S-Fone “bắc nước chờ gạo người”

23/07/2012 08:51 AM |

S-Fone đang "côi cút" sống cảnh "bắc nước chờ gạo người".

S-Fone, mạng CDMA "côi cút" cuối cùng của Việt Nam, vẫn phải trong cảnh “bắc nước chờ gạo người” với cuộc “thay máu công nghệ” lên 3G. Trong khi đó nhà đầu tư nào rót tiền cho S-Fone đến nay xem ra vẫn còn mơ hồ.

Giấc mơ phát sóng công nghệ mới

Trong cuộc trao đổi với báo giới tuần trước, ông Phạm Tiến Thịnh, Giám đốc điều hành của S-Telecom (đơn vị đang vận hành mạng S-Fone) cho biết, đây đang là giai đoạn S-Fone xây dựng kế hoạch kinh doanh mới dựa trên nền công nghệ mới, nên chỉ cần một số lượng nhân viên thiết lập hệ thống mới và cần phải tinh giảm bộ máy. Ông Thịnh dẫn chứng hồi đầu năm Bộ TT&TT đã đồng ý cho S-Fone chuyển từ công nghệ CDMA sang công nghệ HSPA+ (3G).

Ông Phạm Tiến Thịnh cho rằng để bắt đầu dự án này thì cần trên dưới 70 triệu USD, vì nhờ lợi thế của băng tần 850 MHz. Như vậy, S-Fone có thể đầu tư khoảng 1.000 trạm thu phát sóng, tương đương với quy mô phủ sóng của S-Fone thời vàng son của công nghệ CDMA. Nếu đầu tư tổng thể thì S-Fone cần khoảng 300-350 triệu USD là tương đối ổn. Khoản đầu tư  này sẽ rải ra nhiều giai đoạn trong 3 đến 5 năm. Vị lãnh đạo này còn cho hay, đến cuối năm 2012, chậm nhất là đầu năm 2013 sẽ phát sóng mạng 3G. 

Trước ý kiến khách hàng phản ánh mạng S-Fone liên tục "thu hẹp khoảng cách" phát sóng, ông Phạm Tiến Thịnh thừa nhận một số vùng bị mất sóng nên họ không sử dụng dịch vụ được. "Hiện S-Fone đã lưu lại dữ liệu của tất cả khách hàng đã và đang là khách hàng của S-Fone. Và khi mạng mới triển khai xong thì họ là những đối tượng khách hàng đầu tiên. S-Fone sẽ bằng mọi cách đảm bảo quyền lợi của họ khi chuyển sang mạng mới", ông Phạm Tiến Thịnh nói.

Trả lời truyền thông về vấn đề chuyển đổi mô hình của S-Fone, Tổng giám đốc SPT Hoàng Sỹ Hóa cho biết, khi chuyển sang pháp nhân mới thì S-Telecom là công ty độc lập với cả SPT.
Tiền đâu chuyển công nghệ?

Việc có được sự chấp thuận của Bộ TT&TT đồng ý cho S-Fone chuyển đổi công nghệ từ CDMA sang HSPA+ được xem là mang tính thủ tục. Quan điểm xuyên suốt của Bộ TT&TT là trung lập về công nghệ. Như vậy, việc chọn công nghệ nào sẽ do doanh nghiệp tự quyết định. Việc cho phép chuyển đổi công nghệ không có nghĩa là có tiền đầu tư cho S-Fone. Như vậy, một câu hỏi khó khăn nhất đối với SPT ở thời điểm này là tiền đâu đầu tư cho S-Fone "thay máu" công nghệ?

Giới phân tích cho rằng, S-Fone đang có hai thứ tài sản là băng tần 850 HMz và đầu số 10 số 095. Hai thứ này là tài nguyên quốc gia được Nhà nước cấp cho SPT. Thế nhưng, cả hai thứ này lại không làm các đại gia như VNPT và Viettel xúc động bởi họ cũng có đủ những thứ đó. Những doanh nghiệp khát khao vào thị trường di động bằng những thứ tài nguyên này đã cao chạy xa bay bởi không nhìn thấy cơ hội cho mình. Trong khi đó, các tập đoàn kinh tế lớn của nhà nước đang bị siết chặt việc đầu tư ngoài ngành sau bài học đau đớn của EVN Telecom và nhiều doanh nghiệp nhà nước khác.

Một hướng khác là những doanh nghiệp tư nhân giàu nhất Việt Nam có thể đổ tiền đổ của hy vọng trở thành ông chủ viễn thông cỡ bự nên có thể đầu tư vào mạng S-Fone. Thế nhưng ngặt nỗi kinh tế khó khăn nên nhiều người giàu nhất Việt Nam cũng không khỏi lao đao. Nói như Tiến sỹ Trần Du Lịch, Viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM, thử hỏi những người giầu nhất Việt Nam có mấy ai không đi lên từ đất, mà bất động sản giờ đây đang đóng băng. 

Tương tự như vậy, các ngân hàng sẽ khó có thể đầu tư cho S-Fone "thay máu" công nghệ bởi khoản đầu tư này quá lớn và rất mạo hiểm. Hiện các ngân hàng cũng ở trong tư thế "giữ mình" hơn là tính chuyện đầu tư mạo hiểm khi kinh tế khó khăn. Hơn nữa, chuyện "phù thịnh chứ không phù suy" là lẽ đương nhiên của các ngân hàng. Trường hợp có một ngân hàng nào đó chịu đầu tư cho S-Fone thì có lẽ quyết định đó không hẳn dựa vào yếu tố kinh tế. Như vậy, cơ hội cho nhà đầu tư trong nước đầu tư vào mạng S-Fone xem như đã vào ngõ cụt.

Chờ "ngoại binh"?

Thật ra câu chuyện mời gọi "ngoại binh" đầu tư vào mạng S-Fone cũng đã được SPT đưa ra từ hai năm nay. Thế nhưng, vấn đề đặt ra ở chỗ S-Fone và thị trường di động Việt Nam có đủ hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Vào thời điểm mấy năm trước, hàng chục tên tuổi lẫy lừng trên thế giới "cắm trực nằm chờ" ở Việt Nam để đợi MobiFone cổ phần. Nhưng S-Fone không có những sự hấp dẫn như MobiFone. 

Trước đó, đã có nguồn tin cho rằng đã có 2 đối tác nước ngoài có thể sẽ đầu tư vào mạng S-Fone. Một đối tác được nhắc đến nằm trong khối ASEAN và một đối tác khác đến từ Châu Âu. Tuy nhiên, đến thời điểm này thông tin trên vẫn chỉ là chuyện đồn đoán mà thôi. Sự kiện gần đây xảy ra trên thị trường viễn thông Việt Nam khi Vimpelcom bất ngờ "bỏ của chạy lấy người" khi bán rẻ cổ phần trong Beeline Việt Nam cũng là thông tin không tốt cho những tập đoàn nước ngoài muốn đầu tư cho S-Fone. Chuyện SK Telecom "dứt áo ra đi" cũng để lại cho S-Fone không ít điều tiếng.

Những nỗ lực cứu vãn S-Fone đang được SPT đưa ra. Nhưng đây sẽ là nhiệm vụ vô cùng khó khăn cho SPT. Có lẽ lịch sử viễn thông Việt Nam phải ghi nhận cho ai kéo được S-Fone ra khỏi khó khăn này. Điều đó sẽ thật xứng đáng bởi người ta đã làm được việc vượt qua những lời đồn đoán về số phận của S-Fone.

Theo Thái Khang  
ICT News

tanhoa

Cùng chuyên mục
XEM