Đua giành du học sinh: Mối lợi vài chục tỷ đô của trường Tây

09/07/2012 16:41 PM |

Các trường đại học từ Mỹ, Ý, cho tới Ba Lan...tất cả đang nỗ lực không mệt mỏi trong cuộc chạy đua "tranh giành" khách hàng - là những du học sinh quốc tế.

Cuộc khủng hoảng nợ không chỉ khiến cho nền kinh tế thế giới phải lao đao mà còn khiến cho ngành giáo dục gặp không ít thách thức. Các trường đại học châu Âu bị cắt giảm những khoản tài trợ từ chính phủ. Điều này buộc họ phải tự tìm cho mình những giải pháp nhằm khắc phục những khó khăn phía trước.

Các trường đại học từ Mỹ, Ý, cho tới Ba Lan... tất cả đang nỗ lực không mệt mỏi trong cuộc chạy đua "tranh giành" khách hàng - là những du học sinh quốc tế.

Du học sinh: Khách hàng tỷ USD

Một trong những lựa chọn của các trường là thu hút học sinh, sinh viên nước ngoài tới du học bởi không thế phủ nhận những lợi ích mà họ mang lại, nhất là trong bối cảnh kinh tế suy thoái hiện nay. Tại Mỹ, Anh, Úc và những quốc gia có nền giáo dục tiên tiến, mỗi năm số tiền thu được từ du học sinh quốc tế lên tới vài chục tỷ USD - một con số có ý nghĩa không hề nhỏ đối với bất kỳ nền kinh tế nào.

Nguồn lợi từ lĩnh vực "kinh doanh giáo dục" này khiến các trường học ở cả Mỹ và châu Âu lao trong cuộc chạy đua không mệt mỏi nhằm thu hút du học sinh quốc tế. Và cũng từ đó, nhiều chính sách hấp dẫn được đưa ra trong suốt quãng thời gian nền kinh tế thế giới rơi vào tình trạng.

Học phí và học bổng

Học phí là một trong những tiêu chí quan trọng trong việc quyết định điểm đến của du học sinh quốc tế, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay. Đối với những bậc cha mẹ dự định cho con cái đi du học, họ phải tính toán và cân nhắc nhiều đến yếu tố tài chính để đảm bảo phù hợp với túi tiền của gia đình, đồng thời mang tới cho con cái những cơ hội giáo dục tốt nhất có thể.

Do đó, để có thể hút sinh viên, các trường học phương Tây đã đề ra những mức học phí rất cạnh tranh. Một loạt các trường đại học tại Mỹ và châu Âu quyết định cắt giảm học phí như là một giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.

Trước thực trạng số lượng hồ sơ đăng ký theo học giảm rõ rệt,vào đầu năm nay, nhiều trường đại học trong đó có Charleston, Nam Tennessee, hay Dayton thuộc Ohio đều quyết định giảm từ 10 đến hơn 20% học phí. Giải pháp giảm học phí được tính đến khi các trường cân nhắc việc cắt giảm một số khoản chi tiêu nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục.

Ba Lan là ví dụ điển hành cho những nỗ lực thu hút du học sinh. Với mức học phí trung bình là 4.000 Euro/ năm, chi phí sinh hoạt được giảm thiểu ở mức tốt nhất có thể, chỉ khoảng 200 Euro một tháng. Ba Lan thực sự là một điểm đến hấp dẫn cho những học sinh, sinh viên quốc có dự định đi du học trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay.

Bên cạnh giải pháp giảm học phí cho du học sinh quốc tế, các trường đại học tại đây còn gia tăng các suất học bổng để thu hút học sinh, sinh viên trên toàn thế giới.

Danh tiếng

Mạnh tay đầu tư vào cơ sở hạ tầng, vào chất lượng đào tạo là những nhiệm vụ vô cùng quan trọng mà các trường đại học hàng đầu của Mỹ theo đuổi thực hiện. Không ngừng tạo dựng uy tín sẽ là giải pháp tốt nhất để hấp dẫn "khách hàng".

Southern California, Illinois Urbana-Champaign, New York University, Purdue của Mỹ là một số cái tên có số lượng du học sinh quốc tế theo học tương đối cao, lên tới vài ngàn người mỗi năm. Và yếu tố giúp họ có được sức hút lớn như vậy là phương châm cải tiến chất lượng, và nỗ lực không ngừng trong việc xây dựng và phát triển "thương hiệu" của mình.


Cung cấp cho các du học sinh quốc tế một môi trường giáo dục với chất lượng đáng mơ ước là điều mà các trường đại học của Mỹ và châu Âu đang hướng tới trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt trong "thị trường" giáo dục hiện nay.

Một môi trường học tập tích cực khuyến khích với sự tham gia chủ động, sức sáng tạo và tư duy phê phán từ người học chính là nét khác biệt của nền giáo dục phương Tây so với thế giới. Giờ đây, phương Tây tích cực đổi mới và hoàn thiện hơn nữa để trở thành điểm lựa chọn lý tưởng cho những du học sinh quốc tế bởi họ xác định "danh tiếng" chính là công cụ quan trọng nhất để họ giành lợi thế cạnh tranh.

Cơ hội việc làm

Suy cho cùng thì cái đích cuối cùng của việc học là tạo dựng một sự nghiệp vững vàng, với một công việc tốt nhất và mức thu nhập mong muốn. Đối với nhiều người, tìm kiếm cơ hội học tập tại một đất nước phát triển là đi cùng với mong muốn có thể sở hữu những cơ hội việc làm tại đất nước đó.

Nắm bắt được tâm lý này, rất nhiều trường đại học đã triển khai những chương trình hợp tác với các doanh nghiệp hay các tổ chức tuyển dụng nhằm mang lại cho du học sinh những cơ hội việc làm tốt nhất và phù hợp nhất.
Xu hướng hợp tác giữa khối giáo dục và khối doanh nghiệp trở nên ngày càng khăng khít trong bối cảnh hiện nay và được cho là một giải pháp nhằm tạo dựng và củng cố niềm tin cho "khách hàng".

Trường đại học Purdue (Mỹ) và nhiều trường khác đã thực hiện những chuyến thăm châu Á, Nam Mỹ, Trung Mỹ, Trung Đông nhằm tìm kiếm "thị trường". Họ thường xuyên tham gia cũng như tổ chức các hội chợ việc làm, hội chợ du học và tới thăm các trường trung học tại nhiều nước trên thế giới nhằm quảng bá chương trình đào tạo kèm theo đó là những cơ hội việc làm hấp dẫn mà các du học sinh, sinh viên hoàn toàn có thể nắm bắt.

Giáo dục tại các quốc gia phát triển từ lâu đã trở thành một ngành kinh doanh thực sự và hái ra tiền. Và một trong những "chiêu" hút học sinh, sinh viên quốc tế được các trường học phương Tây áp dụng một cách phổ biến là thực hiện những chương trình quảng cáo rầm rộ. Họ tích cực xây dựng những chiến lược quảng bá bài bản dưới nhiều hình thức nhằm thu hút sự chú ý của "khách hàng" và tạo ra những cơ hội tiếp cận các đối tượng "khách hàng" tiềm năng một cách tốt nhất.

Theo Hung Ninh
Vef

tanhoa

Cùng chuyên mục
XEM