Sepp Blatter từ chức, FIFA có hết tham nhũng?

10/06/2015 14:13 PM | Kinh doanh

Sự từ chức của Sepp Blatter mới chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ cho một sự cải tổ thực sự cho tổ chức quản lý bóng đá toàn cầu vốn đã vấy bẩn.

Nội dung chính:

- Sepp Blatter từ chức Chủ tịch FIFA chỉ bốn ngày sau khi tái đắc cử vị trí chủ tịch nhiệm kỳ thứ 5, có thể nhằm tránh các cáo buộc tham nhũng của FBI.

- Một sự thay đổi về cấu trúc của FIFA là cần thiết để đưa tổ chức này ra khỏi tình trạng tham nhũng nhức nhối trong thời gian qua.


Trong ánh hào quang của cuộc tái đắc cử chủ tịch FIFA nhiệm kỳ thứ năm, Sepp Blatter tự đặt câu hỏi cho chính mình: "Tại sao tôi lại từ chức? Điều đó có nghĩa là tôi nhận mình làm sai."

Bốn ngày sau, ngày 2 tháng 6, vị chủ tịch 79 tuổi người Thụy Sĩ đứng đầu cơ quan quản lý môn thể thao vua trong vòng 17 năm qua đã tuyên bố từ chức, có hiệu lực kể từ khi người kế nhiệm được chọn vào tháng Ba năm 2016.

Có nhiều nguồn tin khác nhau về lý do ông Blatter quyết định chấm dứt 40 năm làm việc tại FIFA. Một lý giải thuyết phục nhất có lẽ là vì ông đã được cảnh báo rằng cuộc điều tra của FBI và các công tố viên Thụy Sĩ về tham nhũng ở FIFA vừa gõ cửa văn phòng ông tại Zurich, và các luật sư đã khuyến cáo ông sẽ có ưu thế hơn khi chống lại các cáo buộc có thể xảy ra nếu từ chức.

Nhưng trước đó, Blatter sẽ phải đau đầu với những báo cáo cho thấy các điều tra Mỹ đã tìm ra sự liên hệ giữa Jérôme Valcke, tổng thư ký FIFA dưới quyền ông với khoản thanh toán trị giá 10 triệu đô vào năm 2008 cho các đối tượng trong đó có Jack Warner – cựu lãnh đạo bị truy tố của CONCACAF, cơ quan quản lý bóng đá ở Bắc Mỹ, Trung Mỹ và Caribbean. Các khoản thanh toán được cho là hối lộ để Nam Phi đấu thầu tổ chức World Cup 2010 thành công. Valcke phủ nhận việc biết chi tiết về các khoản thanh toán này.

Chuck Blazer, cựu Tổng thư ký của CONCACAF dưới quyền Valcke, hiện đang thực hiện thỏa thuận nhận tội với FBI các công tố viên bắt đầu từ năm 2013, một số chi tiết trong đó đã được công bố vào ngày 3 tháng 6. Trong tuyên bố của mình, Blazer thừa nhận đã tạo điều kiện và nhận hối lộ liên quan đến việc đấu thầu của Ma-rốc cho World Cup 1998.

Những người khác có thể cũng sẽ làm theo Blazer. Bảy quan chức bóng đá cấp cao bị bắt giữ theo yêu cầu của Mỹ vào ngày 27 tháng 5 tại nhà tù Thụy Sĩ sẽ bị buộc phải tiết lộ các thông tin nhằm đổi lấy những mức án nhẹ hơn. Đối với Blatter, có thể ông không tham nhũng một mình, khoản thu nhập 10 triệu đô mỗi năm từ lương và các khoản bổng lộc đã giúp chống lại sự cám dỗ về tài chính. Nhưng các công tố viên rõ ràng đã tìm ra bằng chứng về sự đồng lõa của ông trong văn hóa tham nhũng và việc Blatter sẵn sàng khai thác điều này để phục vụ cho mục đích riêng.

Mặc dù nhiều người sẽ cảm thấy nhẹ nhõm trước sự sụp đổ của Blatter, nhưng sự ra đi này mới chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ cho một sự cải tổ sâu sắc mà FIFA thực sự cần. Blatter chắc chắn sẽ sử dụng thời gian còn lại để đảm bảo cho những người kế vị mình đã chọn đắc cử.

Không ai trong số các ứng cử viên đã từng xuất hiện tạo được sự tự tin. Hoàng tử Ali bin al-Hussain của Jordan, sự lựa chọn của các nhà phê bình trong cuộc bầu cử tuần trước, đã dành khoảng một phần ba số phiếu thuận, mạnh dạn thể hiện sự minh bạch và đầu tư nhiều hơn cho bóng đá ở những vùng có điều kiện thiếu thốn. Nhưng Ali bin al-Hussain thiếu uy tín và thậm chí cả những người ủng hộ cũng cho rằng ông thiếu các kỹ năng chính trị cần thiết để hoạt động trong một tổ chức hỗn loạn như FIFA.

Một lựa chọn khác là Michel Platini, chủ tịch của tổ chức quản lý bóng đá châu Âu giàu có và quyền lực UEFA. Từng là một tiền vệ tài năng, ông cũng biết làm thế nào để chơi trong sân chơi của FIFA. Là thành viên của Exco trong vòng 13 năm, ông là người kế vị tiềm năng của Blatter cho đến khi ông này sụp đổ. Sự ứng cử của Platini bị lu mờ bởi sự hỗ trợ khó hiểu của ông với thầu của Qatar cho World Cup 2022. Kế hoạch thay đổi thời gian tổ chức cuộc thi sang mùa đông để tránh cái nóng mùa hè sẽ ảnh hưởng tới các giải bóng đá châu Âu mà Platini làm đại diện.

Platini khẳng định lựa chọn của ông là "vì lợi ích của bóng đá", nhưng cũng không phủ nhận rằng trong tháng 11 năm 2010, mười ngày trước khi Qatar được chọn, ông đã tham dự một bữa ăn trưa tại cung điện Elysée với Thủ tướng Qatar, thái tử và Nicolas Sarkozy, Tổng thống Pháp vào thời điểm đó. Các giao dịch thương mại đã được ký kết giữa Qatar và Pháp vào năm sau; Công ty nhà nước Qatar Sports Investments đã mua Paris Saint-Germain, đội bóng được Sarkozy hỗ trợ; và ngay sau đó con trai của Platini trở thành ông chủ của Burdda, một công ty sản xuất đồ thể thao của Qatar.

http://cdn.static-economist.com/sites/default/files/imagecache/original-size/images/2015/06/articles/body/20150530_gdc439_290_0.png

Bảng cân đối tài chính của Blatter

Đối với nhiều nhà phê bình của FIFA, những người tin rằng việc tổ chức World Cup 2022 đã được mua bằng cách hối lộ các thành viên Exco, phép thử cho sự cải cách thực sự sẽ là mở lại đấu thầu. Điều đó sẽ không có trong bản cáo bạch của Platini trừ khi các công tố viên tìm được bằng chứng.

Thực tế là cho dù ai kế nhiệm Blatter, cấu trúc của FIFA vẫn sẽ nuôi dưỡng sự tham nhũng. Mỗi liên đoàn bóng đá quốc gia đều có thể bỏ một phiếu biểu quyết tại Đại hội quyết định của FIFA bất kể đất nước đó nhỏ bé hay nghèo đói đến đâu. Blatter giành được sự trung thành và lòng biết ơn của các liên đoàn trưởng ở châu Phi và châu Á bằng cách phân phát sự bảo trợ quyền tiếp thị và truyền hình của FIFA (trị giá 5,7 tỷ đô qua các kỳ World Cup trước đây). Với mục đích là phát triển hạ tầng bóng đá, rất ít câu hỏi được đặt ra khi một số tiền rời khỏi túi của những người hâm mộ.

Các thành viên của Exco, tổ chức bỏ phiếu kín để quyết định quốc gia nào sẽ đăng cai World Cup, được lựa chọn bởi các liên minh bóng đá châu lục. CONCACAF, mục tiêu chính cho các cuộc điều tra của FBI, có ba ghế tại Exco. Quyết định tổ chức đấu thầu cùng một lúc cho cả hai kỳ World Cup 2018 (Nga thắng cử) và 2022 không thể tuyệt vời cho hoạt động trao đổi hay mua bán phiếu bầu.

Tuần trước, Blatter đã giành 133 trong tổng số 209 phiếu bầu. Thật khó cho bất kỳ ứng cử viên nào đã từng làm ảnh hưởng đến nồi cơm của FIFA sẽ chiếm ưu thế dưới hệ thống bầu cử hiện nay. Không còn nghi ngờ gì nữa, một số cải cách đã được khuyến cáo bởi Ủy ban Quản trị độc lập của FIFA và Tổ chức Minh bạch Quốc tế sẽ trở lại trên trường nghị sự. Sẽ có những cuộc đàm phán về các phương thức chống tham nhũng mới, công khai hơn về tài chính và giới hạn nhiệm kỳ cho các vị trí điều hành. Tuy nhiên, nếu không có sự thay đổi về cơ cấu, những việc làm này có thể chỉ là một sự che đậy vụng về giống như việc “cho lợn bôi son” vậy.

http://cdn.static-economist.com/sites/default/files/imagecache/original-size/images/2015/06/articles/body/20150530_woc984.png

Ngọc Diệp

Cùng chuyên mục
XEM