Châu Á hiện tại có khả năng rơi vào khủng hoảng như những năm 1997 - 98?

07/10/2015 15:52 PM | Kinh doanh

Xuất khẩu yếu, giá cả hàng hóa sụt giảm và thắt chặt hỗ trợ cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Đó là những yếu tố kết hợp khá tối tệ và tất nhiên, không thể thúc đẩy tăng trưởng.

Nền kinh tế châu Á hiện đã tốt hơn nhiều so với giai đoạn khủng hoảng kinh tế 1997 – 98. Mặc dù vậy, không phải là không có những vấn đề đang xảy ra. Từ Hàn Quốc cho tới Indonesia, xuất khẩu đang sụt giảm và tăng trưởng kinh tế phập phù. Đồng tiền của các nước trong khu vực đã yếu đi.

Đồng rupiah của Indonesia và ringgit của Malaysia đã phá giá xuống mức thấp nhất so với đồng đô la Mỹ kể từ hai thập kỷ qua. Trong khi đó, nợ doanh nghiệp và hộ gia đình đang tăng nhanh. Quốc gia tiêu biểu nhất, Trung Quốc, đang mất dần sức mạnh. Câu hỏi đặt ra không phải là có vấn đề hay không nữa, mà vấn đề đang và sẽ nghiêm trọng tới mức nào- và một liệu pháp nào có thể khắc phục tình trạng này.

Dù tăng trưởng chậm ở châu Á chưa phải là vấn đề quá đáng lo ngại, nó cũng đang trở nên tồi tệ hơn so với dự báo hồi đầu năm. Nhật Bản có thể phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế. Ngân hàng phát triển châu Á cho biết, nếu bỏ qua nhật Bản, tăng trưởng của toàn khu vực sẽ là 5,8% trong năm nay, giảm so với mức 6,2% trong năm ngoái và thua xa mức trung bình 8% của thập kỷ qua. Hồi đầu năm, ngân hàng dự báo 2015 tăng trưởng vẫn duy trì chứ không giảm.

Có nhiều dẫn chứng cho thấy suy thoái có thể sâu hơn. Xuất khẩu lâu nay đã là chủ đạo lèo lái kinh tế châu Á. Tuy nhiên, xuất khẩu tháng 7 thấp hơn 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đà giảm vẫn đang tiếp tục. Hàn Quốc – nền kinh tế lớn của khu vực, xuất khẩu trong tháng 9 cũng giảm 8,3% so với cùng kỳ, và đây là tháng suy giảm thứ 9 liên tục.


Phá giá đồng tiền giúp xuất khẩu của các nền kinh tế châu Á trông có vẻ tốt hơn khi tính theo khối lượng, nhưng nếu quy theo giá trị đô la Mỹ thì không hẳn như vậy. Ngân hàng ANZ nhận định có thể xảy ra một cuộc “khủng hoảng thương mại khu vực”. Những khảo sát từ phía quản lý thu mua của các nhà máy ở Hàn Quốc, Đài Loan và Malaysia đều cho thấy nhu cầu đặt hàng đang giảm xuống.

Lý giải đơn giản nhất đó là sự chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc. Sau 3 thập kỷ tăng trưởng với tốc độ 2 con số, quốc gia này hiện chỉ tăng trưởng khoảng 7%. Thậm chí con số 7% được nêu ra còn có được cho là hơi “cường điệu”.  Nguyên nhân đến từ việc chuyển đổi trong cơ cấu của nền kinh tế.

Từ trước đến nay, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng được nhờ các khoản đầu tư trên toàn thế giới đổ vào quốc gia này. Nhưng hiện tại, nó đang chuyển đổi theo hướng dựa vào nhu cầu tiêu dùng.

Tăng trưởng của từng nền kinh tế trong khu vực cũng có những vấn đề đáng lo ngại. Hầu hết các quốc gia đều gây dựng nên những khoản nợ lớn trong vài năm gần đây với chính sách tiền tệ của mình. Nợ ở khu vực châu Á, bao gồm nợ doanh nghiệp và nợ hộ gia đình, đã tăng từ dưới 150% tổng GDP vào năm 2007 lên tới trên 200% GDP vào cuối năm ngoái. Nợ tăng nhanh nhất tại Trung Quốc, nhưng nó cũng rất nhanh tại Hồng Kông, Singapore, Hàn Quốc và Thái Lan.

Những khó khăn trên không đồng nghĩa với một cuộc khủng hoảng như năm 1997 – 98 có thể tái diễn. Có những sự khác biệt giữa thực tại và lịch sử. Thời điểm cuối những năm 90, hầu hết là tiền đầu cơ vào các nền kinh tế châu Á. Các quốc gia trong khu vực thời điểm đó giữ cố định tỉ giá hối đoái và dự trữ ngoại tế rất nhỏ. Điều này khiến họ không thể hấp thụ nổi cú sốc khi các nhà đầu tư rút lui. Kết quả là từ Thái Lan, khủng hoảng lan rộng ra nhiều quốc gia khác.

Hiện tại, chính phủ các quốc gia đã làm nhiều cách để tăng cường khả năng chịu đựng những chấn động như vậy. Mỗi quốc gia có dự trữ ngoại hối dồi dào, đủ để duy trì trong nhiều tháng. Việc phát hành nợ cũng được thực hiện bằng đồng nội tệ, thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào ngoại tệ và nhà đầu tư nước ngoài như trước. Ngày nay, tỉ giá cũng trở nên linh động hơn. Những sự thay đổi này cho phép đồng tiền của Indonesia hay Malaysia có thể chịu đựng được những áp lực trong nhiều tháng thay vì sụp đổ ngay lập tức.

Mặc dù vậy, những điều đáng lo ngại lại chuyển sang khía cạnh khác. Đó là xuất khẩu. Hàng hóa hiện chiếm thị phần lớn hơn nhiều trong kim ngạc xuất khẩu của châu Á, đặc biệt là Indonesia và Malaysia. Và trong khi chính phủ châu Á đang thận trọng hơn với các khoản vay, vẫn có tiềm ẩn những rủi ro. Vay nợ của doanh nghiệp đã ở mức rất cao, thậm chí đã bằng với giai đoạn cuối thập kỷ 90.

Đầu năm nay, Morgan Stanley cho biết 28% nợ doanh nghiệp của những công ty niêm yết lớn nhất khu vực là nợ bằng đồng đô la Mỹ. Tại Hàn Quốc, người tiêu dùng đang lo lắng, với nợ hộ gia đình vào khoảng 160% thu nhập thực. Frederic Neumann của HSBC cho biết nợ tiêu dùng tăng đã trở thành “một yếu tố bắt buộc để giữ cho bánh xe kinh tế Hàn Quốc tiếp tục lăn”.

Xuất khẩu yếu, giá cả hàng hóa sụt giảm và thắt chặt hỗ trợ cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Đó là những yếu tố kết hợp khá tối tệ và tất nhiên, không thể thúc đẩy tăng trưởng. Châu Á có thể đã có kinh nghiệm để phòng bị cho một cuộc khủng hoảng. Nhưng để phòng bị cho một cuộc suy thoái từ từ, có lẽ vẫn chưa có ý tưởng nào khả thi.

Hoài An

Cùng chuyên mục
XEM