Vụ phá Công ty Sứ Hải Dương: Bỏ việc vì điều hành trái khoáy

03/10/2012 09:00 AM | Kinh doanh

Thợ bậc cao đi… dọn vệ sinh.

Cả Tổng Giám đốc và Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sứ Hải Dương đã đưa ra nhiều quyết định điều hành sản xuất khiến công nhân, người lao động trong công ty bất bình. Nhiều lao động đã tự động bỏ việc...

Những thử nghiệm gây thiệt hại

Nhắc đến thử nghiệm lấy mảnh sứ vỡ thay bi nghiền nguyên liệu trước đây của Ban Giám đốc công ty, nhiều công nhân vẫn không nhịn được cười. Theo ông Vi - người từng làm cố vấn kỹ thuật cho Nhà máy Sứ Hải Dương, khi nghiền nguyên liệu, công nhân phải dùng bi nghiền mới làm ra nguyên liệu đảm bảo chất lượng. Nhưng không hiểu sao Ban Giám đốc công ty lại quyết định dùng mảnh sứ vỡ bỏ vào nguyên liệu để nghiền.

“Một công nhân mới vào nghề cũng biết rõ việc cho mảnh sứ vỡ vào nghiền nguyên liệu là thất bại”- ông Vi khẳng định. Nhiều công nhân vẫn nhớ như in việc Ban Giám đốc công ty chỉ đạo kéo sản phẩm nung ra ở nhiệt độ cao làm hỏng sản phẩm, hỏng tấm nung và hỏng cả lò.

Trao đổi với NTNN, Tổng Giám đốc Nguyễn Đỗ Hà thừa nhận đã chỉ đạo kéo sản phẩm ra khỏi lò ở nhiệt độ 8000C, nhưng thấy sản phẩm bị biến dạng nên quay về cách làm cũ. Theo các công nhân, sứ Hải Dương nhiệt độ nung thường đạt 1.200 độ C, sau đó kéo ra ở khoảng 300 độ C thì sản phẩm không bị biến hình hay rạn vỡ. Việc kéo sứ ra khỏi lò ở thời điểm hiện tại cũng đã lại quay về ở nhiệt độ 300 độ C.

Theo các công nhân, cách làm trên của lãnh đạo công ty là rất ẩu do không có chuyên môn. Với sự điều hành thiếu chuyên môn, công ty đã thiệt hại 3,6 tỷ đồng do những sản phẩm bị hư hỏng (theo biên bản họp HĐQT tháng 7.2011).

Ngoài ra, Ban Giám đốc Công ty cổ phần Sứ Hải Dương còn nghĩ ra chiêu bán hàng lạ, như chỉ đạo bán sứ theo... kg tại một số siêu thị ở Hà Nội với giá 30.000 đồng/kg. Giải thích về việc này, ông Hà cho rằng, đây là một cách bán hàng khuyến mại độc đáo, mà nhiều nơi trên thế giới đã áp dụng (?!). Nhận xét về điều này, bà Đoàn Thúy Ngà - thành viên HĐQT công ty cho biết: “Xưa nay người ta mua bán sứ theo men và theo sản phẩm vì nó là đồ mỹ nghệ, chứ bán theo kg thì giống như các hàng hóa khác”.

Công nhân bức xúc

Kể từ khi công ty được tái cơ cấu đến nay, đã có hơn 200 công nhân bỏ việc, khiến 9/36 khâu sản xuất của công ty không có người làm. Nguyên nhân khiến công nhân bỏ việc, theo nhiều công nhân do họ không thể chấp nhận cách điều hành trái khoáy của lãnh đạo.

Ông Lưu Tuấn Phong (51 tuổi)- từng là công nhân thợ bậc 6 của xưởng giấy hoa, tâm sự: “Tôi viết đơn xin nghỉ việc vì bức xúc về cách điều hành của lãnh đạo. Trước kia, nhà máy có dây chuyền sản xuất giấy hoa, nhưng từ năm 2009, khi Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Đỗ Hà về lãnh đạo đã chỉ đạo ngừng sản xuất vật tư giấy hoa và nhập giấy hoa ngoại. Giấy hoa nhập ngoại dán rất khó khiến sản phẩm liên tục bị cháy, hỏng nên phải loại rất nhiều”.

Một nguyên nhân khác làm hỏng sản phẩm là công thức pha màu giấy hoa “kỳ quặc” của Tổng Giám đốc”. Theo ông Phong, khi ông hỏi Tổng Giám đốc lấy công thức pha màu giấy hoa ở đâu, thì ông này cho biết là lấy trên mạng, dựa vào cách pha màu của các hãng sơn nổi tiếng thế giới. Với hơn 30 năm kinh nghiệm, ông thấy cách pha màu này rất phản khoa học, vì sơn là màu hữu cơ, còn màu của sứ phải là màu vô cơ. Khi màu hữu cơ đưa vào lò nung ở nhiệt độ cao thì sẽ bị cháy hỏng.

Thợ bậc cao đi… dọn vệ sinh

Chị Nguyễn Thị Bích Thủy (42 tuổi) - thợ bậc 5, bỏ việc vì bị lãnh đạo điều chuyển công tác vô lý. Đang làm việc tại tổ pha màu trang trí, chị Thủy bất ngờ bị Ban Giám đốc công ty phân công đi… quét rác và dọn rửa nhà vệ sinh công cộng. Gần 1 tháng sau, chị lại bị điều đến làm tại lò nung, dán bông thủy tinh. “Cả 2 việc này đều trái với ngành nghề tôi được đào tạo, khiến tôi thấy mình bị hành hạ quá đáng” - chị Thủy bức xúc. Do không chịu được sự phân công trái khoáy của lãnh đạo, ngày 30.6.2012, chị Thủy viết đơn xin nghỉ việc.

Chị Nguyễn Thị Hường phản ánh, chị đang làm việc tại bộ phận trang trí thì bị lãnh đạo công ty yêu cầu chuyển sang quét dọn, cọ rửa nhà vệ sinh. “Tôi làm được hơn 1 tháng thì chồng tôi biết nên không cho tôi làm nữa. Từ đó tôi phải nghỉ việc ở nhà máy để tìm công việc khác kiếm sống”- chị Hường cho biết.

Trong buổi làm việc với phóng viên NTNN, ông Nguyễn Đỗ Hà lý giải hiện tượng hàng trăm công nhân nghỉ việc là vì mức trợ cấp thất nghiệp quá cao. Bên cạnh đó, nhiều công nhân ở đây bị nhóm chống đối xúi giục nên đồng loạt nghỉ việc để gây khó khăn cho hoạt động sản xuất của công ty...!

Chị Quách Thị Thanh Uyên (SN 1976) bức xúc: “Là kế toán nhưng trong thời gian qua tôi bị điều động sang tiểu ban nhân sự của công ty. Rõ ràng tôi đang bị o ép”. Theo chị Uyên, trước kia, chị làm kế toán công nợ, theo dõi tài khoản 331 của nhà máy đã phát hiện nhiều khoản nợ kéo dài của bà Vũ Lê Hoa- Phó Tổng Giám đốc và nhiều nhân viên Văn phòng Hà Nội do bà Hoa phụ trách. 

Sau nhiều lần chị Uyên nhắc nhở những người trên hoàn ứng thì chị nhận được quyết định phải chuyển qua làm việc tại tiểu ban nhân sự. Giải thích về quyết định điều chuyển chị Uyên, ông Nguyễn Đỗ Hà cho rằng, do công ty bị giảm nhân sự đột ngột, nên phải điều động người từ nơi thiếu ít sang nơi thiếu nhiều. Chị Uyên chỉ là 1 trong 16 người bị điều động trong thời gian qua và việc này không có gì bất thường (?!).

Theo Nguyễn Gia Tưởng
Dân Việt

tanhoa

Cùng chuyên mục
XEM