Bộ trưởng Tài chính APEC sẽ thảo luận 4 nội dung quan trọng

16/10/2017 14:40 PM | Xã hội

VOV.VN - Ông Vũ Nhữ Thăng - Vụ trưởng vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính trả lời một số vấn đề xung quanh của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC.

Từ ngày 19-21/10 tới tại Hội An, Quảng Nam sẽ diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC và các Hội nghị liên quan. Đây là sự kiện quan trọng nhất của Tiến trình Bộ trưởng APEC và cũng là một trong những hội nghị trù bị quan trọng cho Tuần lễ Cấp cao APEC sẽ diễn ra vào tháng đầu tháng 11.

Trước thềm sự kiện, phóng viên Đài TNVN đã phỏng vấn ông Vũ Nhữ Thăng - Vụ trưởng vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính.

PV: Thưa ông, xin ông cho biết, nội dung của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC và các Hội nghị liên quan?

Ông Vũ Nhữ Thăng: Về nội dung thảo luận sẽ có nhiều nội dung quan trọng. Theo thông lệ của APEC sẽ có phiên thảo luận về kinh tế vĩ mô toàn cầu. Qua cuộc thảo luận, các Bộ trưởng sẽ có những đánh giá và ý kiến về nền kinh tế toàn cầu, khu vực, những thách thức và thuận lợi và tác động của nó tới khu vực. Đây là một kênh để hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng chính sách, điều hành chính sách và gắn chính sách với của các nền kinh tế thành viên APEC.

Ông Vũ Nhữ Thăng - Vụ trưởng vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính.

(Ảnh minh họa: KT)

Sau phiên thảo luận về kinh tế vĩ mô, các Bộ trưởng sẽ có phiên thảo luận về 4 ưu tiên của năm 2017 gồm: Đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng, xói mòn cơ sở thuế và dịch chuyển lợi nhuận, Tài chính và Bảo hiểm rủi ro thiên tai và Tài chính bao trùm. 4 chủ đề ưu tiên này là do Việt Nam đề xuất từ cuối năm 2016 sau khi đã có sự tham khảo các nước thành viên APEC. 4 chủ đề này đã được đưa ra thảo luận trong suốt tiến trình các hội nghị APEC 2017, từ hội nghị Nha Trang đến hội nghị ở Ninh Bình và đến nay là sẽ báo cáo kết quả lên hội nghị Bộ trưởng diễn ra tại Hội An.

Bên cạnh 4 nội dung ưu tiên, các Bộ trưởng cũng sẽ có phiên đối thoại: Tăng cường, gắn kết các nhà hoạch định chính sách với các nền kinh tế tư nhân, đối thoại giữa các Bộ trưởng kinh tế APEC với Hội đồng tư vấn doanh nghiệp APAC. Đây là một cơ chế để trao đổi những thông tin và lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp và tập đoàn lớn trong khu vực. Trong nội dung này, sẽ tập trung vào các vấn đề như: Toàn cầu hóa, đầu tư cho cơ sở hạ tầng và nhiều vấn đề mà Hội đồng tư vấn doanh nghiệp APAC thấy là họ cần phải chia sẻ, trao đổi và báo cáo lên Hội nghị Bộ trưởng.

PV: Như ông đã đề cập, có 4 nội dung ưu tiên sẽ đặc biệt được thảo luận trong Hội nghị Bộ trưởng Tài chính năm 2017, xin ông cho biết rõ hơn về những nội dung này?

Ông Vũ Nhữ Thăng: Về 4 nội dung ưu tiên của năm APEC 2017, với đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng, kế thừa những hoạt động của hội nghị thứ trưởng tài chính và thống đốc các ngân hàng trung ương từ đầu năm, đã có cuộc thảo luận về vấn đề này và có những hội thảo và chia sẻ kinh nghiệm của các nước thành viên APEC và hội nghị liên quan về đầu tư cho cơ sở hạ tầng.

Với nội dung này sẽ tập trung làm thế nào huy động nguồn lực cho đầu tư cơ sở hạ tầng và đặc biệt là phát huy vai trò của khu vực tư nhân tham gia. Trong nội dung thảo luận cũng sẽ đi sâu vào thảo luận những cơ chế chia sẻ lợi ích cũng như giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư. Trong suốt tiến trình APEC từ hội nghị thứ trưởng Bộ Tài chính và Thống đốc các Ngân hàng trung ương cũng đã được thảo luận chi tiết.

Nội dung thứ 2 cũng sẽ được báo cáo lên Hội nghị Bộ trưởng Tài chính là chống Xói mòn cơ sở thuế và dịch chuyển lợi nhuận. Đây là vấn đề được hội nghị G20 thông qua vào cuối năm 2015, với sáng kiến BEPS về chống xói mòn cơ sở thuế và dịch chuyển lợi nhuận gồm 15 hành động. Các nước G20 và tổ chức OECD cũng đã khuyến khích các nền kinh tế khác tham gia và chia sẻ nội dung này.

Trong chương trình hành động CEBU thông qua tại Philippines, các Bộ trưởng Tài chính đã cùng nhau thông qua một nội dung là cùng nhau chia sẻ và thực hiện sáng kiến BEPS. Việt Nam chúng ta, với tư cách là nước chủ nhà năm 2017, chúng ta cũng sẽ thúc đẩy nội dung sáng kiến này trong khuôn khổ hoạt động APEC năm 2017. Chúng ta cũng đã nhận được sự quan tâm của các nền kinh tế thành viên APEC cũng như các tổ chức quốc tế như OECD và World Bank.

Trong suốt tiến trình APEC năm 2017, chúng ta đã tổ chức một số cuộc hội thảo chia sẻ kinh nghiệm của các nước thành viên kinh tế APEC cũng như kiểm điểm việc thực hiện sáng kiến BEPS đến đâu cũng như bước đi lộ trình như thế nào thông qua các hội nghị trước. Đến nay, các quan chức tài chính APEC cũng nhất trí cần phải tăng cường và chia sẻ kiến thức, cũng như kinh nghiệm đào tạo khu vực để nâng cao nhận thức về BEPS và cũng thúc đẩy thực hiện sáng kiến này.

Về nội dung thứ 3 liên quan đến Tài chính và Bảo hiểm rủi ro thiên tai. Đây cũng là một chủ đề ưu tiên của Việt Nam chúng ta trong năm 2017. Trong đó tập trung vào các giải pháp Tài chính và Bảo hiểm ứng phó với rủi ro thiên tai và bù đắp thiệt hại khi thiên tai xảy ra.

Qua thảo luận tại một số cuộc hội thảo về chủ đề này, các quan chức tài chính đã trao đổi về kinh nghiệm cũng như chiến lược về Tài chính và Bảo hiểm ứng phó với rủi ro thiên tai ở cấp quốc gia và địa phương và các chính sách quản lý rủi ro đối với tài chính công tại các nền kinh tế thành viên APEC cũng như nhóm công tác APEC về tài chính. Kết quả của các hội nghị này sẽ được báo cáo lên Hội nghị Bộ trưởng Tài chính từ ngày 19-21/10 tới đây.

Nội dung cuối cùng liên quan đến Tài chính bao trùm. Chủ đề này cũng nhận được sự quan tâm của các nước thành viên kinh tế APEC, cũng như các tổ chức quốc tế như Diễn đàn về trao đổi thông tin tín dụng, Diễn đàn về tài chính bao trùm và Diễn đàn phát triển về cơ sở hạ tầng tài chính. Trong quá trình trao đổi thì các quan chức tài chính cũng đã thống nhất 1 số nội dung cần phải tăng cường hợp tác trong hội nghị APEC, đặc biệt cơ chế trao đổi thông tin tín dụng. Những kết quả này sẽ được báo cáo lên Hội nghị Bộ trưởng Tài chính tới đây.

PV: Với tư cách là nước chủ nhà của Hội nghị APEC năm 2017, Việt Nam có kế thừa và đóng góp gì để đưa sáng kiến này vào thực tế cũng như tiến trình hội nghị APEC 2017?

Ông Vũ Như Thăng: Việt Nam chúng ta khi dự kiến chương trình trao đổi hợp tác thì chúng ta cũng thấy rằng đây là nội dung có tính kế thừa trong những giai đoạn trước đã thảo luận vào năm 2015 thảo luận tại Philippines và năm 2016 tại Peru nhưng lúc đó mới chỉ định hình được bộ khung của chính sách. Tuy nhiên, đối với mỗi nước sẽ lại có sự biến đổi tùy theo chính sách của mội quốc gia.

Trên thực tế này, Việt Nam chúng ta đã chủ động đề xuất bổ sung sáng kiến. Trong năm 2017, Việt Nam với tư cách là nước chủ nhà và là nước đang phát triển nên chúng ta rất quan tâm tới một số nội dung trong sáng kiến BEPS, trong đó có gói hành động tối thiểu, liên quan đến những sáng kiến chính mà chúng ta tham gia. Đối với một nước, chúng ta không thể một lúc thực hiện được hết.

Chính vì vậy Việt Nam chúng ta cũng thấy là trong các nước thành viên APEC cũng có những nước đang phát triển giống chúng ta. Và chúng ta thấy là cần phải chia sẻ những khó khăn và thách thức khi thực hiện một số sáng kiến tối thiểu, qua đó, để các nước trong diễn đàn có thể cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm cũng như kiểm điểm quá trình thực hiện ở quốc gia mình, cũng như cùng nhau khi thực hiện sáng kiến này.

Tại hội nghị thứ trưởng vào tháng 2/2017, các nước cũng đã có báo cáo đánh giá chung về cập nhật tiến trình của từng quốc gia và một số nền kinh tế trong quá trình thực hiện sáng kiến BEPS tại một số nền kinh tế. Đồng thời các nước cũng nhận thấy rằng có những thách thức trong quá trình thực hiện sáng kiến này.

Do vậy, hội nghị thứ trưởng cũng đã nhấn mạnh nhu cầu về đào tạo để làm sao tổ chức thêm các cuộc hội thảo để các nước thành viên APEC có thể cập nhật kỹ hơn về 15 sáng kiến này. Và cập nhật luật pháp trong quá trình thực hiện sáng kiến BEPS. Đấy là định hướng của hội nghị Thứ trưởng. Sau đó đến hội nghị quan chức tài chính tại Ninh Bình, chúng tôi cũng đã tổ chức thêm các cuộc hội thảo chia sẻ những báo cáo đánh giá về thực hiện gói hành động tối thiểu, trong đó cũng trao đổi về quy định pháp luật trong nước.

Liên quan đến vấn đề trượt giá, hay những khảo sát tại các nước thành viên APEC liên quan đến vấn đề thông tin thuế. Cũng như một số đề xuất về đào tạo về giải pháp đối phó với vấn đề trượt giá, hội nghị quan chức cũng đã nhấn mạnh đến việc khuyến khích các nền kinh tế tham gia thương vụ thuế đa phương. Đây là một công cụ thuế rất quan trọng.

Bởi lẽ, mỗi nước đều có hiệp định kinh tế song phương, nên để tiếp cận hiệu quả và giảm thiểu chi phí, trong quá trình rà soát và sửa đổi các hiệp định kinh tế đa phương nên các nước trong đó có Việt Nam mong muốn thúc đẩy các diễn đàn kinh tế đa phương.

PV: Xin cảm ơn ông!

Theo Hồng Nhung

Cùng chuyên mục
XEM