VNPT: Đứt cáp quang biển nằm trong điều khoản miễn trừ trách nhiệm của nhà mạng

12/05/2015 15:49 PM | Kinh doanh

Ông Bùi Quốc Việt, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Quan hệ công chúng VNPT khẳng định, công tác sửa chữa tuyến cáp quang biển quốc tế AAG đã hoàn tất. Sự cố này bất khả kháng nên doanh nghiệp sẽ được miễn trừ trách nhiệm theo quy định đối với khách hàng.

Trao đổi với báo chí vào chiều nay, ngày 12/5/2015, ông Bùi Quốc Việt, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Quan hệ công chúng của VNPT cho biết, sau quá trình hàn nối và test thử từ sáng ngày 11/5, đến 2h20 sáng ngày 12/5/2015, hệ thống đã hoàn thành việc khắc phục sự cố cáp biển AAG. Đến thời điểm hiện tại, các kênh trên AAG đã hoạt động ổn định trở lại bình thường.

Cũng theo chia sẻ của ông Bùi Quốc Việt, những ngày vừa qua, VNPT đã tích cực phối hợp với Ban điều hành quản lý các nước có liên quan thực hiện quy trình triển khai các biện pháp khắc phục sự cố cáp quang trong thời gian sớm nhất, vượt tiến độ dự kiến.

Với kinh nghiệm ứng phó nhiều tình huống cáp quang biển, để đảm bảo chất lượng dịch vụ cho người sử dụng, ngay từ khi có sự cố, VNPT và các doanh nghiệp khác đã triển khai phương án xử lý  kịp thời bằng cách san tải, định tuyến lưu lượng sang tuyến mới qua hướng ưu tiên.

Cụ thể như, VNPT đã  mở khẩn cấp 20 Gbps từ Việt Nam đi Hong Kong trên tuyến cáp đất liền qua Trung Quốc, đồng thời làm việc với đối tác Google để ứng cứu thông tin cho các kênh Internet Peering và đáp ứng kế hoạch mở kênh Internet quốc tế. Tiếp đó, Tập đoàn đã tiếp tục làm việc với các đối tác quốc tế mở thêm 100 Gbps Backbone ứng cứu trên hệ thống ALU mới đầu tư để lưu thoát lưu lượng, đảm bảo chất lượng ổn định cho người sử dụng Internet.

“Trong thời gian khắc phục sửa chữa cáp AAG, VNPT đã nỗ lực tối đa để hạn chế ảnh hưởng đến người sử dụng. Bên cạnh đó, thời điểm xảy ra sự cố, VNPT cũng khuyến cáo khách hàng nên sử dụng Internet quốc tế cho các dịch vụ quan trọng, các dịch vụ khác nên chuyển sang các hướng trong nước để tối ưu hoá dung lượng truyền tải”, ông  Bùi Quốc Việt nói.

Đại diện VNPT nhấn mạnh, sự cố xảy ra ngày 23/4 vừa qua với cáp quang biển quốc tế AAG là sự cố bất khả kháng. Trên thế giới, việc xác định nguyên nhân chính xác của các sự cố đứt cáp quang nói riêng và sự cố cáp quang nói chung rất khó khăn, phức tạp. Bởi lẽ có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến sự cố.

Ví dụ như, do thiên tai (hoạt động địa chấn), do hoạt động hàng hải (mỏ neo của tàu biển), do tác nghiệp của ngư dân trên biển hoặc do sự cố kỹ thuật bất thường…Có thể nói, sự cố cáp quang ở vùng biển ngoài khơi Việt Nam là những tình huống không thể lường trước, ngoài tầm kiểm soát của các bên tham gia cung cấp dịch vụ.

Trả lời câu hỏi “Trong hợp đồng lắp đặt mạng Internet với khách hàng, có điều khoản nào nói về việc miễn trừ trách nhiệm của nhà mạng trong những trường hợp mất mạng Internet bất khả kháng hay không?”, ông Bùi Quốc Việt cho hay, hợp đồng cung cấp dịch vụ viễn thông của VNPT với khách hàng có Điều khoản chung của Hợp đồng quy định chi tiết quyền và trách nhiệm của các bên, tuân thủ theo đúng pháp luật của Việt Nam, các Điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia.

“Như vậy, với các trường hợp bất khả kháng, ngoài tầm kiểm soát của một trong hai bên tham gia hợp đồng, thì một trong hai bên sẽ được miễn trừ trách nhiệm theo quy định. Tuy nhiên, xin nói thêm vào thời điểm có sự cố cáp quang vừa qua, VNPT đã nỗ lực thực hiện các biện pháp để hạn chế tối đa tác động đến khách hàng”, ông Việt cho biết.

AAG là hệ thống cáp quang biển có chiều dài 20.000 km, dung lượng thiết kế đạt đến 2 Terabit/giây, kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ. Tuyến cáp quang biển này đi qua Malaysia, Singapore, Thái Lan, Việt Nam (điểm cập bờ tại Vũng Tàu), Brunei, Hong Kong, Philippines và Hoa Kì (Guam, Hawaii và California).

AAG là kết quả sự hợp tác của 19 công ty viễn thông, trong đó có 4 DN Việt Nam là VNPT, Viettel, FPT và SPT cùng tham gia xây dựng và bảo dưỡng. Tổng chi phí đầu tư xây dựng tuyến cáp AAG khoảng 560 triệu USD, trong đó VNPT với tư cách thành viên sáng lập, là doanh nghiệp Việt Nam góp vốn nhiều nhất, 40 triệu USD. AAG được chính thức đưa vào phục vụ từ ngày 10/11/2009. NEC và Alcatel-Lucent là hai công ty được giao phụ trách hoạt động khai thác tuyến cáp.

Hiện Việt Nam có 4 tuyến cáp quang biển quốc tế cập bến gồm: AAG (Asia-America Gateway) và TGN-IA (TGN-Intra Asia Cable System) cập bến tại trạm Vũng Tàu; SMW3 (SEA-ME-WE 3) và APG (Asia Pacific Gateway) cập bờ tại Đà Nẵng.

>> Đến lúc nói lời chia tay với tuyến cáp biển AAG?

Theo Vân Anh

Cùng chuyên mục
XEM