PV Gas chiếm 70% thị phần nhưng... không độc quyền

22/09/2013 15:17 PM | Kinh doanh

Nội dung nổi bật:

Đơn vị cung cấp gas lớn nhất: Năm 2012, PV Gas cung cấp cho thị trường khoảng 610.000 tấn, đáp ứng được khoảng gần 50% nhu cầu cả nước. Nếu tính cả lượng khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) Dung Quất được phân phối qua các đơn vị thành viên của PV Gas (PV Gas Trading, PV Gas North, PV Gas South) thì PV Gas cung cấp được khoảng trên 70% nhu cầu cả nước.

Không độc quyền: Theo Bộ Công Thương, PV Gas chỉ giữ vị trí thống lĩnh chứ không phải doanh nghiệp độc quyền. Do PV Gas đứng ra là đơn vị nhập khẩu cho các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có lợi hơn cho doanh nghiệp khi kí kết hợp đồng với đối tác nước ngoài.


Vị trí thống lĩnh

Tại buổi tọa đàm trực tuyến hướng tới thị trường gas minh bạch, an toàn do Báo Công Thương tổ chức ngày 19-9, ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, trong năm 2012, PV Gas cung cấp cho thị trường khoảng 610.000 tấn trong đó từ nguồn nhà máy Dinh Cố (Vũng Tàu) khoảng 255.000 tấn, từ nguồn nhập khẩu khoảng 360.000 tấn, đáp ứng được khoảng gần 50% nhu cầu cả nước. 

Nếu tính cả lượng khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) Dung Quất được phân phối qua các đơn vị thành viên của PV Gas (PV Gas Trading, PV Gas North, PV Gas South) thì PV Gas cung cấp được khoảng trên 70% nhu cầu cả nước. Như vậy, cho đến nay PV Gas đang là đơn vị cung cấp gas lớn nhất.

Cũng theo ông An, cho đến nay kinh doanh LPG không thuộc lĩnh vực doanh nghiệp độc quyền hoặc Nhà nước độc quyền. Kinh doanh mặt hàng LPG được điều chỉnh bởi Nghị định 107/2009/NĐ-CP ngày 26-11-2009 của Chính phủ về kinh doanh LPG và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Hiện nay, số lượng doanh nghiệp đầu mối tham gia kinh doanh LPG đã thu hẹp lại chỉ còn 23 doanh nghiệp tham gia nhập khẩu và cung cấp gas sau khi Nghị định 107 ban hành. Trước năm 2003 có khoảng 30 doanh nghiệp đầu mối gồm 7 doanh nghiệp nhà nước, 16 doanh nghiệp quốc doanh và 7 doanh nghiệp FDI.

Đặc biệt, dẫn theo Luật Cạnh tranh 2004, ông An cho rằng, điều 12 Luật Cạnh tranh 2004 quy định, doanh nghiệp được coi là độc quyền nếu không có doanh nghiệp nào cạnh tranh về hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp đó kinh doanh trên thị trường liên quan. Khoản 1 Điều 11 Luật Cạnh tranh 2004 quy định, doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh nếu có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan hoặc có khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể.

“Chiếu quy định trên và số liệu về thị phần PV Gas thì doanh nghiệp này thuộc loại doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh. Trong trường hợp này, doanh nghiệp vẫn tồn tại và hoạt động bình thường, nhưng nếu có hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Quy định của pháp luật hiện hành đã có đủ công cụ để quản lý, khống chế, xử lý hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh, áp đặt giá bán”, ông An khẳng định.

Có lợi cho các doanh nghiệp khác?

Đứng từ góc độ người tiêu dùng, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam lại cho rằng, trường hợp doanh nghiệp có thị phần chiếm khoảng 30% trở lên thì người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng đến quyền lợi. Bởi vậy, mặc dù mặt hàng gas đã thực hiện cơ chế thị trường từ năm 2011 nhưng quyền lợi của người tiêu dùng có phần bị hạn chế.

Thế nhưng, đáp lại ý kiến của Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, ông Trần Trọng Hữu, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Gas Việt Nam khẳng định, PV Gas không tham gia vào vấn đề giá cho người tiêu dùng vì PV Gas chỉ là đơn vị cung cấp nguồn, có nhà máy sản xuất khí ở Vũng Tàu. PV Gas chỉ cung cấp cho các nhà phân phối, thương nhân cấp 1 (có thương hiệu bình gas trên thị trường), chứ không tham gia bán hàng trực tiếp trên thị trường.

Hiện tại, PV Gas đứng ra là đơn vị nhập khẩu cho các doanh nghiệp Việt Nam thì doanh nghiệp Việt Nam có lợi. Bởi việc ký kết hợp đồng với đối tác nước ngoài hết sức phức tạp, nhiều doanh nghiệp không đủ khả năng nhập khẩu.

Bên cạnh đó, khâu thanh toán bằng tín dụng thư (L/C) rất “nguy hiểm”, bởi L/C phải thanh toán trong vòng 30 ngày. Nếu tỷ giá trong nước điều chỉnh trượt giá thì doanh nghiệp sẽ lỗ hoàn toàn.

Theo ông Hữu, hiện lợi nhuận kinh doanh gas thấp, chỉ khoảng 0,5% doanh thu. Tuy nhiên, chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm 2013, PV Gas đã đạt doanh thu 31.855 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu kế hoạch 6 tháng đề ra trước đó 19%. Từ kết quả này, PV GAS đạt lợi nhuận trước thuế 9.083 tỷ đồng, vượt 94% kế hoạch 6 tháng đầu năm, tăng 51% so với cùng kỳ năm 2012. Sau khi trừ thuế, lợi nhuận 6 tháng của PV GAS đạt 7.379 tỷ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ năm 2012 và vượt 93% chỉ tiêu 6 tháng.


kyanh

Cùng chuyên mục
XEM