Châu Á – động lực tăng trưởng nhu cầu thép thế giới

15/04/2019 08:49 AM | Kinh tế vĩ mô

Tháng 4/2019, Hiệp hội Thép thế giới (WSA) đã điều chỉnh các con số dự báo của tháng 10/2018 về tiêu thụ thép toàn cầu. Theo đó, nhu cầu thép thành phẩm trên thế giới năm 2018 là 1.711,6 triệu tấn, dự báo sẽ đạt 1.734 triệu tấn (+1,3%) trong năm 2019 và 1.750 triệu tấn vào năm 2020.

Mức tăng tiêu thụ thép trong năm 2018 là 54 triệu tấn, và dự kiến sẽ tiếp tục thêm 53 triệu tấn trong năm nay, chủ yếu xuất phát từ khu vực Châu Á, nơi sẽ chiếm tới 69% tổng tiêu thụ thép toàn cầu trong năm 2019.

Tại Châu Á, sự điều chỉnh mức tăng trưởng về nhu cầu của Trung Quốc rất đáng chú ý. Có vẻ nhu tăng trưởng GDP của quốc gia này đang chậm lại không hề ảnh hưởng tới tiêu thụ thép. Năm 2018, nhu cầu thép ở Trung Quốc đã tăng 54 triệu tấn do đầu tư mạnh vào lĩnh vực bất động sản – lĩnh vực sử dụng rất nhiều thép.

Toàn bộ 13 thành phố ở Trung Quốc đến thời điểm hiện tại đã phải sử dụng tới thép dự trữ bởi nhu cầu tăng mạnh. Do nhu cầu không ngừng tăng từ lĩnh vực sản xuất thép và một số lý do khác, giá quặng sắt – nguyên liệu sản xuất thép – giao dịch trên sàn Đại Liên (Trung Quốc) đã tăng vọt khoảng 50% từ đầu năm tới nay, mới đây lập đỉnh cao nhất trong vòng gần 8 năm.

Châu Á – động lực tăng trưởng nhu cầu thép thế giới  - Ảnh 1.

Tương tự, tại Ấn Độ, tiêu thụ thép trong năm 2018 đạt 96 triệu tấn, dự kiến tăng lên 102,8 triệu tấn trong năm nay và 110,2 triệu tấn vào năm 2020 (những số liệu mới nhất về thị trường Ấn Độ không có sự thay đổi nhiều so với số liệu đưa ra vào tháng 10/2018).

Tăng trưởng mạnh về cơ sở hạ tầng sẽ tiếp tục duy trì động lực lớn cho nhu cầu thép ở Ấn Độ trong vài năm tới. Tốc độ xây dựng chậm lại ở mọi lĩnh vực như đường bộ, đường sắt, nâng cấp và cơ giới hóa cảng biển, đóng tàu, hạ tầng cơ sở nông thôn và thành thị, bất động sản… trong vài tháng tới có thể sẽ tạm thời kiềm chế nhu cầu thép trong một thời gian ngắn, nhưng sau đó sẽ tăng trưởng trở lại.

Hiện tượng này rất phổ biến trong quá trình tăng trưởng ở nhiều quốc gia. Điều đó chỉ chứng tỏ rằng mức tăng tiêu thụ thép thành phẩm thêm 14 triệu tấn trong vòng 2 năm tới có thể không diễn ra với tốc độ đều đặn, mà mạnh yếu tùy thời điểm. Chẳng hạn như sau khi kết thúc cuộc bầu cử thì hoạt động xây dựng có thể sẽ tăng tốc rất nhanh.

Nền kinh tế Ấn Độ tăng trưởng khá nhanh, với tỷ lệ tổng vốn cố định trong GDP (theo tỷ giá hiện hành) đã tăng lên 29% trong giai đoạn tháng 4-12/2018, từ mức 28,7% cùng kỳ năm trước đó. Tuy nhiên, Ấn Độ đang vấp phải tình trạng thâm hụt tài khoản vãng lai gia tăng, dự kiến lên mức 16,9 tỷ USD tính tới cuối quý 3/2019, tương đương 2,6% GDP.

Mặc dù đầu tư trực tiếp nước ngoài (ròng) đã tăng lên 7,5 tỷ USD trong quý 3/2009, nhưng các khoản đầu tư gián tiếp (portfolio investment) đã bị rút đi 2,1 tỷ USD trong bối cảnh dự trữ ngoại hối cạn kiệt trong quý 3/2018. Tương lai tình hình tài chính toàn cầu đầy bất chắc giữa lúc Mỹ đang nỗ lực để giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc. Các biện pháp kích thích kinh tế ở Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản đều nhằm cung cấp thêm vốn đầu tư cho hoạt động xây dựng. Điều đó kích thích tăng xuất khẩu. Ấn Độ hiện đang theo dõi sát mức tăng trưởng nhập khẩu. Nhập khẩu thép vào thị trường này trong 11 tháng đầu năm 2018 đạt 8,03 triệu tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước đó, trong khi xuất khẩu thép cùng giai đoạn đạt 7,77 triệu tấn, giảm 27,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong tài khóa 2018/19 (kết thúc vào tháng 3/2019), nhập khẩu thép của Ấn Độ đã tăng lần đầu tiên trong vòng 3 năm. Trong tài khóa này, xuất khẩu thép thành phẩm của Ấn Độ giảm 34% xuống 6,36 triệu tấn, trong khi nhập khẩu thép thành phẩm tăng 4,7% lên 7,84 triệu tấn.

Báo cáo của WSA đánh giá về thị trường thép ở tất cả các quốc gia bằng cách đo giá trị của thép trong GDP (steel intensity of GDP), cụ thể là tính mức sử dụng thép (đơn vị tính bằng triệu USD) trong GDP thực tế. Theo cách tính này thì ở mức độ trung bình 59,6, Trung Quốc có mức sử dụng thép trong GDP đạt mức cao nhất thế giới (không kể Việt Nam, nơi có mức độ GDP còn thấp) và cao hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình trên toàn cầu là 20,7. Tỷ lệ này ở Hàn Quốc là 34,9, Thổ Nhĩ Kỳ là 31,2 và Nga là 29.

Ấn Độ, với mức sử dụng thép trong GDP trung bình là 36,5, sẽ phải tăng cường sử dụng thép nhiều hơn nữa trong những năm tới để thúc đẩy tăng trưởng GDP. Dựa trên các số liệu dự đoán ban đầu về nhu cầu thép trong các năm 2019 và 2020, dự báo tiêu thụ thép bình quân đầu người ở Ấn Độ có thể vượt 75 kg trong năm 2019. Con số này vẫn còn thấp xa so với mức trung bình trên toàn cầu là 225 kg, và càng thấp so với mức 594 kg của Trung Quốc.

Công suất sản xuất thép trên toàn cầu hiện nay, theo đánh giá của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) là 2,234 triệu tấn tính tới tháng 12/2018, giảm khá mạnh so với năm trước đó. Với sản lượng thép thô thế giới năm 2018 là 1.818 triệu tấn, tỷ lệ sử dụng công suất sản xuất hiện nay là 81,4%, ở mức khá cao.

OECD cũng cho biết có 88 tấn công suất sản xuất mới dự kiến sắp đi vào hoạt động. Khu vực Châu Á sẽ chiếm tới 61% trong tổng công suất mới này.

Tuy nhiên, vẫn có một số yếu tố rủi ro đối với thị trường thép toàn cầu. Đó là sự không chắc chắn về triển vọng thương mại xuất phát từ xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc. Châu Âu cũng không tránh khỏi việc phải tăng nhập khẩu thép do nhiều nhà xuất khẩu né tránh thị trường Mỹ, trong bối cảnh triển vọng nhu cầu mặt hàng này ở Châu Âu có rất ít khả năng tăng lên.

Theo Vân Chi

Cùng chuyên mục
XEM