Tài xế taxi cũng cần biết về FTA

11/06/2015 10:44 AM |

Đến tài xế taxi, người giao nhận chuyển phát nhanh cũng phải biết đến hội nhập để củng cố việc làm cho mình vì khi thực hiện Cộng đồng Kinh tế ASEAN, các doanh nghiệp, người lao động ở các nước dễ dàng sang làm việc, kinh doanh ở nước ta.

Nhiều cơ quan nhà nước, doanh nghiệp vẫn còn “lơ mơ” khi nói đến hội nhập kinh tế - đó là nhận xét của nhiều đại biểu khi tham dự buổi tọa đàm góp ý vào Đề án tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế.

 

Tọa đàm góp ý vào Đề án tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế. Ảnh: VGP/Thành Chung

Bộ Công Thương là cơ quan xây dựng Đề án này, lần đầu tổ chức lấy ý kiến một số đối tượng chính vào sáng nay 10/6, dưới sự chủ trì của Tổng thư ký Ban chỉ đạo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú.

Ông Trịnh Minh Anh, Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành về hội nhập quốc tế về kinh tế, cho biết Việt Nam đã ký 10 Hiệp định tự do thương mại (FTA) với các quốc gia và khu vực trên thế giới. Từ nay tới cuối năm 2015, Việt Nam sẽ ký tiếp 2 FTA đặc biệt quan trọng khác là Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương TPP và FTA Việt Nam- EU cũng như thực hiện Cộng đồng Kinh tế ASEAN.

Như vậy, Việt Nam sẽ có quan hệ thương mại tự do với 55 quốc gia, cùng với gần 200 quốc gia có quan hệ thương mại, đầu tư trên thế giới.

Các FTA mà Việt Nam tham gia có ý nghĩa quan trọng trong phát triển sản xuất, xuất khẩu ở trong nước, nhất là những lĩnh vực nước ta có thế mạnh như nông nghiệp, chế biến nông sản, may mặc, giày dép... nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề về cạnh tranh, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, lao động tại các thị trường xuất khẩu của Việt Nam.

Quan trọng là thế, nhưng ông Trịnh Minh Anh cho biết: “Một bộ phận không nhỏ người dân, đặc biệt là doanh nghiệp, thậm chí là cán bộ làm công tác hội nhập... vì nhiều lý do khác nhau, chưa nắm rõ thông tin về hội nhập nên có tâm lý e ngại, chưa tích cực ủng hộ hội nhập, cũng như các chủ trương, chính sách của Chính phủ”.

Hay nói như đại diện của Bộ Tài chính, Sở Công Thương Hà Nội thì nhiều cơ quan nhà nước vẫn “lơ mơ” về các FTA mà Việt Nam đã và sắp ký kết. “Trung ương đánh giá các Bộ, ngành không liên kết chặt chẽ thì ở địa phương các Sở, ngành cũng vậy, cứ coi như đây là việc của riêng ngành Công Thương”, vị đại diện Sở Công Thương Hà Nội nói.

Việc các cơ quan hữu quan không quan tâm tới vấn đề hệ trọng này còn được thể hiện tại buổi tọa đàm sáng nay, khi sau giờ giải lao, có khoảng 10 đại diện cho các địa phương, Bộ, ngành ở Trung ương “không trở lại chỗ ngồi”, mặc dù chưa phát biểu câu nào.

Những đại biểu còn ở lại, cũng may là những người liên quan trực tiếp tới hội nhập kinh tế là các Tập đoàn, Tổng Công ty, các Hiệp hội ngành nghề, các trường đại học, viện nghiên cứu.

Chỉ rõ nguyên nhân của sự “lơ mơ” này, các địa biểu cho rằng thời gian qua cơ quan nhà nước truyền thông về hội nhập rất chung chung, không có thông tin riêng về hội nhập cho từng lĩnh vực, thậm chí có thông tin còn không chuẩn xác. Ở phía doanh nghiệp, chỉ những tập đoàn lớn là có kế hoạch nghiên cứu các FTA, còn lại các doanh nghiệp nhỏ và vừa thì nguồn lực vốn, kỹ thuật có hạn, không biết tiếp cận thông tin liên quan đến mình ở đâu, không nắm được các nguyên tắc thương mại tự do nên càng khó.

Ai là người cần hiểu về hội nhập kinh tế?

Đi tìm đối tượng để tuyên truyền về hội nhập quốc tế về kinh tế, nhiều ý kiến cho rằng không phải chỉ dành cho doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước mà là cho toàn xã hội, mọi người dân.

Theo ông Nguyễn Thành Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Quan hệ Quốc tế (Văn phòng Chính phủ): “Đến tài xế taxi, người giao nhận chuyển phát nhanh cũng phải biết đến hội nhập để củng cố việc làm cho mình vì khi thực hiện Cộng đồng Kinh tế ASEAN, các doanh nghiệp, người lao động ở các nước dễ dàng sang làm việc, kinh doanh ở nước ta”.

Đồng tình với quan điểm trên, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) đề nghị cần rà soát lại đối tượng, mục tiêu và phương thức để tuyên truyền về hội nhập.

Theo ông Sơn, có thể chia ra 3 đối tượng tương ứng với 3 cấp độ tuyên truyền hội nhập. Theo đó, ở cấp độ 1 cần có các “gói thông tin” cho toàn dân biết về hội nhập để thống nhất hành động. Cấp độ 2 thì đối tượng tuyên truyền hẹp hơn là các cơ quan quản lý, nhà hoạch định chính sách từ trung ương tới địa phương thông qua các hội thảo. Ở cấp độ 3 - được coi là trực diện nhất, ông Nguyễn Hồng Sơn cho rằng các trường đại học, viện nghiên cứu cần phải tư vấn về các chương trình hành động cụ thể cho các doanh nghiệp, nhà sản xuất để thâm nhập từng thị trường cụ thể.

Theo Thành Chung

Cùng chuyên mục
XEM