Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam: 'Tố' Uber, Grab trốn thuế, thế nhưng vẫn có những chiếc taxi truyền thống cơ quan quản lý chưa thể thu đủ thuế!

19/09/2017 15:56 PM | Kinh tế vĩ mô

Theo Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, bà Nguyễn Thị Cúc, thì ở một chừng mực nào đó, quản lý thuế ở Uber, Grab có khi còn dễ hơn một số loại hình taxi truyền thống. 'Đối tác' của Uber, Grab đều có giấy đăng ký kinh doanh để nộp thuế, trong khi nhiều tài xế taxi không hề có hợp đồng với hãng, chỉ mua lại bộ đàm và mào taxi, chạy thu tiền mà không hề nộp đủ thuế.

Trong trên dưới 3 năm xuất hiện, những ứng dụng gọi xe trực tuyến Uber, Grab đã thực sự trở thành những ‘kẻ xâm lược’ nhanh và nguy hiểm nhất trong thị trường vận tải hành khách tại Việt Nam. Chuyện những ‘ông lớn’ Mai Linh, Vinasun, Thanh Nga…phải ‘ngậm ngùi’ nhìn khách hàng của mình từ chối những chiếc taxi truyền thống và bước lên những chiếc ô tô cá nhân là ‘đối tác’ của Uber, Grab đã minh chứng cho sự thành công của hai ứng dụng này.

Điệp khúc được các hãng taxi truyền thống lặp đi lặp lại để phản đối mô hình gọi xe của Uber và Grab là hai công ty này dường như đang trốn thuế. Thế nhưng, từ góc độ một người làm việc lâu năm trong ngành thuế, bà Cúc chia sẻ một góc nhìn khá mới mẻ.

Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam: Tố Uber, Grab trốn thuế, thế nhưng vẫn có những chiếc taxi truyền thống cơ quan quản lý chưa thể thu đủ thuế! - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế

Theo bà, taxi truyền thống có thể chia làm 2 loại hình.

Thứ nhất là hình thức xe taxi thuộc sở hữu của hãng, tài xế lái xe sẽ nộp doanh thu trở lại hãng và hãng sẽ ăn chia số tiền này với tài xế theo một tỷ lệ. Ở hình thức này, hãng xe có thể kiểm soát được số chuyến đi và doanh thu chuyến của mỗi tài xế, từ đó có thể nộp thuế đầy đủ.

Hình thức thứ hai là những chiếc taxi mà tái xế là người sở hữu xe. Các tài xế sẽ mua lại bộ đàm, mào taxi của hãng, chạy với tư cách taxi của hãng nhưng thực ra hoàn toàn làm chủ doanh thu của mình.

Hiểu đơn giản, các tài xế này giống như những ‘đối tác ‘ trong mô hình Uber, Grab. Và cũng từ đây, câu hỏi ‘nộp thuế đã đủ chưa’ được đặt ra với chính những hãng taxi truyền thống.

“Tôi muốn nhắc đến taxi truyền thống trước. Có hai hình thức taxi truyền thống: Loại thứ nhất, lái xe thu tiền, rồi căn cứ vào doanh thu và tình hình vận hành để ăn chia theo tỷ lệ quy định; Loại thứ hai, xe thuộc sở hữu của tài xế và họ chỉ nộp tiền bộ đàm cho công ty taxi. Đối với loại thứ hai, cơ quan chức năng đã quản lý được chưa? Công ty taxi chỉ quan tâm đến số tiền bộ đàm. Ai quản lý doanh thu của lái xe? Xe đã chạy bao nhiêu chuyến? Chắc chắn là hiện nay cũng chưa quản lý được”, bà Cúc nói.

Cũng nhìn từ giác độ so sánh này thì ở một chừng mực nào đó, bà Cúc còn cho rằng chuyện quản lý thuế ở những mô hình Uber, Grab có khi lại dễ dàng hơn cả những mô hình taxi truyền thống.

Lý do là vì các tài xế của các ứng dụng gọi xe trực tuyến khi muốn tham gia lái xe sẽ đều phải đăng ký kinh doanh theo mô hình hợp tác xã vận tải như một doanh nghiệp. Uber, Grab dựa trên cơ sở này có thể quản lý doanh thu của tài xế và nộp thuế hộ những ‘đối tác’ lái xe của mình.

Trong dài hạn, tầm nhìn của các ứng dụng gọi xe trực tuyến là thanh toán sẽ hạn chế tiền mặt và chủ yếu thông qua tài khoản ngân hàng. Nếu viễn cảnh này thành sự thật thì rõ ràng câu trả lời cho câu hỏi thu thuế dễ hơn đối với Uber, Grab hay dễ hơn với taxi truyền thống có lẽ đã rõ ràng.

Chia sẻ rằng chính mình đã được chứng kiến các tài xế Uber, Grab đều có đủ giấy đăng ký kinh doanh hành nghề theo hình thức hợp tác xã vận tải, bà Cúc lập luận:

“Trong khi đó, về nguyên tắc Uber chỉ cho phép chủ xe có giấy kinh doanh hành nghề mới được dùng dịch vụ của họ. Mỗi xe Uber có một giấy tờ chứng minh đã đăng ký kinh doanh trong một doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải và hiện nay các lái xe đều đang nộp thuế TNCN . Còn lái xe truyền thống loại xe cá nhân chỉ góp vào công ty để lấy thương hiệu là hầu như chưa nộp thuế. Nói như thế để thấy cơ quan thuế còn có thể thu được từ lái xe Uber, nhưng taxi trong nước thì vẫn còn số lượng rất nhiều chưa thu được thuế, việc thu thuế gặp không ít khó khăn”

Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam: Tố Uber, Grab trốn thuế, thế nhưng vẫn có những chiếc taxi truyền thống cơ quan quản lý chưa thể thu đủ thuế! - Ảnh 2.

Cũng theo vị Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam thì ở cuối cùng của chuyện ‘Uber, Grab và taxi truyền thống, ai nộp thuế đủ’ chính là những vấn đề còn tồn tại khiến cho các cơ quan thuế không thể thu đủ số tiền vốn đang bị thất thoát. Chìa khóa để giải bài toàn này là sự chia sẻ dữ liệu công khai giữa các hãng xe và cơ quan thuế.

“Theo Pháp luật thuế: người nộp thuế tự khai, tự nộp và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật.. Còn cơ quan thuế không thể nào đi theo để nắm hết tất cả số lượng xe trong toàn quốc, mỗi xe đi bao nhiêu km, thu bao nhiêu tiền. Cơ quan thuế phải thông qua cơ sở dữ liệu mà người nộp thuế kê khai. Nếu người khai thuế gian lận thì cơ quan thuế sẽ có những biện pháp ấn định và truy thu, xử phạt vi phạm theo Luật định. Tuy nhiên nếu kết nối dữ liệu của các hãng xe, ứng dụng với cơ quan thuế thì sẽ giảm thiểu tính trạng thất thu thuế của hoạt động vận tải", bà Cúc cho biết.

Trong phần cuối của cuộc trao đổi, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế có kể về một ví dụ về ở nước ngoài, khi mà dữ liệu buôn bán của các nhà kinh doanh được công khai toàn bộ với các cơ quan thuế, qua đó giúp cho việc nộp thuế không bị thất thoát.

Thử tưởng tượng, nếu ở Việt Nam, khi bạn đi cắt tóc và trả giá 50.000 đồng thì do giao dịch chủ yếu bằng tiền mặt, dữ liệu giao dịch này sẽ chỉ có bạn và anh thợ cắt tóc biết với nhau.

Kết quả, một phần thuế VAT trị giá 2.500 đồng (thuế suất VAT dịch vụ cắt tóc là 5%) đáng phải nộp vào ngân sách Nhà nước nhiều khả năng sẽ bị bỏ qua, do sự ‘xuề xòa với luật pháp’ cả chính người bán dịch vụ là anh thợ cắt tóc và người mua dịch vụ là bạn.

Thế nhưng, ở nước ngoài, ngay cả ở những cửa hàng nhỏ, khi bạn mua một món hàng thì người bán sẽ ngay lập tức sử dụng một máy nhập để chuyển dữ liệu bán hàng này đến thẳng cơ quan thuế.

Bà Cúc công nhận trong bất cứ một nền kinh tế nào, dù có phát triển nhất, việc thất thu thuế từ các giao dịch tiền mặt là điều không thể tránh khỏi. Thế nhưng, khi dữ liệu được chia sẻ như trên, chắc chắn những con số thất thu thuế sẽ được hạn chế đáng kể.

Vượng Lê

Cùng chuyên mục
XEM