SPT: Lấy tiền đâu để góp vào S-Fone

23/07/2012 08:41 AM |

Công ty S-Telecom – pháp nhân sẽ quản lý mạng S-Fone – dự kiến có vốn điều lệ 3.675 tỷ đồng; trong đó SPT góp 80% vốn.

Suốt một thời gian dài, mạng di động S-Fone không có ”thân phận rõ ràng” khi chỉ là một ”trung tâm” được hình thành trên cơ sở hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa CTCP Dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài Gòn (SPT) với SK Telecom của Hàn Quốc.

Theo kế hoạch tái cơ cấu, sau khi chấm dứt hợp đồng hợp tác kinh doanh, SPT sẽ thành lập Công ty TNHH Thông tin và Viễn thông Di động S-Telecom để quản lý mạng di động S-Fone.

Vốn điều lệ dự kiến của S-Telecom là 3.675 tỷ đồng, trong đó, SPT góp 80% vốn điều lệ, tương ứng 2.940 tỷ đồng.

Đến cuối năm 2011, SPT mới chỉ góp vốn 175,7 tỷ đồng vào S-Telecom.

Ngoài ra, SPT cũng “hỗ trợ” cho S-Telecom hơn 630 tỷ đồng, chủ yếu là tạm ứng vốn lưu động, các khoản chi hộ và SPT đã trả thay…

Được Bộ Tài chính chấp thuận, SPT không phải hợp nhất kết quả kinh doanh của S-Telecom cũng như không phải trích lập dự phòng tổn thất cho khoản đầu tư này.

Để thực hiện góp vốn vào S-Telecom như phương án trên,chắc chắn S-Fone cần phải huy động thêm một lượng vốn rất lớn khi mà tổng tài sản của SPT đến cuối Q1/2012 mới chỉ có hơn 2.300 tỷ đồng.

Trong số này chỉ khoảng 1/3 phân bổ vào S-Telecom, còn lại 2/3 là các hoạt động khác của SPT như viễn thông cố định, chuyển phát nhanh, bất động sản…

Năm ngoái, Saigon Invest đã góp hơn 800 tỷ đồng vào SPT, tuy nhiên, phần lớn số tiền này đã được sử dụng (trả nợ, hỗ trợ vốn cho S-Fone…). Dư tiền mặt đến cuối Q1/2012 cũng chỉ còn 26 tỷ đồng.

Huy động vốn từ đâu?

Năm 2011, SPT đã có lãi ròng 13,6 tỷ đồng sau 3 năm lỗ liên tiếp. Việc thoát lỗ chủ yếu là từ lợi nhuận hoạt động tài chính: hơn 60,7 tỷ đồng lãi từ chuyển nhượng vốn góp tại Công ty Cao ốc SPT và hơn 52 tỷ đồng lãi tạm ứng vốn cho S-Telecom.

Như vậy, nếu không có lợi nhuận bất thường từ chuyển nhượng vốn thì năm vừa qua SPT vẫn tiếp tục lỗ.
 
Kết quả kinh doanh giai đoạn 2005-2011 cả SPT

Năm nay, SPT đặt kế hoạch 755 tỷ đồng doanh thu và 2,4 tỷ đồng LNTT. Kế hoạch này chưa bao gồm kết quả của S-Telecom.

Trong tình hình kinh doanh hiện tại thì việc SPT vay nợ thêm sẽ càng làm cho cho hoạt động kinh doanh của SPT thêm khó khăn khi mà dòng tiền tạo ra từ hoạt động kinh doanh rất thấp. Việc trả lãi vay sẽ lại làm công ty thua lỗ như các năm trước. Đến cuối Q1/2012, SPT đang vay nợ 340 tỷ đồng.

Việc phát hành cho cổ đông hiện hữu cũng không dễ dàng, đặc biệt là nếu cần huy động một lượng vốn lớn.

Ngoại trừ Saigon Invest mới đầu tư năm ngoái, hầu hết các cổ đông khác của SPT đều đầu tư vào SPT từ 4-5 năm trước với mức giá rất cao, khoảng từ 50-70.000 đồng/cổ phiếu. Chắc hẳn có nhiều cổ đông đang muốn thoái vốn mà chưa được chứ chưa nói đến chuyện đầu tư thêm.
 

Còn lại kênh phát hành riêng lẻ.

Năm ngoái, SPT đã phát hành riêng lẻ 40% cổ phần cho Saigon Invest. “Gánh nặng” chèo lái SPT gần như sẽ do Saigon Invest quyết định. Tuy nhiên, Saigon Invest chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực viễn thông.

Để góp 2.940 tỷ đồng vào S-Fone như dự kiến, chắc chắn SPT sẽ cần vốn từ những nhà đầu tư mới.

Mặc dù mạng S-Fone đang bị lép vế trước các mạng viễn thông lớn nhưng SPT vẫn có “giá trị” ở việc có gần như đầy đủ các giấy phép quan trọng của ngành Bưu chính - Viễn thông Việt Nam, đặc biệt là 02 giấy phép thiết lập hạ tầng mạng trục quốc gia và quốc tế, giấy phép dịch vụ di động và tần số kèm theo. Đây là điều kiện cần để một doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực viễn thông di động.

Saigon Invest trở thành cổ đông lớn nhất của SPT

Trong năm 2011, SPT đã phát hành riêng lẻ 49,2 triệu cổ phiếu cho 2 công ty thành viên thuộc Saigon Invest Group (SGI) của ông Đặng Thành Tâm là Saigontel và CTCP Đầu tư Sài Gòn. Lượng cổ phiếu này tương đương 41% vốn điều lệ mới của SPT.

Với giá phát hành là 17.000 đồng/cổ phiếu, tổng số tiền SPT nhận thêm được là 836 tỷ đồng.

Đại diện của SGI là ông Đặng Thành Tâm và ông Hoàng Sĩ Hóa đã tham gia vào HĐQT của SPT, ông Hoàng Sĩ Hóa còn giữ chức vụ Tổng Giám đốc.

Điều đáng nói là trong khi SPT không dư dả tiền mặt thì lại cho chính Saigontel vay lại 101 tỷ đồng với thời hạn 6 tháng, lãi suất 22,5%/năm (đến cuối Q1 số tiền cho vay còn 79 tỷ đồng).

KAL

duchai

Cùng chuyên mục
XEM