu tư thúc đẩy sản xuất.

Thứ hai, Mỹ đang xem xét mở kho dự trữ dầu chiến lược quốc gia để có thêm nguồn cung. Đồng thời, nước này cũng dự định nới lỏng các biện pháp trừng phạt với các quốc gia sản xuất dầu pariah như Venezuela và Iran.

Thứ ba, các nhà lập pháp Hoa Kỳ đang xem xét lại đạo luật NOPEC (‘No Oil Producing and Exporting Cartels Act’, tức đạo luật chống các-ten sản xuất và xuất khẩu dầu). Điều này sẽ cho phép Hoa Kỳ kiện hay trừng phạt các thành viên của OPEC+ về hành vi chi phối độc quyền. Tuy nhiên, ý tưởng này có thể phản tác dụng, dẫn đến việc gián đoạn nguồn cung sang Âu-Mỹ trong lúc người dân khu vực này đang cần nhiều xăng dầu hơn chứ không phải là giảm đi.

Tổng hợp từ: Financial Times, The Hindu, Bloomberg, Telegraph, Reuters.

Thùy An

Cùng chuyên mục
XEM