Mải nói tới TPP, chúng ta đang quên mất một hiệp định thương mại quan trọng không kém

04/12/2015 14:16 PM | Kinh doanh

Hiệp định thương mại tự do mới được kỳ vọng giúp GDP Việt Nam tăng thêm 10-15%, xuất khẩu sang thị trường EU tăng 30-40%.

Nếu việc Việt Nam gia nhập Hiệp định thương mại tự do Xuyên Thái Bình Dương (TPP) được kỳ vọng sẽ mang lại tầm ảnh hưởng lớn hơn so với WTO mang lại, thì có một hiệp định thương mại khác có tầm ảnh hưởng không kém nhưng lại ít được nhắc tới hơn.

Đó là hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA).

Trong khi TPP mới chính thức kết thúc đàm phán và đang chờ các nước thành viên xem xét thì EVFTA đã được ký kết tại Burssels, Bỉ. Đây được xem là bước đi mở ra thời kỳ mới sau 25 năm giao thương giữa Việt Nam với một trong những thị trường lớn nhất và khó tính nhất thế giới: 28 quốc gia ở châu Âu.

Tại sao EVFTA lại quan trọng? Có 2 lý do chính.

Thứ nhất đó là EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 và là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-EU đã tăng từ 17,75 tỷ đôla Mỹ vào năm 2010 lên 36,8 tỷ đôla Mỹ năm 2014.

Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2015, con số đã đạt 19,4 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu sang EU đạt 14,9 tỷ USD và nhập khẩu đạt 4,5 tỷ USD.

Thứ hai đó là những hỗ trợ của Hiệp định này không quá dàn trải nhưng tỏ ra thiết thực cho cả phía Việt Nam và EU, có thể đảm bảo cân bằng lợi ích cả đôi bên trong đó đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển.

Cụ thể ở đây là lợi thế về xuất khẩu. Cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ trong Hiệp định EVFTA sẽ giúp mở rộng hơn nữa thị trường xuất khẩu những sản phẩm mà hai bên có thế mạnh. Với Việt Nam là dệt may, giày dép, nông thủy sản, đồ gỗ. Ngược lại, phía EU là máy móc, thiết bị, ô tô, đồ uống có cồn, một số loại nông sản đặc trưng.

Như vậy, các mặt hàng được hỗ trợ là thế mạnh của cả 2 bên và không cạnh tranh trực tiếp với nhau. Đây cũng là điểm nổi trội của EVFTA.

Việt Nam và EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với hơn 99% số dòng thuế. Đối với rất ít số dòng thuế còn lại, hai bên sẽ dành cho nhau hạn ngạch thuế quan hoặc cắt giảm thuế quan một phần.

Bên cạnh những ưu đãi lớn nhất dành cho lĩnh vực xuất khẩu, EU cũng cam kết đầu tư thoáng và cởi mở hơn với Việt Nam. Tính đến hết 6 tháng đầu năm 2015, có 23 trong số 28 nước EU đã đầu tư vào Việt Nam với hơn 2.100 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 38,4 tỷ đôla Mỹ.

Bà Maylis Labayle, Giám đốc chính sách thương mại của Phòng thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocharm) từng đánh giá, EVFTA sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 10-15%, nâng xuất khẩu của Việt Nam sang EU thêm 30-40% khi được đưa vào thực thi.

Có thể thấy, những tiềm năng của EVFTA với Việt Nam lớn không kém gì TPP, nhưng lại được ký kết sớm hơn và có hiệu lực nhanh hơn. Một thị trường với 500 triệu dân có mức sống cao nhất thế giới đang chờ đón Việt Nam.

Tất nhiên, cuộc chơi trên thị trường khó tính nhất thế giới không hề dễ dàng.

Với EVFTA, Việt Nam và EU sẽ thực hiện những lộ trình giảm thuế khác nhau, với EU là 7 năm, của Việt Nam là 10 năm. Ngay khi hiệp định có hiệu lực, phía Việt Nam sẽ giảm 65% dòng thuế, còn EU là 71% dòng thuế.

Một số ngành chủ lực của Việt Nam, như dệt may, sẽ phải đáp ứng quy tắc kép về xuất xứ. Theo đó, để có thể hưởng thuế suất ưu đãi, vải và công đoạn may phải được thực hiện tại Việt Nam (có chấp nhận cộng dồn xuất xứ với Hàn Quốc).

Hiện tại, 60% nguyên phụ liệu dệt may của doanh nghiệp trong nước vẫn được nhập khẩu từ các nguồn ngoài EVFTA.

Tiềm năng luôn luôn song hành với rủi ro. Ông Jean Jacques Bouflet, Tham tán công sứ, Trưởng ban Kinh tế và Thương mại phái đoàn EU tại Việt Nam, mức giảm thuế ngay sau ký kết hiệp định là "con số khá tham vọng với Việt Nam", còn lộ trình kéo dài 10 năm sẽ cho Việt Nam thời gian thích nghi tốt hơn.

Trang Lam

Cùng chuyên mục
XEM