4 cách để lãnh đạo hiệu quả dù không là chuyên gia

30/10/2015 14:11 PM | Kinh doanh

Các nhà lãnh đạo thường tuyển dụng những người tài giỏi hơn mình. Nhưng họ phải làm thế nào để được nhân viên tôn trọng?

Hầu hết nhà lãnh đạo đều xuất thân là chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó và được thăng tiến dần dần trước khi ngồi vào vị trí lãnh đạo cấp cao của một tổ chức.

Tuy nhiên, khi ở những vị trí này, kiến thức chuyên môn của nhà lãnh đạo trong một lĩnh vực cụ thể nào đó lại không phải là yếu tố quan trọng nhất giúp họ thành công. Nhiệm vụ của nhà lãnh đạo là dẫn dắt một nhóm và phải là người nắm bắt được nhiều thông tin nhất trong nhóm.

Wanda Wallace - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc (CEO) của công ty tư vấn và dẫn dắt các nhà lãnh đạo Leadership Forum, và David Creelman – CEO của công ty quản lý nguồn nhân lực Creelman Research, đã chia sẻ trong một bài viết trên tạp chí Harvard Business Review lý do vì sao các nhà lãnh đạo giỏi nhất không nhất thiết phải là những chuyên gia. “Những nhà lãnh đạo có một bề dày về chuyên môn thường đi lạc hướng trong lãnh đạo vì họ phản ứng trước những thách thức bằng cách dựa dẫm quá nhiều vào những điểm mạnh cốt lõi của mình: đó là sự thông minh và khả năng làm việc với cường độ cao”, Wallace và Creelman viết.

Các tác giả khuyên các nhà lãnh đạo không nên cố gắng trở thành một chuyên gia. Bởi lẽ, nhà lãnh đạo có nhiều nhiệm vụ quan trọng hơn phải làm, trong khi các nhân viên có thể có đủ tất cả kiến thức chuyên môn mà nhà lãnh đạo cần.

“Các nhân viên am hiểu lĩnh vực của họ hơn sếp thường sẽ không tôn trọng sếp và nhà quản lý thường bị mất tự tin khi nói chuyện với các sếp cấp cao hơn. Nhưng nếu nhà lãnh đạo có nỗ lực gấp đôi để am tường hết mọi kiến thức chuyên môn đi nữa thì điều đó chỉ khiến họ nhanh chóng thất bại”, các tác giả viết.

Để được nhân viên tôn trọng, Wallace và Creelman khuyên các nhà lãnh đạo không nhất thiết phải tập trung vào chuyên môn mà chỉ cần xây dựng cho mình phong cách, hình ảnh của một nhà lãnh đạo bao quát (generalist leadership) bằng những cách sau đây:

1. Xây dựng các mối quan hệ

Nếu trước khi trở thành một nhà lãnh đạo, một người phải nắm bắt nhiều “thực tế và con số”, thì khi trở thành một nhà lãnh đạo, nhiệm vụ của người ấy phải chuyển sang xây dựng các mối quan hệ.

“Một nhà quản lý chuyên gia (specialist manager) phải biết được cách thực hiện một công việc nào đó, còn một nhà quản lý bao quát (generalist manager) phải biết được nên giao phó công việc ấy cho ai. Một nhà lãnh đạo chuyên gia chỉ ra giải pháp cho nhân viên, còn nhà lãnh đạo bao quát tập hợp tất cả các nhân viên lại để cùng nhau tìm ra giải pháp”, Wallace và Creelman viết.

Để xây dựng quan hệ với nhân viên, nhà lãnh đạo cũng cần phải dành nhiều thời gian gặp gỡ trực tiếp nhân viên để tìm hiểu các kỹ năng và tài năng của họ. Theo các tác giả, một nhà lãnh đạo bao quát cần phải hiểu nhân viên như một cá nhân và đối xử tốt với họ cũng như đối xử tốt với khách hàng.

2. Không trực tiếp thực hiện công việc mà hãy tạo điều kiện để nhân viên làm điều đó

Nhiệm vụ của một chuyên gia là phải tự mình thực hiện các công việc. Nhưng một nhà quản lý bao quát phải đóng vai trò của một người hỗ trợ (enabler), nghĩa là giúp cho các chuyên gia thực hiện tốt công việc.

“Nhà lãnh đạo cần phải biết khi nào để cho nhân viên tự mình thực hiện công việc, khi nào thì nên can thiệp. Đây là một thách thức lớn vì nhà lãnh đạo có rất nhiều nhiệm vụ và cần phải nhận định được một cách nhanh chóng khó khăn tiềm ẩn ở đâu”, Wallace và Creelman viết.

Các tác giả khuyên nhà lãnh đạo nên thường xuyên tham gia vào các cuộc họp để tạo ra các cuộc đối thoại hai chiều giữa sếp và nhân viên và đảm bảo rằng nhân viên cấp dưới không thực hiện công việc của họ một cách bị động.

3. Nhìn sự việc một cách bao quát

Giá trị của một nhà lãnh đạo nằm ở khả năng nhìn thấy một bức tranh rộng lớn và kết nối các sự việc với nhau. “Một nhà lãnh đạo chuyên gia thường “nhìn xuống”, tập trung vào một hành động cụ thể nào đó, trong khi một nhà lãnh đạo bao quát phải “nhìn lên”, quan sát mọi việc xung quanh”, các tác giả viết.

Để trở thành một người có tư duy bao quát, nhà tư vấn Rob Kaiser khuyên một nhân viên nên lấy ra một vấn đề lớn và phân tích tác động của nó đối với những người ở trên mình hai cấp bậc. Sau đó, phân tích tác động của vấn đề ấy đối với hội đồng quản trị và các nhà đầu tư.

“Điều này nghe có vẻ đơn giản nhưng thực tế lại là một thách thức rất lớn và nếu làm được như vậy nhà quản lý mới có thể tạo ra sự khác biệt lớn cho tổ chức”, Wallace và Creelman khuyên.

4. Xây dựng phong cách lãnh đạo hiệu quả

Giá trị của một chuyên gia nằm ở chỗ người ấy rất am hiểu thực tế. Nhưng một nhà lãnh đạo cần xuất hiện với hình ảnh, phong thái của một nhà điều hành hiệu quả. “Cách ăn mặc, đi đứng, phát biểu là những kỹ năng cần có của một nhà lãnh đạo và những kỹ năng ấy cần phải được rèn luyện”, Wallace và Creelman viết.

Những nhà lãnh đạo chính trị hiệu quả khi phát biểu trước công chúng thường có một phong cách rất thoải mái, truyền đạt ngắn gọn và súc tích, nhưng họ cũng nuôi dưỡng một sự kết nối về cảm xúc với người nghe.

Theo Đông Dương

Cùng chuyên mục
XEM