Giàu nghèo trong cơn bão lạm phát

08/07/2011 08:20 AM |

Truyền thông quốc tế cho hay số triệu phú USD của VN tăng mạnh, góp phần đưa số người giàu châu Á băng băng bám đuổi nước Mỹ. Còn trong nước, số hộ nghèo tăng 50%.

Chênh lệch giàu nghèo tại Việt Nam đã lên tới 9,2 lần, khoảng cách này đã giãn ra so với mức 8,9 lần giữa nhóm giàu nhất và nghèo nhất được khảo sát hồi năm 2008.

Phân hóa giàu nghèo tại Việt Nam đang ngày càng rõ nét. Đó là thông điệp của tờ Wall Street Journal và kết quả khảo sát mới nhất của Tổng cục Thống kê về các chỉ số kinh tế xã hội trong 6 tháng đầu năm vừa công bố tuần qua. Khoảng cách này giãn ra một phần quan trọng là do thu nhập của người nghèo đang bị lạm phát và bão giá “ăn mòn” dần.

Những câu chuyện giàu nghèo

Năm 2008, gia đình anh Hoàng Văn Thế gồm 4 người từ tỉnh Bình Thuận vào TP.HCM sinh sống sau khi vốn liếng ít ỏi bị “trôi” theo ruộng muối. Với 2 bàn tay trắng cùng 2 đứa con mới lên 5 và 3 tuổi, vợ chồng anh đã lao vào cuộc mưu sinh ở đô thị lớn nhất nước với nhiều nghề khác nhau như phụ hồ, bán vé số, giúp việc nhà, khuân vác… Thế nhưng, tổng thu nhập của cả 2 người không tháng nào vượt quá 5 triệu đồng. Trước khi cơn bão giá xảy ra, sau khi trừ mọi chi phí như thuê phòng để ở, tiền học mẫu giáo, điện nước, thực phẩm… vợ chồng anh Thế còn ky cóp được khoảng 500.000 đồng/tháng để gửi về quê cho mẹ già. Nhưng từ đầu năm đến nay, gia đình lao động nghèo gồm 4 miệng ăn này chẳng những làm không đủ ăn mà còn phải vay thêm khoảng 1 triệu đồng/tháng với lãi suất 15% để tiếp tục sinh tồn ở TP.HCM. “Không biết chúng tôi có cầm cự nổi không hay phải khăn gói hồi hương trong thời gian tới”, anh Thế than thở.

Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Tuyến, Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Trái Đất Xanh ở quận Gò Vấp cho biết, mặc dù làm chủ một doanh nghiệp về dịch vụ môi trường đã gần 7 năm nhưng cơn bão giá lần này cũng đang làm anh mệt mỏi. Lạm phát tăng cao khiến tổng chi phí mỗi tháng của Công ty đội lên trên 150 triệu đồng, nghĩa là mỗi ngày phải kiếm được ít nhất 5 triệu đồng để chi trả tiền mặt bằng, điện nước, lương hơn 20 nhân viên và các khoản khác. Trước tình cảnh đó, anh Tuyến đã phải cắt giảm tối đa mọi chi phí bằng cách di dời toàn bộ văn phòng từ quận Gò Vấp về xưởng sản xuất ở quận 12 trong tháng 4 vừa qua. “Lạm phát và biến động tỉ giá VND/USD đã làm tăng thêm 400 triệu đồng chi phí từ các hợp đồng xử lý nước thải với khách hàng. Chính sách của tôi trong 6 tháng cuối năm là tiếp tục cắt giảm chi phí và chỉ tập trung vào mảng kinh doanh chính của mình là dịch vụ môi trường”, anh Tuyến nói.

Tuy nhiên, câu chuyện của nhân vật thứ 3 lại là một bức tranh tích cực. Là Tổng Giám đốc của một công ty dầu nhờn nước ngoài tại TP.HCM, anh H. (đề nghị không nêu rõ tên) có mức lương khoảng 8.000-10.000 USD/tháng. Anh là trường hợp may mắn tìm ra được lối đi riêng để làm kinh doanh thời bão giá và anh đã thành công với lợi nhuận kiếm được xấp xỉ 2 triệu USD trong chỉ 6 tháng đầu năm nay. Vợ anh H. cũng là Giám đốc một công ty tư vấn du học với mức doanh thu sau thuế khoảng vài tỉ đồng/tháng nên cuộc sống của gia đình anh có thể nói là “miễn nhiễm” với bão giá và lạm phát. “Tôi vừa sắm Mercedes giá hơn 1,2 tỉ đồng”, anh H. cho biết.

3 trường hợp nói trên với 3 mức sống khác nhau gồm nghèo, trung lưu và giàu có là điển hình về cuộc sống phân hóa theo chênh lệch giàu nghèo đang ngày càng lớn dần trong xã hội Việt Nam ngày nay.

Chênh lệch 9,2 lần

Ngày 25.6 vừa qua, tờ Wall Street Journal đã công bố kết quả khảo sát do Công ty Quản lý tài sản Merrill Lynch Global Wealth Management và Hãng Tư vấn Capgemini của Mỹ thực hiện về số lượng các triệu phú USD tại châu Á trong nửa đầu năm 2011. Theo đó, số lượng những người có tài sản từ 1 triệu USD tại châu Á đang tăng mạnh, đặc biệt Hồng Kông và Việt Nam cùng có mức tăng tới 33% so với cùng kỳ 2010 và là mức cao nhất của châu lục này.

Báo cáo cũng nêu rõ trong năm nay, châu Á đã vượt châu Âu về số triệu phú USD với 3,3 triệu so với 3,1 triệu và chỉ xếp sau Bắc Mỹ với 3,4 triệu phú. Tuy nhiên, châu Á đang thu hẹp nhanh chóng khoảng cách về số triệu phú với Mỹ, khi mà số triệu phú của khu vực này tăng tới 9,7% trong năm 2010, vượt xa mức tăng 8,6% của Bắc Mỹ và 6,3% của châu Âu. Trong số 10 nền kinh tế dẫn đầu về tốc độ tăng của số triệu phú, có 6 nền kinh tế ở châu Á. Báo cáo này định nghĩa triệu phú là những người sở hữu tài sản từ 1 triệu USD trở lên, không bao gồm các khoản phải thu, các hàng hóa tiêu dùng đã mua sắm và bất động sản mà triệu phú đó đang ở.

Trái ngược với thông tin về các triệu phú USD của Việt Nam là báo cáo mới nhất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về “Chia sẻ thông tin trong lĩnh vực an sinh xã hội” được công bố hôm 26.5 vừa qua. Theo đó, số hộ nghèo trên cả nước đã tăng lên 1 triệu hộ, tức tăng 50% sau khi mức chuẩn nghèo được điều chỉnh từ mức thu nhập 200 ngàn đồng/người/tháng lên 400 ngàn đồng/người/tháng với khu vực nông thôn và 260 ngàn đồng/người/tháng lên 500 ngàn đồng/người/tháng cho khu vực thành thị. Ông Ngô Trường Thi, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội cho biết, kết quả cuối cùng về tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo cho thấy theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 thì số hộ nghèo trong cả nước hiện nay là 3.055.566 hộ và số cận nghèo là 1.612.181 hộ.

Tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2010 hôm 29.6, ông Đỗ Thức, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết tính chung 6 tháng đầu năm nay chỉ số CPI đã tăng tới 13,29% so với tháng 12.2010 và cơn bão lạm phát đang “ăn mòn” thu nhập của người dân, nhất là những người nghèo. Theo Tổng cục Thống kê, mức độ phân hóa giàu nghèo ngày càng gia tăng khi năm 2010 thu nhập bình quân đầu người mỗi tháng của nhóm hộ giàu nhất gấp 9,2 lần thu nhập của nhóm hộ nghèo nhất. Về chi tiêu, nhóm hộ giàu nhất có mức chi tiêu hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng ngoài ăn uống lớn gấp 7,5 lần so với nhóm hộ nghèo nhất. Trong đó, chi về nhà ở, điện nước, vệ sinh gấp 11,7 lần; chi thiết bị vệ sinh và đồ dùng gia đình gấp 5,8 lần, đặc biệt chi cho văn hóa thể thao giải trí gấp 131 lần.

Về dự kiến mức CPI của 6 tháng cuối năm, ông Nguyễn Đức Thắng, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá cho biết mùa mưa bão gần kề sẽ khiến lương thực, thực phẩm tăng giá, tác động cộng hưởng cùng với việc tăng giá xăng, than, điện trước đó gây áp lực lớn lên lạm phát. Từ nay đến cuối năm, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải tiếp tục đẩy lượng tiền mặt ra nền kinh tế nhằm đảm bảo mức tăng tổng phương tiện thanh toán cả năm 16% và tín dụng dưới 20% nên có thể tiếp tục gây ra lạm phát về tiền tệ. Từ những yếu tố trên, Tổng cục Thống kê cho biết nếu vẫn siết chặt tiền tệ và quyết liệt cắt giảm đầu tư công thì mức CPI trong 6 tháng còn lại của 2011 sẽ tăng từ 2,5-3,9%, đẩy CPI cả năm lên mức 17-18%, nghĩa là khó có thể được khống chế ở mức 15% như Chính phủ đề ra.

Như vậy, khoảng cách giàu nghèo của Việt Nam đang ngày càng rộng ra và đây cũng là một trong những bài toán cần được giải trong lâu dài đối với những nhà hoạch định chính sách.

Theo Vĩnh Bảo

NCĐT

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM