Châu Á sẽ hưởng lợi thế nào khi Mỹ tăng thuế mạnh với Trung Quốc?

18/05/2018 08:45 AM | Xã hội

GDP các nền kinh tế châu Á có thể tăng trưởng thêm từ 0,1% đến 0,5% nhờ xu thế mua hàng của người Mỹ.

Trong năm nay, Mỹ sẽ mua thêm hàng hóa từ châu Á bởi các kế hoạch giảm thuế và thâm hụt chi tiêu giúp kích thích nhu cầu nội địa tăng, ngay cả khi Tổng thống Donald Trump nâng rào cản ngăn hàng xuất khẩu Trung Quốc cũng như nhôm thép nhập khẩu.

Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương, ông Changyong Rhee, dự báo GDP các nền kinh tế châu Á có thể tăng trưởng thêm từ 0,1% đến 0,5% nhờ xu thế mua hàng của người Mỹ.

Ngay từ hiện tại, các nhà máy của châu Á đang ngày một bận rộn hơn.

“Đối với những nước như Campuchia và Việt Nam vốn có hoạt động thương mại sôi động và xuất khẩu nhiều vào thị trường Mỹ, hiệu ứng tích cực sẽ lớn nhất, khi GDP được dự báo tăng trưởng thêm từ 0,4% đến 0,5%. Chính sách nới lỏng tài khóa của Mỹ sẽ khiến cho thâm hụt tài khoản vãng lai của Mỹ tăng lên", ông Rhee nói trong một buổi hội thảo tại Hồng Kông.

Khi mà một số chính sách thuế của Mỹ bị xóa bỏ, triển vọng trong trung hạn sẽ phụ thuộc vào việc rào cản thương mại Mỹ sẽ cao đến đâu cũng như hướng biến động của đồng USD và lãi suất.

Phó giám đốc khu vực của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), ông Koshy Mathai, chỉ ra rằng các biện pháp thuế quan mới đây dù khá hạn chế nhưng tác động của nó sẽ không chỉ dừng lại ở Trung Quốc bởi giá trị hàng hóa nhập khẩu từ nước khác chiếm 30% tổng hàng xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ.

Ông nhấn mạnh nếu Mỹ áp thuế đối với hàng Trung Quốc, tất cả các nhà cung cấp cho Trung Quốc cũng sẽ phải chịu ảnh hưởng tiêu cực.

Nhìn chung, IMF dự báo GDP châu Á sẽ tăng trưởng 5,6% trong năm nay và năm sau, cao hơn 0,1% so với dự báo do chính tổ chức này đưa ra vào tháng 10/2017. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm nay ước chỉ còn 6,6% còn kinh tế Ấn Độ được dự báo tăng trưởng lên mức 7,4%. Kinh tế Nhật được dự báo tăng trưởng chỉ còn 1,2%, dù vậy vẫn gấp đôi so với dự báo gần nhất mà IMF đưa ra.

Ông Rhee dự báo, với đầu tàu Trung Quốc, kinh tế châu Á sẽ vẫn là động lực tăng trưởng quan trọng của kinh tế toàn cầu trong năm nay. Tuy nhiên ông nhấn mạnh, đóng góp của châu Á vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm xuống chỉ còn khoảng 65% khi mà đóng góp của Mỹ và châu Âu tăng nhanh.

Cũng theo IMF, không có lý do gì để lo lắng về kinh tế châu Á hiện nay.

Sau khi thông tin về việc Argentina xin IMF hỗ trợ tài chính, ông Rhee nói: “Chúng ta không nên tự thỏa mãn, thế nhưng tình hình tại các nền kinh tế châu Á hiện nay tốt hơn nhiều”.

Dù vậy ông cảnh báo mức nợ tăng dần cần phải được theo dõi sát sao. IMF hiện đang có chương trình hỗ trợ dành cho Mông Cổ và Sri Lanka, gần đây còn có đồn đoán về việc Pakistan và Papua New Guinea cũng có thể cần đến sự hỗ trợ.

Theo Trung Mến

Cùng chuyên mục
XEM