Các chủ nợ đã đồng thuận "xuống nước" với bầu Đức nhưng lại đến lượt đàn bò... quay lưng?

13/02/2017 16:44 PM | Kinh doanh

Hàng loạt các khoản vay trái phiếu trị giá chục nghìn tỷ đồng đã được các chủ nợ ân hạn cho Hoàng Anh Gia Lai, thậm chí có khoản vay phải tới năm 2026 mới đáo hạn.

Doanh thu cao kỷ lục nhưng biên lợi nhuận từ bán bò đang giảm

Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai vừa công bố báo cáo tài chính quý 4 năm 2016. Theo đó, năm nay Hoàng Anh Gia Lai đạt doanh thu 6.460 tỷ, chỉ tăng 3% so với năm trước. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 30% xuống chỉ còn dưới 16% khiến lãi gộp năm nay của HAGL chỉ ở mức 1.000 tỷ.

Trong cơ cấu doanh thu của HAGL, đàn bò vẫn là nguồn thu chủ lực, đem về hơn 3.500 tỷ đồng, tiếp đến là doanh thu cung cấp dịch vụ (879 tỷ) và doanh thu bán sản phẩm, hàng hoá (629 tỷ).

Đáng chú ý, biên lãi gộp từ mảng bán bò của Hoàng Anh Gia Lai đang ngày càng giảm, từ mức 38% hồi quý 2/2015 giảm xuống chỉ còn 5% trong quý 4 vừa qua.

Trong khi đó, các khoản chi phí đồng loạt tăng vọt gồm chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp, khiến HAGL chịu lỗ ròng 1.020 tỷ đồng. Năm qua, bầu Đức đã phải trả chi phí lãi vay 1.557 tỷ đồng, tức trung bình 4,3 tỷ mỗi ngày. Chi phí tài chính đã ngốn hết lợi nhuận của Hoàng Anh Gia Lai.

Hàng loạt các khoản vay được gia hạn

Cũng theo báo cáo này, tổng giá trị vay nợ của HAGL đến cuối năm 2016 xấp xỉ so với hồi đầu năm, ở mức 27.366 tỷ đồng.

Trong đó, HAGL hiện vay ngắn hạn gần 6.600 tỷ và vay dài hạn gần 20.800 tỷ. Cơ cấu vay dài hạn của HAGL bao gồm hơn 12.000 tỷ là các khoản trái phiếu và nhiều trái phiếu sẽ đáo hạn ngay trong năm 2017, gây áp lực lớn về thanh khoản cho Bầu Đức.

Tuy nhiên, điều đáng mừng này là toàn bộ các khoản vay sắp đáo hạn này đều sẽ được gia hạn thêm vài năm nữa, có những khoản vay sẽ được gia hạn 2-3 năm, thậm chí có khoản vay sẽ được lùi tới năm 2026, tức 10 năm nữa HAGL mới phải trả nợ. Khoản vay được gia hạn lớn nhất nằm trong số 6.546 tỷ trái phiếu do HAGL phát hành cho BIDV và Công ty chứng khoán BSC.

BIDV chính là chủ nợ lớn nhất của HAGL và cũng chính là đơn vị chủ trì xử lý nợ cho HAGL vào giữa năm 2016.

Như vậy, trong số hơn 12.000 tỷ trái phiếu này, sớm nhất là năm 2019 Hoàng Anh Gia Lai mới phải thu xếp tài chính trả nợ và muộn nhất là tới năm 2026. Khi đó, nếu việc khai thác mủ cao su thuận lợi, đồng thời giá cao su trên thị trường thế giới hồi phục trở lại, bầu Đức hoàn toàn có khả năng trả lại vốn cho các chủ nợ của mình.

Hà My

Cùng chuyên mục
XEM