Chào đón iPhone 2018 ra mắt, hãy nghe chuyên gia kỳ cựu kể về giai đoạn phát triển iPhone đời đầu, "thời kỳ vàng son" của Steve Jobs

15/09/2018 11:02 AM | Kinh doanh

Rất ít sản phẩm ảnh hưởng lớn tới thế giới như iPhone. Nó là một trong những thiết bị bán chạy nhất mọi thời đại và đã giúp mở ra kỷ nguyên điện toán di động mà hiện tại đang là cách mà hàng tỷ người trên thế giới đang dùng để giao tiếp hàng ngày.

iPhone đời đầu được ra mắt vào đầu năm 2007 nhưng một nhóm kỹ sư, được đưa vào một cơ sở bí mật trong trụ sở Apple, đã nghiên cứu, phát triển nó trong nhiều năm. Họ tuyên thệ giữ bí mật về thiết bị mình đang phát triển và báo cáo trực tiếp với CEO Steve Jobs.

Một trong những kỹ sư phần mềm chính của nhóm, Ken Kocienda, đã viết một cuốn sách xuất bản vào tuần trước kể về thời gian ông phát triển iPhone đời đầu, giai đoạn mà ông gọi là "thời kỳ vàng son" của Steve Jobs. Kocienda là người phát triển ứng dụng bàn phím đầu tiên cho smartphone và giúp smartphone thoát khỏi hình dạng kỳ cục, màn hình nhỏ như các thiết bị BlackBerry để biến thành một tấm kính hình chữ nhật mà hầu hết chúng ta mang theo hàng ngày hiện tại.

Chào đón iPhone 2018 ra mắt, hãy nghe chuyên gia kỳ cựu kể về giai đoạn phát triển iPhone đời đầu, thời kỳ vàng son của Steve Jobs - Ảnh 1.

Bàn phím Kocienda phát triển trên chiếc iPhone đời đầu được trưng bày tại Apple Store, New York vào năm 2007

Kocienda đã phát triển một sản phẩm biến Apple từ một công ty máy tính sáng tạo trở thành một trong những công ty có lợi nhuận cao nhất lịch sử nhân loại, một công ty tạo ra doanh thu hơn 100 tỷ USD mỗi năm từ iPhone.

Quartz đã có một cuộc phỏng vấn với Kocienda ngay trước khi Apple ra mắt những chiếc iPhone mới nhất của họ để nói về cuốn sách của anh ấy và những gì diễn ra trong quá trình phát triển iPhone đời đầu, một trong những sản phẩm quan trọng nhất của Apple từ trước đến nay.

Cuộc phỏng vấn đã được Quartz chỉnh sửa nhẹ cho dễ hiểu hơn, và dưới đây chúng tôi xin lược dịch lại để các bạn theo dõi:

Quartz (Q): Công việc của nhóm phát triển iPhone đời đầu diễn ra như thế nào? Các anh đã làm gì để biến lý thuyết trở thành những sản phẩm thực sự?

Kocienda (K): Chúng tôi được Steve Jobs yêu cầu tạo ra hệ điều hành cho thiết bị màn hình cảm ứng. Vì vậy, chúng tôi đã làm điều mà Apple thường làm trong suốt lịch sử của họ: một công nghệ phần cứng mới được tạo nên và mở ra một số khả năng mới. Những người như tôi mà nhóm mà tôi làm việc cùng được gọi đến để tạo ra phần mềm cho phần cứng ấy, hỗ trợ cử chỉ đa chạm và xây dựng một hệ thống mà mọi người có thể dùng cho mục đích điện toán nói chung, và có thể mang theo trong túi.

Chúng tôi tiếp cận mục tiêu này theo cách rất Apple, bất cứ khi nào có ý tưởng về một phần mềm hoặc một tính năng mới, chúng tôi đã tạo ra bản demo và nếu phiên bản đầu tiên không được tốt chúng tôi sẽ tiến hành cải thiện nó. Chúng tôi tìm cách phát hiện ra các thành phần yếu để loại bỏ và tìm ra những thành phần mạnh để tập trung xây dựng xung quanh chúng và xây dựng những bản demo tiếp theo, cứ như thế... Và điều tuyệt vời nhất của văn hóa ấy chính là chúng tôi chỉ có một nhóm rất nhỏ, rất gắn bó với một sản phẩm như iPhone.

Điều này rất hữu ích bởi quá trình tôi làm việc với đồng nghiệp theo cách mà tôi vừa mô tả, tạo ra những bản demo và cố gắng tìm cách cải thiện chúng ngay ở những giai đoạn đầu tiên, cũng là một phần trong quá trình mà chúng tôi phải trình bày với các quản lý, giám đốc và Steve. Chúng tôi sẽ nhận được những phản hồi, chỉ đạo để tạo ra những phiên bản tiếp theo để tiếp tục cải thiện hơn nữa, giống như thuyết tiến hóa mà Darwin mô tả.

Chúng tôi đã phát triển các sản phẩm, mặc dù khởi đầu không được tốt, mà sau này trở thành những thứ tuyệt vời.

Jobs quản lý mọi việc chặt chẽ như thế nào, có quan tâm tới từng tiểu tiết hay chỉ quản lý vĩ mô?

Ông ấy không trực tiếp quản lý những người như tôi. Tôi là một người hợp tác với Apple với tư cách cá nhân, một lập trình viên được chỉ định để viết code, để làm việc với các nhà thiết kế nhằm đưa ra các bản demo, các nguyên mẫu và sản phẩm cuối cùng. Ông ấy không phải kiểu quản lý quan tâm từng tiểu tiết, ông ấy chỉ đưa ra các chỉ đạo chung. Ông ấy nói với tôi: "Chúng tôi cần một phần mềm bàn phím cho sản phẩm này bởi vì nó sẽ không có bàn phím vật lý như BlackBerry vì thế hãy bắt tay vào làm đi".

Và sau đó, tôi có trách nhiệm nghiên cứu để biến những gì ông ấy giao thành hiện thực. Ông ấy thường xuyên quan tâm tới tiến độ công việc, thường mỗi tuần kiểm tra một lần vì vậy ông ấy luôn cập nhật những gì mới nhất và trả lời những thắc mắc nếu có. Tôi thích cách ông ấy tự đặt mình là khách hàng đầu tiên. Nếu bạn làm một việc gì đó trong dự án này và bạn trình diễn kết quả cho ông ấy, ông ấy sẽ trả lời với tư cách một khách hàng tới cửa hàng Apple và như thể nó là sản phẩm thực sự. Ngay cả khi trong những giai đoạn đầu, ông ấy vẫn nói với bạn những gì ông ấy nghĩ. Và sau đó, chúng tôi phải có trách nhiệm tiếp tục nghiên cứu, giải quyết những phản hồi đó, cố gắng tìm ra cách giảm hoặc thậm chí loại bỏ những phần yếu kém và xây dựng dựa trên những phần tốt nhất.

Có bao giờ ông nghĩ mình sẽ không tạo ra được những gì Jobs yêu cầu?

Chắc chắn là có! Bạn chẳng bao giờ biết được. Bạn không thể thực sự biết mọi thứ sẽ trở nên như thế nào.

Chúng tôi đã cam kết hoàn thành công việc, nhưng khi bạn theo đuổi một quy trình sáng tạo, bạn sẽ không bao giờ thực sự biết câu trả lời là gì cho tới khi bạn có chúng. Vì thế, luôn có sự lo lắng, luôn có mối quan ngại rằng chúng tôi không thể làm được điều đó hoặc không thể đưa ra những ý tưởng thiết thực.

Tôi cũng đặc biệt lo lắng khi nhìn vào thất bại của tablet Newton. Apple đã tạo ra sản phẩm ấy và thất bại khi khả năng nhập văn bản của nó không đủ tốt. Tôi đã lo lắng về điều đó và sợ rằng không đưa ra những ý tưởng đủ tốt để khiến toàn bộ sản phẩm đáp ứng chất lượng của Apple.

Khác với kích thước màn hình điện thoại, cấu trúc cơ bản của bàn phím iPhone không thay đổi trong nhiều năm qua. Ông có nghĩ về những gì các đối thủ cạnh tranh đang làm những năm qua không, chẳng hạn như bàn phím vuốt, ban đầu ông có nghĩ về thứ gì đó giống như thế không?

Tôi nghĩ rằng con đường Apple đang đi là đúng đắn. Bàn phím vuốt cũng thú vị đấy nhưng cần phải làm quen. Với những người thích mày mò các thiết bị điện tử và tìm hiểu cách chúng hoạt động, bàn phím vuốt khá tuyệt.

Nhưng hầu hết mọi người chẳng mấy tập trung vào thiết bị mà họ mang theo hàng ngày. Họ chỉ muốn chúng hoạt động khi cần, thế thôi. Họ chỉ muốn nhắn tin cho bạn bè, lướt web, selfie và xem ảnh của mọi người. Họ không muốn sử dụng điện thoại như một hiện vật công nghệ.

Tôi không có định kiến gì với các công ty công nghệ, các lập trình viên và các nhà thiết kế khác khi họ đưa ra những ý tưởng mới cho bàn phím. Swipe là một ví dụ tuyệt vời nhưng tôi nghĩ với hầu hết mọi người, bàn phím QWERTY, khi bạn chạm vào chữ A sẽ nhận được chữ A quen thuộc mà không cần giải thích nhiều, vẫn là giải pháp tốt nhất.

Tôi gõ chỉ ở mức đủ nhanh, nhưng tôi luôn ngạc nhiên khi thấy mọi người có thể gõ bằng cách vuốt điện thoại của họ, đó là một kỳ tích mà tôi sẽ không bao giờ đạt được.

Điều thú vị là, tất nhiên, tôi là người phát minh ra tính năng tự sửa lỗi (auto correction), nhưng tôi lại là một người đánh máy khá tệ trên màn hình cảm ứng. Ngay từ ban đầu, ngay cả khi còn đang phát triển nguyên mẫu, khi bạn cần cả một máy tính Mac và một bảng mạch máy tính mở ra trên bàn để hoàn thành công việc, mọi người trong nhóm chỉ có thể gõ bằng hai ngón tay cái. Nhưng có một anh chàng đặc biệt gõ nhanh hơn tất cả và chúng tôi luôn nhờ anh ấy kiểm tra hiệu suất để xem phần mềm có đủ nhanh, có theo kịp tốc độ gõ của mọi người hay không?

Một trong những khía cạnh thú vị khác khi làm việc trong môi trường nhỏ ấy đó là một người như anh chàng kia có thể dại diện cho hàng triệu người trên thế giới. Chúng tôi có những nhóm phát triển rất nhỏ, chỉ với vài chục người. Vì thế, khi có một người đánh máy nhanh trên bàn phím iPhone, đồng nghĩa với việc có rất nhiều người trên thế giới có thể gõ nhanh như vậy.

Chào đón iPhone 2018 ra mắt, hãy nghe chuyên gia kỳ cựu kể về giai đoạn phát triển iPhone đời đầu, thời kỳ vàng son của Steve Jobs - Ảnh 2.

Hai nguyên mẫu iPhone đời đầu, chúng có tên Wallaby

Và rất nhiều người đánh máy chậm.

Đúng rồi, cũng rất nhiều người đánh máy chậm. Và như vậy, thách thức với bàn phím trên sản phẩm của Apple là cung cấp cho mọi người một công nghệ sẽ hoạt động với cả những người có thể viết cả cuốn tiểu thuyết trên đó hoặc với họ gõ chậm thì cũng chẳng sao cả.

Ngay từ ban đầu Apple đã hướng mọi người gõ văn bản trên iPhone bằng hai ngón tay cái?

Không hẳn vậy, đó là kiểu gõ phím BlackBerry, chúng tôi không giới hạn ý tưởng của mình về điều đó. Phải một năm sau tôi mới thực sự gõ bằng hai ngón tay cái. Nhưng ngay từ đầu đã có những người tiếp cận cách gõ đó một cách tự nhiên nhưng tôi là một người đánh máy rất chậm, tôi chỉ sử dụng một ngón tay trỏ, giữ thiết bị bằng tay trái và gõ bằng ngón tay trỏ của tay phải. Kể từ khi gõ bằng hai ngón tay cái khả năng đánh máy của tôi đã được cải thiện đáng kể.

Ông đã xây dựng tính năng autocorrect như thế nào? Có phải là một quá trình thử và sai liên tục, cố gắng gõ thật nhiều để xuất hiện lỗi và đưa ra những thay thế chuẩn?

Ý tưởng chính cho tính năng autocorrect là sửa bằng cách thay vào các phím gần phím bị sai.

Vì vậy, phím I và O ngay gần nhau trên bàn phím và đó là mẹo để tìm ra những gì người dùng muốn gõ. Toàn bộ ý tưởng là mang tới cho mọi người những gì họ muốn viết thay vì những gì họ gõ. Với bàn phím vật lý, bạn có thể cảm nhận được khi gõ sai. Nhưng với bàn phím trên smartphone, phần mềm phải đảm nhiệm việc phát hiện lỗi và đưa ra gợi ý chuẩn nhất.

Và tính năng này sẽ tốt dần lên theo thời gian. Càng có nhiều người dùng càng có nhiều phản hồi.

Đúng vậy. Ngay từ khi bắt đầu, có một thứ mà chúng tôi gọi là từ điển động sẽ hoạt động song song và hài hòa với từ điển tĩnh. Từ điển tĩnh là danh sách các từ tiếng Anh không thay đổi cho tới khi chúng tôi cập nhật phần mềm trên thiết bị và từ điển động là danh sách những từ mà người dùng nhập vào. Vì vậy, bàn phím sẽ tự học, ghi nhớ thói quen sử dụng từ ngữ của bạn. Từ điển động sẽ tìm hiểu, cập nhật và có những từ riêng dành cho bạn.

Đã có bao giờ các ông suy nghĩ rằng người dùng sẽ lúng túng khi gõ trên kính lần đầu hay không? Ông có bao giờ nghĩ về một giải pháp cho những ai muốn dùng bàn phím vật lý?

Có, chúng tôi cũng lo lắng về vấn đề ấy. Đôi khi chúng tôi gọi bàn phím là một dự án khoa học. Các phần mềm giống như những ống nghiệm. Điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta trộn hai ý tưởng này lại với nhau: liệu chúng sẽ tạo ra một hợp chất mới tuyệt vời hay sẽ nổ tung?

Vấn đề là, mặc dù, bàn phím phải có trong phần mềm để thiết bị có thể đạt được tiềm năng mà Steve đặt ra cho nó. Với bàn phím trong phần mềm, nó có thể biến mất khi bạn không cần gõ và nó cho phép toàn bộ màn hình thiết bị được dùng để hiển thị ứng dụng. Tôi nghĩ iPhone thành công ngay từ ngày đầu ra mắt nhưng nó còn thành công hơn nữa khi App Store được mở cửa. Bàn phím chỉ là một tính năng phần mềm, một mảnh ghép nhỏ mà thôi.

Ông có nghĩ quá trình thiết kế các phần không tách rời của phần mềm như vậy ở Apple đã thay đổi trong vài năm qua khi Tim Cook đảm nhận vị trí CEO từ Jobs?

Mọi thứ đã thay đổi bởi Steve là một nhân cách độc đáo. Ông ấy luôn tham gia vào việc đánh giá phần mềm. Những người khác đã đảm nhiệm vai trò đó và bây giờ Apple là công ty nghìn tỷ đô nên tôi nghĩ họ đang làm tốt việc cần làm.

Và luôn có luồng văn hóa đặc biệt xuyên suốt quá trình đánh giá công việc của Apple, luôn cố gắng đánh giá công nghệ mới bằng quan điểm của mọi người trên thế giới, cố gắng tạo ra những sản phẩm tốt nhất có thể. Văn hóa ấy đã hề không thay đổi dù Steve đã ra đi.

Ông có nghĩ những gì ông đã đạt được có thể xảy ra ở thời điểm hiện tại? Liệu Apple có thể tiếp tục tạo ra những sản phẩm mang tính cách mạng như những gì iPhone đã đạt được?

Một sản phẩm như iPhone, với tôi, không phải là thứ có thể tạo ra được một cách thường xuyên. Đó là thời điểm mà có thể thay đổi yếu tố hình thức, phần cứng máy tính, CPU, GPU và pin đủ mạnh, đã có màn hình cảm ứng đa điểm, mọi nền tảng phần cứng đều có dưới dạng thô. Và mạng di động cũng đã đủ mạnh để kết nối mọi lúc mọi nơi. Những gì chúng tôi đóng góp chỉ là kết hợp các phần cứng và mạng với phần mềm này và định nghĩa một thiết bị điện toán bỏ túi phải như thế nào. Cơ hội này không phải của Apple tạo ra nhưng Apple đã nhận thấy những thành phần này có thể kết hợp theo một cách mới để tạo ra iPhone.

Tiềm năng ấy tự thể hiện ra, cho sự thay đổi hình dáng ấy, và thường chỉ xảy ra trong lịch sử phát triển của các thiết bị điện toán.

Có phải tại Apple phát triển phần cứng có xu hướng dẫn dắt việc phát triển phần mềm?

Đúng vậy. Phát triển một sản phẩm mới luôn có một thứ gì đó phải đi trước. Tôi phát triển iPhone trong một năm rưỡi trước khi nó được ra mắt. Và một số người đã phát triển công nghệ màn hình cảm ứng trước đó nhưng hầu hết chúng tôi được thấy một thiết bị phần cứng nhưng chưa có phần mềm.

Vì vậy, trong nhiều khía cạnh phần cứng phải đi trước. Có lẽ trong những ngày này, trong một phòng nghiên cứu bí mật nào đó của Apple, một chuyên gia phần cứng đang nói với chuyên gia phần mềm rằng: "Có lẽ vài năm nữa chúng ta sẽ bán ra thứ này, anh có thể viết phần mềm cho nó không?".

Tôi nghĩ đó là một trong những cách tiếp cận, nơi bạn cố gắng kết hợp cả phần cứng và phần mềm để tạo ra những trải nghiệm mới mẻ này.

Công việc này diễn ra như thế nào tại Apple? Có phải kiểu một nhóm phần cứng trong phòng thí nghiệm nhận ra họ có thứ gì đó hay ho và mang nó tới cho quản lý. Sau đó, quản lý trình bày với giám đốc và giám đốc phê duyệt, cung cấp tài nguyên để phát triển nó?

Chuẩn rồi. Đó là cách hoạt động cơ bản của mọi dự án.

Tất nhiên Apple tách biệt rất rõ ràng giữa các mảng. Tôi phải xử lý một đống vấn đề phần mềm, tính năng và các ý tưởng. Nhưng trong trường hợp của một sản phẩm như iPhone, đôi được tiếp cận với một thiết bị cầm tay có tên "Wallaby". Nó là tên mã của một nguyên mẫu phần cứng màn hình cảm ứng và nó có màn hình có thể phản hồi lại những cú chạm. Tuy nhiên, bạn vẫn cần kết nối nó với bo mạch máy tính. Tôi có một bo mạch máy tính trên bàn làm việc trong khoảng một năm rưỡi, nó kết nối với một chiếc máy tính Mac màu xanh trắng cũ, cung cấp khả năng điện toán để điều khiển màn hình của "Wallaby".

Tất cả những thiết bị ấy kết hợp với nhau để "Wallaby" có thể thử nghiệm các trải nghiệm phần mềm, để tôi có thể viết code, chạy nó trên chiếc Mac này và hiển thị trên "Wallaby" như một màn hình ngoài.

Muốn mang một trong những nguyên mẫu này ra ngoài có dễ không?

Không ai trong chúng tôi muốn làm điều đó. Trong một thời gian dài, tôi đã phát triển phần mềm trên những thiết bị bảo mật tới nỗi nếu hé răng về chúng sự nghiệp của tôi tại Apple sẽ chấm dứt chứ chưa nói tới chuyện mang chúng ra khỏi phòng nghiên cứu. Trong những ngày ấy, khi cáp kết nối ở khắp mọi nơi, để mang được một nguyên mẫu ra ngoài bạn cần phải mặc áo khoác dài, kỳ cục, rất dễ bị phát hiện.

Khi phải làm việc với một nhóm như vậy, không thể kể với ai về thứ mình đang làm, cảm giác của ông thế nào, có khó chịu không?

Chúng tôi không được nói với bạn bè và gia đình, tuyệt nhiên không. Nhưng trong khu vực bí mật, dường như mọi người đều biết về nó và vì vậy chúng tôi có một môi trường làm việc tuyệt vời. Chúng tôi thực sự cảm thấy gắn kết trong nhóm nhỏ, chúng tôi cảm thấy như đang cùng tham gia một sứ mệnh. Trong đó là một môi trường rất cởi mở, nơi chúng tôi nói về tất cả những vấn đề chúng tôi đang chịu trách nhiệm vào thời điểm ấy.

Chúng tôi thậm chí còn nghĩ ra những cách nói lái thú vị về iPhone ở những nơi công cộng như quán cà phê. Tất nhiên, ngay cả tên mã của thiết bị cũng không được phép nhắc tới ở nơi công cộng.

Trong khu vực bí mật, tôi luôn cảm thấy nếu tôi có một ý tưởng và tôi muốn có những phản hồi, muốn nhận những góp ý cho nó thì luôn có một ai đó nghe tôi trình bày và đưa ra những điều ấy. Tôi có thể mang ý tưởng của mình tới phòng của ai đó để hỏi ý kiến của họ hoặc mời họ đến văn phòng của tôi.

Ông có đặc biệt thích làm việc cùng với ai không?

Điều này có vẻ hơi thiếu công bằng bởi vì trong nhóm của tôi có rất nhiều người tuyệt vời, ví dụ như Bas Ording, một trong những nhà thiết kế giao diện. Anh ấy là người tôi hợp tác chặt chẽ nhất khi phát triển ứng dụng bàn phím. Anh ấy là người thiết kế giao diện và cảm nhận cuối cùng cho nó và là người quyết định kích thước font chữ.

Bas và tôi cùng nhau quyết định nơi đặt dấu chấm câu. Không có không gian cho nó trong phiên bản đầu tiên nên chúng tôi quyết định tạo ra một phím hiển thị dấu chấm, dấu hỏi chấm, 1, 2, 3 mà khi nhấp vào nó người dùng sẽ có bàn phím số, dấu câu và một số ký tự đặc biệt. Chúng tôi đã làm việc cùng nhau trên khía cạnh nhìn và cảm nhận của bàn phím và thực sự rất vui khi được làm việc cùng với anh ấy.

Chào đón iPhone 2018 ra mắt, hãy nghe chuyên gia kỳ cựu kể về giai đoạn phát triển iPhone đời đầu, thời kỳ vàng son của Steve Jobs - Ảnh 3.

iPhone Xs và Xs Max mà Apple mới trình làng

Ông làm thế nào để quyết định các phím khác ngoài những phím QWERTY?

Có một số phân tích nhưng bạn biết đấy, phiên bản ban đầu chỉ dành cho thị trường Mỹ khá đơn giản. Ngay sau đó, tôi bắt đầu nghiên cứu các ngôn ngữ bổ sung - tiếng Pháp, tiếng Đức và tiếng Nhật sớm nằm trong danh sách các ngôn ngữ cần thêm vào - và đó là khoảng thời gian tôi đưa ra khái niệm "nhấn và giữ" trên một phím để hiển thị các ký tự bổ sung, giống như các ký tự có dấu trọng âm hoặc nhấn và giữ ký hiệu đô la để có ký hiệu đồng euro.

Qua một thập kỷ, nhìn vào iPhone hiện tại so với iPhone đời đầu mà ông phát triển, có điều gì ông hối tiếc không?

Một trong những điều khiến tôi ngạc nhiên là điện thoại đã trở thành thứ mà con người nhìn vào rất nhiều lần trong một ngày, thậm chí một số người còn nghĩ rằng đó là một vấn đề nghiêm trọng. "Tôi nghiện điện thoại của tôi", không phải là ý tưởng mà cá nhân tôi từng nghĩ tới. Tôi nghĩ rằng đó là một phần của sự tiến hóa về văn hóa mà chúng ta cần phải có để có thể tìm ra các tiêu chuẩn xã hội phù hợp, tốt đẹp hơn. Tôi nghĩ rằng ngay ở thời điểm hiện tại, sẽ không phù hợp nếu tôi lấy điện thoại ra giữa cuộc trò chuyện và nhìn vào nó.

Tôi nghĩ rằng những thông tin mà các ứng dụng như Screen Time trên iOS và tính năng tương tự trên Android mang lại có thể giúp mọi người giảm bớt thời gian dùng smartphone. Xét cho cùng, mục tiêu của tôi là làm cho thiết bị trở nên hữu ích hơn và có ý nghĩa hơn với mọi người. Mọi thứ đều có mặt trái của nó và thiết bị công nghệ cũng tương tự.

Ông vẫn dùng iPhone chứ?

Tất nhiên. Tôi vẫn dùng iPhone. Tôi đang dùng một chiếc iPhone X hàng ngày, tôi rất thích nó.

Cảm ơn ông!

Theo Chíp

Từ khóa:  iPhone , Steve Jobs
Cùng chuyên mục
XEM