Công chức thủ đô xoay đủ nghề kiếm sống

02/07/2012 09:05 AM |

Dạy thêm, bán cháo, mở quán chè, bán hàng trên mạng… là vài trong nhiều công việc mà công chức thủ đô đang chật vật để gia tăng thu nhập.

Số người khác phải cậy nhờ vào bố mẹ, anh chị em,… để đảm bảo cuộc sống.

Từ lao động chân tay…

Công tác đã hơn 30 năm tại Bộ Tài nguyên – Môi trường, cô Hương (Chùa Láng, Hà Nội) gia tăng thu nhập bằng việc bán cháo trai. Chồng cô đã nghỉ hưu từ mấy năm nay. “Với mức lương 5 triệu đồng/tháng (cộng cả lương chồng), lại sắp sửa về hưu, gia đình chi tiêu sao cho lại, vài đám cưới đã hết veo. Thấy đời sống tương đối khó khăn, một người bạn rủ cô ra đây bán cùng cho vui, lại có đồng ra đồng vào”, cô chia sẻ.

Hàng ngày, sau khi kết thúc công việc ở cơ quan, cô Hương lại tất bật đến nhà người bạn mình có mặt tiền đường Chùa Láng (nhà cô ở trong ngõ) để bán hàng. Người bạn của cô, cô Lan đã nghỉ hưu từ 4 năm nay vì lý do sức khỏe. Cô Lan đảm trách công việc đi chợ, nấu nướng, còn cô chỉ việc ngồi bán hàng. 

Với công việc này, mỗi ngày bán hàng đến 10 giờ tối có thể đem về cho hai cô một khoản lời không quá 100 nghìn đồng/người. “Bạn cô tính cẩn thận lắm. Mọi gia vị từ hạt tiêu, tỏi, ớt cô ấy đều mua trong siêu thị để đảm bảo. Nguyên hộp nhựa cho khách mua cháo mang về cũng mất 2.500 đồng/hộp rồi, cháu bảo lời lãi là bao. Mình là người nhà nước, xoay xở thêm lấy ít thu nhập thôi, không thể làm ăn bát nháo được”, cô tâm sự.

Cô Hương cho biết, khoản tiền kiếm thêm này cũng chỉ giúp gia đình chi tiêu bớt eo hẹp. Cô không giấu giếm rằng, gia đình không mấy khi thay đổi không khí bằng việc đi hàng, thậm chí chưa bao giờ ăn sáng bên ngoài. Cô luôn dậy sớm nấu bữa sáng cho cả nhà, đồng thời chuẩn bị luôn cơm trưa mang đến cơ quan. 

Làm việc 4 năm tại Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương, Tùng (SN 1984) đã cóp nhặt được một số vốn cùng bạn ra ngoài mở cửa hàng chè cũng trên đường Chùa Láng. Với số vốn bỏ ra là 130 triệu đồng để thuê địa điểm, mua sắm trang thiết bị, đến nay anh mới chỉ bán hàng hòa vốn. “Mà hòa vốn là lỗ, bởi mình phải gánh tiền nhà 13 triệu đồng/tháng”, anh buồn bã cho biết.

Dù hàng quán được bày biện khá sạch sẽ, tinh tươm, giá cả lại phải chăng, lúc khai trương bán miễn phí cả tuần liền nhưng các “thượng đế” của anh rất ít vãng lai đến. Anh nhận ra, đặc điểm của con đường này là đông khách ở đầu đường và cuối đường, khúc phố ở giữa khách khứa rất thưa thớt.

Làm việc 5 năm tại một tờ báo Đảng danh tiếng, nhưng tổng thu nhập của anh Đức (SN1984) chỉ vỏn vẹn 5 triệu đồng/tháng. Anh tích cực cộng tác với các báo, song số tiền làm thêm cũng không đáng là bao. Nghĩ đến câu nói “phi thương bất phú”, anh chuyển sang đi buôn. Tuy nhiên, thời gian “chân trong, chân ngoài” khiến anh cảm thấy mệt mỏi và chán nản khi không phát huy được kiến thức báo chí đã học. 

Kết thúc một ngày làm việc vất vả và về nhà khi đã muộn, anh chỉ kịp ăn gì đó lót dạ, rồi lăn ra ngủ. “Bận bịu với công việc, mình chẳng còn thời gian chăm sóc bản thân. Ngay cả thời gian yêu đương cũng không có, nên giờ vẫn cô đơn”, anh Đức tâm sự.

…đến cảnh sống “tầm gửi”

Ảnh minh họa
Đến tuổi trưởng thành, đi làm nhưng nhiều bạn trẻ vẫn sống dựa dẫm vào bố mẹ. Trường hợp chị Lê là một ví dụ. Là con một, đã lập gia đình, sinh con nhưng chị Lê vẫn phải cậy nhờ đến bố mẹ đẻ. Mặc dù mới được tăng lương, nhưng thu nhập của chị cũng chỉ đủ mua sữa và quần áo cho con.

Chị cho biết, vợ chồng thường xuyên ăn cơm tối ở nhà bố mẹ đẻ cho tiết kiệm. Không những thế, bố mẹ còn chuẩn bị cơm cho chị ăn trưa ở cơ quan. Chị khoe: “Bà ngoại mình sắp bán căn nhà trên phố cổ và chia đều cho các con. Mẹ mình chắc cũng được 2 tỷ. Mẹ hứa cho mình vài trăm triệu để gửi ngân hàng, rút tiền lãi tiêu dần”. 

Khó khăn là vậy nhưng chị Lê còn có người thân để dựa dẫm. Còn chị Quỳnh lại thiệt thòi hơn, do cả hai vợ chồng đều là công chức nhà nước. Ngoài thời gian đứng lớp, chị Quỳnh còn đi làm gia sư cho 3 học sinh khác. Thậm chí, mỗi lần về quê (Bắc Giang), chị Quỳnh còn tranh thủ bẻ ít vải “của nhà trông được” mang ra chợ xanh đổ cho hàng buôn để kiếm thêm thu nhập.

Chị cho biết, mặc dù chính sách tiền lương đã được cải cách nhưng vẫn chưa đủ mạnh để bản thân dồn hết tâm sức, tài năng cống hiến. Chị tiết lộ: "Mình đang dành dụm ít vốn để nhập quần áo về bán trên mạng"

Tân Hoa

tanhoa

Cùng chuyên mục
XEM